Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiến lược đầu tư vào Campuchia

Những hoạt động giao lưu văn hóa như đêm hội thời trang giúp phát triển du lịch tốt hơn

Đi dạo chợ ở Campuchia, thấy hàng Việt chiếm đến quá nửa, có thể hiểu các doanh nghiệp Việt đã tìm được chỗ đứng ở thị trường tiềm năng này. Giờ đây, mảng thị trường du lịch đang được xúc tiến cho xứng với tiềm năng.

Trong hơn một năm trở lại đây, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia được đánh giá là nở rộ. Một minh chứng sinh động chính là kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia trong quí I/2010 đã đạt 432 triệu USD, tăng gần 130% so với con số 190 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng mạnh mẽ này được xem như tín hiệu tốt cho mục tiêu đạt 2 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào cuối năm nay, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết tại Hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ và du lịch Việt Nam - Campuchia 2010 vừa được tổ chức tại Phnôm Pênh.

Ưu tiên cho doanh nghiệp tư nhân

Trên thực tế, thị trường Campuchia đầy tiềm năng với doanh nghiệp Việt vì điều kiện địa lý gần gũi và có quá trình hợp tác lâu dài. Tuy nhiên, để tiến vào thị trường này không dễ vì sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc và Thái Lan. Giờ đây, đã có những tên tuổi của doanh nghiệp Việt được biết đến ở thị trường này như Viettel, Vietnam Airlines, BIDV, Hoàng Anh Gia Lai, Sacombank, Mai Linh… Sở dĩ chỉ trong khoảng thời gian không dài, Việt Nam đã đạt được những kết quả đầu tư đáng kể là do đã có được một chiến lược đầu tư sâu rộng, bài bản, với sự tham gia của nhiều tập đoàn trong và ngoài quốc doanh. Lúc này, các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong chiến lược hợp tác thương mại giữa hai nước. Bà Men Sam An, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia cho biết, nước này tập trung ưu tiên cao cho đầu tư tư nhân và coi đây là “đầu máy” kéo tăng trưởng kinh tế đi lên. Xuất phát từ quan điểm này, Campuchia xây dựng luật đầu tư theo hướng thu hút đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài, tạo nên sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tại Campuchia mở cửa cả những lĩnh vực nhạy cảm như bảo hiểm, viễn thông, ngân hàng... vốn là những lĩnh vực mà nhiều quốc gia khác yêu cầu phải có doanh nghiệp nội địa tham gia góp vốn.

Sức hấp dẫn từ độ “mở” đến quyết tâm của chính quyền và những ví dụ thực tế từ các doanh nghiệp đi trước đã tạo nên động lực đáng kể đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong chặng đường mở mang thị trường sang Campuchia.

Từ góc độ của địa phương, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2010, thành phố tiếp tục xác định Campuchia là thị trường trọng điểm cho công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Mục tiêu này được cụ thể bằng việc kêu gọi các doanh nghiệp hưởng ứng. Đáp lại là con số các doanh nghiệp tham gia hội chợ lên đến 300 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sacombank - doanh nghiệp có chi nhánh tại Campuchia - cũng nhanh chóng đưa ra chính sách tín dụng ưu đãi đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia và với đối tác Campuchia nhập khẩu hàng từ Việt Nam. Theo đại diện của Sacombank, gói giải pháp hỗ trợ tín dụng này tập trung cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu nhằm tạo điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và thúc đẩy hoạt động quảng bá hình ảnh, đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Campuchia.

Khai phá sản phẩm du lịch mới

Thủy điện, dầu khí, khai khoáng, trồng cao su là bốn lĩnh vực được các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng khi đầu tư vào Campuchia. Hợp tác khai thác, phát triển du lịch vốn đã được nhắc tới lâu nay, nhưng vẫn chưa có được những chương trình thực sự đúng với qui mô và tiềm năng sẵn có. Chúng ta có chương trình hợp tác Việt Nam - Lào - Campuchia “một điểm đến, 3 đất nước” nhưng sản phẩm khai thác chưa nhiều, chưa đa dạng. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng và dịch vụ du lịch VietCam, doanh nghiệp có tiếng trong khai thác du lịch tại thị trường Campuchia, chia sẻ, có nhiều vấn đề mà doanh nghiệp không tự giải quyết được. Vì vậy, họ đang trông đợi những động thái hỗ trợ từ chính quyền để có thể mở rộng qui mô và phạm vi kinh doanh. Xét về yếu tố thị trường, thực tế lượng khách du lịch từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại đều tăng đáng kể. Nagaworld - khách sạn 5 sao có tiếng nhất ở Phnôm Pênh - ghi nhận có đến 70 % du khách là người Việt, sau đó là người Đài Loan và các nước khác. Khách sạn này có 3 thứ tiếng: Campuchia, tiếng Anh và tiếng Việt.

Điểm mới trong khai thác du lịch tại thị trường Campuchia sẽ là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh.

Đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia khai thác du lịch và tương đối thành công như VietCam, Viettravel… Tuy nhiên, nhìn từ góc độ điểm đến hay thị trường đi nữa, rõ ràng vẫn có thể phát triển mạnh hơn nữa nếu doanh nghiệp được hậu thuẫn từ chính quyền hai nước. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, điểm nhấn của kỳ hội chợ thương mại lần này là du lịch vì TPHCM xác định đây sẽ là mũi nhọn để phát triển trong thời gian tới đây. Hội chợ là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp xúc, bàn thảo và đưa ra những kiến nghị giúp xây dựng môi trường chính sách tốt hơn cho phát triển du lịch, bà Hồng khẳng định.

Nói về những điều làm cản trở sự hợp tác trong du lịch, ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM cũng phải thừa nhận, thông tin du lịch giữa hai nước chưa được khai thác tốt. Vì thế, ở cấp nhà nước, hai bên đang bàn thảo chiến lược phát triển du lịch đồng bộ như bỏ hạn chế quota, tự do đi lại và xem xét khai thác phương tiện vận chuyển chung giữa 2 nước. Thêm vào đó, yếu điểm của hệ thống thông tin cần phải được khắc phục ngay từ chính khâu cung cấp thông tin tại cửa khẩu, ông Khánh nói. “ 3 nước 1 điểm đến” thì càng cần phải cùng nhau xây dựng những chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại.

Điểm mới trong khai thác du lịch tại thị trường Campuchia được ông Khánh cho biết chính là những gói du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh. Hiện nay TPHCM đã có được danh sách các bệnh viện uy tín để có thể đón tiếp lượng khách từ Campuchia đang tăng lên. Đây cũng là hướng mở mà phía Campuchia muốn phát triển. Dẫn lại slogan của Hội chợ thương mại “Tăng sự lựa chọn - Tăng niềm tin”, thứ trưởng Bộ Du lịch Hoàng gia Campuchia tự tin, doanh thu từ du lịch giữa hai nước sẽ còn tăng hơn nữa. Được biết, trong 6 tháng đầu năm nay doanh thu từ du lịch của nước này đạt 480 triệu USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã cấp phép đầu tư ra nước ngoài tại 50 vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký 7 tỷ USD, trong đó vào Campuchia là 883 triệu USD. Riêng năm 2009 các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư vào Campuchia 400 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực khoáng sản, cây công nghiệp, điện, viễn thông, ngân hàng. Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên vị trí đối tác thương mại thứ 6 của Campuchia với kim ngạch buôn bán hai chiều dự kiến đạt 1,7 tỷ USD năm 2010. Đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, năm nay vốn bình quân một dự án của Việt Nam tại đây đã tăng từ 5,4 lên 14,2 triệu USD.

(Theo Vũ Minh // Báo Doanh nhân)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Bài học từ vụ bê bối tại Merrill Lynch (Phần 1)
  • Bài học từ vụ bê bối tại Merrill Lynch (Phần 2)
  • Số người chi tiêu bằng thẻ Visa tăng mạnh
  • USA Today thành công nhờ tầm nhìn chiến lược
  • Cuộc chiến trên những chiếc LCD
  • Các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường bán lẻ nội địa: Chiếm lĩnh thị phần - cách nào?
  • Một số tổng công ty nhà nước lỗ nặng
  • Kinh doanh đa ngành: Tham vọng cần uốn nắn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com