Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải cứu “con tàu khổng lồ” Vinashin - Bài 3: Cần tổng kiểm tra "sức khỏe" các tập đoàn

Chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo bộ chủ quản cũng như lãnh đạo Tập đoàn Kinh tế Vinashin để có thêm thông tin chính xác, khách quan gửi tới độc giả; nhưng đáng tiếc, có người tắt máy, có người không nghe máy và có người từ chối trả lời phỏng vấn.

Để giúp độc giả có cách nhìn nhận khách quan hơn về Vinashin cũng như mô hình tập đoàn kinh tế này, PV Báo Hànộimới đã liên lạc với chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh và thực hiện cuộc phỏng vấn qua điện thoại...

Tập đoàn Vinashin đã giành được nhiều hợp đồng đóng tàu lớn từ nước ngoài thế nhưng hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng.

- Dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về những khó khăn của Vinashin hiện nay?

- Việc Vinashin như hiện nay đã được nhiều người dự báo trước. Cách đây 2 năm, anh Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình Fulbright có công trình nghiên cứu khá tốt về tập đoàn này nhưng lúc ấy bị phản đối. Các tập đoàn được thành lập lúc đầu là thí điểm, mà đã thí điểm phải có thời hạn và sau đó phải có đánh giá, kết luận. Tuy nhiên, cho đến nay, đã lâu rồi mà không thấy có đánh giá, kết luận quá trình thí điểm. Trên thực tế, thí điểm ở đây là làm thật và làm rầm rộ. Vinashin nhận được rất nhiều đất ở các địa phương. Các tỉnh đã phản ánh việc Vinashin xin đất và dù rất phân vân nhưng tỉnh vẫn phải giao đất. Điểm thứ 2 là Vinashin có thời kỳ phát triển quá mạnh, thành lập 200 doanh nghiệp (DN)/năm, trung bình cứ 1 ngày rưỡi có thêm 1 DN. Tập đoàn này còn đa dạng, bành trướng ra nhiều lĩnh vực. Tại Thanh Hóa có một trại lợn mang tên Vinashin, trên đường Giải Phóng có một quầy bán ô tô mang tên Vinashin, ở Tam Đảo có khu nghỉ mát mang tên Vinashin… Như vậy là có quá nhiều dự án thuộc những ngành, lĩnh vực không liên quan đến chuyên môn sâu là đóng tàu của mình. Tôi được biết, có nhiều nhà nghiên cứu đã đề nghị được biết danh sách hội đồng quản trị, giám đốc của 200 DN thành viên của Vinashin là thế nào, nhưng không được công bố. Trước tình hình quản lý như vậy, nhiều ý kiến đề nghị xem xét công tác quản lý, nhưng đáng tiếc trong 2 năm liền không được xem xét, công tác thanh tra cũng bị hoãn. Cơ sở pháp lý của những việc làm này cũng cần phải xem xét, rút kinh nghiệm. Tới đây, Vinashin sẽ bị thanh tra, nhưng tôi hiểu sau khi tái cơ cấu Vinashin sẽ không còn nguyên dạng nữa.

- Ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về việc tái cơ cấu Vinashin?

- Nếu như một DN đang làm ăn phát đạt thì tái cơ cấu là phương án có căn cứ kinh tế kỹ thuật để xem xét, cân nhắc. Đây là phương án cắt bớt DN đã, đang ốm yếu cho các DN khác. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là DN cho Vinashin vay nhiều, nên cũng có thể hiểu đây như là hình thức gán nợ. Trong số các dự án chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí có cả các dự án đóng tàu, như vậy, liệu Vinashin có thể có đủ tiềm lực với ngành đóng tàu? Ở đây cần xem xét trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo tập đoàn khi để lại khoản nợ quá lớn, trách nhiệm cơ quan quản lý giám sát. Chúng tôi rất hoan nghênh kết luận mới đây của Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng.

Tái cơ cấu kịp thời sẽ vực dậy “con tàu” Vinashin.

- Các tập đoàn kinh tế thời gian vừa qua đều có những vấn đề nhất định, theo ông, sau sự việc Vinashin, cần rút ra bài học gì?

- Sau bài học Vinashin, cần phải rút kinh nghiệm toàn diện về mô hình các tập đoàn kinh tế, nhất là công tác thí điểm tập đoàn. Chính phủ đứng ra vay nợ nước ngoài đã giao toàn bộ 750 triệu USD cho Vinashin, đơn vị này sẽ trả nợ ra sao? Ngoài ra, cũng cần để ý đến nguy cơ Vinashin bán đất để lấy tiền trả nợ. Vinashin phải kinh doanh để trả nợ. Đất đai là tài sản quốc gia, không phải của Vinashin kiếm ra nên không thể bán để trả. Thời gian tới, theo tôi cần có đợt kiểm tra "sức khỏe" tổng thể của các tập đoàn và có báo cáo cụ thể. Một điều cũng đặc biệt cần thiết là xây dựng quy chế, đưa các tập đoàn vào sự giám sát của Quốc hội; các bộ, ngành chức năng như kiểm toán, thanh tra, ngân hàng… Sự vụ Vinashin là điều không may, không ai mong muốn, nhưng cũng là cơ hội để xem xét, tránh những điều không hay nữa có thể xảy ra. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị phải có khung pháp lý rõ ràng, kết luận rõ ràng về mô hình hoạt động, cũng như cơ quan giám sát tập đoàn.

- Thưa ông, trong một số lĩnh vực, Nhà nước vẫn phải đứng ra bảo lãnh cho các tập đoàn, công ty vay vốn nước ngoài, bởi các đơn vị chưa đủ uy tín quốc tế. Ông nghĩ gì về việc này?

- Đây là vấn đề nợ công, đối với người nước ngoài, Nhà nước đứng ra bảo lãnh sẽ phải trả nợ, không thể có chuyện DN không trả được nợ thì trốn tránh. Đây là một hình thức nợ công và cần có phương pháp về quản lý nợ công công khai, minh bạch, rõ ràng, thay vì dễ dãi. Các dự án như vậy cần được xem xét kỹ lưỡng, đưa ra hội đồng giám định, được trưng cầu ý kiến chuyên gia và được bộ, ngành thảo luận, xem xét nhiều lần. Không thể để các dự án lớn như vậy được thông qua quá dễ dàng.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Nguyễn Đức // Hanoimoi Online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Từ bầu cử tổng thống Mỹ đến bài học kinh doanh
  • Kinh tế suy thoái, mạng xã hội phát triển
  • Cuộc chiến Blackberry và iPhone
  • Thuận tay trái không dùng được iPhone 4?
  • Bán hàng qua mạng xã hội
  • Điểm nhấn là thị trường nội địa
  • Starbucks Coffee: “Thu gọn và trở về cơ bản”
  • Chuyện nhỏ, cơ hội lớn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com