“Trong nước ta hiện nay, sức ép cạnh tranh của hàng nhập đối với hàng trong nước tăng lên hàng ngày. Với đà tấn công ào ạt của hàng hóa bên ngoài như hàng Trung Quốc thì có thể “giết” doanh nghiệp trong chốc lát. Do đó, khó khăn cho thị trường nội địa là rất lớn” – đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại Hội nghị “Nhìn lại một năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” là một trong những chương trình có ý nghĩa sâu rộng
Thị trường nội địa luôn có vai trò đặc biệt quan trọng quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Với Việt Nam đang trong giai đoạn tiến tới việc hình thành đầy đủ và đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì việc phát triển thị trường nội địa càng có ý nghĩa to lớn.
Thị trường hấp dẫn
Theo ông Lê Xuân Bá – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung Ương, thị trường nội địa giữ vai trò liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu dùng, nó tác động trực tiếp đến lợi nhuận của các nhà sản xuất và lợi ích của người tiêu dùng. Việc xây dựng và phát triển thị trường nội địa đã và đang trở thành nhu cầu bức thiết trong việc ổn định kinh tế.
Nhiều đánh giá cho rằng, thị trường nội địa Việt Nam đang khá hấp dẫn. Các doanh nghiệp nước ngoài coi đây là cơ hội kinh doanh lớn và đang chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Một trong những nhân tố chính khiến thị trường nội địa được coi là thị trường có nhiều tiềm năng, đó là cơ cấu dân số của Việt Nam (trên 87 triệu người sống trong nước, khoảng 70% là dân số trẻ), sức mua của các tầng lớp dân cư liên tục tăng.
Thực tế cho thấy, số doanh nghiệp có hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng tăng dần lên. Nếu năm 2008 có 485 doanh nghiệp được bầu chọn thì đến giữa năm 2010 lên tới 776 trong phạm vi cả nước. Thị hiếu người tiêu dùng đang có sự thay đổi đáng kể khi lựa chọn hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không thụ động mà đang từng bước thích ứng với tình hình mới.
Những đánh giá của các tổ chức quốc tế về chính sách phát triển thị trường nội địa Việt Nam cho thấy niềm tin tiêu dùng của dân cư Việt Nam đang rất khả quan. Các hành vi tiêu dùng cũng thay đổi: từ mua sắm hàng ngày ở các chợ truyền thống, chuyển sang mua sắm khối lượng lớn cho cả tuần tại các siêu thị, trung tâm mua sắm và qua mạng Internet…
Xu hướng và là động thái tích cực trong thời gian gần đây của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước là cùng nhau liên kết và xây dựng chiến lược dài hạn, tăng cường tính chuyên nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực và quản lý hiện đại, đồng thời khắc phục những điểm yếu cố hữu trong công tác tài chính và logistic. Điển hình là hàng loạt chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích của Coop Mart, Hapro Mart, Phú Thái Group. Vinatex Mart, Fivimart….
Vẫn nhiều rào cản
Mặc dù thị trường nội đại đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì khả năng tiêu dùng hàng hóa ở thị trường nội địa của các tầng lớp dân cư, nhất là ở nông thôn nước ta còn rất thấp; tâm lý sính ngoại, thích tiêu dùng hàng ngoại đang trở nên phổ biến. Do vậy, việc phát triển thị trường nội đại Việt Nam đang gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Theo ông Lê Xuân Bá, nguyên nhân của các khó khăn này đến từ nhiều phía, trong đó có cả chủ quan và khách quan phải kể đến là: Thị trường nội địa chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa. Chẳng hạn như hiện nay ở thị trường nông thôn - một phân khúc đầy tiềm năng, nhưng gần như lại bị “bỏ trống”, việc phân phối hàng hóa ở đây còn hết sức sơ khai.
Kênh phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam còn quá yếu, không chuyên nghiệp như các nước trên thế giới, trong khi đó hạ tầng còn chưa đồng bộ. Ngoài ra, do đã bỏ quên thị trường nội địa quá lâu nên các doanh nghiêp phải bắt tay lại từ đầu. Đây là việc làm rất tốn kém cả về thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, việc hàng hóa của Việt Nam chưa có vị trí vững chắc trong nhận thức của người dân và phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nhập khẩu cũng là nguyên nhân gây khó khăn phát triển thị trường nội địa. Chất lượng, mẫu mã, giá thành của hàng hóa trong nước vẫn còn đơn điệu, hạn chế, giá thành cao so với hàng nhập khẩu đặc biệt là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Kết cấu hạ tầng không theo kịp sự phát triển của thị trường.
Ngoài ra, còn chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau như chuỗi liên hoàn cung ứng khép kín từ khâu nguyên vật liệu cho đến khâu thành phẩm để đưa đến tay và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Nhìn chung, chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất cùng loại sản phẩm trong từng vùng, từng miền; giữa các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp phân phối; giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phói với các hiệp hội, ngành hàng.
Tâm lý sính ngoại, thích tiêu dùng hàng ngoại đang trở nên phổ biến, là cản trở không nhỏ đối với Nhà nước và các doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường nội địa.
Dưới góc độ của mình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: đối với doanh nghiệp có làm xuất khẩu chính họ thấy giữa thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa thì phát triển thị trường nội địa khó hơn thị trường xuất khẩu ở mấy lẽ: Thứ nhất, đối với xuất khẩu, bản thân doanh nghiệp xuất khẩu đã có một nề nếp nhất định rồi, có thị trường, có bạn hàng, có nguồn cung đầu vào có thị trường đầu ra, có hệ thống tiếp cận thông tin để nắm bắt thị trường nên với họ tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu là điều rất đơn giản. Trong khi đó, đối với thị trường nội địa muốn làm một cách tổng thể và bài bản như họ thường làm khi phát triển thị trường mới như điều tra thị trường, thị hiếu thị trường, tìm khách hàng, tìm hệ thống phân phối, tìm các kênh đi, chi phí…ở trong nước rất khó.
Thứ hai nữa là thị trường nội địa, hệ thống hạ tầng phục vụ không sẵn sàng bằng thị trường xuất khẩu. Ví dụ như vận tải, trong nước cũng có nhưng bị hạn chế nhất định về khả năng cung ứng, về độ tin cậy, thời gian, và chi phí vận tải khá là cao thành ra khi tính vào so với thị trường xuất khẩu doanh nghiệp bị chịu giá thành cao hơn. Đối với thị trường xuất khẩu thì chi phí được niêm yết rõ ràng, nhưng ở thị trường nội địa chi phí nhiều khi không tính được hết vì ngoài chi phí chính thức thì còn lẫn chi phí không chính thức.
Thứ ba, vấn đề thuế. Đối với thị trường xuất khẩu thì nhiều khi được miễn trừ thuế thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện nay rất nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn phải dựa nhiều vào đầu vào, với thuế đánh hàng nhập khẩu theo đầu vào nhiều khi doanh nghiệp so sánh sẽ thấy rõ ràng mình bị chịu cả cái thuế đó thì không có lời bằng xuất khẩu ra bên ngoài. “Đó là những cản trở chính khiến cho phát triển thị trường nội địa còn khó khăn” – bà Phạm Chi Lan khẳng định.
Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” là một trong những chương trình có ý nghĩa sâu rộng không chỉ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Nhìn lại một năm qua, qua cuộc vận động, ý thức của người tiêu dùng đã có những chuyển biến ban đầu, người tiêu dùng trong nước đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, dù đã thay đổi ít nhiều song tâm lý chung tiêu dùng trong nước cũng chưa thật thuận cho hàng trong nước. Tâm lý sính hàng ngoại còn cao. Đối với người tiêu dùng lớn nhất là Nhà nước là người đầu tư tới 40% trong tổng đầu tư xã hội và 40% này cũng là tiêu dùng các sản phẩm trên thị trường thì có thể thấy phần hàng ngoại vẫn còn cao và khả năng thắng của các doanh nghiệp ngoại trên thị trường nội địa cũng còn rất cao.
(Theo Châu Huệ // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com