Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nguy cơ độc quyền xuất bản lịch blốc 2011

Người tiêu dùng vẫn còn hy vọng khi có vài nhà xuất bản không chịu ngồi chung với 58 nhà xuất bản trong hội Xuất bản Việt Nam, những đơn vị vừa bắt tay thông đồng với nhau về số lượng lịch blốc sẽ in trong năm 2011 là 16 triệu cuốn.

Các nhà phát hành lịch đang lo lắng vì mùa lịch 2011 có khả năng bị trễ. Đến nay, các nhà làm lịch vẫn chưa có quyết định về số lượng lịch blốc để đăng ký kế hoạch xuất bản. Ảnh: N.Th

Nhóm chung ích này còn đi xa hơn một bước: đưa ra đề nghị với cục Xuất bản phân bổ “quota” cho mỗi nhà xuất bản chỉ được phép in 270.000 blốc lịch. Mặc dù chiếm đa số, 58/59 thành viên trong hội Xuất bản, nhưng việc làm này phải chăng là dấu chỉ cho thấy các nhà xuất bản (NXB) mong muốn trở lại thời kỳ độc quyền thị trường sản xuất lịch?

Cấp hạn ngạch vì lo khủng hoảng thừa

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện động thái này của các nhà làm lịch. Mùa lịch năm 2009, lấy lý do tình hình thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, giá giấy liên tục tăng, các chi phí đầu vào đều tăng, các nhà sản xuất và phát hành lịch đã có nhiều cuộc họp để thống nhất cách xây dựng giá bìa và mức trừ chiết khấu cho từng nhóm lịch. Mùa lịch năm 2010, một lần nữa nhóm các nhà sản xuất và phát hành lịch tại TP.HCM lại có hẳn một hội nghị để quy định giá bìa cho từng loại lịch, đặc biệt là các loại lịch blốc.

Mới đây, ngày 2.4.2010, các nhà làm lịch chiếm đa số dưới danh nghĩa hội Xuất bản Việt Nam đã đưa ra “Thông báo kết luận về việc thoả thuận xuất bản lịch blốc” với mức cung và quota vừa nêu ở trên. Các NXB nào không tham gia vào nhóm xuất bản lịch blốc thì cũng phải bắt buộc tuân thủ nguyên tắc bình quân nói trên. Đồng thời, văn bản còn quy định buộc các NXB không làm theo nhóm cũng phải tuân thủ cơ cấu xuất bản lịch blốc bao gồm đủ bốn chủng loại: tiểu, trung, đại và siêu cực đại, không nhóm hay một NXB nào được quyền chỉ chọn loại lịch dễ tiêu thụ nhất khi đăng ký xuất bản!

Từ khi có thị trường lịch tự do, mỗi năm cứ đến mùa lịch không khí cạnh tranh diễn ra khá căng thẳng và ngày càng có xu hướng quyết liệt, đặc biệt là cạnh tranh về mức chiết khấu. Một “đại gia” trong làng xuất bản lịch blốc đã kêu rằng từ khi có chủ trương xoá bỏ độc quyền về in và phát hành lịch blốc, mức chiết khấu của các năm 2006 – 2007 – 2008 đã bị đẩy lên quá cao, ảnh hưởng đến giá thành dẫn đến sức tiêu thụ lịch blốc giảm, lịch bị ế làm tác động xấu đến quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất – phát hành lịch. Do vậy, mùa lịch 2009, mức trần chiết khấu được các bên bắt tay nhau ấn định là 45%, nhưng có đơn vị đã tự ý vượt rào nâng lên 50%, thậm chí 55%.

Lợi cho ai?

Chưa nói đến tính khả thi của thoả thuận mà “liên minh” trên đưa ra, về mặt pháp lý, động thái này đã vi phạm quy định của Nhà nước về xoá bỏ cơ chế độc quyền.

Trên lý thuyết, cơ chế độc quyền của Nhà nước trong việc xuất bản lịch đã được xoá bỏ hoàn toàn từ năm 2005. Văn bản số 1187 về việc “Hướng dẫn việc quản lý xuất bản lịch” do bộ Văn hoá – thông tin ban hành vào ngày 8.4.2004, có quy định cụ thể đối với sản xuất lịch blốc: các nhà xuất bản được tự chủ, tự quyết định việc tham gia hoặc không tham gia xuất bản, in, phát hành lịch blốc. Một trong những nguyên nhân quan trọng được bộ trưởng Văn hoá – thông tin Phạm Quang Nghị lúc đó viện dẫn là do Việt Nam đã có luật Cạnh tranh, luật này không cho phép tồn tại những hạn chế của việc xuất bản lịch blốc lúc bấy giờ: 48 NXB tự phân chia lợi ích với nhau, không khuyến khích cạnh tranh, chi phí quản lý quá lớn và người làm lịch không quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng.

Từ khi có chủ trương xoá bỏ độc quyền về in và phát hành lịch blốc, rất nhiều đơn vị kể cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cùng tham gia làm lịch, góp phần tạo cho thị trường lịch có nhiều mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại và nội dung. Việc các đơn vị tự định giá bán lẻ từng loại lịch blốc, tự quy định tỷ lệ chiết khấu phát hành dựa trên tính toán của mỗi nhà là quyền của doanh nghiệp và phù hợp với cơ chế thị trường. Thế thì tại sao sau bốn năm có thị trường tự do, các “đại gia” chiếm đa số trong ngành xuất bản lịch lại chủ trương quay ngược 180 độ như vậy?

Việc thống nhất giá bán và ấn định chiết khấu được giải thích là để khống chế giá thành, bảo vệ người tiêu dùng, thật ra là chủ yếu bảo vệ quyền lợi của các nhà làm lịch.

Ngày 12.5.2010, một nhóm các doanh nghiệp “không liên kết” bao gồm một số đơn vị như công ty cổ phần Á Châu, công ty Trí Đức Thái Thịnh, công ty Lịch Tao Đàn, công ty Nam Việt, doanh nghiệp Gia Vũ… đã có công văn gửi lên cục trưởng cục Xuất bản, bộ Thông tin và truyền thông để phản đối đề nghị bất hợp lý của hội Xuất bản. Theo văn bản này, việc chỉ cho sản xuất 16 triệu blốc lịch và chia đều cho 58 NXB, mỗi nhà được 270.000 blốc mà không có sự lựa chọn nào khác là vi phạm luật Cạnh tranh và chưa phản ánh đúng nhu cầu của xã hội. “Quyết định như vậy là đương nhiên hội muốn loại chúng tôi ra khỏi cuộc chơi, các doanh nghiệp xuất bản tư nhân sẽ như thế nào nếu không được tiếp tục tham gia sản xuất lịch blốc. Cạnh tranh như vậy là bất bình đẳng”, giám đốc một doanh nghiệp bức xúc.

Ông Vũ Đình Hoà, tổng giám đốc công ty cổ phần văn hoá Văn Lang cho biết, quy định phân bổ hạn ngạch của hội Xuất bản chẳng khác nào quay lại thời kỳ Nhà nước độc quyền sản xuất lịch. Việc thống nhất giá bán và ấn định chiết khấu được hội giải thích là để khống chế giá thành, bảo vệ người tiêu dùng, thật ra là chủ yếu bảo vệ quyền lợi của các nhà làm lịch.

Qua thực tế khảo sát, sau khi có thị trường lịch tự do, giá lịch blốc trong ba năm qua đã giảm từ 20 – 30%, bất chấp giá đầu vào tất cả đều tăng từ giấy, công in, phí vận chuyển… cả chiết khấu cũng tăng từ 20% năm 2005 lên tới hơn 50%. “Nếu quay lại cơ chế phân bổ hạn ngạch, thị trường lịch sẽ trở lại như trước kia, người tiêu dùng sẽ không có quyền lựa chọn mà tất cả các thứ từ mẫu mã, giá cả sẽ do các nhóm xuất bản định đoạt”, ông Hoà nói. Theo thông tin mà chúng tôi biết được, sau khi nhóm này lên tiếng phản đối, đến nay một số doanh nghiệp đã rút tên ra khỏi “liên minh” xuất bản lịch blốc. Ngoài một số “đại gia” trong làng lịch như NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM không tham gia ngay từ đầu, nếu thêm vài tên tuổi nữa tuyên bố rút lui, người tiêu dùng có thể thở phào vì kế hoạch thâu tóm thị trường lịch blốc của “liên minh” đang đứng trước nguy cơ phá sản.

( Theo Diệu Thuỳ // SGTT Online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Doanh nghiệp CNTT - truyền thông: Mới mạnh ở sân nhà
  • Đầu tư vào giá trị bền vững
  • Apple qua mặt Microsoft thành công ty công nghệ lớn nhất
  • Lấy túi nọ bỏ túi kia
  • Thị trường thiết bị điện cao cấp: Cuộc đua thương hiệu
  • Trạng thiệt, Chúa cũng trắng tay
  • Chỉ có ăn theo World Cup
  • eBay tranh thủ giành lại thị trường Trung Quốc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com