Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiếc bánh tivi 1.500 tỉ đồng bị bỏ quên

Những tưởng chiếc tivi đèn hình (còn gọi là tivi CRT) sớm cáo chung, nhiều doanh nghiệp điện tử đã chuyển hướng kinh doanh khiến cho 70% của miếng bánh 1.500 tỉ đồng mỗi năm thuộc về các nhà sản xuất nước ngoài.

“Trong vài năm gần đây, tivi CRT trên thị trường toàn cầu giảm khoảng 30 – 40%/năm. Số lượng ngày càng giảm, nhưng dòng sản phẩm tivi CRT vẫn còn bán được nhờ điều kiện kinh tế của người dân ở nhiều quốc gia”, ông Đỗ Khoa Tân, giám đốc công ty cổ phần điện tử Viettronics Biên Hoà (Belco) phân tích.

Mỗi năm bán được một triệu chiếc

Với thu nhập bình quân đầu người ở ngưỡng thoát nghèo như Việt Nam, tivi bóng đèn hình, với nhiều nhà, vẫn là niềm mơ ước. Ảnh: A.Q

Theo số liệu ông Tân cung cấp, thị trường tivi CRT tại Việt Nam, với thực tế thu nhập của người dân, cụ thể là vùng sâu, vùng xa, lượng tiêu thụ của chiếc tivi CRT trong những năm gần đây có giảm nhẹ, ước chừng 10%/năm.

Riêng trong năm 2010, thị trường Việt Nam ước tiêu thụ khoảng một triệu chiếc. Cũng theo ông Tân, trong năm 2009, thế giới đã tiêu thụ khoảng 70 triệu chiếc tivi CRT. Dự báo trong năm 2010, số lượng tivi CRT sẽ được tiêu thụ còn 50 triệu chiếc.

Một nguồn tin từ Samsung Vina cho biết, từ đầu năm tới nay họ bán ra thị trường khoảng 200.000 chiếc, LG ước chừng 140.000 chiếc, Panasonic 100.000 chiếc. Theo số liệu từ bộ Công Thương, trong bốn tháng đầu năm 2010, Sharp Electronic Việt Nam nhập khẩu tivi CRT 21 inch và 29 inch khoảng 30.000 chiếc.

Ông Trần Văn Sâm, giám đốc công ty Đông Á, nhà sản xuất tivi CRT nhãn hiệu “Sam” cho biết, trong năm tháng đầu năm nay, đã bán khoảng 200.000 chiếc, chủ yếu là dòng tivi CRT 21 inch với giá dao động từ 1,14 triệu đồng (dòng tivi thường) cho đến 1,25 triệu đồng (dòng tivi mỏng). Theo giới kinh doanh, những chiếc tivi CRT của Samsung, LG, Panasonic đang chiếm thế thượng phong không chỉ tại thị trường các tỉnh mà ngay cả những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội.

Bỏ qua miếng bánh 1.500 tỉ đồng

Nếu bình quân một chiếc tivi CRT giá 1,5 triệu đồng, thì tổng doanh số thị trường tivi thuộc công nghệ sắp hết thời này trong năm nay lên tới 1.500 tỉ đồng. Tuy giá thấp, song dây chuyền, công nghệ cũng hết khấu hao, nên một chuyên gia ngành hàng điện tử cho rằng, mặt hàng này vẫn còn là mảnh đất để doanh nghiệp tồn tại. Ông dẫn chứng, các nhà sản xuất nước ngoài có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic… vẫn còn sản xuất hàng vì nhìn thấy thị trường vẫn còn cơ hội để khai thác, ít nhất là bán hết linh kiện đang nằm chật kho. Theo một nhà bán lẻ, lượng hàng tivi CRT, nhất là loại mỏng (slim) có kích thước lớn (từ 25 inch) của các thương hiệu nước ngoài vẫn còn bán khá mạnh và nhóm hàng thương hiệu nước ngoài chiếm khoảng 70% thị phần tivi CRT tại Việt Nam.

Cùng với tivi nhãn hiệu Sam của Đông Á, còn có những chiếc tivi Darling được sản xuất, gần nhất là nhà máy lắp ráp Sumo tại Hải Dương vừa đi vào hoạt động… Thị phần của các nhà sản xuất này chiếm khoảng 20% lượng hàng bán ra năm nay. Nhóm hàng này, theo ông Lê Văn Chính, cố vấn của Soncamedia, có những chiếc tivi giá siêu rẻ: 600.000 – 800.000 đồng do các cửa hàng lắp ráp bằng nguồn linh kiện nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc. “Tôi biết có những kho bóng đèn hình cũ được bán với giá sỉ chừng 10 USD/chiếc. Chỉ cần bo mạch mới và một chiếc vỏ mới là có ngay một chiếc tivi giá rẻ”, ông Chính tiết lộ.

Lợi nhuận đè tầm nhìn

Dù lợi nhuận ở 10 – 15% (riêng nhóm hàng nhập khẩu từ Malaysia có lợi nhuận bình quân 45%), song các thương hiệu mạnh như Samsung, LG, Panasonic, Sharp và một vài doanh nghiệp tư nhân vẫn chia phần cái bánh trị giá 1.500 tỉ đồng. Đại diện của Samsung Vina cho biết: “Samsung Vina vẫn sản xuất tivi CRT vì còn có lợi nhuận. Trong đó, thị trường nông thôn chiếm 50% sản phẩm của hãng”.

Trong khi các hãng lớn nước ngoài vẫn còn gắn với mặt hàng có công nghệ cũ như CRT, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam, một thời là “những cánh chim đầu đàn”, như Viettronics Tân Bình, điện tử Biên Hoà, điện tử Hà Nội dường như bỏ qua, không khai thác thị trường này từ mấy năm trước. Trong giai đoạn hoàng kim của ngành điện tử Việt Nam từ năm 1995 trở về trước, nhiều doanh nghiệp đầu tư những dây chuyền lắp ráp CKD (linh kiện rời) trị giá vài trăm ngàn đến triệu đôla Mỹ nhưng chỉ là lắp ráp công đoạn cuối. “Lúc đó ra bao nhiêu hàng bán hết bấy nhiêu. Nhưng những dây chuyền đó chỉ lắp ráp, chưa hề tạo ra sản phẩm mang dấu ấn của công nghệ trong nước”, một chuyên gia trong ngành cho hay.

Từ năm 1998, khi hàng hoá của các nhà sản xuất nước ngoài vào nhiều với phương thức kinh doanh hiện đại, đã làm thị phần các doanh nghiệp trong nước ngày càng giảm. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ tivi LCD, công nghệ mới, ở mức hấp dẫn khiến cho không ít doanh nghiệp lăm le chuyển sang lắp ráp LCD. Một số doanh nghiệp, thay vì tiếp tục đầu tư quy trình sản xuất mới như các doanh nghiệp tư nhân đã làm trong thời gian gần đây, hoặc là sản xuất cầm chừng hoặc là chuyển hướng kinh doanh địa ốc, lắp ráp những thiết bị điện tử, điện lạnh. Cũng có không ít doanh nghiệp như Bình Hoà, Viettronics Thủ Đức đã chuyển sang gia công sản phẩm cho các hãng khác.

Giới công nghệ cho rằng, trong năm năm tới, khả năng tivi CRT sẽ tuyệt chủng. Nếu điều này trở thành sự thật, thì doanh nghiệp trong nước cũng đã bỏ qua một cơ hội kinh doanh mà họ đã có ít nhiều đầu tư ban đầu. Đã thua thiệt vì không có bánh ăn, doanh nghiệp trong nước còn mất cơ hội chứng tỏ rằng họ mới là người am hiểu nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

( Theo Gia Vinh // SGTT Online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Nguy cơ độc quyền xuất bản lịch blốc 2011
  • Doanh nghiệp CNTT - truyền thông: Mới mạnh ở sân nhà
  • Đầu tư vào giá trị bền vững
  • Apple qua mặt Microsoft thành công ty công nghệ lớn nhất
  • Lấy túi nọ bỏ túi kia
  • Thị trường thiết bị điện cao cấp: Cuộc đua thương hiệu
  • Trạng thiệt, Chúa cũng trắng tay
  • Chỉ có ăn theo World Cup
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com