Kết quả kiểm toán vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy một số doanh nghiệp nhà nước thua lỗ lên đến hàng trăm tỉ đồng. Thế nhưng các doanh nghiệp này lại cho rằng mức lỗ là không đáng kể và đưa ra nhiều nguyên nhân.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng số phải nộp ngân sách đối với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn lên 219 tỉ đồng |
Trong khi đó, dư luận cho rằng cần làm rõ hơn các lý do lỗ để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước...
Nhiều “vấn đề”
Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của 24 tập đoàn, tổng công ty và ba công ty nhà nước cho thấy vẫn còn ba đơn vị thua lỗ do suy thoái kinh tế thế giới và đặc thù kinh doanh. Trong năm 2009, lỗ lớn nhất là Tổng công ty Bưu chính VN với 1.026 tỉ đồng, tiếp đến là Tổng công ty Lắp máy VN (Lilama) lỗ 103 tỉ, Tổng công ty xây dựng Sông Hồng lỗ 20 tỉ. Riêng Tổng công ty xây dựng Sông Hồng, tình trạng lỗ đã diễn ra trong một số năm, tổng hợp lại thì lỗ lên tới 121 tỉ đồng.
Đáng chú ý, KTNN cho biết việc quản lý doanh thu, chi phí của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn có sai sót như hạch toán chưa kịp thời, không đủ căn cứ nên nhiều đơn vị phải điều chỉnh tăng, giảm doanh thu và chi phí. Như Tập đoàn Dầu khí đã phải cắt giảm chi phí 260 tỉ đồng sau kiểm toán, công ty mẹ Tập đoàn Bưu chính viễn thông phải giảm chi phí 295 tỉ đồng...
Việc thực hiện các nghĩa vụ thuế và nộp ngân sách, theo KTNN, nhiều đơn vị cũng thực hiện chưa kịp thời. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm toán đã phải kiến nghị tăng số phải nộp ngân sách 219 tỉ đồng. Việc quản lý đất đai và bất động sản của nhiều đơn vị như Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Đường sắt... chưa hiệu quả, để xảy ra lấn chiếm, thậm chí có nơi xảy ra tình trạng cho phép cán bộ công nhân sử dụng đất trái quy định, gây thất thoát...
Về công tác quản lý tài chính tại các doanh nghiệp nhà nước, KTNN cho biết nợ phải thu của các doanh nghiệp này khá lớn, lên đến trên 88.000 tỉ đồng, chiếm 26,9% vốn chủ sở hữu. Nhiều đơn vị đã đối chiếu, xác nhận nợ chưa đầy đủ, chưa rà soát, phân loại nợ để thu hồi kịp thời, dẫn đến nhiều khoản thu khó đòi, tồn đọng nhiều năm. Một số đơn vị thuộc Tổng công ty Bưu chính VN quản lý nợ không chặt, đã để cho nhân viên làm giả chứng từ, hồ sơ khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Một số khoản lỗ là... đáng mừng
Lại... tái cơ cấu Trao đổi về hướng thực hiện kiến nghị của kiểm toán, ông Nguyễn Quang Mẫn khẳng định sẽ thực hiện nghiêm kết luận và kiến nghị của KTNN. Ông Lê Văn Tuấn thì cho biết Lilama đã nhận thức và tiến hành tái cơ cấu, như Lilama Hà Nội chủ yếu thua lỗ do đầu tư công ty tôn mạ màu - nằm ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, tổng công ty đã yêu cầu bán và Lilama Hà Nội đã bán được công ty tôn mạ màu. Hướng sắp tới Lilama sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. |
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Hồng Nguyễn Quang Mẫn cho rằng phải phân tích cơ cấu các khoản lỗ của Tổng công ty Sông Hồng cụ thể hơn xem trước đây lỗ bao nhiêu, bây giờ còn lỗ bao nhiêu, lỗ đó từ đâu mà ra? “Tất cả câu hỏi đó cần phân tích, đánh giá sâu hơn và nhìn nhận kỹ hơn chứ trong báo cáo kiểm toán chưa đề cập hết được” - ông Mẫn nói.
Theo ông Mẫn, trước đây Tổng công ty Sông Hồng lỗ lớn hơn và càng về sau lỗ càng ít, cho nên con số lỗ hơn 20 tỉ năm 2009 mà KTNN công bố là... đáng mừng chứ chưa phải đáng lo. Cho biết Tổng công ty xây dựng Sông Hồng đã và đang tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu các khoản nợ để định hướng phát triển, ông Mẫn đề nghị phải đánh giá con số nợ thật kỹ, “chứ nếu chỉ nhìn vào con số nợ tại một thời điểm mà đánh giá doanh nghiệp thì không đầy đủ”.
Là một tổng công ty lớn, đứng hàng đầu trong Tập đoàn Công nghiệp và xây dựng vừa được Thủ tướng cho thành lập, Lilama đã lỗ 103 tỉ đồng năm 2009. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Tuấn - tổng giám đốc Lilama - cho biết nguyên nhân lỗ năm 2009 của Lilama không phải do công ty mẹ bởi kết quả sản xuất kinh doanh của công ty mẹ vẫn có lãi. Tuy nhiên, có một số công ty thành viên như Lilama Hà Nội, Công ty Tôn mạ màu Việt Pháp... thua lỗ dẫn đến báo cáo tài chính hợp nhất là toàn tổng công ty bị thua lỗ.
Sẽ kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm toán
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề hậu kiểm toán, ông Lê Minh Khái - phó tổng KTNN - cho biết: theo quy định của Luật KTNN, KTNN có quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật.
“Trách nhiệm của chúng tôi là kiến nghị với những đối tượng phải thực hiện hoặc là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước liên quan, còn việc thực hiện là ở đối tượng kiểm toán và ở cơ quan chức năng nhà nước” - ông Khái nhấn mạnh. Đặc biệt, nếu đối tượng kiểm toán không thực hiện hoặc không báo cáo việc thực hiện thì KTNN sẽ tổ chức kiểm tra. Ông Khái kiên quyết:“Khi kiểm tra xong sẽ lập biên bản, những gì họ thực hiện rồi thì thôi, còn nếu người ta chưa thực hiện thì tiếp tục kiến nghị thực hiện. Trước hết là kiến nghị trực tiếp đối tượng kiểm toán. Đối tượng kiểm toán vẫn không thực hiện thì KTNN sẽ tiếp tục kiến nghị với cơ quan cấp trên”.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com