Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Học "khôn" từ doanh nghiệp bạn

Đan Mạch là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính

Các doanh nghiệp Đan Mạch thực sự rất giỏi trong việc sáng tạo vô vàn cách thức khác nhau để chung tay giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải. 

Là một trong những quốc gia đi đầu về cắt giảm phát thải khí nhà kính, Đan Mạch đặt ra những mục tiêu đầy thách thức: cắt giảm hơn 20% mức tiêu thụ năng lượng và lượng CO2 phát thải vào năm 2020 so với năm 2000. Những công ty hàng đầu của nước này đã và đang tham gia thực sự tích cực vào tiến trình, thông qua việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo: năng lượng gió, năng lượng sinh khối, địa nhiệt... Trong khi việc khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo thường đòi hỏi vốn lớn và công nghệ cao, thì còn vô số giải pháp sáng tạo khác đang được ứng dụng rộng rãi, với nguyên lý đôi khi rất đơn giản mà các công ty Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo.

Uveco, công ty chuyên sản xuất thiết bị chiếu sáng đường phố đã có thể tiết kiệm tới 33% năng lượng sử dụng cho mục đích này bằng cách giảm bớt độ sáng (10% và 25%) của hệ thống chiếu sáng ngoài giờ cao điểm. Theo Uveco, hệ thống điều khiển thông minh của hãng không chỉ giúp giảm điện năng tiêu thụ (đồng nghĩa với giảm phát thải), giảm tiền điện và cả chi phí điều hành hệ thống.

Tập đoàn Rockwool International A/S đóng góp vào quá trình tiết giảm năng lượng và khí CO2 bằng loại vật liệu rockwool - bông khoáng, hay còn gọi là len đá - có thể ứng dụng rộng rãi trong xây dựng các tòa nhà, công xưởng. Bông khoáng còn là vật liệu không thể thiếu trong công nghệ đóng tàu hiện đại. Được sản xuất, chế tác từ đá và quặng nung chảy có tính năng cách nhiệt, cách âm và chống cháy rất cao, loại vật liệu này chịu được nhiệt độ lên tới 1.000 độ C. Theo các chuyên gia, người ta có thể tiết kiệm được tới 90% năng lượng cần sử dụng để sưởi ấm hoặc làm mát các tòa nhà khi sử dụng loại vật liệu này, kết hợp với các giải pháp năng lượng hợp lý khác.

Với cùng nguyên lý cách nhiệt, một công ty khác của Đan Mạch cũng được vinh danh là “hiệp sĩ” loại bỏ CO2: Protec Vinduer. Công ty này chuyên sản xuất loại vật liệu làm cửa bằng gỗ ép có “xương” bằng composite gia cường dạng chữ I, tạo ra những khoảng rỗng chứa không khí bên trong. Loại vật liệu này tiết kiệm được 60% nhiệt năng bị mất mát ra bên ngoài so với các vật liệu thông thường khác.

Một công ty được dán nhãn xanh khác - Novenco - chú trọng nghiên cứu, đa dạng hóa hệ thống quạt thông gió dùng cho các tòa nhà, bãi đỗ xe, các loại xe hơi, tàu thủy... Phương châm của công ty là tạo ra sự hài hòa giữa mọi môi trường vi khí hậu và môi trường tự nhiên rộng lớn bên ngoài và sự “thuận thiên” này đem lại lợi ích không nhỏ cả cho người sử dụng lẫn môi trường.

Ở Đan Mạch, các hộ sử dụng không chỉ được biết về điện năng chính mình đã sử dụng mà họ còn được thông báo cả chỉ số tương tự của các nhà hàng xóm.

Logstor - một công ty có mặt tại 11 quốc gia châu Âu - “ghi điểm” với các loại ống đặc chủng giúp giảm thất thoát nhiệt năng tới 25% so với các loại thông thường khác. Sản phẩm của Logstor được sử dụng để truyền tải dầu, khí..., đặc biệt là hệ thống ống dẫn nước nóng, khí nóng sử dụng cho các hệ thống sưởi công cộng. 

Tuy nhiên, một giải pháp tỏ ra hết sức hiệu quả khác lại là của Kamstrup, dù bản thân thiết bị của công ty này không tự tiết giảm CO2! Với những thiết bị chính xác hiển thị năng lượng đang tiêu thụ, đặc biệt trong “giờ cao điểm” của các hộ sử dụng, Kamstrup giúp “níu tay” các khách hàng phóng khoáng quá mức, góp phần xây dựng thói quen sử dụng năng lượng một cách có trách nhiệm. Sự nhắc nhở kịp thời này rõ ràng là có tác dụng, bởi không ít khách hàng thường chép miệng “giá như” khi nhận được hóa đơn thanh toán, nhưng đến lúc đó thì sự đã rồi!

Quả thực, các doanh nghiệp có vô vàn cách khác nhau để chung tay giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải. Trong trường hợp là doanh nghiệp ở nước đang phát triển như Việt Nam, việc tiết kiệm ấy còn có thể dễ dàng biến thành tiền bạc nữa, thông qua việc bán quota phát thải.  

Cần nói thêm rằng, ở Đan Mạch, các hộ sử dụng không chỉ được biết về điện năng mà chính mình đã sử dụng; họ còn được thông báo cả chỉ số tương tự của... các nhà hàng xóm. Chris, một kiến trúc sư nói, anh đã thay đổi thói quen sử dụng năng lượng sau khi nhận ra hóa đơn tiền điện của mình cao gấp 4 lần cụ bà hàng xóm. “Không phải chuyện tiền, mà là tôi tự nhận thấy mình tiêu thụ giống như một... con lợn tham lam vậy. Tôi thẳng tay góp phần phá hoại môi trường, trong khi bà cụ thì ra sức bảo vệ nó”.

Đấu giá thành công CER, tại sao không?

Rất sớm sau khi Việt Nam thành lập cơ quan có thẩm quyền quốc gia về CDM (năm 2003), Dự án CDM về thu gom và sử dụng khí đồng hành của mỏ Rạng Đông, Lô 15.2 ngoài khơi Đông Nam - Việt Nam đã được xúc tiến. Đây là dự án tận thu khí đồng hành từ quá trình khai thác dầu mỏ Rạng Đông làm nhiên liệu cho các nhà máy điện ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng lượng giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ dự án này là 6,7 triệu tấn CO2 trong khoảng thời gian tín dụng là 10 năm.  

Ngày 4/2/2006, dự án thu gom và sử dụng khí đồng hành tại mỏ Rạng Đông đã chính thức được Ban chấp hành quốc tế CDM phê duyệt và trở thành dự án CDM đầu tiên trên thế giới thuộc loại này. Dự án này nhằm tránh đốt bỏ khí đồng hành gây phát thải khí nhà kính và tăng thêm nguồn nhiên liệu cho khu chế biến khí tại Dinh Cố và Khu công nghiệp Phú Mỹ. Theo thiết kế, dự án giúp làm giảm khoảng 6,77 triệu tấn CO2 tương đương trong chu kỳ CDM 10 năm của dự án, từ 2001 tới 2011, và chiếm hơn 50% tổng số giảm phát thải theo thiết kế của các dự án CDM đã được phê duyệt tại Việt Nam.  

Ngày 28/2/2008, dự án đã được cấp các “Chứng nhận giảm phát thải” (CER) đợt đầu tiên với hơn 2 triệu CER thuộc sở hữu của PetroVietnam và Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) theo thỏa thuận phân chia CER của dự án. Quá trình tổ chức đấu giá bán số CER này đã được PetroVietnam ủy nhiệm cho Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) thực hiện. PVFC đã khôn khéo chia thành từng “gói” CER để đấu giá và ngày 10/5/2010, hợp đồng đầu tiên chuyển giao một phần số CER này đã được ký kết giữa PetroVietnam với bên mua. Ở lần đấu giá đầu tiên vào tháng 5 vừa qua, giá 1 CER Rạng Đông đạt 13,5 euro và người mua là Tập đoàn Dầu khí Năng lượng Mercuria (Thụy Sĩ). Hợp đồng mua này đã mang lại cho chủ đầu tư dự án là PetroVietnam tới gần 5 triệu euro.

Vẫn PVFC tiếp tục tiến hành đấu giá thành công cho lượng CER thuộc sở hữu của PVEP vào ngày 27/7/2010 với mức giá 11,5 euro và người mua là Tập đoàn Vitol SA (Thụy Sĩ), thu về gần 6 triệu euro.

Với số CER còn lại, PVFC cho biết sẽ tiếp tục chia thành các gói thích hợp để tổ chức đấu giá. Việc ký kết hợp đồng mua bán CER của dự án CDM Rạng Đông tạo ra cơ sở để tin tưởng rằng các dự án CDM tại Việt Nam hoàn toàn có thể được vận hành thành công và đạt được sự tin cậy từ các nhà đầu tư tín dụng carbon quốc tế.  

Được biết PVFC hiện đã ký kết hợp đồng phát triển CDM cho hai dự án, thống nhất và chuẩn bị ký kết hợp đồng cho hai dự án khác... Ngoài ra PVFC cũng đang hợp tác với Tổng công ty Tài nguyên và môi trường Việt Nam (TMV).

 

(Theo Ngọc Khánh // Báo Doanh nhân)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Vì sao hàng giả có đất sống?
  • Từ đầu cơ thành lừa đảo
  • Cuộc chiến hạ giá tivi 3D
  • Mười người kiếm nhiều tiền nhất trên Youtube
  • Đầu tư thời trang nội địa - Đường dài mới đến thành công!
  • Giải mã thành công vượt trội của Toyota
  • "Lội ngược dòng" trong biến cố thu hồi sản phẩm
  • Tính xác thực, công khai và lợi thế cạnh tranh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com