Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài học mang tên Lehman Brother (phần 1)

Ngày 15/9/2008, một trong những tập đoàn chứng khoán và ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 của Mỹ  là Ledman Brother tuyên bố phá sản với khoản nợ 613 tỷ đôla Mỹ sau khi không có công ty nào chấp nhận mua lại.
 
a
Ảnh Wordpress

Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sự sụp đổ của Lehman đã gây ra chấn động khắp thế giới. Thị trường chứng khoán ở châu Âu và châu Á giảm mạnh. Đồng đôla sụt giảm so với đồng yen, euro và franc Thụy Sĩ .

Khởi nghiệp và đỉnh cao


Lehman Brother (Anh em nhà Lehman) được thành lập năm 1850 bởi ba anh em Henry, Emanuel và Mayer Lehman người Do Thái từ Đức di cư sang Mỹ, được biết với cái tên Công ty Thương mại Lehman Brother hoạt động trong lĩnh vực buôn bán bông.

Năm 1855, Henry qua đời và công việc kinh doanh do hai anh em Emanuel và Mayer chịu trách nhiệm chính. Họ đã dùng nguồn tài chính của mình để tiến hành đầu tư tham gia khôi phục lại bang Alabama bị tàn phá bởi cuộc nội chiến Hoa Kỳ và thu lời to lớn. Không bao lâu sau, anh em nhà Lehman quyết định dời trụ sở công ty mình tới thành phố New York. Năm 1870, sở giao dịch hoa bông New York được thành lập; và công ty của anh em nhà Lehman đã góp một tay. Năm 1884, Emanuel nhận cương vị giám đốc sở giao dịch hoa bông nói trên. Từ đó, công ty Lehman Brother còn tham gia vào thị trường trái phiếu phát triển đường sắt, bắt đầu hoạt động tư vấn đầu tư.

Năm 1887, công ty của anh em nhà Lehman trở thành hội viên của Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Năm 1899, lần đầu tiên công ty nhận bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Sau khi con trai của Emanuel là Phillips lên làm chủ tịch công ty thì Lehman Brothers bắt đầu liên kết với Goldman Sachs và trong vòng 20 năm, liên danh này đã nhận bảo lãnh phát hành hàng trăm trái phiếu doanh nghiệp khác nhau.
Con trai của Phillips là Robert nối nghiệp ông cha đã làm nên kỳ tích, giúp Lehman Brother vượt qua những ngày tháng khó khăn do cuộc đại khủng hoảng gây ra. Lúc ấy, công ty này đã hậu thuẫn tài chính cho các nhà đầu tư cá nhân và hỗ trợ tài chính cho các vụ sáp nhập doanh nghiệp. Sự nghiệp kinh doanh mạo hiểm của Lehman Brothers bắt đầu từ đó.

Trong thời gian tồn tại của mình, Lehman đã không ít lần gặp khủng hoảng, nhưng đều đã vượt qua nhờ có tiếng là một ngân hàng đầu tư khôn ngoan và quản lý tốt.

Vào thập niên 1980, trong Lehman xảy ra mâu thuẫn nội bộ khá sâu sắc. Khi đó, Dick Fuld, người hiện là CEO của Lehman, còn là người đứng đầu bộ phận giao dịch trái phiếu. Còn bộ phận ngân hàng của Lehman do hai nhân vật có tên Steve Schwarzman và Pete Peterson đứng đầu.

Ở thời điểm đó, Fuld là người cực kỳ thận trọng. Bộ phận ngân hàng chủ trương sử dụng nguồn vốn của chính Lehman để thực hiện các vụ làm ăn có tính rủi ro cao, nhưng Fuld đã kiên quyết phản đối ý tưởng này.

Sau đó, do suy yếu vì mâu thuẫn nội bộ, Lehman Brothers bị bán lại cho hãng thẻ tín dụng American Express vào năm 1984. Fuld tiếp tục ở lại trong Lehman, còn Schwarzman và Peterson ra đi để thành lập quỹ đầu tư Blackstone và trở thành hai tỷ phú.

Vào năm 1994, American Express từ bỏ chiến lược “siêu thị tài chính” của mình. Kết quả, một công ty nhỏ, thiếu vốn tách ra từ tập đoàn này, với tên gọi ban đầu là Lehman Brothers. Đó là lý do tại sao, nhiều người vẫn nói rằng, Lehman không phải là một ngân hàng đầu tư 158 tuổi, mà chỉ là một công ty 14 tuổi với cái tên 158 tuổi.

Sự thay đổi trong cách nhìn của CEO Fuld là một trong những lý do đẩy Lehman vào bi kịch hiện nay.

Từ chỗ là một người thận trọng, theo thời gian, Fuld trở thành một CEO liều lĩnh. Bởi thế, mô hình làm ăn kiểu đi vay kết hợp đầu tư rủi ro của Lehman liên tục “phình ra”, thậm chí cả khi các doanh nghiệp khác trong ngành tài chính cắt giảm hoạt động này trong hoàn cảnh khủng hoảng tín dụng mỗi lúc thêm trầm trọng.

Lehman đã vay quá nhiều vốn và dùng phần lớn khoản tiền này vào những vụ đầu tư các loại tài sản có chất lượng đáng ngờ, rồi chờ mất vài tháng để khẳng định rằng, tình hình vẫn ổn, trong khi thực tế không phải vậy.

Mùa hè năm ngoái, khi khủng hoảng bắt đầu tấn công vào Phố Wall, Fuld khẳng định, đó chỉ là những rắc rối ngắn hạn và những công ty dám chấp nhận rủi ro lớn sẽ là những người thu lợi lớn một khi khủng hoảng chấm dứt. Do đó, Lehman đã tăng gấp đôi số tiền đầu tư vào các loại chứng khoán phái sinh phát hành dựa trên nợ cầm cố.

Còn vào tháng 10 năm ngoái, giữa lúc giá địa ốc ở Mỹ rơi tự do, Lehman đã chi tới 22,2 tỷ USD để mua lại một công ty đầu tư phát triển nhà chung cư lớn là Archstone. Vụ làm ăn này ngay lập tức đem lại thua lỗ.

Đó là những sai lầm quá lớn. Từ đó trở đi, Lehman liên tục lỗ đậm.

Cùng với đà leo thang của khủng hoảng, các loại chứng khoán này liên tục sụt giá và trở thành liều thuốc độc đối với khả năng thanh khoản của Lehman.

Kết quả là riêng trong nửa đầu năm 2008, cổ phiếu của Lehman Brother mất giá tới 70%. Lòng tin của các nhà đầu tư tiếp tục giảm đi khi cổ phiếu của công ty mất giá thêm 50% vào ngày 9 tháng 9 .

Trước dấu hiệu Chính phủ Hoa kỳ sẽ không làm gì để cứu công ty tài chính này cũng như những nỗ lực cuối cùng tìm đối tác mua đã trở nên vô vọng sau khi ngân hàng Anh Barclays rút khỏi đàm phán, ngày 10 tháng 9 công ty tuyên bố đã thua lỗ 3,9 tỷ đôla Mỹ. Ngày 15 tháng 9, Lehman Brother đệ trình hồ sơ xin phá sản. Sự sụp đổ của Lehman không chỉ khiến các cổ đông điêu đứng mà còn khiến 25.000 nhân viên của tập đoàn này lâm vào cảnh thất nghiệp.

Bài học mang tên Lehman Brother

“Chìm xuồng” với khoản nợ khổng lồ, vụ phá sản của Lehman Brothers được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử. Với sự tan rã của Bear Stearn, Lehman và Merrill Lynch, trong vòng 6 tháng qua, số ngân hàng đầu tư của Phố Wall đã giảm từ 5 xuống còn 2. Hai cái tên còn lại là Goldman Sachs và Morgan Stanley*.

Theo giới phân tích, số phận đáng buồn của ngân hàng đầu tư lớn thứ tư nước Mỹ hàm chứa nhiều bài học và những lời cảnh báo dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính nước này.

Các nhà quan sát cho rằng, lý do Lehman bị cơn bão khủng hoảng tài chính làm sụp đổ là vì ngân hàng này đã liều mình tham gia và rồi thua cuộc trong một trò chơi đầy mạo hiểm, với những khoản đầu tư có khả năng đem lại lợi nhuận cực cao nhưng cũng vì thế mà có độ rủi ro cực lớn.

Ngân hàng đầu tư là một định chế tài chính có mức độ rủi ro rất cao và kiếm tiền thông qua quản trị rủi ro. Rủi ro cao đối với lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng tín dụng toàn diện và khốc liệt trong lịch sử là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của một đế chế tài chính già cỗi 158 năm tuổi.

Lehman - cũng như các ngân hàng đầu tư khác - đã sử dụng nghiệp vụ chứng khoán hóa (securitisation) để biến các khoản cho vay, mua bất động sản thành các gói trái phiếu có gốc bất động sản (MBS, MBO, CDO) đầy rủi ro cung cấp cho thị trường. 

Khi nền kinh tế đi xuống, người vay tiền mua nhà không trả được các khoản vay mua nhà thì rủi ro tín dụng được chuyển sang các gói trái phiếu có các danh mục tín dụng bất động sản làm tài sản đảm bảo. Khủng hoảng càng gia tăng thì việc phát mại tài sản càng tăng làm giá bất động sản càng giảm. Điều này có nghĩa giá trị tài sản đảm bảo của trái phiếu càng giảm và rủi ro tín dụng càng tăng.
 
Vòng xoáy khủng hoảng cứ tiếp tục như vậy, làm cho giá chứng khoán sụt giảm mạnh. Các ngân hàng đầu tư mặc dù không nắm giữ toàn bộ rủi ro nhưng cũng trực tiếp hoặc gián tiếp duy trì một số danh mục chứng khoán liên quan đến bất động sản. Hậu quả là hàng loạt ngân hàng đầu tư lần lượt báo cáo các khoản lỗ kinh doanh. 
 
Lehman là một trong những ngân hàng đầu tư tham gia sâu vào hoạt động chứng khoán hóa tín dụng bất động sản. Được tách ra từ American Express năm 1994, Lehman đã xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh về các phẩm có thu nhập cố định nói chung và trái phiếu nói riêng. Sự dính líu sâu của Lehman vào lĩnh vực này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết cục ngày hôm nay. Công bằng mà nói, Lehman đã lường trước được vấn đề và cố gắng không dính nhiều vào tín dụng bất động sản dưới chuẩn. Trong số danh mục liên quan đến bất động sản khoảng 60 tỷ USD thì tín dụng bất động sản dưới chuẩn chiếm dưới 2 tỷ USD. Tuy nhiên, với sự lan rộng của khủng hoảng tín dụng mà tín dụng dưới chuẩn chỉ là mồi lửa ban đầu thì Lehman đã không kịp thoát.
 
Ngoài các gói trái phiếu liên quan đến bất động sản, Lehman còn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào bất động sản thương mại. Lehman có thể cấu trúc các giao dịch này thông qua cung cấp vốn nợ hoặc vốn chủ sở hữu cho các công ty con hoặc liên doanh đầu tư bất động sản. Khi thị trường bất động sản đi xuống thì các giá trị bất động sản thương mại này cũng giảm theo.
 
Tại thời điểm cuối tháng 8, Lehman nắm danh mục khoảng 52 tỷ USD liên quan đến bất động sản, trong đó 24 tỷ USD chứng khoán bất động sản nhà ở, 17 tỷ USD chứng khoán bất động sản thương mại và 11 tỷ đầu tư trực tiếp. So với tương quan tổng tài sản khoảng 600 tỷ USD và vốn chủ khoảng 20 tỷ USD thì đây là một danh mục lớn.
 
Giám đốc điều hành của Lehman, Dick Fuld, là người gắn bó tâm huyết với Lehman trong suốt 4 thập kỷ và là người chèo lái Lehman trong 14 năm qua. Vốn là người thận trọng, Ông đã giúp Lehman vượt qua cuộc khủng hoảng năm 1998 với sự sụp đổ của quỹ đầu cơ “Long-Term Capital Management” là một khách hàng lớn của Lehman. Chính cuộc khủng hoảng này đã giúp Lehman phát triển một chiến lược kinh doanh phù hợp cùng với một hệ thống quản trị rủi ro tốt nhất phố Wall. Tuy nhiên, sự bùng nổ kinh tế toàn cầu trong 3-4 năm gần đây cùng với chiến lược mở rộng đã làm Dick Fuld thay đổi chiến lược kinh doanh của Lehman sang các hoạt động rủi ro hơn trong đó có bất động sản.
 
Năm 2005, giám đốc toàn cầu phụ trách dòng sản phẩm có thu nhập cố định của Lehman là Michael Gelband đã phải ra đi vì có quan điểm trái ngược về chiến lược kinh doanh này. Tháng 6/2008, khi Lehman rơi vào đỉnh cao khó khăn của cuộc khủng hoảng tín dụng thì Michael Gelband được mời về vị trí giám đốc toàn cầu phụ trách thị trường vốn nhằm cứu vãn tình hình. Tuy nhiên, điều này đã quá muộn!

(Theo Anh Đào tổng hợp // VietNamNet)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Toyota: Vì đâu nên nỗi? (Phần 2): Thiếu bí quyết quản lý khủng hoảng
  • Toyota: Vì đâu nên nỗi? (Phần 1): Thiệt hại hơn 2 tỉ USD
  • Hành động kỳ lạ của một ông trùm Trung Quốc
  • Chương buồn của chuyện thần kỳ Toyota
  • Japan Airlines lỗ 2 tỷ USD trong vòng 9 tháng
  • Sáng tạo những dịch vụ mà khách hàng muốn
  • Coca-Cola và Pepsi bắt đầu vào cuộc đua mới
  • Bán hàng đa cấp: Vẫn còn những chiêu lách luật
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com