Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường đồ ăn nhanh: Ngoại lấn nội

Các thương hiệu nổi tiếng thế giới về đồ ăn nhanh đang gia tăng tốc độ bành trướng trên thị trường Việt Nam

Bùng nổ hay chưa bùng nổ? Và còn chỗ nào cho các doanh nghiệp Việt Nam? Đây là câu hỏi mà những người làm maketing thị trường thức ăn nhanh (Fast food) tại Việt Nam đặt ra trong năm 2010 này.

Dạo một vòng quanh Hà Nội, ta có thể dễ dàng nhận ra rất nhiều cửa hàng thức ăn nhanh nằm trên các con phố lớn. Và sẽ không bất ngờ khi thấy, có tới 90% cửa hàng ấy là của nước ngoài. Điều này cũng xảy ra tương tự ở các thành phố khác của Việt Nam.

Rậm dịch gia tăng số lượng

Hơn 80 năm trước, đại tá Sanders người Mỹ đã nghĩ ra công thức chế biến và đem gà lên rán giòn (gà rán Kentucky). Từ đó, món gà của ông đi khắp thế giới và trở thành món ăn chủ đạo có mặt trong bếp của KFC ở bất kỳ cửa hàng nào trên thế giới. Tuy nhiên, khi đặt chân vào thị trường Việt Nam, để thay đổi thói quen văn hóa bữa cơm gia đình của người Việt, nhân viên của KFC đã phải đến từng bàn để hướng dẫn cho khách hàng trong vài năm đầu tiên. Và kể từ ngày khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 24/12/1997 đến nay, KFC đã có 76 cửa hàng ở nhiều thành phố lớn trong cả nước. “Mục tiêu của chúng tôi cho đến năm 2011 là phát triển mạng lưới nhà hàng KFC lên 100. Điều kiện thị trường hiện tại và tương lai gần đang phát triển theo chiều hướng thuận lợi, đó là lý do KFC Việt Nam đặt ra chỉ tiêu phải phát triển bằng được mạng lưới của mình lên 100 nhà hàng vào năm 2011. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn tăng gấp đôi số lượng khách phục vụ so với hiện tại, đồng thời đưa ra tiêu chí 100% khách hàng hài lòng mỗi khi đến với nhà hàng KFC”, ông Pornchai Thuratum, Tổng giám đốc KFC Việt Nam chia sẻ.

Cùng với KFC, hãng thức ăn nhanh đến từ Hàn Quốc là Lotteria cũng đang ráo riết chuẩn bị cho việc mở thêm những cửa hàng mới, phấn đấu nâng con số cửa hàng hiện có từ 70 lên 90 vào cuối năm 2010. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc kinh doanh của Lotteria Việt Nam tiết lộ, sẽ có nhiều thay đổi bất ngờ trong kế hoạch kinh doanh của hãng nhằm mục đích mang đến cho khách hàng những sản phẩm có giá thành cạnh tranh, phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Việt. Không kém cạnh các tên tuổi khác, Jollibee (Philippines) năm 2009 cũng đã đưa ra quyết định đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam (mặc dù hãng này có mặt ở đây từ hơn 10 năm trước) và đặt mục tiêu nâng tổng số cửa hàng lên con số 14.

Gần đây, cuộc chiến chiếm thị phần còn có vẻ “nóng” hơn nữa, khi có nhiều thông tin cho thấy các hãng fast food lớn của Mỹ như Burger King, Popeye’s và McDonald’s sẽ gia nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Đó là chưa kể việc nhà sáng lập của hãng thức ăn nhanh Hàn Quốc là Subway đã đến Việt Nam khảo sát thị trường và chuẩn bị mở Subway store đầu tiên tại Việt Nam vào quý III năm nay... Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao các hãng fast food đang có mặt tại Việt Nam nhanh chóng đẩy mạnh số lượng các cửa hàng, làm marketing phát triển thương hiệu.

Địa điểm – bài toán số 1

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt dành thị phần tại Việt Nam thì địa điểm đẹp là mục tiêu số 1 mà các hãng hướng tới. Và đó cũng là tiêu chí quan trọng nhất để mở cửa hàng fast food. Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các hãng lớn thường có một đội ngũ chuyên đi tìm mặt bằng với thời hạn hợp đồng thuê trung bình từ 7 tới 10 năm.“Với Lotteria Việt Nam, ba tiêu chí hàng đầu để mở một cửa hàng thức ăn nhanh là địa điểm, địa điểm và... địa điểm. Vì vậy Lotteria Việt Nam không ngần ngại khi đầu tư khai thác những địa điểm với chi phí cao nhưng mang tính chiến lược và cạnh tranh…”, ông Nguyễn Thanh Tâm khẳng định. Ông Tâm cho biết thêm, hiện Lotteria Việt Nam cũng đang xây dựng mô hình nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, nhưng cho đến thời điểm này chưa thể công bố.

Trong khi đó, Tổng giám đốc của Jollibee Việt Nam cho biết, hãng này nhắm tới vị trí đẹp tại các trung tâm thương mại, siêu thị hoặc khu đô thị mới và sẵn sàng đầu tư khoảng 150.000 USD – 200.000 USD cho mỗi cửa hàng. Jollibee Việt Nam khuyến khích phát triển theo hình thức nhượng quyền thương hiệu. Theo đó, đối tác có các điều kiện: mặt bằng diện tích từ 100 - 150m2, vốn khoảng 4 tỉ đồng là có thể tiến tới việc hợp tác kinh doanh với Jollibee. KFC Việt Nam là đơn vị mua nhượng quyền (franchising) KFC từ tập đoàn Yum! Brands và đại diện hãng này cho biết, sẽ không phát triển hình thức franchising tại Việt Nam. Trước khi quyết định vị trí để phát triển một nhà hàng KFC, ông Pornchai Thuratum tiết lộ, hãng đã phải nghiên cứu rất kỹ về hạ tầng cơ sở, thu nhập trung bình, mật độ lưu thông, giá cả thuê mặt bằng, tình hình kinh doanh dịch vụ ăn uống của khu vực xung quanh... Hiện thách thức lớn nhất của KFC Việt Nam là làm sao để thương hiệu KFC có mặt tại các thành phố cấp 2 của Việt Nam. Và KFC đang tiến hành các cuộc khảo sát tại các tỉnh thành này để phát triển cửa hàng và quảng bá thương hiệu.

Việt hóa fast food

Trong thời gian gần đây các món ăn được Việt hóa theo đúng khẩu vị người Việt xuất hiện ngày càng nhiều trong các cửa hàng fast food. Trước đây không ai bán cơm trong fastfood, nhưng giờ đây cơm trở thành món ăn chiếm 60% trong tổng số doanh thu của Jollibee ở Việt Nam. Thương hiệu đến từ Hàn Quốc là Lotteria cũng đã nhanh chóng bổ sung thêm các món ăn từ cơm như cơm gà nướng, cơm bò… vào menu của mình để thu hút khách hàng bản địa.

Món cơm gà giòn không xương cùng với súp gà ngũ sắc của KFC cũng là một món hàng được nhiều thực khách lựa chọn. KFC cũng đang có hẳn một đội ngũ chuyên nghiên cứu để phát triển các sản phẩm phù hợp với người Việt. Hãng thức ăn nhanh này cũng đã tiến hành các cuộc thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng từ các vùng miền khác nhau của Việt Nam đối với sản phẩm gà rán KFC để đưa ra sản phẩm có khẩu vị thích hợp với tất cả các vùng miền. Khi được hỏi tại sao KFC không sử dụng gà ta - một món ăn rất được người Việt ưa thích - để chế biến, ông Pornchai Thuratum giải thích là do không có đối tác có thể cung cấp một lượng gà ta lớn cho hãng. Đồng thời KFC cũng yêu cầu nhà cung cấp phải đáp ứng yêu cầu về sự đồng nhất của chất lượng, kích thước và trọng lượng gà cũng như vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, KFC đã kết hợp và giám sát chặt chẽ nguồn nguyên liệu từ con giống, điều kiện nuôi, trọng lượng… để có được loại thịt gà thơm ngon không thua kém gà thả vườn của người Việt. Quan trọng hơn nữa, món gà KFC được chế biến từ thịt gà tươi.

500 tỉ đồng là tổng doanh số ước tính của ngành thức ăn nhanh năm 2009, tăng 35-40% so với năm 2008.

Cuộc khủng hoảng kinh tế với nỗi lo cơm áo gạo tiền trở thành nỗi lo của rất nhiều người dân Việt diễn ra đã khiến cho doanh thu của KFC 61% trong năm 2008 và 30% trong năm 2009. Phải làm gì trong lúc này để lấy lại đà tăng trưởng? Đó là câu hỏi làm đau đầu các nhà hoạch định chiến lược của KFC Việt Nam. Và EZ menu (thực đơn dễ và rẻ) là bài thuốc hữu hiệu giúp KFC vượt qua giai đoạn khó khăn đó và hướng tới mục tiêu tăng trưởng 50% trong năm 2010. Trước đó, trong thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát, ngoài món gà rán, hamburger gà, KFC đã nhanh chóng bổ sung thêm các sản phẩm cá lăn bột chiên, burger cá, hotdog xông khói, các loại spaghetti dùng chung với nước xốt thịt heo, cùng các sản phẩm có xuất phát từ thủy sản khác.

Fast food “made in Việt Nam”, bao giờ?

Trong khi các thương hiệu nước ngoài đang sôi nổi với cuộc chiến giành thị phần thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gần như đứng ngoài cuộc chơi này. Điểm mặt các thương hiệu được cho là fast food Việt đang có mặt trên thị trường hiện nay mới chỉ có Phở 24, Bánh mỳ TA, hay chuỗi cửa hàng K-Do của Công ty Bánh Kinh Đô Sài Gòn… Theo chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Cmard2, bức tranh thị trường fast food vẫn đang mở ra và cơ hội vẫn còn cho các doanh nghiệp Việt. Vấn đề đặt ra ở đây là các doanh nghiệp Việt phải làm gì để có được chỗ đứng của mình trên thị trường đầy cạnh tranh này? Theo ông Hoàng, các doanh nghiệp nước ngoài khó có thể làm được phở ngon như Phở 24. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lợi thế lớn nhất của các doanh nghiệp Việt chính là tính Việt trong món ăn Việt.

Ông Hoàng cũng nhận định rằng, thị trường fast food thực sự gọi là bùng nổ khi cứ trong vòng bán kính 1km có một cửa hàng thức ăn nhanh. Và ở Việt Nam, thực tế còn xa mới đạt tới tỷ lệ đó. “Nếu các doanh nghiệp Việt Nam thực sự muốn phát triển trong lĩnh vực kinh doanh thức ăn nhanh thì đây là một thời điểm rất tốt để có thể mạnh dạn đầu tư. Vấn đề là phải biết phát huy thế mạnh sẵn có của mình, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị hiếu tâm lý người tiêu dùng, khai thác thức ăn nhanh của người Việt thì hiệu quả thành công là rất lớn”, ông Hoàng khuyến nghị.

(Theo Báo Doanh nhân)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • 200 nhà sản xuất tìm hiểu việc đưa hàng vào Metro
  • FPT - 05 tháng đầu năm lãi 776 tỷ đồng
  • Toyota bị các hãng xe dùng tiền “câu” khách
  • Bài học từ vụ bê bối tại Ngân hàng Societe Generale
  • JAL vẫn tiếp tục loay hoay trong vòng quay lỗ-lãi
  • World Cup - Cơ hội của quán nghèo
  • FPT lãi 776 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm
  • Nằm giữa mà vẫn... lạnh!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com