Bằng chiến dịch dội tiền vào quảng cáo, Phố Xinh quyết in đậm hình ảnh của mình trong người tiêu dùng |
Ông Phan Thanh Danh – TGĐ Công ty New D&N nói rằng: “Nằm chờ thời trong lúc khủng hoảng là điều tiêu cực và đẩy công ty đi nhanh hơn đến sự bế tắc”. Không “nằm im”, vậy các doanh nghiệp sẽ làm gì?
Thử khảo sát một số doanh nghiệp vẫn đang tự tin trước thời cuộc, có thể thấy họ đang rất nỗ lực tìm lối đi riêng cho mình. Và những nỗ lực đó đang mang lại những kết quả bước đầu.
Phố Xinh “Dội” tiền vào quảng cáo
Ở góc độ marketing, Phố Xinh nổi lên như một “người cơ hội”. Trong khi các sản phẩm đến gần người tiêu dùng bằng cách mạnh tay chi cho quảng cáo với những chiến lược được hoạch định cụ thể, chính xác, chuyên nghiệp, thì Phố Xinh hạn chế tối đa đồng tiền chi cho hoạt động marketing, PR, và chọn cách đi lên bằng con đường… truyền miệng. Giờ đây, có vẻ như họ cũng đang làm ngược đời.
Khi kinh tế suy thoái, ngân sách marketing của hầu hết doanh nghiệp bị cắt giảm, là lúc Phố Xinh quyết định lội ngược dòng: dội ngân sách vào quảng cáo để “in đậm” hình ảnh trong người tiêu dùng. Theo Tổng giám đốc Phố Xinh, khi kinh tế phát triển thăng bằng, các doanh nghiệp khó làm giàu nhanh chóng, nhưng khủng hoảng lại là cơ hội cho những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh. Bằng chứng là Phố Xinh ra đời vào đúng thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế hồi cuối thập niên 90. Khủng hoảng là lúc nhận biết cơ hội nằm ở đâu, lòng tin đặt vào đâu, vẫn còn khách hàng có nhu cầu mua sắm và những khách hàng có tiền nhưng không dám mua sắm… Và, đây là lúc Phố Xinh đầu tư mạnh vào quảng cáo để “hớt” đối tượng này.
Đầu tư vào hệ thống
Lãnh đạo Phố Xinh rất tâm đắc với câu chuyện của Louis Vuitton ở Việt Nam: Louis Vuitton vào Việt Nam năm 1997 và không có ý định bán hàng tại Việt Nam ở thời điểm đó (vì thu nhập của người dân vẫn còn thấp). Nhưng mục tiêu của Louis Vuitton là “đánh vào nhãn quan” của những nhân viên bình thường. Một thập niên sau, “nhân viên bình thường” đó có thể trở thành Trưởng phòng, Giám đốc… Với thu nhập đó, họ có thể “tìm lại giấc mơ xưa” với Louis Vuitton. Nghĩa là Louis Vuitton đầu tư cho 10 năm sau. Phố Xinh cũng sẽ đi theo lộ trình đó: đầu tư hiện tại để bán cho tương lai. Trong vòng xoáy của suy thoái, sẽ là lúc Phố Xinh đầu tư, nâng cấp hệ thống phòng trưng bày với tham vọng tạo nên ấn tượng mạnh cho khách hàng. Hiện tại, người ta có thể xem và… thèm muốn. Khi có cơ hội, những người đó sẽ quay trở lại. Tổng giám đốc Phố Xinh khẳng định: Đầu tư của công ty hiện nay không phải để thoát khỏi cuộc khủng hoảng, mà là cho những năm về sau, để tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong của mình.
“Chăm sóc” nhân viên
Với mặt hàng nội thất, lợi nhuận trung bình khoảng 30%. Đối phó với khủng hoảng, khoản lợi nhuận này sẽ được cắt giảm còn 15 - 20%. Số còn lại được chia cho nhân viên dưới hình thức hỗ trợ của công ty khi vật giá leo thang. Nhưng đây cũng là cách Phố Xinh dùng tình nghĩa để giữ nhân viên.
Giảm giá và tăng cường dịch vụ
Từ trước đến nay, Phố Xinh không có chính sách giảm giá, thì bây giờ là thời điểm làm điều ngược lại: các mặt hàng sẽ được bán với giá rẻ hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Người mua hàng lần hai sẽ được giảm giá. Khách hàng tiềm năng được áp dụng chính sách tốt hơn. Tăng cường các loại hình dịch vụ: Tự liên lạc để bọc da/ bọc vải miễn phí cho những bộ salon cũ; đánh bóng bàn, ghế, giường, tủ…; thăm hỏi khách hàng; thường xuyên gửi sản phẩm mới; gửi quà tặng để kích thích khách quay trở lại.
Bản sắc NEW D&N
Đối với một công ty quảng cáo, suy thoái kinh tế đồng nghĩa với việc tiền khó thu vào và khách hàng ít đi. Điều này buộc các công ty quảng cáo phải dùng “mọi quân bài” để duy trì hợp đồng cũ và “săn” hợp đồng mới. Quán triệt nguyên tắc này, nên dù quí 4 năm 2008 (thời điểm vàng để làm quảng cáo - nhưng cũng là thời kỳ đen tối của thị trường quảng cáo) New D&N vẫn “vợt” được 4 hợp đồng quảng cáo độc quyền tung sản phẩm mới vào năm 2009 và đang chuẩn bị quay 2 bộ phim quảng cáo cho quí 1 năm 2009.
Tuy nhiên, điều New D&N quan tâm nhất trong thời điểm này lại là xây dựng môi trường và văn hóa công ty, vừa giúp công ty vượt qua khủng hoảng, vừa hình thành một hệ thống vận hành xuyên suốt để có sự phát triển bền vững sau khủng hoảng. Trong đó, vấn đề then chốt là tinh thần đồng đội của một công ty quảng cáo - vốn luôn đề cao những ý tưởng và sáng tạo cá nhân. Ở đó, những người giỏi sẽ “nằm” trong nhóm và phát triển theo nhóm. Ngoài ra, New D&N sẽ xây dựng một cách có ý thức vấn đề giao tiếp, ý thức, trách nhiệm với công ty... Để thực hiện điều đó, ban lãnh đạo và hệ thống nhân sự sẽ xây dựng, quản lý có hệ thống và khoa học về kỷ luật, nội quy, chế độ khen thưởng, tinh thần tự giác của từng nhân viên. Trước câu hỏi: Giữa thời điểm “cơm áo không đùa” với… doanh nghiệp như hiện nay thì việc một công ty quảng cáo quay sang xây dựng môi trường và văn hóa công ty có phải là vấn đề xa xỉ? Tổng giám đốc New D&N trả lời: “Môi trường, văn hóa tác động rất lớn đến con người, mà tài sản của ngành quảng cáo là con người. Nên việc New D&N xây dựng hệ thống môi trường và văn hóa công ty là điều bắt buộc và cần phải đầu tư”. Sự khác biệt này cũng chính là bài toán New D&N lựa chọn để đương đầu với khủng hoảng.
(Theo Dương Thúy - Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com