Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dịch vụ... chống tham nhũng!

Một nguồn tin cho biết chi nhánh một hãng luật nước ngoài nổi tiếng tại Việt Nam năm nay bỗng trở nên bận rộn khi nhận được những hợp đồng đặc biệt từ các tập đoàn xuyên quốc gia. Đặc biệt ở chỗ nội dung của hợp đồng dường như chẳng hề liên quan gì đến chuyện đầu tư, kinh doanh đơn thuần cả.

Khách hàng chỉ đưa ra yêu cầu là nhờ điều tra xem chi nhánh, công ty của họ có hay không các hành vi tham nhũng, đưa hối lộ hay bất hợp pháp khác tại nước sở tại, nơi chi nhánh, công ty đó đang hoạt động. Những yêu cầu được cho là tăng lên sau một loạt vụ các công ty nước ngoài hối lộ cho các quan chức Việt Nam bị đổ bể như PCI (Nhật), Nexus (Mỹ), Securency (Úc)...

Cơ sở để điều tra là các dữ liệu bao gồm hàng trăm tài liệu, văn bản, hợp đồng, chứng từ, thư tín, email... liên quan đến các giao dịch được tập đoàn lưu giữ theo một quy trình kiểm soát hết sức chặt chẽ và nghiêm ngặt. Các luật sư phải sàng lọc, “soi kính lúp” vào từng dữ liệu kèm theo các biện pháp nghiệp vụ khác nhằm phát hiện có hay không dấu hiệu tham nhũng, từ đó đề xuất phương án giải quyết vụ việc cho khách hàng.

Được biết, mới đây hãng luật Baker McKenzie đã cử một đoàn chuyên gia có kinh nghiệm đến TPHCM tham gia đợt tập huấn kéo dài bốn ngày nhằm nâng cao nghiệp vụ điều tra chống tham nhũng cho các luật sư của hãng tại Việt Nam.

Chuyện các công ty thuê luật sư điều tra chống tham nhũng ngay trong nội bộ của mình thực ra chẳng phải lạ lẫm ở các quốc gia phát triển, đặc biệt như Mỹ, Canada, Úc... Câu hỏi đặt ra là vì sao họ lại đi làm một việc chống lại chính mình theo kiểu... hơi ngược đời đến vậy?

“Không hề ngược đời đâu! Tất cả những việc các tập đoàn họ làm đều là để bảo vệ cho chính quyền lợi, sinh mệnh của họ cả đấy” - một luật sư giải thích.

Theo vị luật sư, ở một số quốc gia hệ thống luật pháp chống tham nhũng được thiết kế theo hướng một mặt vừa rất nghiêm khắc nhưng mặt khác cũng rất mềm dẻo, linh hoạt. Nghiêm khắc là việc áp dụng trừng trị không chỉ gói gọn trong phạm vi quốc gia mà có thể áp dụng ra cả ngoài phạm vi quốc gia đó và mức phạt sẽ cực kỳ nặng nề dành cho cá nhân lẫn pháp nhân bị phát hiện hoặc cố tình che giấu hành vi tham nhũng.

Ví dụ, theo Luật về cấm đưa hối lộ cho nước ngoài (The Foreign Corrupt Practices Act. - FCPA) của Mỹ, mức phạt tối đa cho mỗi hành vi vi phạm là 2 triệu đô la Mỹ đối với công ty; 250.000 đô la và năm năm tù giam đối với cá nhân.

Ngược lại, luật pháp cũng sẽ hết sức khoan hồng đối với những ai có ý thức thành khẩn như tích cực hợp tác, khai báo với cơ quan điều tra; tự thú hành vi phạm tội của mình... Trong vụ Công ty Nexus và ba Việt kiều bị tòa án Mỹ xét xử mới đây, mặc dù hành vi đưa hối lộ xảy ra tại Việt Nam nhưng họ vẫn không thể thoát tội vì hành vi đó đã vi phạm FCPA và Luật đi lại của Mỹ.

Tuy nhiên, nhờ thành khẩn nhận tội nên các bị cáo này chỉ bị tuyên phạt mức án 9-16 tháng tù cho mỗi người kèm theo một số khoản phạt tiền không đáng kể. Thay vì, theo tính toán, với 28 hành vi vi phạm nếu áp dụng tối đa các bị cáo có thể nhận mức án tới nhiều chục năm tù cùng hàng chục triệu đô la tiền phạt dành cho công ty.

Hệ thống pháp luật theo hướng nói trên dẫn đến một điều là để bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ doanh nghiệp khỏi sự thiệt hại, các chủ sở hữu của công ty phải “tự cứu mình” trước khi xảy ra chuyện phạm pháp và bị pháp luật trừng phạt.

Sứ mệnh “tự cứu mình” lại càng được đặt nặng, đặc biệt đối với các tập đoàn nắm trong tay mạng lưới chi nhánh, công ty con nằm khắp nơi trên thế giới. Ngoài việc thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ thì việc tự điều tra chống tham nhũng ngay trong nội bộ công ty là một trong những biện pháp được các tập đoàn chú trọng.

Đây là công việc một mặt giúp cho doanh nghiệp ngăn ngừa khả năng phạm pháp, mặt khác trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu phạm tội thì tự giác khai báo với nhà chức trách để được hưởng khoan hồng, nhẹ tội. Điều này giải thích vì sao nhiều vụ án tham nhũng dù xảy ra ngoài phạm vi quốc gia nhưng vẫn được khui ra và xử lý một cách không mấy quá khó khăn trong khi ở Việt Nam các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn loay hoay trong việc truy tầm chứng cứ.

Việc xuất hiện những đơn đặt hàng điều tra chống tham nhũng với xu hướng ngày càng gia tăng ở Việt Nam trong thời gian gần đây gợi lên nhiều điều đáng suy ngẫm. Thứ nhất, đó là dấu hiệu cảnh báo mối bất an của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh, trong đó tình trạng tham nhũng đang có nguy cơ đe dọa đến quyền lợi của họ. Thứ hai, học hỏi gì từ mô hình hệ thống pháp luật về chống tham nhũng của các quốc gia phát triển.

Bài học ở đây có lẽ là xây dựng một mô hình như thế nào để buộc mọi người, mọi doanh nghiệp đều có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật. Nếu đối chiếu với hệ thống pháp luật về chống tham nhũng của Việt Nam thì rõ ràng điều này ta chưa làm được.

(Theo Nguyên Tấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Android sẽ thống lĩnh thị trường trong năm 2011?
  • Nếm, một nghề mới?
  • “Đại gia” viễn thông Trung Quốc vẫn ra rìa ở Mỹ
  • Tập đoàn AIG bị lỗ ròng 2,4 tỷ USD trong quý ba
  • Lợi nhuận của Toyota tăng hơn bốn lần trong quý 3
  • America Online tính mua Yahoo
  • Thị trường mở rộng, cạnh tranh gay gắt
  • Viễn thông lấn sân ngân hàng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com