Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thách thức từ những biến động mới

Sức mua các mặt hàng điện tử - điện máy suy giảm cũng làm cho các nhà phân phối thêm khó khăn. Ảnh: Thu Hiền.

Ngay từ đầu năm, sự biến động của của giá cả hàng hóa trên thị trường, sự suy giảm của sức mua đã khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT tiếp tục đối đầu với những khó khăn mới. Tình hình thực tế hoàn toàn trái với kỳ vọng trước đó của nhiều doanh nghiệp: từ năm 2011 thị trường sẽ hồi phục.

Trì hoãn việc đầu tư vì khó khăn

Còn nhớ khoảng thời gian 2008-2009, hàng loạt công ty đã hoàn tất dự án hoặc ký hợp đồng triển khai hệ thống quản lý tổng thể nguồn lực (ERP) cho doanh nghiệp của mình với khi phí đầu tư đến vài triệu đô-la Mỹ một dự án. Tuy nhiên, để đi đến kết quả nói trên, doanh nghiệp thường trải qua từ 1-2 năm triển khai dự án. Nghĩa là quyết định đầu tư của doanh nghiệp diễn ra trước hoặc ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Khi đó, nhiều lãnh đạo công ty cho biết họ nhìn thấy cơ hội vì đây là thời điểm họ tìm cách tái cơ cấu doanh nghiệp của mình để chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo, sau khi nền kinh tế phục hồi. Đồng thời, ở giai đoạn thị trường đang trầm lắng do chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp cũng dễ dàng tìm kiếm các hợp đồng với mức giá có lợi nhất cho mình từ các nhà cung cấp giải pháp. Và nhờ đó, thị trường ERP cũng khởi sắc theo tầm nhìn của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sự biến động kéo dài của thị trường trong năm ngoái đã khiến một số dự án đi vào bế tắc hoặc bị trì hoãn kế hoạch triển khai. Điển hình như dự án ERP tại một doanh nghiệp ngành thép được xem có quy mô đầu tư lớn nhất nhì trên thị trường đã bị lùi lại không thời hạn do doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh. Mặc dù trước đó, để đạt được thỏa thuận triển khai dự án, công ty thép này phải mất cả khoảng thời gian dài tìm kiếm giải pháp phù hợp, lựa chọn đối tác triển khai và chuẩn bị đội ngũ sẵn sàng cho dự án.

Tương tự, năm ngoái một trường đại học trong nước đã quyết định đầu tư cho hệ thống quản lý ERP. Quyết định này được giới đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đánh giá mang tính tầm nhìn quản lý. Nhưng dự án này cũng đã bị trì hoãn. Tiến độ nhiều dự án khác cũng bị chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chính vẫn là do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính hoặc e ngại về tình hình tương lại nên buộc phải thắt chặt nguồn kinh phí.

Sức mua trên thị trường suy giảm

Tác động thấy rõ nhất là ở mảng kinh doanh sản phẩm, phân khúc thị trường chủ yếu phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Năm 2010, một số doanh nghiệp công bố rằng dù mức tăng trưởng thấp nhưng sức mua các mặt hàng điện tử - điện máy và thiết bị CNTT cũng đã suy giảm 20% so với năm trước đó. Những tháng đầu năm nay thị trường vẫn chưa có tín hiệu hồi phục thì nhà phân phối lại phải đối đầu với tình hình sức mua suy giảm mạnh. Thị trường trầm lắng kéo dài khiến doanh nghiệp “bối rối” với kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Theo các nhà kinh doanh trong ngành hàng này, mặc dù “đáy” khủng hoảng được xem là giai đoạn 2008-2009, nhưng vào thời điểm đó mảng kinh doanh các mặt hàng này lại khá thuận lợi. Thị trường Việt Nam có mức tăng trưởng tốt hơn so với một số nền kinh tế trong khu vực châu Á. Chính vì thế được các nhà cung ứng đặt nhiều kỳ vọng và đã có những khoản đầu tư nhất định để tạo ra bước đột phá hồi năm ngoái. Tuy nhiên, năm 2010 qua đi, khi các thị trường khác dần hồi phục và bắt đầu tăng trưởng thì thị trường Việt Nam lại “thấm đòn” khủng hoảng và việc kinh doanh của doanh nghiệp hết sức khó khăn.

Bà Võ Thị Hoàng Quân, Tổng giám đốc Công ty Phân phối FPT, nói rằng sự bấp bênh của thị trường phân phối, bán lẻ hàng điện tử và công nghệ nói chung đang rất lớn. Các mặt hàng điện tử đang tràn ngập thị trường, cung cao hơn cầu mà sức mua lại giảm mạnh do người tiêu dùng cân nhắc việc chi tiêu trước cơn bão tăng giá của hầu hết các mặt hàng liên quan đến sinh hoạt hằng ngày như thực phẩm, điện, xăng, gas… Để tiếp tục tồn tại và không bị tác động lớn từ việc điều chỉnh tỷ giá của nhà nước và tâm lý mua sắm dè dặt của người tiêu dùng, các nhà cung ứng và nhà phân phối đang phối hợp trong việc tăng cường các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu, giữ mặt bằng giá bình ổn, kiểm soát chặt chẽ việc đưa hàng hóa vào kênh tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro về tài chính.

Tuy nhiên mọi xoay trở đều khó mang lại hiệu quả vì mãi lực yếu trong chi tiêu của người dân. Càng khó khăn, người tiêu dùng càng tiết kiệm chi tiêu, đặc biệt đối với các mặt hàng công nghệ điện tử vì thế khó có thể kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện trong nhiều tháng nữa. “Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần có cơ chế kiểm soát tài chính tốt để vượt qua được khủng hoảng với mức thiệt hại thấp nhất. Chính vì thế chúng tôi cũng khó khăn để đưa ra những quyết định mới”, bà Quân nhận định.

Còn theo ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc Công ty Thế Giới Điện Tử, đơn vị vừa mới tham gia thị trường điện máy - điện tử, thị trường này vốn đang cạnh tranh khốc liệt. Khi tình hình sức mua yếu kéo dài sẽ tạo thách thức lớn cho các nhà bán lẻ vì quy mô doanh thu không đủ lớn để chịu đựng chi phí. Nếu khâu quản lý thiếu hiệu quả và hàng tồn cao sẽ kéo theo tình trạng thu hồi vốn chậm, và dẫn đến lưu thông của dòng vốn trong kinh doanh gặp nhiều khó khăn. “Tuy nhiên, doanh nghiệp nào vượt qua được giai đoạn “thấp điểm” này chắc chắn sẽ khẳng định được năng lực trên thị trường bán lẻ Việt Nam vốn còn rất nhiều tiềm năng”, ông Huân nói.

Cần tầm nhìn dài hạn

Ông Ngô Vi Đồng, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ HPT, cho rằng ngành CNTT chỉ phát triển mạnh khi nền kinh tế phát triển ổn định. Lúc đó doanh nghiệp mới tính đến các dự án mang tầm dài hạn. Thông thường, việc đầu tư vào lĩnh vực CNTT ở mỗi doanh nghiệp khó có thể cho thấy lợi ích trước mắt. Chính vì vậy, khi có những biến động thị trường, doanh nghiệp buộc phải thắt chặt ngân sách thì chi tiêu cho CNTT sẽ nằm trong diện bị cắt giảm đầu tiên.

Từ đầu năm đến nay, tâm lý doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp tục không ổn định do sự điều chỉnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô-la Mỹ, giá cả biến động và lạm phát, lãi suất cho vay tăng. Cho nên, các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp chựng lại và sức mua trong dân suy giảm. Nhìn ở góc độ rộng hơn thì ngành CNTT là ngành kinh tế mà sản phẩm chủ yếu là nhập khẩu, từ phần cứng đến phần mềm. Chính vì thế, theo ông Đồng, kinh nghiệm quan trọng là doanh nghiệp phải đủ tỉnh táo và có cái nhìn chiều sâu về tiềm năng của ngành để tính toán từng kế hoạch cụ thể.

Theo ông Đồng, dù đánh giá ở khía cạnh nào thì Việt Nam vẫn là thị trường tiêu thụ lớn cho các mặt hàng công nghệ, ở cả thị trường đại chúng lẫn thị trường phục vụ nhu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ trong các doanh nghiệp, tổ chức. Những công ty, tổ chức lớn thì dù ở giai đoạn nào của nền kinh tế vẫn phải có chiến lược phát triển 5-10 năm, trong đó bao gồm cả những khoản đầu tư. Do đó, dù đang trải qua giai đoạn khó khăn nhưng thị trường đang có nhu cầu như Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng ở mức 15-20%, thay vì 30-40% vào thời điểm thị trường khởi sắc. “Chính vì thế, tôi cho rằng trong giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp phải chịu sự sàng lọc nhất định. Những doanh nghiệp thực sự có năng lực mới đủ sức chống đỡ với sóng gió của thị trường để có những bước đi dài hạn và chuyên nghiệp”, theo ông Đồng.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Đầu tư như đầu cơ = Chúa Chổm
  • Google đang dần mất “đất” tại Trung Quốc
  • Audi đạt kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử
  • Giải bài toán tồn kho
  • Dễ mất đơn hàng lớn nếu thiếu trách nhiệm xã hội
  • Lãnh đạo Mercedes-Benz ‘kiếm đậm’ năm 2010
  • Dán nhãn so sánh năng lượng Việt : Tăng sức cạnh tranh sản phẩm
  • CEO trẻ nhất thế giới mới 14 tuổi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com