Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nước Mỹ nhìn lại cuộc Đại khủng hoảng 1930

Cuộc khủng hoảng tài chính hiện giờ khiến nhiều người đã từng sống trong những ngày tồi tệ của cuộc Đại khủng hoảng những năm 30 của thế kỷ trước không khỏi bị ám ảnh bởi nỗi lo về một sự kiện tương tự sẽ tái diễn trên đất Mỹ. Trong câu chuyện dưới đây, tác giả đã ghi lại những suy nghĩ của người dân ở Lexington, Hoa Kỳ.

Nhớ lại "thập kỷ đen tối"

Đầu tiên, chúng ta đến với câu chuyện của cụ ông John Quinlan. Từ những năm tháng đầu đời, ông và những người bạn thuở thiếu thời đã quen với cuộc sống tằn tiện. Họ luôn biết nâng niu từng đồng đôla: “Chúng tôi luôn quý trọng giá trị của đồng tiền và sử dụng nó một cách khôn ngoan nhất”.

Dòng người xếp hàng chờ phân phát bánh mì trên đường phố New York trong cuộc Đại khủng hoảng 1929

Năm nay đã bước sang tuổi 92, cụ ông Quinlan nói rằng: “Cuộc khủng hoảng tài chính ngày nay khiến tôi không khỏi rợn người, khi mà dường như chúng ta chẳng có một lối thoát nào cả”.

Là nhân chứng sống trong thập kỷ đen tối nhất của nền kinh tế Mỹ, ông cùng những người dân tại bang New England vẫn còn rùng mình khi nhớ về sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng, những hàng dài người chờ tiếp tế cùng với tình trạng thất nghiệp tràn lan.

Thảm cảnh bắt đầu từ ngày thứ ba đen tối – ngày 29/10/1929 - được đánh dấu bởi sự kiện thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ. Lúc này, khi nước Mỹ đang oằn mình chống đỡ hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, một câu hỏi được đặt ra là: “Liệu một dân tộc vốn chỉ quen được lợi nhiều sẽ sống sao khi phải đối mặt với tổn thất quá lớn vừa qua?”

Nỗi lo ám ảnh

Nỗi lo sợ của họ ngày một lớn dần sau khi kênh truyền hình CNN đã công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy cứ 10 người được hỏi thì tới 4 người cho rằng bóng dáng của một cuộc đại khủng hoảng đang thấp thoáng ngoài cửa sổ.

Một cư dân lâu năm của vùng Lowell - cụ bà Irene Morris nói rằng “thời xưa, chúng tôi không được sống đầy đủ như giới trẻ bây giờ. Và khi cuộc Đại khủng hoảng ập đến cùng sự tàn khốc của nó, chúng tôi đã bị đẩy vào cảnh khốn cùng. Cuộc sống gian khổ đã rèn luyện cho lớp thanh niên ngày đó đức sống tằn tiện.”

“Thế nhưng, thế hệ con cháu chúng tôi - vốn sinh ra trong điều kiện đầy đủ - chắc chắn sẽ phải rất khổ sở để chống chọi với cuộc khủng hoảng hiện giờ. Tôi thật sự thấy lo bởi chúng chưa hề phải đối mặt với cảnh trắng tay và chắc cũng không thể mòn mỏi chờ đợi cho tới ngày tình hình sáng sủa trở lại như chúng tôi đã từng chờ đợi.”

Cụ Winifred DiTommaso - năm nay 77 tuổi - sinh ra và lớn lên tại vùng Lawrence trong những năm 30 thế kỷ trước, hiện đang làm việc bán thời gian tại Hội Người cao tuổi Lawrence. Cuộc khủng hoảng tài chính khiến cụ không tránh khỏi liên tưởng tới những gì xảy ra trước kia:

“Khủng hoảng là lúc bạn không có tiền trong tay, bởi bạn còn phải lo đóng thuế, đóng bảo hiểm cùng chi phí y tế. Khủng hoảng là lúc bạn cảm thấy mình chỉ đang tồn tại mà thôi. Cụ thân sinh ra tôi chưa bao giờ có đủ tiền để mua nổi một căn nhà. Bà mới bất hạnh làm sao.”

Cụ Bill Crawford, 82 tuổi, một kỹ sư về hưu sinh ra tại Buffalo và hiện đang sống tại Topsfield. Năm 1929, khi cơn địa chấn của thị trường chứng khoán nổ ra, cụ chỉ mới lẫm chẫm biết đi. Thế nhưng, những gì diễn ra trong khoảng thời gian 10 năm sau đó thì không thể nào phai mờ trong tâm trí cụ:

Những người từng trải qua cơn Đại khủng hoảng 1929 gờ đây lại sống lại cảm giác khủng khiếp đó (Ảnh minh họanguồn: media2.web.britannica.com)

“Hoạ hoằn lắm, tôi mới thấy lò cao của một hai nhà máy thép ở vùng Buffalo hoạt động trong khi vô số các ống khói còn lại thì lạnh tanh. Tình cảnh đó đã đẩy những công nhân thất nghiệp phải đi cào tuyết trên các con phố để nhặt nhạnh từng đồng.”

Cụ Crawford lo lắng rằng nền kinh tế lúc này đang tiềm ẩn một cơn hoảng loạn. “Theo tôi, những ngày tồi tệ nhất vẫn chưa tới. Khi người dân phải chứng kiến cảnh của cải trong nhà dần tiêu tán còn mình thì mất việc và nợ công ty thẻ tín dụng tới 20.000 USD – khi đó cuộc khủng hoảng mới thực sự bắt đầu.”

Thế nhưng, Richard Sylla - nhà kinh tế và lịch sử tài chính đang giảng dạy tại Trường Kinh doanh Stern - trực thuộc Đại học New York lại cho rằng: “Đúng là chúng ta đang trải qua một giai đoạn hết sức tồi tệ nhưng việc Đại khủng hoảng sẽ tái diễn là điều không thể.”

Trong thập niên 30 của thế kỷ trước, nền kinh tế Mỹ tụt dốc không phanh dẫn đến cuộc Đại khủng hoảng là bởi chính quyền liên bang gần như đã không có bất kỳ động thái gì trước việc các ngân hàng lần lượt kéo nhau sụp đổ.

Tình hình hiện nay khác trước rất nhiều. Cục Dự trữ Liên bang (FED) và Bộ Tài chính đã nhập cuộc: họ đã làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu tối đa các tác động xấu của khủng hoảng tài chính đối với nền kinh tế, kể cả việc bơm hàng tỷ đôla vào thị trường tài chính và đứng ra bảo lãnh các khoản tiền gửi ngân hàng cũng như tại các quỹ tương hỗ.

Peter Temin, nhà lịch sử kinh tế đang công tác tại Viện Công nghệ Massachusettes, nhận định rằng: viễn cảnh kinh tế quả có ảm đạm, nhưng những ngày đen tối như trong thập niên 30 không thể xảy đến:

“Có thể thấy được sự khác biệt rõ ràng trong cách chúng ta ứng phó với cuộc Đại khủng hoảng năm nào và khủng hoảng kinh tế ngày nay. Trong những năm 30, chúng ta đã bị sốc nặng khi Đại khủng hoảng ập đến, lúng túng đưa ra những chính sách cẩu thả khiến tình hình ngày một tồi tệ”.

“Ngày nay, chúng ta cũng bị sốc trước cơn địa chấn trong những tuần qua. Tuy nhiên, sau đó, chúng ta đã lấy lại bình tĩnh để đưa ra những chính sách hợp lý. Chính vì vậy, quá lắm chúng ta chỉ có thể phải đối mặt với suy thoái kinh tế thay vì Đại khủng hoảng lần II”.

Hãy làm một vài so sánh như sau. Từ mức đỉnh 381 điểm vào tháng 09 năm 1929, chỉ số công nghiệp Dow Jones tụt xuống còn 41 điểm vào tháng 07 năm 1932, tỉ lệ giảm tận 89%. Năm 1933, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25%. Hiện giờ, chỉ số Dow Jones chỉ bị mất 40% giá trị so với mức đỉnh điểm năm 2007 và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện giờ chỉ là 6%.

Theo lời Richard S. Tedlow – nhà lịch sử kinh doanh đang giảng dạy tại Trường Kinh doanh Harvard, chẳng phải đợi tới năm 1929, mà trước đó, những dấu hiệu của một hiểm hoạ đã ngày một lộ rõ, trong đó không thể không nhắc tới sự trượt dốc của ngành xây dựng và sản xuất ô tô - vốn rất thịnh vượng trong thập niên 20.

“Thị trường chứng khoán lâm nguy khiến tình trạng thất nghiệp tràn lan. Việc kiếm tiền không còn dễ dàng như trước; hầu bao của chúng ta cứ ngày một co lại.”

Một thói quen bị thay đổi

Chiến tranh thế giới thứ II (1939 – 1945) nổ ra; nhờ là nước ngoài vòng chiến sự, cộng với việc cung cấp vũ khí, đạn dược cho các nước tham chiến, nền kinh tế Hoa Kỳ dần được chấn hưng. Nhờ vậy, nhiều người dân Mỹ đã thoát khỏi tình trạng thất nghiệp. Thế nhưng, Đại khủng hoảng có tác động lớn đến độ nó đã thay đổi vĩnh viễn thói quen chi tiêu của cả một thế hệ người Mỹ.

Cụ bà W. Schroeder 94 tuổi, cư dân của vùng Burlington, vẫn nhớ như in tình thế ngàn cân treo sợi tóc khi đó. Với cụ, mọi thứ đều có giá của nó và chẳng có gì là của từ trên trời rơi xuống.

Tuy nhiên, theo như nhiều người "muôn năm cũ",tình trạng hiện nay chỉ là sự suy thoái kinh tế chứ chưa tới mức độ khủng hoảng như những năm 30 của thế kỷ trước

“Tôi chắt chiu từng đồng xu một và nếu như nhìn thấy một đồng bạc nhỏ rơi trên sàn nhà, chắc chắn, tôi sẽ cúi xuống nhặt nó lên. Điều đó khác hẳn cách giới trẻ ngày nay sử dụng thẻ tín dụng. Tôi tin rằng hệ thống thẻ tín dụng đã góp phần làm hư một thế hệ bởi nó khuyến khích con người ta sống xa hoa ngoài khả năng chi trả của mình”.

“Bọn trẻ ngày nay là thế, từ khi có thẻ tín dụng, chỉ cần chúng thích thứ gì thì chúng sẽ phải mua bằng được. Thay vì tích góp, dành dụm cho tới khi có đủ tiền, chúng không ngần ngại quẹt thẻ để có được thứ mình muốn.”

Theo cụ Quinlan - người đã nhắc đến ở trên, lớp trẻ ngày nay chưa sẵn sàng đón nhận những điều tồi tệ mà thế hệ những người như ông đã trải qua. Nếu một lần nữa, tiếp sau cú sốc tài chính hiện giờ, nước Mỹ lại trải qua tình trạng tồi tệ giống như những gì đã xảy ra trong cuộc Đại khủng hoảng thì người ta sẽ lại than rằng do đâu? - Họ đã từng có tất cả mà nay lại trắng tay.

Nước Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung như ngồi trên đống lửa. Thế nhưng, vẫn có những người bình tĩnh đến lạ kỳ. Cụ Donald White - năm nay gần 100 tuổi, người cha của cụ đã từng mất đi công việc kinh doanh ôtô trong những năm 30 thế kỷ trước – nói rằng: cụ chẳng muốn “nhai đi nhai lại” chuyện quá khứ làm gì.

“Ở cái tuổi gần đất xa trời, hơn nữa đã từng nếm trải và sống sót qua những ngày tháng tồi tệ nhất của cuộc Đại khủng hoảng, há chẳng còn điều gì trên đời khiến tôi phải lo sợ.”

(Theo Như Nguyệt//Bill Porter//TuanVN)

  • Bài học từ khủng hoảng
  • Nền kinh tế thương hiệu
  • Tái cấu trúc nền kinh tế (phân II)
  • Tái cấu trúc nền kinh tế (phân 1)
  • Làm thế nào để giữ vững niềm tin trong cuộc khủng hoảng?
  • "Người khổng lồ" về chính trị học không còn "đụng độ"...
  • Từ GDP đến GPI
  • Kinh tế thị trường là gì? (9): Chính phủ trong nền kinh tế thị trường - phần2
  • Kinh tế thị trường là gì? (8): Chính phủ trong nền kinh tế thị trường - phần 1
  • Những vũ khí bí mật trong chiến tranh kinh tế
  • Kinh tế thị trường là gì? (7): Tài chính trong nền kinh tế thị trường
  • Kinh tế thị trường là gì? (6): Hệ thống các thị trường
  • Kinh tế thị trường là gì? (5): Người lao động trong nền kinh tế thị trường
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com