Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tư duy mới sau hai thập niên đổi mới

tinkinhte.com
Bài học lớn nhất cho tương lai là Việt Nam cần thay đổi tư duy lẫn chiến lược phát triển, nếu muốn phát triển bền vững trong thập niên tới để đạt các chỉ tiêu đã dề ra cho năm 2020.

Kinh tế Việt Nam đang ở đâu?

Sau hai thập niên thực hiện cải cách kinh tế, nhiều thành tựu đã được chứng minh qua những con số thống kê tốt đẹp và thảo luận khá đầy đủ trong nhiều tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước.1 Đặc biệt là thu nhập tính theo đầu người đã tăng hơn gấp ba từ khoảng mức 300 USD năm 1989 lên mức trên 1.000 USD cho năm 2008.

Tuy nhiên trong một thế giới toàn cầu hóa, những tiến bộ của Việt Nam cần phải được đặt khung cảnh của một cuộc tranh đua, chúng ta tiến trong khi thiên hạ cũng tiến, riêng trong khu vực Đông Á, có thể các nước láng giềng còn đi nhanh hơn chúng ta.

Có hai cách để phân tích. Thứ nhất, phân tích mổ xẻ những đặc điểm của bản thân để rút ra những điểm yếu, điểm mạnh, hay các cơ hội và thách thức có ý nghĩa quan trọng để tìm ra hướng đi phù hợp. Một cách khác để phân tích là so sánh bản thân và các nước xung quanh để biết được tương quan về lực lượng, những lợi thế và nguy cơ. Hiện nay, một vài vấn đề quan trọng cần đặt ra trong bối cảnh hội nhập là:

Trong 20 năm qua, Đổi mới đã đem lại những chuyển dịch cơ cấu kinh tế ra sao và những thách thức gì đang đặt ra trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu?

Có cần một tư duy mới để “phát triển toàn bộ nền kinh tế xã hội” thay vì chỉ nhắm độ tăng trưởng cao hàng năm?

Như đã nêu trên, kể từ năm 1989, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng và giảm đói nghèo. GDP trung bình đầu người đã tăng trên 10 lần trong hai thập niên vừa qua từ dưới 100 USD năm 1990 lên đến 1.000 USD năm 2008, để được xếp hạng chung vào các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Về chuyển dịch kinh tế, các số thống kê mới đây cho thấy, tỷ trọng của khu vực công nghiệp trong GDP đã tăng từ 36,7% năm 2000 lên 39,7% năm 2008; tỷ trọng khu vực nông nghiệp đã giảm từ 24,5% xuống còn 22,1%; và tỷ trọng dịch vụ giảm nhẹ từ 38,7% xuống 38,2% trong cùng thời kỳ.2

Mặc dù vậy, nếu nhìn vào cơ cấu kinh tế tổng quát thì biểu hiện đáng lo ngại nhất là về cơ bản Việt Nam vẫn còn là một quốc gia nông nghiệp, với trên 60% lao động nông nghiệp và 70% dân số sống ở khu vực nông thôn. Nếu nói về mức sống, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với khu vực. Vào cuối năm 2008, lúc mức GDP/đầu người của Việt Nam vừa vượt trên 1.000 USD, thì chỉ ngang với các mức của Thái Lan, Indonesia, Malaysia từ 15-20 năm trước.

Nhìn lại đổi mới - tổng quan kết quả và những thách thức

Cái nhìn tổng hợp

Nhìn chung sau hơn hai thập kỷ Đổi mới, ngoài hai mục tiêu chính yếu đã đạt được trong thu nhập bình quân và giảm nghèo đói (như đã bàn ở trên), các thành tựu hay thử thách của nền kinh tế có thể tóm tắt như sau:

Việt Nam đã thực hiện được nhanh chóng: (i) Cuộc cải cách giá cả, bao gồm: giá cả hàng hóa, giá lao động (lương bổng), giá của tiền nội tệ (tỷ giá), hay giá tư bản (lãi suất); (ii) Ổn định được nền kinh tế vĩ mô một cách tương đối; (iii) Nỗ lực mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế; (iv) Thành công trong giảm tỷ lệ nghèo đói.

Các cải cách cơ cấu tương đối chậm chạp hơn như trong: (i) Hệ thống pháp lý; (ii) Cải cách hành chính; (iii) Cải cách hệ thống thuế; (iv) Tự do hóa thương mại trong nước cũng như nền mậu dịch quốc tế.

Chậm nhất là cải tổ: (i) Cổ phần hoá các xí nghiệp quốc doanh; (ii) Hệ thống ngân hàng quốc doanh; (iii) Xây dựng thể chế (institutional building).

Các vấn đề vĩ mô trong bối cảnh hội nhập

Lạm phát và vấn đề điều tiết kinh tế vĩ mô

Lạm phát vẫn là vấn đề kinh tế vĩ mô hàng đầu cho đến năm 2008. Thực tế cho thấy Việt Nam đã bước vào cơ chế thị trường, đã chuyển từ kế hoạch hóa tập trung theo mệnh lệnh sang dần cơ chế thị trường sau 20 năm qua. Cùng với đó là tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế. Hai xu thế này sẽ khiến những chỉ số vĩ mô chịu tác động của những biến thiên của thị trường, trong khi Việt Nam đang ngày càng rất cần một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định để duy trì môi trường kinh doanh hấp dẫn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Như vậy, đã đến lúc cần một tư duy mới về điều hành nền kinh tế và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để đưa ra các chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô hợp lý hàng năm.

Từ nhiều năm qua, khi nói đến điều tiết vĩ mô, chúng ta thường chỉ cần đặt vấn đề với mục đích đạt mức tăng trưởng GDP cao hàng năm, nhất là mới đây, trong các năm sau 2000, phải áp dụng liên tục chính sách kích cầu nhằm gia tăng mức tổng cầu thay vì lo đến lạm phát. Nhưng kinh nghiệm ba năm 2007-2009 vừa qua cho thấy, điều tiết kinh tế vĩ mô không chỉ là khúc hát đơn điệu kích cầu lúc kinh tế suy yếu, mà còn là ngăn chặn để nền kinh tế không phát triển quá nóng.

Thực tế cho thấy, vai trò phối hợp quan trọng chặn bớt lạm phát và điều tiết vĩ mô của các cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính là rất cần thiết. Một phần áp lực của lạm phát có thể đã đến từ bên ngoài do giá cả nhập khẩu xăng dầu và vật liệu như trong vài tháng đầu năm 2008, nhưng mục đích chính của điều tiết vĩ mô là dùng các biện pháp tiền tệ và tài khóa để làm giảm bớt áp lực đó kịp thời và ngăn chặn “tâm lý lạm phát” như kinh nghiệm trong các tháng cuối năm 2008 và 2009. Đây sẽ là điều kiện cốt lõi để duy trì được tăng trưởng bền vững.

Kinh nghiệm tăng trưởng của 20 năm qua cho thấy 3 vấn đề nổi bật và liên hệ mật thiết sẽ được phân tích dưới đây: chiến lược tăng trưởng dựa vào tích lũy hay đầu tư cao hàng năm của khu vực công gây nhiều thất thoát, làm cho đầu tư thiếu hiệu quả, biểu hiện bởi hệ số ICOR rất cao, và đồng thời làm cho nền kinh tế thiếu tính cạnh tranh cần thiết.

Đầu tư 

Vấn đề hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước là vấn đề gây sôi nổi quanh việc bàn đến tỷ lệ thất thoát, lãng phí hay thiếu hiệu quả trong đầu tư. Thất thoát có nguyên nhân quan trọng từ sự thúc đẩy mức tăng trưởng cao hằng năm bằng đầu tư của khu vực nhà nước (nhất là các tập đoàn quốc doanh lớn), cùng sự chồng chéo, phiền nhiễu của thủ tục hành chính. Muốn chống thất thoát có hiệu quả, trước hết phải có bước đột phá trong cải cách hành chính, tách cơ quan quản lý khỏi kinh doanh.

Đây là vấn đề tế nhị để bàn cãi nếu không có các số liệu chính xác. Nhưng dựa vào vài tính toán đơn giản để thiết lập hệ số ICOR khá phổ thông dùng trong các mô hình tăng trưởng dài hạn để định nghĩa mối tương quan giữa đầu tư và tăng trưởng3 thì vấn đề thiếu hiệu quả của đầu tư ở Việt Nam khá nghiêm trọng, và đây sẽ là vấn đề số một cho việc hội nhập. Hệ số này cao có nghĩa là cần nhiều vốn đầu tư để tạo được cùng mức tăng dự kiến cho tổng sản phẩm GDP. Điều này giải thích tỷ lệ đầu tư/GDP rất cao và tăng nhanh từ 28% năm 1999 đến 42% các năm 2008-09 (trong đó khu vực Nhà nước luôn giữ tỷ lệ cao nhất).

Nguyên do chính là hệ số ICOR của Việt Nam đã tăng gấp đôi từ mức 3 trong các năm 1990-91 lên đến 5-6 trong các năm gần đây. Con số gia tăng này mang ý nghĩa đáng lo ngại khi so sánh với các nước láng giềng. Khi ở trình độ phát triển thấp tương đương với Việt Nam vào những năm từ 1950 đến 1975, hệ số ICOR của Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ dao động trong khoảng 1 đến 2, thấp hơn nhiều so với ICOR của Việt Nam hiện nay.

Nếu giả thử Việt Nam duy trì được cùng hệ số ICOR như các nước láng giềng và từ đó tính ra được con số đầu tư cần thiết nhỏ hơn nhiều để đạt được cùng độ tăng trưởng GDP như trong thập niên vừa qua, thì có thể tính ra con số thất thoát hay lãng phí rất lớn.

Vấn đề đầu tư thiếu hiệu quả

Ngoài vấn đề thất thoát, vốn đầu tư còn kém hiệu quả vì Việt Nam đã và đang quá tập trung phát triển các ngành sử dụng nhiều vốn, ít lao động. Phải có giải pháp căn bản điều chỉnh cơ cấu để chuyển sang phát triển các ngành sử dụng ít vốn, nhiều lao động vì nguồn lao động dồi dào là một lợi thế so sánh rất lớn của Việt Nam và đồng thời giúp giải quyết nạn thất nghiệp là vấn đề xã hội lớn nhất bây giờ. Ngoài ra cần tăng cường vấn đề đào tạo lao động có năng suất cao, nhất là ở nông thôn.

Các nước Đông Á theo đuổi chiến lược phát triển các ngành có hệ số vốn thấp nhưng sử dụng nhiều lao động trong suốt ba thập niên qua nên có được những tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất cao, nhưng lại giữ được hệ số ICOR rất thấp, đồng thời cũng thu hút được một lượng lao động rất lớn. Như vậy, vốn đầu tư ở đây không bị sử dụng lãng phí mà được tập trung vào đúng vào các ngành nghề phù hợp với giai đoạn đầu của công nghiệp hoá: các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là các ngành nghề làm hàng xuất khẩu.

Kết quả là, mặc dù tỷ lệ đầu tư/GDP tăng lên rất cao từ 28% năm 1999 tới 39% năm 2004 và 43%-44% các năm 2007-2008, Việt Nam vẫn chỉ đạt được tỷ lệ tăng trưởng khoảng 7% hàng năm, so với Thái Lan đã có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới là 11,4%/năm trong giai đoạn 1987-1991 lúc thực hiện được mức độ đầu tư cao.

Sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam

Môi trường đầu tư Việt Nam đã khá hấp dẫn để thu hút FDI so với các nước láng giềng, nhưng giải ngân vẫn là vấn đề nan giải do các nút thắt cổ chai về cơ sở hạ tầng, tiến độ cải cách hành chính và trình độ giáo dục nhân lực. Các cải cách cơ cấu chậm vẫn tiếp tục gây ra hiệu quả chưa cao trong điều hành đất nước (governance).

Vài tiền đề cho tư duy mới

Tựu trung, như TS. Trần Văn Thọ đã đề cập4, kinh tế Việt Nam đã có được “tăng trưởng” với độ tăng GDP hàng năm cao trong thập niên qua, nhưng vẫn chưa “phát triển” được theo đúng nghĩa toàn bộ của nó với sự thiếu tính bền vững, thiếu chất lượng cao với các vấn đề xã hội như môi trường xấu và đang trên đà hủy hoại nghiêm trọng; nền giáo dục mỗi ngày một xuống dốc, cần thay đổi để tạo sức cạnh tranh cần thiết cho nền kinh tế cho thập niên sắp tới.

Vấn đề căn bản nhất cho tư duy kinh tế Việt Nam của thập niên tới đây là chọn lựa thể chế thích hợp cho sản xuất. Chúng ta nên tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu sản xuất và phân bố tài nguyên qua khu vực nhà nước bằng các tổng công ty nhà nước như đang làm mạnh mẽ, hay cần thật sự tăng cường vai trò chủ động của khu doanh nghiệp tư nhân? Và muốn hướng tới chiến lược sau thì cần sửa soạn ra sao trong hai năm đầu của thập niên tới?

Yếu tố cốt lõi là mô hình tăng trưởng từ 20 năm qua, dựa trên khuyến khích xuất khẩu và đầu tư cao với FDI và đầu tư của khu vực công, cần được tái cấu trúc với một chiến lược mới nhằm vào một mô hình phát triển hài hòa hơn nhắm vào thị trường nội địa. Để dựa vào phát triển “nội lực”, yếu tố căn bản nhất là phải cải thiện hệ thống lương bổng và mức lương căn bản để tăng mãi lực tiêu thụ trong nước. Đây là đề tài đã được bàn cãi nhiều nhưng chưa có giải pháp cụ thể.

Trong đề tài về tái cấu trúc nền kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung phân tích là nền kinh tế nước ta hiện chủ yếu “phát triển theo chiều rộng” dựa vào các ngành tài nguyên và lao động chi phí thấp, và nhấn mạnh cần một “quá trình thay đổi có tính hệ thống trung và dài hạn, thiết lập nên một cơ cấu mới về phân bố và sử dụng nguồn lực của nền kinh tế một cách hợp lý và hiệu quả hơn”.5

Hay mới đây nhất là các kêu gọi khẩn trương tăng tốc phát triển khu vực nông thôn, nhất là nhu cầu phát triển một nền nông nghiệp sạch để giải quyết đồng thời vấn đề môi trường và hướng vào xuất khẩu các nông sản sạch đang có nhu cầu tăng cao trên thị trường khu vực (như từ Nhật Bản và Hàn quốc) và quốc tế.

Đây mới chỉ là vài tiền đề góp ý vào thao thức và mạch nghĩ chung hiện nay của cả nước đang ý thức được sự cần thiết của thay đổi, của một tư duy mới cho nền kinh tế xã hội nói chung và một chiến lược phát triển cho 10 năm tới nói riêng, nhưng thật sự chúng ta vẫn loay hoay quanh việc tìm ra những ý kiến và hướng đi cụ thể. Bài học lớn nhất cho tương lai là Việt Nam cần thay đổi tư duy lẫn chiến lược phát triển, nếu muốn phát triển bền vững trong thập niên tới để đạt các chỉ tiêu đã dề ra cho năm 2020. Chủ đề này sẽ là đề tài của rất nhiều hội thảo bàn luận kinh tế tương lai.

(Theo TS. Phạm Đỗ Chí // Báo đầu tư)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Dell muốn đuổi kịp Acer nhờ thị trường châu Á
  • Coca-Cola và nỗi ám ảnh màu đỏ
  • 20% người tiêu dùng Châu Á Thái Bình Dương đẩy mạnh cuộc chiến chống nạn gian lận thẻ
  • Những nghề kiếm nhiều và ít tiền nhất
  • Tăng năng suất bằng các công cụ quản lý
  • Toyota sẽ mất tới 5 tỷ đô la cho chi phí thu hồi xe?
  • “Chiến lược Đại dương xanh”: Bài học từ DN “đại gia”
  • Grant Thornton: 72% chủ doanh nghiệp Việt Nam căng thẳng vì tiền mặt
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com