|
Xét trên phương diện kinh tế học, những công ty như Heinz và Colgate đã chứng tỏ được “năng lực áp giá” của họ - khả năng tăng giá sản phẩm và duy trì mức giá cao. |
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ ở nhiều lĩnh vực như Citigroup, Time Warner hay Motorola cùng gánh chịu những khoản thua lỗ nhiều tỷ USD.
Tuy nhiên, trên bức màn u ám này, người ta vẫn thấy nổi lên một vài điểm sáng - những doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng bất chấp những điều kiện bất lợi.
Trong số những công ty này phải kể tới hãng bán lẻ trực tuyến Amazon, công ty dịch vụ cho thuê phim trực tuyến Netflix, tập đoàn viễn thông Verizon, và các công ty hàng tiêu dùng như Heinz, Hershey's, Colgate... Bên cạnh chuyện may mắn, mỗi công ty trong số này đều có những bí quyết riêng để vươn lên trong tình hình kinh tế khó khăn này.
Giá dịch vụ hợp thờiGiữa lúc ngành bán lẻ Mỹ ngao ngán vì cảnh ế ẩm khiến không ít công ty trong ngành phải nộp đơn xin phá sản, khách hàng vẫn ùn ùn đổ tới các gian hàng trực tuyến của Amazon và Netflix.
Amazon cho hay, doanh số ròng của hãng tăng 18% và lợi nhuận tăng 9% trong quý 4/2008.
Còn Netflix thì có thêm 718.000 khách hàng mới trong quý 4, nâng tổng số khách hàng lên gần 10 triệu. Do đó, mặc dù mức phí mà Netflix áp dụng cho mỗi khách hàng giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu của hãng trong quý vẫn tăng 19%, lợi nhuận tăng 45%.
Một phần nguyên nhân dẫn tới thành công của Amazon và Netflix là việc tung ra dịch vụ mới. Từ năm ngoái, Amazon cung cấp dịch vụ nhạc số và bán các đĩa CD không còn được phát hành trên thị trường. Trong khi đó, Netflix tung ra những thiết bị cho phép khách chuyển phim từ mạng này tới máy thu hình của họ.
Bên cạnh đó, Amazon và Netflix cũng rất chú trọng việc cải thiện hoạt động chăm sóc khách hàng. Thời gian giao hàng của Amazon đã giảm từ 5-6 ngày xuống còn 1-2 ngày. Điều này đã giúp Amazon vượt lên đối thủ eBay. Trong quý 4/2008, lợi nhuận của eBay đã giảm 2/3.
Tuy nhiên, xét cho cùng, thành công của Amazon và Netflix bắt nguồn chính từ tình hình kinh tế hiện nay. Kinh tế suy thoái khiến người ta tìm tới nhiều hơn những hình thức giải trí giá rẻ và không cần phải ra khỏi nhà. Các dịch vụ của Amazon và Netflix chính là những thứ mà khách hàng đang cần.
Cạnh tranh bằng chất lượngKhông hẳn “ăn may” như Amazon và Netflix, hãng viễn thông Verizon gặt hái thành công nhờ khả năng nhìn xa trông rộng.
Ngành viễn thông ở Mỹ hiện đang đối mặt nhiều thử thách. Quý 4 năm ngoái, lợi nhuận của AT&T giảm 10%, lợi nhuận của Qwest giảm 50%. Tệ hơn, Sprint Nextel lỗ 1,6 tỷ USD và mất 1,3 triệu khách hàng trong quý.
Khác với các đối thủ này, Verziron đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 15% so với cùng kỳ, lên con số 1,2 tỷ USD. Số lượng khách hàng thuê bao trong quý của hãng tăng thêm 1,4 triệu người.
Sự tăng trưởng ấn tượng này là kết quả của quá trình nỗ lực từ trước của Verizon, xuất phát từ tầm nhìn xa và rộng của lãnh đạo hãng. Sau nhiều năm đổ tiền vào việc nâng cấp hệ thống cáp quang FiOS, Verizon đã có khả năng cung cấp dịch vụ truyền hình và Internet tốc độ cao tốt hơn các đối thủ khác.
Mặt khác, các khách hàng có thu nhập cao, ổn định chiếm một tỷ lệ lớn trong số khách hàng của Verizon, do đó, hãng ít đối mặt nguy cơ khách hàng thôi dùng dịch vụ trong điều kiện kinh tế đi xuống.
“Chém” khách mạnh hơnTrong khi Netflix và Amazon đạt lợi nhuận cao nhờ dịch vụ giá rẻ, Verizon cạnh tranh trên phương diện giá trị, thì các công ty hàng tiêu dùng Heinz, Hershey's, và Colgate lại có một cách làm hoàn toàn khác: tăng giá bán sản phẩm!
Thành công của ba công ty trên trong quý 4/2008 cho thấy, hàng tiêu dùng là một mặt hàng ít chịu tác động của suy thoái kinh tế, cho dù giá có tăng.
Trong quý tài khóa kết thúc vào ngày 28/1 vừa qua, doanh thu của Heinz giảm 7,5%, nhưng cùng kỳ, giá bán sản phẩm của hãng lại tăng 8% so với quý trước. Bên cạnh đó, hãng còn cắt giảm 7% chi phí so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lợi nhuận của Heinz đã tăng 11%.
Tương tự, hãng kẹo Hershey tăng giá bán bình quân 11% vào tháng 8/2008, sau khi giá hạt ca cao trên thị trường thế giới tăng mạnh. Nhưng sau đó, khi giá hạt ca cao giảm, hãng này không giảm giá bán kẹo theo. Nhờ đó, trong quý 4/2008, lợi nhuận của Hershey tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Hãng Colgate-Palmolive tại Mỹ cũng tăng giá bán sản phẩm 7,5% trong quý 4/2008. Bởi thế, mặc dù doanh số không tăng, lợi nhuận của hãng này vẫn tăng 20% so với cùng kỳ.
Tại châu Âu, hai tập đoàn hàng tiêu dùng Nestle và Unilever cũng được lợi lớn từ việc tăng giá hàng bán khoảng 10% khi giá nguyên liệu tăng, nhưng sau đó lại không giảm giá cùng với sự trượt dốc của giá đầu vào.
Xét trên phương diện kinh tế học, những công ty như Heinz và Colgate đã chứng tỏ được “năng lực áp giá” của họ - khả năng tăng giá sản phẩm và duy trì mức giá cao. Nhưng mặt khác, giá sản phẩm của các công ty này vẫn rẻ hơn so với những mặt hàng xa xỉ, nên trong trường hợp thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng ít khi mạnh tay hạn chế tiền chi cho những sản phẩm này.
Dĩ nhiên, không phải công ty nào cũng có thể “liều lĩnh" áp dụng chiến lược tăng giá như Hershey's, Heinz, hay Colgate. Lý do là những công ty này sản xuất những mặt hàng thiết yếu mà ai cũng phải dùng trong bất kỳ trường hợp nào.
Xét cho cùng, cho dù có thất nghiệp, người tiêu dùng vẫn phải ăn uống, tắm rửa và giặt giũ mỗi ngày!