Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hàng Việt nhìn từ cái áo sơmi nam

Chỉ từ một năm trở lại đây, các công ty may trong nước đã triển khai trên 220 cửa hàng thời trang công sở cho nam giới, với đủ các tên tuổi Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, Việt Tây, Khánh Việt… Dự kiến đến hết năm 2010, 80 cửa hàng mới nữa sẽ tiếp tục được mở.


Sản phẩm hàng dệt may cao cấp của Việt Nam bày bán trong một khu thương mại. Ảnh: Lê Quang Nhật

Giành thị phần bằng cửa hàng

Nhãn hiệu Mattana của công ty may Nhà Bè đang dẫn đầu về tốc độ phát triển với 100 cửa hàng trong hơn một năm. Nhãn hiệu Việt Long của công ty Việt Tiến trong sáu tháng có hơn 30 cửa hàng đại lý. Nếu tính cả hệ thống trên 500 cửa hàng mang thương hiệu Việt Tiến và 22 cửa hàng có nhãn Sanciaro – Manhattan thì Việt Tiến là đơn vị đang dẫn đầu về mạng lưới phân phối.

Công ty An Phước, theo kế hoạch “hiệu ứng thị giác” mở cửa hàng để tăng sự nhận diện của khách, cũng tăng tốc độ mở cửa hàng từ 3 – 4 điểm bán mới/năm lên trên 10 điểm bán mới/năm, và đến nay đã có 79 cửa hàng.

Nhãn hiệu Khatoco của công ty Khánh Việt bắt đầu kế hoạch vươn từ phân khúc thấp lên hàng trung và khá bằng việc khai trương bốn cửa hàng mới và dự kiến sẽ mở đến 50 cửa hàng chuyên bán thời trang công sở cho nam giới trên cả nước. Nhãn Việt Tây của công ty Việt Tây mới ra đời vào cuối năm 2009 cũng đã mở được năm cửa hàng ở TP.HCM và dự kiến mở tiếp mười cửa hàng nữa ở các quận xa trung tâm...

Nhìn ở bề nổi có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam gần như chiếm lĩnh thị phần thời trang công sở nam giới với mạng lưới bán hàng phủ khắp từ đường phố đến siêu thị, trung tâm thương mại, dãy sản phẩm rộng từ mức giá thấp dưới 150.000 đồng/chiếc sơmi cho đến trên 1 triệu đồng. Việc các nhãn hiệu sơmi Việt Nam có mặt trong các trung tâm thương mại cao cấp bên cạnh hàng hiệu nhập từ nước ngoài ở Parkson, Vincom, Zen Plaza… là một trong những biểu hiện cho thấy sự phát triển khá tốt của hàng nội địa.

Tính toán lợi thế để cạnh tranh

Hiện các công ty Việt Nam đang rất tự tin để tung ra thị trường những bộ âu phục công sở nam giới đạt chất lượng cao. Mỗi doanh nghiệp theo đó cũng tính toán lợi thế riêng để cạnh tranh trên sân nhà.

Ông Trần Hữu An, trưởng phòng kinh doanh dệt may công ty Khánh Việt nói: “Khatoco có thể tự dệt những mẫu hoa văn theo thiết kế riêng, có lợi thế về tài chính để mua nguyên phụ liệu với giá tốt, có mạng lưới chi nhánh trên toàn quốc và đội ngũ xe đảm bảo nguồn cung hàng hoá cho các đại lý nhanh chóng”.

Trong khi đó, theo ông Lê Mạc Thuấn, phó tổng giám đốc công ty may Nhà Bè thì chiếc sơmi Mattana sẽ thể hiện sự khác biệt với các sản phẩm công ty khác bằng kỹ thuật và công nghệ sản xuất của Nhật, đường nét tinh tế hơn công nghệ Âu Mỹ...

Dịch vụ chưa tốt

Hầu hết các công ty đầu tư để làm ra những sản phẩm tốt, nhưng để xây dựng thương hiệu thời trang cao cấp thì vẫn chưa đủ.

Hầu hết các công ty đều thiếu sự chăm chút cho dịch vụ. Khách mua sơmi trong siêu thị khó chọn hàng vì không đủ màu sắc và kiểu dáng, một số mã hàng không đủ cỡ. Ở các đại lý thì lẫn lộn giữa hàng chất lượng cao và hàng chợ thì người bán khuyến khích khách mua hàng chợ để có lợi nhuận cao hơn. Tính hệ thống của các doanh nghiệp chỉ mới dừng ở hình thức, một công ty có cả trăm điểm bán khác nhau, nhưng mua hàng chỗ nào muốn đổi cỡ phải quay trở lại đúng nơi đã bán hàng.

Tuy hầu hết các công ty đều đạt được nền tảng cơ bản để xây dựng thương hiệu là đầu tư để làm ra những sản phẩm tốt nhưng để xây dựng thương hiệu thời trang cao cấp thì vẫn chưa đủ. Ông Đinh Tiến Na, quản lý thương hiệu Sanciaro của công ty may Việt Tiến nhìn nhận: “Sản phẩm tốt vẫn chưa nói được điều gì. Sản phẩm cao cấp cỡ nào cũng phụ thuộc vào chất lượng hệ thống từ dịch vụ bán hàng, hình ảnh và thiết kế cửa hàng, nhân viên bán hàng, không khí nơi khách hàng mua sắm…”

Ngay cả An Phước, thương hiệu được đánh giá là đã đạt được thành công nhất định trong lĩnh vực thời trang công sở cho nam giới, thì theo bà Nguyễn Thị Điềm, chủ doanh nghiệp may An Phước: “Chất lượng sản phẩm phải bao gồm cả từng chi tiết nhỏ nhất trong sản phẩm, đến hình thức bên ngoài… mới chỉ là nền cơ bản để khách không chê, còn khách thích và quay lại mua lần sau, rồi tiến đến quyết định chọn mua thường xuyên, mua để làm quà tặng người khác… phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng dịch vụ từ bán hàng đến hậu mãi do từng nhân viên An Phước thực hiện”.

(Theo Bích Thuỷ // SGTT Online)

Theo công ty tư vấn The Pathfinder, tiêu dùng hàng may mặc thời trang của người Việt Nam hiện tại đạt mức khoảng 420.000 đồng/người/năm. Trung bình trong năm 2010, người dân thành thị sẽ chi trung bình 1.400.000 đồng/người/năm và người dân nông thôn chi trung bình 140.000 đồng/người/năm. Riêng thị phần quần áo thời trang cho nam giới ước tính vào khoảng 8.600 tỉ đồng/năm.

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Cách định dạng và xuất bản sách để bán trên Amazon.com
  • Sony sẽ thách thức Apple ở Nhật Bản
  • Lấy tài tạo thế
  • Đổi mới mô hình tăng trưởng
  • Cuộc chiến giá cước: Bài học từ các quốc gia ASEAN
  • Giải cứu “con tàu khổng lồ” Vinashin - Bài 1: Suýt đắm với khoản nợ 80 nghìn tỷ đồng.
  • Giải cứu “con tàu khổng lồ” Vinashin Bài 2: Cuộc “đại phẫu” cần thiết
  • Giải cứu “con tàu khổng lồ” Vinashin - Bài 3: Cần tổng kiểm tra "sức khỏe" các tập đoàn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com