Minh họa: Khều. |
Tranh cãi bắt đầu từ một quảng cáo sản phẩm mì gói mới của một hãng sản xuất mì gói vào loại lớn của Việt Nam. Đoạn quảng cáo đề cập “khi cho nước sôi vào vắt mì, nếu nước trong tô chuyển sang màu vàng đục, chứng tỏ sản phẩm có sử dụng phẩm màu”.
Với cách so sánh hai hình ảnh vắt mì vàng sậm và vàng nhạt, quảng cáo đã gây ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng “mì màu vàng sậm là có sử dụng phẩm màu”. Mẩu quảng cáo trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng bởi mì ăn liền là một sản phẩm gắn với cuộc sống đại đa số người dân Việt Nam”(1). Vấn đề là liệu quảng cáo này có phải là một hành vi kinh doanh bình thường của doanh nhân theo luật định hay là hành vi mang trong mình những toan tính gian dối?
Quyền quảng cáo
Phương Tây định nghĩa thị trường là nơi gặp gỡ giữa người mua và người bán. Dân mình dịch chữ thị trường (market) thành chợ. Trong chợ thì tất nhiên là có nhiều người bán và cũng lắm người mua. Cổ nhân có câu “trăm người bán vạn người mua” là vậy. Người mua thì nhiều đấy nhưng trong chợ cũng không phải chỉ có mỗi mình bán hàng. Vấn đề đặt ra là làm sao để mấy bà nội trợ chú ý và mua hàng của mình? Cách làm truyền thống nhất vẫn là rao... thật to. Việc rao to như thế có nhiều lợi ích lắm. Trước hết nó giúp cho người bán gia tăng khả năng bán hàng. Vì suy cho cùng, bạn có món đồ muốn bán mà bạn không bày tỏ một cách minh thị điều đó thì làm sao mà người ta biết mà mua. Thêm nữa, bà nội trợ là người mới lần đầu vào chợ, bà này chưa biết bạn bán món gì, món đồ bạn bán quá lạ lẫm.
Bạn phải rao để mấy bà nội trợ biết là món đó dùng để kho hay chiên, nấu canh chua hay làm gì? Cũng từ chỗ bạn làm rõ các nội dung đó, mấy bà nội trợ sẽ cân nhắc có nên mua hàng của bạn hay không? Ích lợi nữa của việc rao hàng là giúp ch o mấy bà nội trợ dễ dàng trong việc lựa chọn những món đồ phù hợp với nhu cầu của mình. Người ta gọi hành vi rao hàng đó là quảng cáo. Cũng như mấy người bán hàng ngoài chợ, doanh nhân muốn bán được hàng thì phải quảng cáo. Phải giới thiệu để người tiêu dùng biết là hãng A, hãng B có sản xuất những món hàng X, Y có tính năng công dụng như thế này... Người nào có nhu cầu thì có thể tìm mua. Cũng vì lẽ đó, pháp luật ghi nhận cái quyền được “rao” của doanh nhân và ghi nhận nó là một trong những hành vi thuộc nhóm hành vi xúc tiến thương mại.
Quảng cáo thế nào cho đúng luật?
Như đề cập ở trên, quảng cáo là quyền rất đỗi tự nhiên và được pháp luật ghi nhận của người làm kinh doanh. Cho nên việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi quảng cáo thế nào cho đúng luật có lẽ cũng nên xuất phát từ cái triết lý tự nhiên của việc quảng cáo. Bản chất của hành vi rao hàng hay quảng cáo là giới thiệu, giới thiệu để quảng đại quần chúng biết đến món hàng mà doanh nhân đang muốn bán. Cho nên doanh nhân muốn quảng cáo kiểu nào cũng được, miễn sao đạt được mục đích giới thiệu hàng của mình thì thôi. Vì mỗi người mỗi kiểu mà, làm sao luật dự liệu được có bao nhiêu cách để giới thiệu hàng hóa. Theo thời gian, hoạt động quảng cáo có những biến dạng nhất định. Ngoài việc rao hàng của mình, người bán hàng còn rao “giùm” hàng của người bán bên cạnh đại loại như hàng của ông A không tốt, hàng ông B để lâu ngày (hết date) rồi...
Rao như thế ai mà chịu được! Tất nhiên là các ông A, ông B phải phản ứng. Thế là đánh nhau trong chợ. Cái chợ từ chỗ là nơi bán hàng và mua hàng trở thành nơi đánh nhau của các ông bán hàng. Đánh nhau như vậy thì ai còn dám mua hàng. Để bảo vệ cái trật tự của chợ, ban quản lý chợ phải can thiệp. Tương tự, để bảo vệ trật tự thương trường, Nhà nước ban hành luật cạnh tranh, như một vòng cương tỏa những hành vi không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của thương trường. Trên tinh thần tôn trọng quyền tự do sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, Nhà nước thể hiện một cách minh thị rằng các bên có quyền rao hàng thế nào tùy thích, miễn là đừng nói quá, nói sai sự thật về hàng hóa của mình hoặc xâm phạm đến quyền lợi của người bán hàng khác là được(2). Cuộc chiến... mì gói
Hiện thời có rất nhiều người bán mì gói. Có phải vì thế mà số lượng những quảng cáo về mì gói cũng rất nhiều? Thế nhưng, với cách so sánh hai hình ảnh vắt mì vàng sậm và vàng nhạt, quảng cáo nói ở đầu bài đã gây ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng “mì màu vàng sậm là có sử dụng phẩm màu”. Các nhà kinh doanh mì gói khác phản ứng là quảng cáo này tạo nên sự nhầm lẫn cho khách hàng, vì không phải cứ nước trong tô chuyển sang màu vàng đục thì đồng nghĩa sản phẩm mì đó có phẩm màu. Nói cách khác, cái mà các bên hướng đến trong trường hợp này là tính chân thực của thông tin được đưa ra trong mẩu quảng cáo.
Nhìn nhận tính đúng đắn của hành vi “rao hàng” này dưới góc độ quảng cáo, cách tốt nhất là nên nhìn từ bản chất của hoạt động rao hàng. Như trên đã đề cập, một quảng cáo được coi là đúng luật nếu nội dung của nó giới thiệu hàng hóa (bao gồm tính năng, công dụng, giá cả...) và không mang tính lạm dụng, tức là không “rao giùm” mì của người bán mì khác.
Khoản 1 điều 45 Luật Cạnh tranh quy định cấm doanh nghiệp thực hiện hành vi quảng cáo mà so sánh trực tiếp hàng hóa của mình với hàng hóa cùng loại của người khác. Theo đó, chỉ cần thực hiện hành vi quảng cáo so sánh thì đã là hành vi bị cấm mà không cần xét đến tính chân thực của thông tin đưa ra trong sản phẩm quảng cáo. Điều này có duyên cớ từ hai lý do sau:
Một là, khi bán mì, các nhà kinh doanh phải bảo đảm các tiêu chuẩn mà Nhà nước yêu cầu. Nói cách khác là sản phẩm đem bán không gây những tổn hại về sức khỏe cho người dùng. Các tiêu chuẩn Nhà nước yêu cầu mang tính tối thiểu. Có nghĩa là nếu nhà kinh doanh làm tốt hơn yêu cầu của Nhà nước càng hay. Khi đã đáp ứng các điều kiện Nhà nước yêu cầu, bạn có quyền được bán mì. Chẳng những vậy, Nhà nước còn bảo hộ cho cái quyền được tự do bán mì của bạn trước những tổn hại xuất phát từ các hành vi trái luật của các cá nhân tổ chức khác trên thương trường.
Hai, khi bán mì, tất nhiên luật thừa nhận bạn có quyền quảng cáo. Nhưng khi bạn lựa chọn cách thức rao hàng bằng cách so sánh với mì của người khác, bạn đã xâm phạm đến nguyên tắc “nước sông không xâm phạm nước giếng” mất rồi. Có thể có hai khả năng trong thông tin mà bạn so sánh:
Thứ nhất, thông tin này là sai sự thật. Tất nhiên khi thực hiện hành vi “nói dối” nhà kinh doanh không có gì phải biện minh.
Thứ hai, thông tin này là đúng. Hành vi này cũng không được luật chấp nhận. Lý do là người thực hiện hành vi quảng cáo đã xâm phạm đến quyền tự do kinh doanh của người khác. Vì người có quyền quyết định sự thành bại của doanh nhân trên thương trường là người dùng. Mì ngon họ mua, không ngon người dùng sẽ không mua. Nếu sử dụng các chất phụ gia, phẩm màu ảnh hưởng sức khỏe người dùng thì đã có Nhà nước. Chức phận của doanh nhân là kinh doanh(3), không cần phải lo chuyện “bao đồng” như vậy.
Quay trở lại với cuộc chiến mì gói, hãng mì này đã so sánh sản phẩm mì của mình với các loại mình khác trong thông tin quảng cáo. Lúc này không cần phải xét đến tính đúng hay sai của thông tin quảng cáo, chỉ bằng hành vi quảng cáo so sánh đã có cơ sở để nói đây là một quảng cáo trái luật. Thêm nữa, trong quy định của pháp luật cạnh tranh, không yêu cầu bên bị so sánh phải chứng minh thiệt hại khi bị so sánh. Nên vấn đề xác định có thiệt hại hay không cũng chưa cần phải đặt ra. Cần lưu ý có thể pháp luật cạnh tranh của các nước khác không coi hành vi quảng cáo so sánh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam đây là hành vi bị cấm. Cổ nhân có câu “nhập gia tùy tục” là vậy.
________
(1) Tuổi Trẻ ngày 28-6-2011
(2) Điều 45 Luật Cạnh tranh
(3) Khoản 1 điều 4 Luật Doanh nghiệp
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com