Ngày 5-5, tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã diễn ra hội thảo góp ý dự thảo báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam”. Hội thảo đánh giá những kết quả của nhóm điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do CIEM, Viện Khoa học lao động và xã hội (ILSSA) và Trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) hợp tác tổ chức.
Khủng hoảng kinh tế đem lại cơ hội tốt
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, có 65% DNNVV chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhất là các doanh nghiệp ở Hà Nội, TP.HCM và Nghệ An. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp rất nhỏ lại chịu ít tác động của khủng hoảng hơn so với DNNVV. Trong số những doanh nghiệp được khảo sát có tới 12% cho rằng khủng hoảng kinh tế đem lại cơ hội tốt trong kinh doanh, 70% nhìn nhận khủng hoảng chỉ là cú sốc tạm thời và họ có thể đương đầu. Theo những doanh nghiệp này, cơ hội trong khủng hoảng là giá đầu vào sẽ rẻ hơn, đối thủ cạnh tranh gặp khó khăn và họ cũng nhận được hỗ trợ tốt hơn từ phía Chính phủ.
Nhóm nghiên cứu khảo sát cho biết có khoảng 35% doanh nghiệp hoạt động phi chính thức (không có đăng ký kinh doanh và mã số thuế).
Tuy nhiên, theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhóm nghiên cứu cần làm rõ hơn nhận định “đa số doanh nghiệp không nộp thuế là doanh nghiệp phi chính thức”. Doanh nghiệp không nộp thuế là doanh nghiệp không phát sinh thuế hay doanh nghiệp trốn thuế?
Tăng lao động không thường xuyên
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng cơ cấu lao động, phương pháp tuyển dụng và tiền lương sau thời kỳ khủng hoảng có sự điều chỉnh. Từ năm 2007 đến nay, tỉ lệ lao động thường xuyên (toàn thời gian và bán thời gian) đã giảm đi, đồng nghĩa với tỉ lệ lao động không thường xuyên tăng lên, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp phải cắt giảm lao động thường xuyên để giảm chi phí về bảo hiểm và các lợi ích khác liên quan đến người lao động. Mặt khác, lao động trực tiếp sản xuất tăng (chiếm 65%) cùng sự phát triển quy mô doanh nghiệp trong khi tỉ lệ lao động quản lý giảm.
Năm 2008, tỉ lệ lao động thôi việc hoặc mất việc chiếm 11,8%, lao động được tuyển mới là 9,5%. Trong khi nửa đầu năm 2009, tình hình diễn ra khả quan hơn: Lao động thôi việc hoặc mất việc chiếm 4,9%, lao động được tuyển mới chiếm tới 5,8%. Điểm đáng lưu ý là các doanh nghiệp đều rất khó khăn trong việc tìm được những lao động có kỹ năng phù hợp dù tình hình hiện nay đã được cải thiện so với năm 2007, nhất là đối với doanh nghiệp vừa. Biện pháp tuyển dụng thường thông qua các mối quan hệ phi chính thức, chiếm tới trên 70% đối với doanh nghiệp nhỏ. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Copenhagen cho rằng tìm được việc làm thông qua các quan hệ cá nhân có liên quan chặt chẽ tới tiền lương mà người đó nhận sau khi tuyển dụng.
Theo ông Nguyễn Bá Ngọc - Phó Viện trưởng ILSSA, các phân tích trong báo cáo đã chỉ ra một số xu hướng quan trọng về tuyển dụng, sử dụng, tỉ lệ lao động với quản lý… giúp người quản lý doanh nghiệp và nhà làm chính sách có cách nhìn dài hạn và hướng đi đúng hơn khi ra quyết định. Tuy nhiên, ông Ngọc cũng cho rằng báo cáo nên phân tích rõ hơn các cơ hội việc làm, cơ hội thu nhập ở nền kinh tế phi chính thức và cần chỉ ra tính rủi ro, dễ tổn thương ở khu vực này.
(Báo Pháp Luật TP HCM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com