Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Fastfood: cuộc đua của những “ông lớn”

Năm 2009, tổng doanh số ngành fastfood (thức ăn nhanh) tại Việt Nam ước đạt 500 tỉ đồng, tăng 35 - 40 phần trăm so với năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường béo bở này hiện đang là “sân chơi” của các thương hiệu quốc tế: KFC, Lotteria, Jollibee...
 

Chọn mua fastfood Lotteria ở siêu thị Parkson, đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM - Ảnh: N.C.T (Tuổi Trẻ).

Dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng thị trường fastfood vẫn là một trong số ít ngành hàng có mức tăng trưởng cao.

Đua nhau chiếm thị phần

Sau hơn mười năm xuất hiện tại Việt Nam, Tập đoàn thực phẩm Jollibee (JFC) chính thức tuyên bố sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam với hàng loạt kế hoạch trong năm 2009.

Ông Dennis Flore - phó chủ tịch JFC phụ trách hoạt động kinh doanh quốc tế - cho biết, kế hoạch này gồm việc khai trương một loạt cửa hàng thức ăn nhanh thương hiệu Jollibee tại nhiều thành phố ở Việt Nam.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tâm, giám đốc kinh doanh Lotteria, cho hay, đang tăng tốc trong việc mở rộng mạng lưới cửa hàng Lotteria trên phạm vi cả nước.

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố tháng 3/2009 về sự phát triển của thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam. KFC dẫn đầu với 20 cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội chín cửa hàng; tiếp đến là Lotteria 15 cửa hàng thuộc khu vực TP.HCM, Hà Nội có ba cửa hàng; cuối cùng là Jollibee với khoảng tám cửa hàng.

Tuy nhiên, con số này thay đổi từng ngày, bởi tốc độ cửa hàng thức ăn nhanh mở ra được ví von như “nấm mọc sau mưa”. Theo kế hoạch phát triển năm 2009, Lotteria sẽ tăng từ 56 cửa hàng hiện nay lên 80 cửa hàng.

Ông Hải Nam, phòng kinh doanh KFC, cho biết, trong năm nay KFC cũng mở thêm ít nhất 12 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng xấp xỉ 80 trên phạm vi cả nước.

Vì sao chiếm lĩnh?

Hai cửa hàng của KFC và Lotteria nằm ngay ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM), dù chỉ cách nhau vài trăm mét nhưng vẫn luôn đông khách, bất kể trong giờ hành chính.

Khách ra vào chủ yếu là giới văn phòng, học sinh, gia đình. Đặc biệt, vào giờ nghỉ trưa, lượng khách đông nghẹt khi khối văn phòng tìm đến đây để trốn cái nóng và ăn bữa cơm giá 15.000 - 22.000 đồng.

Bước vào cửa hàng thức ăn nhanh, khách hàng cảm nhận một không gian mát rượi, nội thất trang trí vui nhộn, ấm cúng, nhân viên thân thiện, nhiệt tình được đào tạo tác phong công nghiệp. Đặc biệt, thời gian gần đây, các món ăn được Việt hóa theo đúng khẩu vị người Việt.

Ông Thanh Tâm cho biết, trước đây, không ai bán cơm trong fastfood, nhưng giờ đây, cơm trở thành món ăn chiếm doanh số cao nhất với 90% khách hàng là người Việt.

Ông Dennis Flore cũng khẳng định, món ăn bán chạy nhất trong thực đơn của Jollibee là món cơm gà. Ở Việt Nam, cơm gà được dùng với rau cải và canh rau, chế biến phù hợp với sở thích ẩm thực của khách hàng Việt.

“Việc sử dụng công thức truyền thống đã giúp món ăn được yêu thích đối với khách hàng, cơm gà chiếm 60% trong tổng doanh thu của Jollibee ở Việt Nam” - ông Dennis Flore cho hay.

Theo ông Thanh Tâm, sắp tới, công ty sẽ cho ra mắt những món ăn mang đặc trưng fastfood Việt, hamburger của người Việt. Ngoài ra, nhiều cửa hàng đang tính toán đưa ra các phần ăn có giá mềm hơn với mức 12.000 -22.000 đồng/phần nên đã lôi kéo thêm nhiều người đến với fastfood.

Bao giờ đến fastfood Việt Nam?


Mặc dù thị trường fastfood tiềm năng là thế nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có cơ hội chia phần. Thực tế, Việt Nam cũng từng có thương hiệu fastfood nhưng sớm lụi tàn vì không hiểu thị hiếu tiêu dùng.

Theo ông Thanh Tâm, để tạo dựng một thương hiệu trong ngành thực phẩm và giữ tồn tại lâu dài là rất khó vì chi phí đầu tư, con người, nguyên liệu... rất lớn.

“Nhìn vào thị trường Việt Nam từ góc nhìn dịch vụ, có mấy công ty có được hệ thống nhân viên được đào tạo bài bản và phong cách phục vụ chuyên nghiệp” - ông Tâm nói.

Tại Việt Nam, xét về kinh nghiệm, năng lực tài chính, nhân lực, Công ty Kinh Đô là đơn vị nhiều triển vọng. Hiện Kinh Đô cho ra đời mô hình thức uống giải khát, thức ăn chế biến nhanh tại các hệ thống siêu thị và tiệm bánh.

Ông Duy Đăng, phụ trách kinh doanh Công ty Kinh Đô, cho biết, những khó khăn về con người, mặt bằng... không cho phép doanh nghiệp bung ra quá lớn thời gian đầu. Bởi vậy, việc phát triển thành một thương hiệu fastfood nhanh mạnh đủ để tạo sự cạnh tranh với thương hiệu quốc tế trong một sớm một chiều là rất khó.
 

Thích fastfood vì... không khí, dịch vụ

Theo một khảo sát gần đây của Nielsen về xu hướng dùng các món fastfood tại Việt Nam, hơn 70% số người được hỏi cho biết tìm đến các cửa hàng thức ăn nhanh vì thích không khí, cách phục vụ tại đây.

Những người có thu nhập cao là khách hàng thường xuyên, với 27% số người được hỏi cho biết bước vào cửa hàng ít nhất một lần/tuần.

Phần lớn người tiêu dùng (61%) sử dụng thức ăn nhanh khi họ cần một bữa ăn nhanh chóng. 26% thì xem các khẩu phần thức ăn nhanh là bữa ăn nhẹ giữa các bữa ăn chính.

Con số này sẽ tiếp tục tăng khi 84% số người được hỏi cho biết họ sẽ sử dụng dịch vụ thức ăn nhanh trong sáu tháng tới.


Theo báo Tuổi Trẻ

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Bạn đã bỏ lỡ cơ hội?
  • Khi nào cần thay đổi mô hình kinh doanh?
  • Thu hút các nhà đầu tư như thế nào?
  • “Hội chứng” kinh doanh truyền hình
  • Khi người trong cuộc cũng không muốn độc quyền
  • Một nửa thế giới mua sắm ra sao: Quần áo ở Bra-xin, Trung Quốc và Ấn Độ
  • Nỗ lực và vận hội kinh doanh
  • Cổ tức và phát triển doanh nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com