Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ý tưởng kinh doanh trị giá hàng trăm triệu đô

Nhiều doanh nhân khởi nghiệp từ ý tưởng vô cùng đơn giản nhưng lại biết cách biến chúng thành công cụ mang lại lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu USD.

Dưới đây là 10 ý tưởng tiêu biểu của các doanh nhân Mỹ.

1. Sara Blakely và Spanx

Doanh thu năm 2008: 350 triệu USD

Sara và các sản phẩm của mình, Spanx.

Một buổi tối, Sara nghĩ ra cách cắt bỏ phần chân chiếc quần tất của mình, và thế là ý tưởng về Spanx ra đời. Với 5.000 USD tiền tiết kiệm, cô đã nghiên cứu và phác thảo ra ý tưởng về những chiếc quần tất không chân, rồi lái xe đến Bắc Carolina, năn nỉ các chủ xưởng làm cho mình. Hầu hết mọi người đều nói rằng cô sẽ chẳng bán được chiếc nào cả, nhưng rồi cũng có một người đồng ý giúp cô hiện thực hóa ý tưởng “điên rồ” này.

Công việc kinh doanh thật sự rất thuận lợi, năm 2000, Sara đã bán được hơn 50.000 chiếc quần chỉ trong vòng 3 tháng. Sau đó, cô cho ra đời thương hiệu Spanx và mở rộng ra các mặt hàng đồ lót, đồ tắm và thời trang cho người năng động.

2. Brian Scudamore và 1-800-GOT-JUNK

Doanh thu năm 2008: hơn 100 triệu USD

Ảnh
Brian Scudamore và 1-800-GOT-JUNK

Năm 1989, khi đang xếp hàng trước cửa hiệu McDonald’s, Brian nhìn thấy một chiếc xe bán tải chạy ngang qua. Và thế là anh đã nảy ra ý tưởng mua một chiếc xe bán tải cũ với giá 700 USD và lập ra The Rubbish Boys. Anh bắt đầu thu gom rác thải trong các giờ nghỉ giải lao ở trường Đại học Bristish Columbia.

Năm 1993, Brian nghỉ học để tập trung cho công ty. Năm 1998, anh đổi tên công ty thành 1-800-GOT-JUNK. Một năm sau đó, công ty nhượng quyền đầu tiên của anh xuất hiện ở Canada. Năm 2008, công ty đạt doanh thu hơn 100 triệu USD.

3. Jennifer Telfer và Pillow Pets

Doanh thu năm 2010: 300 triệu USD

Ảnh
Một nhân vật của Jennifer Telfer

Ý tưởng về gối thú bông đến với Jennifer khi cô trông thấy cậu con trai của mình dùng thú nhồi bông thay cho gối ngủ. Vì thế, cô đã làm ra những con thú nhồi bông có thể tháo ra để làm gối. Năm 2003, Jennifer và chồng đã lập ra công ty CJ Products chuyên sản xuất loại thú bông đặc biệt này. Công việc kinh doanh hết sức thuận lợi, sản phẩm của cô thường xuyên cháy hàng và đến năm 2010, doanh thu của CJ Products đã là 300 triệu USD.

4. Bert Jacobs - John Jacobs và Life is good

Doanh thu năm 2010: 100 triệu USD

Ảnh
Nhãn hiệu Life is good của Bert Jacobs - John Jacobs

Bert và John Jacobs đã thiết kế chiếc T-shirt đầu tiên của mình vào năm 1989 và bán chúng trên các đường phố của Boston và tại các trường cao đẳng dọc theo bờ biển Đông. Chỉ trong vòng năm năm, họ đã thành công rực rỡ.

Sau đó, vào năm 1994, họ nảy ra ý tưởng sử dụng thiết kế của một nhân vật phim hoạt hình tên Jake với câu khẩu hiệu "Cuộc sống tốt đẹp". Mọi người rất thích thú với các câu khẩu hiệu đơn giản mà lạc quan in trên những chiếc áo này, và do vậy áo của họ bán rất chạy trên đường phố và nhanh chóng được các nhà bán lẻ để ý đến. Hiện Bert và John đã nhanh chóng mở rộng sản phẩm của mình sang cả khăn tắm, cốc cà phê và cả dây cổ cho chó nữa.

5. Jim Koch và Boston Beer Company

Doanh thu quý I/2011: 102,2 triệu USD

Ảnh
Jim Koch và nhãn hiệu bia

Kinh doanh bia đã ngấm vào trong máu của Jim Koch vì cha ông là thế hệ sản xuất thứ năm trong gia đình. Ông đã thành lập công công ty bia Samuel Adams Boston Beer Lager và hiện nay, đây là công ty làm bia thủ công lớn nhất với hơn 30 phong cách khác nhau. Họ vẫn sử dụng tất cả phương pháp sản xuất truyền thống với các thành phần tự nhiên mà Koch đã phải đi khắp thế giới để tận tay lựa chọn. Công ty cũng đã giành được nhiều giải thưởng trong cuộc thi nếm bia trên thế giới.

6. Steve Ells và Chipotle

Doanh thu quý I năm 2011: 509,4 triệu USD

Ảnh
Steve Ells và sản phẩm của mình

Đang làm đầu bếp tại San Francisco, Steve Ells quyết định mở nhà hàng riêng của mình. Anh tìm thấy cảm hứng tại một hàng bánh taco mà mình thường xuyên lui tới trong thành phố và quyết định mở một cửa hàng bán đồ ăn nhanh thật khác biệt.

Ells muốn có một nơi mà khách hàng có thể ăn thức ăn được làm từ các thành phần tốt nhất, một cách nhanh chóng với chi phí thấp. Sau khi vay tiền của cha mẹ, anh mở cửa hàng Chipotle đầu tiên của mình tại Denver vào năm 1993 và hiện chuỗi cửa hàng của anh đã lên đến con số hơn 1.000.

7. Adam Lowry - Eric Ryan và Method

Doanh thu năm 2010: 100 triệu USD

Ảnh
Hãng sản phẩm lau rửa Method

Ý tưởng cho dịch vụ dọn dẹp nhà cửa thân thiện với môi trường đến với Adam Lowry và Eric Ryan khi họ thấy sau mỗi buổi tiệc, những sản phẩm để vệ sinh nhà cửa luôn khiến họ bị ho. Họ tự hỏi liệu các sản phẩm đang sử dụng có bẩn hơn đống lộn xộn mà họ đang cố gắng dọn dẹp hay không.

Vào thời điểm đó, có rất ít các sản phẩm làm vệ sinh là không chứa hóa chất mạnh. Vì vậy, Lowry và Ryan đã cùng nhau nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm thân thiện với môi trường vào năm 2000. Mười năm sau, sản phẩm của họ có mặt trên hầu hết các kệ hàng trên toàn quốc và công ty có tổng doanh thu năm 2010 là 100 triệu USD.

8. Roxanne Quimby - Burt Shavitz và Burt’s Bees

Doanh thu năm 2007: 250 triệu USD

Ảnh
Một số sản phẩm sáp ong

Burt Shavitz và Roxanne Quimby gặp nhau vào năm 1984. Họ đã cùng nhau hợp tác để làm ra nến từ sáp ong, rồi sau đó đem bán tại hội chợ thủ công và mở rộng nhanh chóng ra các cửa hàng trong thành phố.

Nhưng bước ngoặt thực sự là khi Quimby tìm thấy một cuốn sách cổ từ thế kỷ thứ 19 có ghi lại công thức tự làm ra các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Thế là họ bắt tay ngay vào việc nấu xà phòng và nước hoa tự nhiên trên bếp gas. Nhưng sản phẩm bán chạy nhất của họ lại là son dưỡng môi - được tung ra vào năm 1991. Burt’s Bees hiện sở hữu hơn 100 sản phẩm chăm sóc da và tóc.

9. Jim McCann và 1-800-FLOWERS.COM

Doanh thu năm 2010: 668 triệu USD

Ảnh
Jim McCann và 1-800-FLOWERS.COM

Năm 1976, Jim McCann đã bỏ công việc là một bartender và nhà hoạt động xã hội để mua một cửa hàng hoa với giá 10.000 USD. Ông đã mở tổng cộng 13 cửa hàng cung cấp hoa trong khu vực New York, nhưng công việc kinh doanh chỉ thực sự bùng nổ khi ông quyết định mua lại cái tên 1-800-FLOWERS từ một người khác vào năm 1986.

Jim McCann là người đầu tiên đưa số điện thoại vào trong tên của công ty và cũng nắm bắt cơ hội kinh doanh trực tuyến rất nhanh khi cho ra đời website 1-800-Flowers.com vào năm 1991. Năm 1999, 1-800-FLOWERS tổ chức IPO và công ty cũng đã mở rộng kinh doanh bằng cách mua lại các công ty như The Popcorn Factory và Fannie May.

10. Gary and Diane Heavin và Curves

Doanh thu năm 2010: 1 tỷ USD

Ảnh
Gary and Diane Heavin và Curves

Gary và Diane Heavin mở phòng tập Curves đầu tiên vào năm 1992 để nhắm vào các phụ nữ không đến được các phòng tập thể dục truyền thống. Ý tưởng của họ là tạo ra một nơi làm cho phụ nữ cảm thấy thật thoải mái. Họ tập trung vào những phụ nữ bận rộn có quỹ thời gian hạn hẹp với các lớp tập thể dục 30 phút.

Câu lạc bộ thể dục của họ trở nên nổi tiếng một cách nhanh chóng và việc kinh doanh được mở rộng với tốc độ chóng mặt. Curves bắt đầu nhượng quyền vài năm sau đó và hiện họ đã có gần 10.000 phòng tập trên khắp thế giới. Doanh thu của toàn bộ các phòng tập đó là 1 tỷ USD trong năm 2010.

Hà Thu (theo CNBC// VNEx)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Cạnh tranh khó khăn, "ông chủ" BlackBerry giảm quân
  • Thay đổi cung cách kinh doanh truyền thống
  • Tập đoàn đa quốc gia tranh nhau thị trường nông thôn tại Việt Nam
  • 10 "ngón đòn hiểm ác" của thương lái Trung Quốc
  • Apple “rủng rỉnh” nhờ iPhone, iPad hút hàng
  • Bản lĩnh đối mặt 'scandal' của đại gia Việt
  • Từ cuộc chiến mì gói tới các chiêu lập lờ quảng cáo
  • Thách thức cho BlackBerry tại thị trường Việt
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com