Sự đồng thuận từ nhà nước đến người tiêu dùng là một thuận lợi lớn để doanh nghiệp Việt Nam phát huy lợi thế trên sân nhà |
Theo kết quả điều tra mới nhất của Công ty TV Plus thì một năm sau khi triển khai chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, đã có trên 58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt Nam. Trong khi con số này trước đó chỉ dừng ở mức khoảng trên 23% (theo thống kê của Tập đoàn Grey - Hoa Kỳ). Ngoài ra, số liệu của Công ty tư vấn và nghiên cứu FTA Việt Nam cho thấy, 71% người tiêu dùng tin vào hàng Việt Nam chất lượng cao.
Bước đầu đã thu hút khách hàng
Dẫu rằng trên thực tế, những con số này cũng chưa nói hết được mức độ tin cậy, cũng như từ chỗ quan tâm, tin cậy đến hành động (mua hàng Việt) của người tiêu dùng còn có khoảng cách, nhưng những số liệu đó chính là tín hiệu để những doanh nghiệp trước đây chỉ quan tâm đến xuất khẩu không thể không nghĩ đến một chiến lược đầy đủ cho thị trường nội địa. Mặt khác, với những doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam, thì sự quan tâm, tin cậy của người tiêu dùng là một đòi hỏi chính đáng buộc doanh nghiệp phải gấp rút hoàn thiện mình hơn nữa.
Điều này thấy rõ qua 54 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức trong năm 2009-2010. Có tận mắt chứng kiến những người dân ở Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Nha Trang, Đắc Lắc, Bắc Giang, Lạng Sơn… rủ nhau đi mua sắm mới thấy được rất đông người tiêu dùng ở vùng sâu vùng xa còn chưa tiếp cận được với hàng Việt chính hãng!
Tại huyện Ninh Hòa - Nha Trang, người viết chứng kiến một bà lão gần 70 tuổi ngay trong buổi sáng đầu tiên của phiên chợ “hàng Việt”, bà đã 2 lần ghé thăm. Lần đầu bà mua giấy Sài Gòn, nước rửa chén Mỹ Hảo; lần 2 bà đi cùng đứa cháu nội, tiếp tục mua hơn 300.000 đồng đủ loại mặt hàng. Hỏi vì sao bà chọn mua nhiều vậy, bà Năm Thiệt cho biết: “Hàng của doanh nghiệp chính hãng đảm bảo là tốt, mình phải mua, vừa là ủng hộ vừa là để dành xài”.
Ngay ở Lạng Sơn - nơi người tiêu dùng Việt dễ dàng tiếp cận với đủ loại hàng hóa của Trung Quốc - người tiêu dùng vẫn dành một tình cảm rất đặc biệt với hàng Việt. Khi chuyến “hàng Việt về nông thôn” dừng chân ở Lạng Sơn vào tháng 5/2010, anh Vũ Hồng Điệp (Công ty Acecook) cho biết: “Bình quân một tháng cả tỉnh Lạng Sơn chỉ tiêu thụ hết 100 thùng mì ăn liền nhãn hiệu Đậu xanh, nhưng sau bốn ngày bán hàng tại phiên chợ, chúng tôi đã bán được hơn 800 thùng”. Ngạc nhiên nhất với ban tổ chức phiên chợ có lẽ là có một khách hàng đã mua một lúc ba cái nón bảo hiểm của Nhựa Chí Thành. Anh khách hàng này hớn hở chia sẻ: “Mũ (nón) bảo hiểm này tốt hơn của Trung Quốc nhiều bác ạ. Tôi thấy anh nhân viên bán hàng đập mười lăm “phát” xuống đường mà nón chỉ trầy xước chứ không vỡ”. Và rồi, chính những người tiêu dùng ở Lạng Sơn cũng “trách móc”: “Muốn ủng hộ hàng Việt cũng có đâu mà mua!”
Sức mua của người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa buộc các doanh nghiệp tham gia bán hàng cũng phải suy nghĩ lại. Ông Lương Vạn Vinh, Giám đốc Công ty Mỹ Hảo thừa nhận, có đi đến tận nơi mới thấy người dân mình rất ủng hộ hàng Việt. “Khi họ ủng hộ mà các đại lý chưa đáp ứng thì đó là lỗi của mình. Phải đi thực tế để biết được sản phẩm của mình được người tiêu dùng đón nhận ra sao, rà soát lại hệ thống phân phối của mình và nhắc nhở nhân viên làm tốt hơn”, ông Vinh giải thích việc mình có mặt thường xuyên trong các chuyến bán hàng về nông thôn.
“Tiếp sức” cho doanh nghiệp
Sau hơn một năm thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, nhiều hoạt động tích cực đã được triển khai và chứng tỏ hiệu quả to lớn. Dù thế, vẫn còn không ít thách thức đặt ra cho doanh nghiệp.
Thấy rõ ràng nhất, ở lĩnh vực dệt may, với trên 80 triệu dân, các doanh nghiệp còn rất nhiều đất để khai thác. Dù vậy, trên thực tế hàng Trung Quốc, hàng giá rẻ đang tràn ngập thị trường. Dường như các công ty dệt may lớn của Việt Nam tuy mạnh về xuất khẩu nhưng vẫn vô cùng lúng túng trên sân nhà.
Ông Phạm Xuân Hồng, TGĐ May Sài Gòn 3 cho rằng, đang làm xuất khẩu muốn chuyển qua làm nội địa (nếu chưa từng có hoạt động song song xuất khẩu và nội địa), phải đầu tư lại máy móc, nhà xưởng, nhân lực thiết kế và nhiều khâu khác; tính ra lên đến 60% tổng vốn nên không mấy doanh nghiệp dám mạo hiểm. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất và bán hàng nội địa thường có quy mô nhỏ và lép vế trước hàng ngoại nhập.
“Đá” trên sân nhà, có sự hậu thuẫn của “người nhà”, vậy mà đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn là rất khó. |
Ngoài những hạn chế từ năng lực, cũng có những yếu tố khách quan khiến cho doanh nghiệp Việt (không riêng gì hàng dệt may) thêm khó khăn trên thị trường nội địa, đó chính là hàng nhập lậu, hàng giá rẻ không rõ xuất xứ, nguồn gốc. Chẳng hạn, do Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm săm, lốp xe khiến rất nhiều nhãn hiệu săm lốp ôtô chất lượng thấp từ các nước trong khu vực được nhập một cách dễ dàng vào Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước như với DRC Đà Nẵng, Casumina và không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Tương tự, với các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm, dù đã có quy định tiêu chuẩn hợp quy, được xác nhận bằng tem CR, nhưng các loại mũ kém chất lượng vẫn được bày bán tràn lan ở vỉa hè với giá từ 20.000 đồng một chiếc, có tem dán đầy đủ, mà không có một cơ chế nào kiểm soát, xử lý hữu hiệu.
Đầu tư cho chặng đường dài
Một chuyên gia thị trường ví von: là người Việt Nam, ai cũng có sẵn một tình yêu dành cho hàng Việt. Khi yêu một cô gái, người ta có thể sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm nào đó, nhưng không có nghĩa là cô vẫn sẽ được yêu nếu cứ phạm lỗi hoài.
Thực tế, những điểm yếu của doanh nghiệp Việt đã được nhiều người cảnh báo (gần nhất là cuộc thi “Hiểu và tin hàng Việt” trên báo Tuổi Trẻ cuối năm 2010), người tiêu dùng đã tổng kết, đó là: thay đổi mẫu mã chậm, chất lượng không ổn định, chưa quan tâm đến chế độ hậu mãi, chưa đầu tư đúng mức cho quảng bá, tiếp thị, chưa có hệ thống phân phối vững mạnh…
Trên mặt trận phân phối, các tiểu thương - những cánh tay nối dài đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng - cũng thẳng thắn phê bình những cái “chưa được” của hàng Việt. Trong một lần giao lưu, các tiểu thương chợ An Đông (TP.HCM) đã thẳng thắn góp ý với doanh nghiệp: các công ty nước ngoài có đủ cách để thuyết phục chúng tôi bán hàng cho họ. Thực tế, chỉ cần doanh nghiệp Việt Nam học cách làm của họ: đầu tư cho sản phẩm, đảm bảo uy tín, chất lượng, quan tâm đến những người bán sỉ, bán lẻ thì tiểu thương sẵn sàng ủng hộ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trước khi kết thúc bài viết này, người viết đã dừng lại rất lâu trước bảng đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường TNS. Kết quả nghiên cứu người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2010 của công ty này đã chỉ ra rằng, trong gần 30 thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích, chỉ có 3 thương hiệu là của Việt Nam (Việt Tiến, Nino Maxx, Ha Gatini). Nếu nói đó là 10% thì đây cũng là một con số đáng khích lệ. Nhưng nếu hỏi: tại sao chỉ có 3 trong số hàng ngàn sản phẩm, thương hiệu có mặt trên thị trường thì cũng là một điều khó trả lời!
Để đến được trái tim của hơn 80 triệu người tiêu dùng Việt, rõ ràng đó là một con đường dài mà mọi doanh nghiệp Việt đều ao ước được đi và về đích. Giống như cuộc thi marathon, nó đòi hỏi một chiến lược dài hơi, một sức khỏe dẻo dai, một nội lực bền vững.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, trong năm 2011, Bộ sẽ tiếp tục triển khai Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác, đầu tư. Bộ cũng cam kết có kế hoạch phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết trong các khâu cung cấp thông tin, khai thác thị trường, chống cạnh tranh không lành mạnh, chống bán phá giá... góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong báo cáo “Kết quả bước đầu và chặng đường tiếp theo của cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, Viện đã đề xuất doanh nghiệp nên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng người tiêu dùng chung tay chống hàng giả, hàng nhái, đổi mới công nghệ và nghiêm túc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn sản xuất cũng như quan tâm đến các vấn đề về môi trường. Còn theo Trung tâm BSA (đơn vị quản trị hoạt động của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao), trong năm 2011, BSA sẽ tiến hành hai mảng dự án lớn: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường (cung cấp thông tin thị trường giúp doanh nghiệp thấu hiểu người tiêu dùng, vẽ bản đồ phân phối hàng Việt, mở chuỗi cửa hàng chuyên bán hàng Việt) và phát triển sản phẩm mới. |
(Theo Trần Hồng - Thiên Thủy // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com