Đầu tư đa ngành không phải là xu hướng bất thường. Tuy nhiên, sự nở rộ của quá trình đa dạng hóa đầu tư theo kiểu "căng da báo" ở rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước liệu có bảo đảm an toàn? Thực tế, đầu tư đa ngành đang có nhiều dấu hiệu phức tạp nếu không muốn nói ươm mầm... "bệnh" trong nền kinh tế.
|
Thị trường bất động sản thu hút vốn đầu tư của không ít doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Trung Kiên |
Lấy ngắn nuôi dài
Tại thời điểm này, bất động sản đang là tâm điểm của các nhà đầu tư. Và có thể nói, gần như "nhà nhà làm bất động sản". Nhiều doanh nghiệp trước đây hầu như không dính dáng đến lĩnh vực này thì nay bỗng dưng chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản. Đây cũng là trào lưu chung của các tập đoàn, tổng công ty lớn. Chẳng hạn, có công ty chỉ chuyên sản xuất đồ gốm sứ nhưng cũng đầu tư vào bất động sản; có công ty chỉ chuyên khai thác, chế biến gỗ bỗng mở ra làm dự án khu đô thị, chung cư...
Bất động sản chỉ là một mảng cho thấy tình trạng lớn... ra (không phải "lớn lên") theo chiều ngang của nhiều doanh nghiệp nếu như "lãnh địa" mới hứa hẹn lợi nhuận. Thay vì phát triển theo chiều sâu, nhiều doanh nghiệp chọn hướng đi ngược lại, miễn là có lãi. Cách đây chưa lâu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vốn có lĩnh vực hoạt động truyền thống là sản xuất, kinh doanh điện năng, đã mở ra thêm viễn thông, sau đó có cả bất động sản, tài chính - ngân hàng... Trả lời báo chí, một lãnh đạo EVN giải thích, đây là cách "lấy ngắn nuôi dài", để tìm cách "bù đắp" cho sự mất cân đối tài chính.
Một "ông lớn" khác là Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) ngoài chức năng trồng, khai thác, chế biến... cao su là chính, cũng mở ra thêm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện (đầu tư, xây dựng, khai thác, vận hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện...), cơ khí (đúc, cán thép, sửa chữa, lắp ráp, chế tạo các sản phẩm cơ khí và thiết bị công nghiệp khác), quản lý, khai thác cảng biển, kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ, đường thủy nội địa. Và tất nhiên, trong cơ cấu ngành nghề của VRG có bất động sản, thậm chí cả tư vấn khoa học - công nghệ tin học, kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống, dịch vụ lữ hành nội địa...
Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) ngoài lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin còn mở ra dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng, quảng cáo, tổ chức sự kiện, kinh doanh bất động sản...
Và những hệ lụy
Trong mấy năm gần đây, đầu tư đa ngành thường được các doanh nghiệp đổ vào tài chính, bất động sản, chứng khoán... Đầu tư dàn trải dẫn đến việc triển khai quá nhiều dự án, lĩnh vực trong cùng thời kỳ, không phù hợp với năng lực quản lý và khả năng tài chính của doanh nghiệp. Thực tế, việc nghiên cứu triển khai các dự án mới sơ sài, không tính toán kỹ hiệu quả theo kiểu "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào" đã kéo theo không ít hệ lụy.
Theo đánh giá của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, trên thực tế, có một số doanh nghiệp chuyển sang ngành nghề kinh doanh mới với phương châm đi dần từng bước để có kinh nghiệm, trước khi chuyển sang đầu tư lớn, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên đã có nhiều doanh nghiệp, do "nôn nóng" tăng doanh thu, lợi nhuận, đã đầu tư quá nhiều vào những ngành nghề phi truyền thống. Hậu quả, đầu tư mới dẫn tới thua lỗ, gây ra tình trạng vốn tự có bị ứ đọng, thậm chí làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính doanh nghiệp.
Cũng theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, nhiều doanh nghiệp bỏ ra hàng trăm tỷ đồng vốn tự có để đầu tư tài chính, nhà hàng, khách sạn, song... đã thua lỗ. Đồng thời, hàng loạt doanh nghiệp bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đầu tư vào thương mại, bất động sản, du lịch nhưng không có hiệu quả kinh tế.
Chống "bệnh" đầu tư dàn trải
Ảnh hưởng sâu rộng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã buộc nhiều doanh nghiệp phải tái cấu trúc (đây cũng là yêu cầu đối với nền kinh tế). Tại thời điểm hết năm 2007, 70 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ra bên ngoài đến gần 117.000 tỷ đồng. Trong đó 28/70 tổng công ty có hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm... với vốn đầu tư lên tới 23.300 tỷ đồng. Không ít "anh cả" của nền kinh tế đua nhau lập ngân hàng, công ty kinh doanh bất động sản, quản lý quỹ... Đến cuối năm 2008, số vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty lớn trong các lĩnh vực này cũng là hơn 20.000 tỷ đồng. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quy định về việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước nhằm siết chặt tình trạng "nở ra" của các doanh nghiệp. Theo đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước được đầu tư thêm ngành nghề kinh doanh hỗ trợ khác lĩnh vực truyền thống ở mức dưới 30%. Đồng thời, ngành nghề hỗ trợ phải dựa trên cơ sở điều kiện, lợi thế của ngành nghề kinh doanh chính chứ không phải thích... "bỏ thóc" giỏ nào cũng được.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu doanh nghiệp đầu tư đa ngành đi đúng hướng, triển khai thành công sẽ đạt được hiệu quả; nếu "chệch hướng" có thể dẫn tới thua lỗ, thậm chí phá sản. Bất lợi đầu tiên khi đa dạng hóa đầu tư là đánh mất lợi thế cạnh tranh truyền thống, phân tán nguồn lực... Đáng lo ngại hơn cả, với khả năng quản trị còn nhiều hạn chế như hiện nay của đại đa số doanh nghiệp Việt Nam, đa dạng hóa đầu tư thực sự là vấn đề. Tuy nhiên, tình trạng "căng da báo" trong đầu tư của các doanh nghiệp không hề bị hạn chế mà còn nở rộ hơn. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính khuyến nghị, doanh nghiệp phải đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án. Những dự án không hiệu quả, những dự án hay khoản đầu tư đa ngành vượt quá tỷ lệ quy định, cần kiên quyết cắt bỏ để thu hồi vốn dù thua lỗ thì vẫn phải thực hiện để tập trung vốn vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Ban quản trị doanh nghiệp không nên có những tham vọng phi thực tế rằng phải nhanh chóng trở thành tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu phải có doanh thu - lợi nhuận tăng trưởng hằng năm bằng việc triển khai các dự án kém hiệu quả.
Trên thực tế, rất ít tập đoàn kinh tế đầu tư đa ngành kinh doanh hiệu quả. Đây không chỉ là kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Trong khi đó, phát triển, đầu tư theo chiều sâu - chiến lược duy nhất có thể tạo ra sức bật cho nền kinh tế - lại bị xem nhẹ. Thời điểm này, đã đến lúc phải xem lại quy định về đầu tư ngoài ngành, đa ngành của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là của các "ông lớn" - vốn đảm nhiệm những trọng trách được coi là xương sống trong nền kinh tế. Chẳng hạn, EVN thực hiện không đạt nhiệm vụ chính (thường xuyên để xảy ra thiếu điện trầm trọng), VNPT để chất lượng dịch vụ viễn thông thấp... thì có nên... "đa ngành"? Hoặc tỷ lệ 30% (đầu tư ngoài ngành) cũng cần được xem lại... Nếu không "phòng xa", có lúc "bệnh" đầu tư đa ngành sẽ gieo họa lớn cho nền kinh tế. Và thực tế đã kiểm chứng điều đó.