Trụ sở của Vinareco tại Hà Nội |
Khi mới vào thị trường VN, Polysan đã hợp tác với Vinareco để mở rộng thị trường. Với cam kết sẽ là nhà phân phối độc quyền, Vinareco đã dốc rất nhiều tâm sức, tiềm lực tài chính để tổ chức quảng bá, hội thảo cho 2 loại thuốc Cycloferon và Reamberin của Polysan. Nhưng khi thị trường bắt đầu mở cửa thì Vinareco không còn là nhà phân phối độc quyền nữa !
Sau cái bắt tay hữu hảo
Hợp tác giữa Polysan và Vianreco bắt đầu từ 2003. Polysan đã liên kết với Vinareco tổ chức hội thảo, quảng bá giới thiệu sản phẩm thuốc tân dược Cycloferon và Reamberin. Đến tháng 5/2004, sau khi 2 loại thuốc trên được Bộ Y tế VN cấp giấy đăng ký, Vinareco đã NK lô hàng đầu tiên với giá trị 284.300 USD. Tháng 3/2005, Vinareco nhập và tiêu thụ lô hàng 270.000 USD. Ngày 14/6/2005, Polysan đã ký thoả thuận khẳng định “Vinareco là nhà phân phối chính thức duy nhất 2 sản phẩm tân dược trên tại Việt Nam. Bất kỳ nhà phân phối nào khác đều là hoạt động trái phép và không được uỷ quyền từ chính hãng Polysan”. 2 bên cũng đã ký biên bản thoả thuận với rất nhiều điều kiện. Theo đó, Vinareco được “phân công” rất nhiều nhiệm vụ như: chuẩn bị thông báo những đánh giá của bác sĩ VN khi sử dụng thuốc trong điều trị, tổ chức thông tin, tiếp thị, chuẩn bị các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả bán thuốc... Đồng thời năm 2006, Vinareco nhập 1 triệu USD (gấp gần 4 lần năm trước). Năm 2007, Vinareco nâng giá trị hợp đồng lên 1,1 triệu USD. Vì được hiểu DN mình đã được giao thương quyền trên lãnh thổ VN, Vinareco luôn cố gắng thực hiện đầy đủ tất cả các yêu cầu của Polysan. Số lượng thuốc nhập về thường bán được tới 95% tổng giá trị, thanh toán đúng thời hạn.
Là... “ép” đối tác
Nhưng khi đã có thị trường, Polysan tăng sức ép với Vinareco. Theo ông Văn Cao Điền – TGĐ Vinareco, năm 2008, Polysan yêu cầu tăng giá 2 loại thuốc lên mức nhảy vọt (1 loại tăng 51%, 1 loại tăng 36%). Trong khi tình hình trong nước, Chính phủ yêu cầu kiềm chế lạm phát, chống tăng giá cơ hội. Vinareco đã nhiều lần thương lượng đề nghị Polysan không tăng giá quá mức như vậy. Tuy nhiên theo thông lệ, Vinareco đã ký hợp đồng bán thuốc với các bệnh viện từ đầu năm lên cuối cùng đã buộc phải chấp nhận mua với giá chịu bù lỗ.
Bên cạnh đó, Polysan cũng liên tục nhiều lần yêu cầu Vinareco phải tăng doanh số nhập thuốc. Cũng theo ông Điền, Polysan đã tuyên bố nếu không tăng doanh số, hãng sẽ bán cho nhiều DN phân phối nữa. Cũng chẳng cần đợi lâu, khi Vinareco vừa ký hợp đồng nhập một lô hàng vài trăm nghìn USD về nước tháng 4/2008, thì tháng 5/2008 đã thấy bạt ngàn thuốc cùng chủng loại trên thị trường VN. Hỏi ra được biết, Polysan đã bán cho Cty Thanh Phương được lập ra từ Cty Thống Nhất (một nhà phân phối thứ cấp của Vinareco).
Hậu quả pháp lý
Theo LS Vũ Hữu Thức - Đoàn LS Hà Nội, với hai chủng loại thuốc mới như của Hãng Polysan, Vinareco đã nhanh chóng đưa ngay vào thị trường và tăng doanh số bán như vậy là rất hiệu quả. Việc Vinareco bán được tới 95% thuốc khi nhập về cũng là rất thành công. Theo thông lệ quốc tế, Vinareco hoàn toàn xứng đáng là một nhà phân phối hiệu quả và lâu dài. Việc Polysan đơn phương không thực hiện thoả thuận, không có sự đồng ý của Vinareco đã bán trực tiếp cho Cty Thống Nhất được xem như tước thương quyền của Vinareco. Đây là điều trái với thông lệ quốc tế, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của Vinareco.
Thay mặt Vinareco, ông Văn Cao Điền – TGĐ Cty khởi kiện đòi bổi thường những chi phí làm thị trường cho Polysan từ năm 2003 – 2008. Đơn khởi kiện đã được 2 bên chuyển tới Trung tâm Trọng tài quốc tế bên cạnh VCCI. Trung tâm Trọng tài quốc tế đã tiếp nhận đơn và đang thụ lý vụ việc.
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com