Cuộc chiến giá cước đã khiến nhà mạng DTAC phải tăng ngân sách đầu tư lên 24%. Ảnh: ICTNews |
Trong năm 2005, cuộc chiến khốc liệt về giá đã diễn ra tại Thái Lan với những dấu hiệu đầu tiên về việc giảm cước kết nối - ngòi nổ đầu tiên đẩy mức doanh thu viễn thông di động của các nhà mạng giảm mạnh. Trong năm 2005, một cuộc chiến gay gắt về giá đã diễn ra giữa 3 nhà mạng lớn nhất tại Thái Lan gồm AIS, DTAC và True Move. Với việc giảm cước nội mạng xuống còn 1 baht (khoảng 600đ) cho phút đầu tiên, 0,25 baht từ phút thứ 2 đến phút thứ 4, từ phút thứ 5 miễn phí… giá cước di động của Thái Lan thời điểm đó tương đương giá cước di động hiện nay tại Việt Nam. Cuộc đua giảm cước này đã khiến tổng số phút gọi của mỗi thuê bao (MOU) tăng gấp đôi chỉ trong vòng 6 tháng.
Nhưng con số MOU tăng gấp đôi không giúp cho các nhà mạng Thái Lan “vui vẻ” hơn chút nào. Mặc dù lượng thuê bao vẫn tiếp tục tăng nhưng tổng doanh thu của cả 3 nhà mạng này trong các quý II và quý III năm 2005 lại giảm. Sang quý IV/2005, tổng doanh thu đã tăng trở lại nhưng kể cả mức tăng này cũng chỉ tương đương với doanh thu của quý I/2005 trong khi đó tỷ lệ thâm nhập điện thoại di động lại tăng từ 42,5% lên 47,5% tại cùng thời điểm.
So sánh với hoàn cảnh đó ở Thái Lan và bối cảnh cạnh tranh hiện nay trên thị trường Việt Nam, Frost & Sullivan cho rằng sự sụt giảm doanh thu tương tự cũng sẽ xảy ra hoặc khả quan hơn một chút là tổng doanh thu không thay đổi trong khi tỷ lệ thâm nhập điện thoại di động vẫn tiếp tục gia tăng.
Chiến tranh về giá kéo theo lượng thuê bao, MOU tăng mạnh buộc các nhà mạng phải tăng đầu tư cho CAPEX (Quỹ đầu tư cho tài sản cố định, cơ sở vật chất và hạ tầng cơ bản) để có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Tăng đầu tư cho CAPEX trong khi tổng doanh thu giảm và hệ quả tất yếu là lợi nhuận của các nhà mạng cũng vì thế mà giảm theo. Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng doanh thu của các nhà mạng tại Thái Lan không chỉ âm mà còn phải tăng đáng kể các nguồn tiền đầu tư vào mạng lưới. Ví dụ, DTAC (mạng lớn thứ 2 tại Thái Lan) đã phải tăng ngân sách đầu tư lên 24% (từ 213 triệu USD lên 288 triệu USD). Hơn nữa, DTAC cũng phải thay đổi tỷ trọng đầu tư như sau: Dung lượng mạng lưới: Tăng từ 22% lên 68%; Vùng phủ: Giảm từ 55% xuống còn 22%; Đầu tư khác: Giảm từ 22% xuống còn 10%. Điều này làm cho việc mở rộng đầu tư vùng phủ tại khu vực nông thôn bị chậm lại. Như vậy thị trường Việt Nam cũng sẽ chịu các tác động xấu tương tự như Thái Lan.
Tại Indonesia, một số nhà mạng mới ra nhập thị trường cũng áp dụng chính sách giá rẻ tương tự như thị trường Việt Nam nhưng không thành công. Năm 2007, hãng Hutchison với thương hiệu 3 đã gia nhập thị trường và đưa ra gói cước gọi nội mạng miễn phí tại khu vực thành thị nhằm mục đích giành thị phần một cách nhanh chóng. Đến cuối 2008, nhà mạng này đã có được 4,5 triệu thuê bao trong đó có 99,8% là trả trước, và hầu hết trong số đó là sim phụ (dùng sim thứ 2 hoặc sim thứ 3) với mục đích gọi nội mạng. ARPU của mạng này chỉ bằng 12% so với mạng Telkomsel, đây là lý do mà chúng tôi cho rằng việc các nhà mạng đưa ra các gói cước gọi nội mạng miễn phí tại thị trường Việt Nam cũng sẽ chỉ có thể thu hút được một lớp đối tượng khách hàng sử dụng thêm để gọi nội mạng, và như vậy tỷ lệ tăng thuê bao không tương ứng với tỷ lệ tăng người dùng. Chúng tôi cũng tin rằng, với mức ARPU thấp như vậy thì các nhà mạng sẽ rất khó tăng được lợi nhuận, và Hutchison đã bắt buộc phải thay đổi chiến lược giá để có thể tồn tại trên thị trường Indonesia.
(Theo ITCNews)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com