Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chọn hướng phát triển nào?

Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ phát triển theo hướng nào – tiếp tục phình to hay buộc phải co lại? Câu hỏi then chốt này đang trở thành mối quan tâm chung ngày càng tăng khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu bước ra khỏi thời kỳ trì trệ nhất trong vòng hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, hiện thật khó xác định được xu hướng cụ thể, cho dù các DNNN sẽ phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo luật Doanh nghiệp từ ngày 1.7 tới, thời điểm mà luật Doanh nghiệp nhà nước sẽ chấm dứt hiệu lực.

Các nhà điều hành kinh tế có lý do để nuôi dưỡng khu vực kinh tế này. Ít nhất, trong giai đoạn kinh tế biến động vừa qua, họ đã can thiệp được để tập đoàn PetroVietnam tăng cường khai thác dầu thô; chỉ đạo ngành than, điện kiềm chế tăng giá hay yêu cầu các công ty thép, xi măng vận chuyển hàng vào những thị trường có nguy cơ khủng hoảng,... dù cách điều hành này đi ngược với lý thuyết về “bàn tay vô hình” của thị trường. Báo cáo của ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (ban chỉ đạo) nêu đậm thành tích này: “Chúng ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất… nhờ sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước mà chủ lực là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô,…”

Kể từ khi những DNNN đầu tiên được cổ phần hoá cách đây hai thập kỷ, tiến trình này gần đây đã trở nên chậm lại. Trong năm 2009, theo Ban chỉ đạo, chỉ có vỏn vẹn 67 DNNN được cổ phần hoá. Ban này thừa nhận thực tế là trong giai đoạn cuối 2007 – 2008, khi thị trường chứng khoán suy thoái, việc bán đấu giá cổ phần của các DNNN “không thành công”.

Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã tăng mạnh về số lượng hơn bao giờ hết. Chỉ trong năm ngoái và đầu năm nay đã có thêm bốn tập đoàn kinh tế gồm Viễn thông quân đội, Hoá chất, Công nghiệp xây dựng, Phát triển nhà và đô thị, nâng tổng số tập đoàn kinh tế nhà nước lên 11. Tính đến cuối năm 2009, theo Ban chỉ đạo, tổng vốn nhà nước của 19 tập đoàn và tổng công ty 91 và 61 tổng công ty 90 vào khoảng 492.579 tỉ đồng. Đây là một lượng vốn khổng lồ, và cần một khoảng thời gian không thể ngắn để cổ phần hoá chúng. Nhận định này được củng cố thêm bởi thực tế là trong 20 năm đổi mới DNNN vừa qua, tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hoá chỉ là 18,5% so với tổng vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các công ty nhà nước độc lập, theo Ban chỉ đạo.

Trong 15 năm qua khu vực nhà nước vẫn chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư xã hội, nhưng tăng trưởng của Việt Nam lại chủ yếu dựa vào khu vực tư nhân

Và khu vực kinh tế này có lẽ sẽ được củng cố thêm, khi trong dự thảo báo cáo phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2015 đang được lấy ý kiến, khu vực DNNN được xác định sẽ tiếp tục đóng vai trò là công cụ quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, là lực lượng nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường.

Bất chấp hàng loạt những ưu thế trên, khu vực này luôn bị chỉ trích bởi tính thiếu hiệu quả, theo các nhà kinh tế. Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét: “Vấn đề lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay là phân bổ nguồn lực không hợp lý, khi khu vực DNNN vẫn được ưu đãi về vốn, đất đai, tài nguyên”. Một báo cáo của uỷ ban Kinh tế Quốc hội năm 2009 xác nhận điều này, theo đó các DNNN chiếm 47,1% tổng vốn (so với của cả khu vực tư nhân và FDI) nhưng chỉ tạo ra 23,9% tổng số việc làm. Trong khi đó, khu vực tư nhân chỉ có chiếm 34,7% tổng vốn (so với của cả doanh nghiệp nhà nước và FDI) nhưng lại tạo ra 53,3% tổng số việc làm. Một nghiên cứu của tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh tổng hợp số liệu của Tổng cục Thống kê và viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, trong 15 năm qua khu vực nhà nước vẫn chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư xã hội, nhưng tăng trưởng của Việt Nam lại chủ yếu dựa vào khu vực tư nhân và giá trị công nghiệp của khu vực tư nhân gấp ba lần khu vực nhà nước. Câu hỏi đặt ra: nền kinh tế Việt Nam sẽ hiệu quả hơn nếu nguồn lực không tập trung quá lớn vào khu vực kinh tế này?

Câu trả lời, tất nhiên sẽ không dễ chịu với những người trong khu vực này: có vỏn vẹn 9% tổng số lao động có việc làm đang làm việc trong khu vực nhà nước, với thu nhập bình quân 5,1 triệu đồng/tháng trong năm 2009, theo Ban chỉ đạo. Con số này là mơ ước với bất kỳ công nhân nào đang làm trong các doanh nghiệp dệt may vốn FDI ở Bình Dương hay Hà Nội khi họ chỉ lĩnh lương vỏn vẹn 1,2 triệu đồng/tháng.

(Theo Tư Giang // SGTT Online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Doanh nghiệp lớn còn ngại “đám mây”
  • Trong cái khó, ló lối thoát
  • Công ty không trụ sở bùng nổ tại Mỹ
  • Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” : Lợi ích nhân đôi
  • Nhà đầu cơ đánh bạc với nhà nước
  • Bài học từ phở
  • 7 bước chiếm lĩnh thị trường
  • GM lần đầu sinh lãi sau 3 năm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com