Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chương buồn của chuyện thần kỳ Toyota

Những ngày này, Toyota đang trở thành mối
phiền lòng của nhiều người - Ảnh: Reuters
Những gì đang diễn ra đối với Toyota thực sự là một cú sốc đối với nhiều người, vì nhiều lẽ.

Nhật Bản có rất nhiều tập đoàn khổng lồ, danh tiếng khắp toàn cầu. Thế nhưng, Toyota có một vị thế khác hẳn đối với Nhật Bản, mà gần như không có tập đoàn nào khác có thể thay thế.

Sau Thế chiến 2, Nhật Bản phát triển một cách nhanh chóng như một câu chuyện thần kỳ. Trong suốt quá trình ấy, Toyota trở thành nhân vật chính của câu chuyện thần kỳ mang tên Nhật Bản, bởi sự lớn mạnh của Toyota gần như song hành cùng những bứt phá ngoạn mục của đất nước này.

Toyota còn là người hùng của ngành ô tô Nhật Bản khi xâm nhập thành công thị trường ô tô sang trọng, vốn là “lãnh địa” của Mỹ, Đức, Ý, Anh. Thương hiệu ô tô cao cấp Lexus của Toyota tuy ra đời sau Acura của Honda nhưng lại nhanh chóng trở thành gương mặt nổi tiếng của xứ mặt trời trong danh sách thương hiệu ô tô hạng sang. Từ đó, người ta lại quan tâm hơn đến các thương hiệu ô tô cao cấp khác của Nhật Bản là Acura và Infiniti. Lexus, trong tác phẩm lừng danh của Thomas Friedman là Chiếc Lexus và cây ô-liu, đại diện cho sự trỗi dậy của một số quốc gia giúp định hình một thế giới mới.

Vượt lên cả giá trị thương hiệu, doanh số, thị phần, lợi nhuận..., Toyota còn đi tiên phong trong việc định hình triết lý kinh doanh, khoa học quản trị của người Nhật, chẳng hạn như trong môn học Sản xuất đúng hạn (Just In Time - JIT) nói về việc lập kế hoạch sản xuất, tồn kho, hậu cần trong quản trị sản xuất. Toyota còn được biết đến với mô hình quản lý chất lượng rất hiệu quả trong môn học Toyota way.

Nhiều năm nay, JIT và Toyota way đều đã trở thành những môn học chính thức của những trường đại học đào tạo về quản trị trên khắp thế giới, có cả Đại học Harvard lừng danh. Hàng triệu người, có cả rất nhiều doanh nhân thành đạt, nhà quản lý tài năng trên khắp thế giới, đã và đang dùi mài những kiến thức ấy. Hay Toyota cũng chính là tập đoàn đi đầu trong việc thể hiện phong cách quản lý của người Nhật, đó là sự quản lý sâu sát đến từng chi tiết. Điển hình như ông Akio Toyoda, Chủ tịch Tập đoàn Toyota, cũng từng làm việc ở những vị trí nhỏ nhất, cũng từng phải đích thân kiểm tra một chiếc xe bị khách hàng phàn nàn. Phong cách quản lý ấy khiến không ít người ấn tượng.

Nhưng hôm nay, từ một anh hùng của câu chuyện thần kỳ, Toyota trở thành tâm điểm của mọi chỉ trích về chất lượng trên thị trường ô tô lớn nhất nhì thế giới. Đích thân Chủ tịch Akio Toyoda phải thừa nhận “đã chạy theo tốc độ tăng trưởng” khiến “các ưu tiên đã trở nên hỗn độn” và chất lượng giảm sút. Khó ai có thể chấp nhận chất lượng như thế đối với nhà sản xuất ô tô số 1 thế giới, đồng thời là “học giả” về quản lý sản xuất. Điều đó sẽ tác động rất tiêu cực đến những gì mà Toyota nói đến trong JIT, Toyota way. Và cả những gì mọi người từng nói về triết lý kinh doanh, khoa học quản lý của người Nhật trong bao năm qua.

Chương buồn của câu chuyện thần kỳ Nhật Bản có nhân vật chính mang tên Toyota có lẽ khiến nhiều người, cả người Nhật lẫn thế giới còn lại, phải buồn lòng.

(theo Thanh nien online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Japan Airlines lỗ 2 tỷ USD trong vòng 9 tháng
  • Sáng tạo những dịch vụ mà khách hàng muốn
  • Coca-Cola và Pepsi bắt đầu vào cuộc đua mới
  • Bán hàng đa cấp: Vẫn còn những chiêu lách luật
  • Sự cố chân ga của Toyota không thể khắc phục?
  • Người giàu Trung Quốc: biết đẳng cấp qua cách xài tiền
  • Mua lại AIA: Canh bạc lớn của tổng giám đốc Prudential
  • Internet đang bó hẹp dần sự uyên thâm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com