Thị phần máy tính xách tay cỡ nhỏ (netbook) được xem là rất hấp dẫn khi có nhiều hãng sản xuất tham gia và đưa ra thị trường nhiều mẫu máy rất đẹp. Nhưng sự đa dạng của netbook cũng không khỏa lấp được những điểm hạn chế của nó trên thực tế, khiến người sử dụng rất cân nhắc khi mua.
Người ưa thích công nghệ thông tin có lẽ đã quá quen thuộc với những chiếc máy tính xách tay cỡ nhỏ (netbook) với kiểu dáng đa dạng, có thể giúp thực hiện nhiều công việc lặt vặt và có tính di động cao. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít người đã phải thất vọng khi làm quen với netbook và các xu thế công nghệ mới dường như đang đẩy netbook ra khỏi sân chơi của nó.
Màn hình quá bé
Trong khi các loại máy tính xách tay thường có màn hình 12 đến 20 inch(thông dụng là 13-15 inch) thì màn hình của netbook lại nằm trong khoảng 7-12 inch (chủ yếu là 9-10 inch) với độ phân giải chỉ 1024x600 (trừ một số mẫu cao cấp là 1366x768).
Mức này mặc dù đủ cho bạn chat hoặc duyệt web đơn giản nhưng đối với các tác vụ khác như biên tập văn bản, xem bảng tính toán số liệu hoặc đọc các file PDF, trình chiếu slideshow thì vẫn là chưa đủ. Trong khi đó, các mẫu máy tính xách tay thường có độ phân giải từ 1280x800 trở lên – thoải mái hơn nhiều.
Cấu hình cũ yếu
Bộ xử lý được dùng trong các netbook hiện nay là Atom của Intel trên nền chipset 945 vốn bị xem là quá cũ so với những nền tảng mới. Nền tảng chipset 945 thông thường chỉ đủ cho bạn làm việc văn phòng, duyệt web, xem phim ở mức phân giải trung bình và chơi các game nhẹ nhàng. Một số dòng máy cao cấp có thể được trang bị chipset nVIDIA (ION) hoặc chip xử lý HD (thường là của Broadcom) để tăng khả năng trình chiếu các nội dung phim HD, nhưng nhìn chung chúng không có nhiều cải tiến cho các ứng dụng thông thường mà người sử dụng văn phòng hoặc các doanh nhân thường xuyên cần tới.
Giá không còn rẻ
CULV là nền tảng di động mới của Intel nhằm chen giữa phân khúc thị trường netbook và máy tính xách tay thông thường. CULV bao gồm các CPU dòng tiết kiệm điện (mã SU) đi kèm với chipset dòng 45 của Intel và được khuyến cáo dành cho các mẫu máy tính xách tay có độ dày dưới 1 inch. |
Cuộc đua về tính năng giữa các nhà sản xuất đã khiến cho netbook có giá không còn rẻ như trước đây. Hiện tại, mức giá trung bình của netbook vào khoảng 400 đô-la Mỹ trong khi những mẫu cao cấp có thể lên tới gần 1.000 đô-la (điển hình là Vaio P của Sony). Với mức giá này, người tiêu dùng dễ dàng có thêm sự lựa chọn các dòng máy tính siêu mỏng CULV mới có cấu hình tốt hơn hẳn netbook trong khi vẫn rất mỏng và nhẹ.
Quá nhiều giới hạn phần cứng và phần mềm
Trong khi bản thân các loại máy tính xách tay đã khá hạn chế trong việc nâng cấp (chỉ có RAM, đĩa cứng…) thì netbook lại càng khó khăn hơn. Có rất ít mẫu cho phép bạn nâng cấp đĩa cứng hoặc nếu có thì cũng không phải máy nào cũng dùng giao tiếp SATA 3Gb/giây tiêu chuẩn. Trong khi đó, dù có khả năng nâng cấp RAM nhưng đa số máy cũng chỉ còn một khe cắm và giới hạn mức RAM chỉ ở 2GB.
Xét ở khía cạnh phần mềm, Microsoft hiện chỉ cho phép cài Windows 7 Starter lên netbook. Hệ điều hành này có khá nhiều giới hạn khi sử dụng mà lại không tận dụng được hết các khả năng phần cứng của netbook hiện nay (ví dụ như giao diện 3D Aero). Mặc dù người sử dụng có thể tự cài thêm các bản cao cấp hơn nhưng rõ ràng việc hệ điều hành được cài sẵn có nhiều điểm tiện lợi hơn.
Bàn phím và trackpad khó thao tác
Diện tích nhỏ hẹp của netbook (thường vào khoảng 10 inch) đã buộc các nhà sản xuất phải thu nhỏ kích thước bàn phím và touchpad. Thậm chí, một số hãng như HP còn đẩy hai nút cứng của touchpad sang hai bên gây khó khăn cho việc sử dụng. Ngay cả khi được thiết kế theo kiểu truyền thống, thì các nút bấm cũng rất nhỏ và khó thao tác (điển hình như trên các mẫu máy EEE PC 1000HE hay Acer Aspire One).
Chưa thực sự là “cuốn sổ bỏ túi”
Mặc dù được sản xuất với tiêu chí nhỏ gọn, nhưng những chiếc netbook trên thực tế vẫn khá đồ sộ. Đặc biệt là phải kể đến độ dày của máy: thường dày hơn 25mm. Điều này đã khiến cho chúng vẫn chưa thể trở thành “cuốn sổ bỏ túi” nhẹ nhàng thuận tiện với người sử dụng. Bạn gần như vẫn phải làm đủ mọi thao tác giống với các máy tính xách tay thông thường để đưa netbook vào trạng thái sẵn sàng làm việc – không tiết kiệm thêm mấy thời gian khi cần ghi chép số liệu hoặc trình bày nhanh nội dung gì đó.
Nhìn chung, vào thời điểm hiện tại, netbook vẫn đang có chỗ đứng trên thị trường dù cho diện tích ngày càng hẹp dần. Sự có mặt của các hệ thống CULV mới đã đẩy netbook xuống phân cấp thấp hơn và vô tình khiến các mẫu netbook cao cấp trở nên lạc lõng. Chính vì thế, nếu túi tiền hạn hẹp, bạn có thể mua các loại netbook phổ thông bởi chúng vẫn đáp ứng tốt những nhu cầu của công việc văn phòng thông thường. Trong khi đó, nếu bạn cần một giải pháp làm việc di động cao, có lẽ các dòng máy CULV sẽ phù hợp hơn. Hơn thế nữa, bạn vẫn còn hàng ngàn mẫu máy tính xách tay truyền thống để chọn lựa.
(Theo Nguyễn Thúc Hoàng Linh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com