Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Có nhiều cách để vượt qua thời kỳ suy thoái”

Đó là khẳng định của GS. John Quelch, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Quốc tế Châu Âu - Trung Quốc, Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, người được mệnh danh là "thầy phù thủy marketing và thương hiệu” tại buổi tọa đàm “Chiến lược marketing trong thời kỳ suy thoái”.
 
Buổi tọa  đàm do trường đại học Kinh tế - (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 29/3 với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, giảng viên, các nhà nghiên cứu và sinh viên đại học Kinh tế. Tại buổi tọa đàm, GS. John Quelch tập trung vào hai vấn đề “Chiến lược marketing trong thời kỳ suy thoái” và “khách hàng thế kỷ 21”.

GS. John Quelch đã đưa ra những nhận định về sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng trong thời kỳ suy thoái. Theo ông, những thay đổi mang tính dè dặt, cân nhắc hơn của họ đem lại nhiều bài học và cần có những nghiên cứu mới cho các DN để thu hút người tiêu dùng. Ngược lại, chính phía DN cũng phải có những cân nhắc về các khoản chi tiêu hợp lý và không hợp lý đồng thời đưa ra các chiến lược về tiền, quản lý, chia sẻ thị phần, tìm thị trường tiềm năng…

Ông nhấn mạnh, điều DN cần chú ý là cần phải đặt chính mình vào vị trí của người tiêu dùng, từ đó để hiểu người tiêu dùng hơn. DN cũng đừng quá sợ suy thoái mà hãy coi đó là cơ hội để cải tổ và phát triển mạnh hơn. Tất nhiên sau đó, DN cũng phải sẵn sàng cho quá trình hồi phục kinh tế.

Khủng hoảng động đất, sóng thần tại Nhật Bản là bằng chứng mới nhất cho thấy, một đất nước có nền kinh tế vững mạnh hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng tồi tệ bất cứ lúc nào. Nhưng điều quan trọng là cách họ xử lý khủng hoảng đó. Người dân Nhật Bản rất tuyệt vời khi đã đồng cam cộng khổ đối mặt với những khó khăn trước mắt và khẩn trương khắc phục cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, họ vẫn chưa làm được nhiều điều đáng phải làm.

Ví dụ  cụ thể, thảm họa khiến nhiều thành phố ven biển Nhật Bản bị phá hủy hoàn toàn, nhưng nhiều nơi khác không bị tác động nhiều. Ở đó mọi công việc vẫn có thể diễn ra bình thường. Đáng nhẽ Chính phủ Nhật Bản cần phải có những tuyên bố “chúng tôi vẫn có những nơi an toàn”, đẩy mạnh việc kêu gọi đối tác tiếp tục đầu tư, sản xuất tại những nơi không bị ảnh hưởng. Nhưng thực tế, nhiều nơi như vậy không nhận được sự đầu tư đáng ra cần phải duy trì, thậm chí, nhiều nước tuyên bố không nhập các sản phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản để tránh nguy cơ hàng hóa nhiễm phóng xạ.

GS. John Quelch cho biết, tại Mỹ, khi đất nước này gặp phải những thảm họa tương tự, chắc chắn sẽ có một thành viên cao cấp của Chính phủ đứng ra kêu gọi người dân, các DN nỗ lực sản xuất, bù đắp lại những mất mát. Đó là một trong những cách để kích thích các DN tìm kiếm lối thoát trong khủng hoảng, lôi kéo người tiêu dùng tìm đến các mặt hàng phù hợp, những người không bị hoặc ít bị ảnh hưởng bởi thảm họa không mất đi thói quen tiêu dùng… 

Trong phần thảo luận và trả lời các câu hỏi về “Chiến lược marketing trong thời kỳ suy thoái”, GS. John Quelch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giảng viên và lãnh đạo nhiều DN trong lĩnh vực ngân hàng, mua bán ô tô, nhà đất… Các câu hỏi tập trung và các vấn đề thu hút người tiêu dùng trong thời kỳ suy thoái, marketing thế nào là phù hợp trong gian đoạn suy thoái, phân tích tâm lý khách hàng, chính sách giá sản phẩm, cắt giảm nhân lực…

Trả  lời các câu hỏi đặt ra, GS. John Quelch cho rằng, tùy theo mặt hàng, khách hàng, doanh nghiệp, đất nước…sẽ  có những chiến lược riêng phù hợp. Tuy nhiên, nhiều DN tỏ ra sai lầm khi cứ gặp khủng hoảng là hạ giá. Đó không hẳn là chiến lược hay khi mà họ hoàn toàn có thể đưa ra các sản phẩm mới với giá cả phù hợp hơn. Tương tự như vậy, nhiều DN khi rơi vào thời kỳ khó khăn vội vàng cắt giảm nhân lực.

Theo GS. John Quelch, DN nên giảm số nhân công làm toàn thời gian, tăng cường nhân công làm bán thời gian. Khi qua thời kỳ khó khăn, DN nên quay lại với số nhân lực được cho là hợp lý trước đó. Liên quan đến vấn đề marketing, GS. John Quelch cho rằng, một số DN kinh doanh các mặt hàng xa xỉ nghĩ rằng cứ đầu tư nhiều tiền vào marketing là tốt nhưng họ lại quên mất liên kết hoặc tham gia các tổ chức, hiệp hội.

Trong thời kỳ suy thoái, những mặt hàng này sẽ gặp nhiều khó khăn. Các hiệp hội, tổ chức ngành nghề  là phương thức quan trọng thúc đẩy quá trình tiêu dùng. Họ có nhiều biện pháp như gặp gỡ, tác động đến Chính phủ, liên kết các DN, hỗ trợ giá. Tuy nhiên, cũng tùy theo hoàn cảnh từng nước, nhiều hiệp hội hoạt động không hiệu quả. Vì vậy các DN đành phải tìm cách khác như cải tiến mẫu mã, ra sản phẩm mới phù hợp với tiêu dùng, hỗ trợ giá, trả góp…

Nhằm  tôn vinh những đóng góp của GS. John Quelch đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như đối với sự hợp tác tốt đẹp về giáo dục đối với ĐHQGHN nói riêng, chiều cùng ngày, đại diện Ban Giám đốc ĐHQGHN đã trao bằng Tiến sĩ danh dự cho GS. John Quelch.

Trước chuỗi sự kiện GS. John Quelch, Trường Đại học Kinh tế cũng đã mời nhiều học giả, quan chức nổi tiếng thế giới đến diễn thuyết như: GS. Tom Cannon chiến lược gia hàng đầu thế giới, cha đẻ của những ý tưởng và giải pháp vượt qua khủnsg hoảng; GS.TS. Susan Schwab - nguyên Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ, Cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tổ chức Hệ thống Đại học Maryland (Hoa Kỳ); Ngoại trưởng New Zealand Hon Murray McCully… 

GS. John Quelch cho rằng có 4 phân đoạn khách hàng bao gồm: những người cực kỳ khó khăn, khó khăn vừa phải, tương đối khá giả và những người sống hưởng thụ. Trong thời kỳ suy thoái, hành vi tiêu dùng của 4 phân đoạn khách hàng này sẽ có thay đổi. Đơn cử, một người có mức sống khá giả sẽ rất phân vân khi định sắm một chiếc xe mới trong khi người hàng xóm đang rơi vào cảnh cực kỳ khó khăn.

Bài học của Nhật Bản chính là tìm kiếm những mặt hàng phù  hợp với sức tiêu dùng của người dân trong thời  điểm hiện tại. Và câu hỏi đặt ra là khi nào họ trở lại thói quen tiêu dùng như trước đây. Điều đó dẫn đến một câu hỏi khác, các mặt hàng thế nào là phù hợp với tình thế hiện tại. Ông cho rằng, đó là những mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng thỏa mãn một cách tương đối, những mặt hàng xa xỉ nhưng có sự hỗ trợ bằng những hình thức như trả góp, giảm giá thành…

(Theo Báo đầu tư)

  • Những ý tưởng kinh doanh khôi hài ở châu Á
  • Có “cửa” nào cho Tràng Tiền Plaza?
  • Sẵn sàng khởi nghiệp và sẵn sàng thất bại
  • Tan ý định khởi nghiệp vì khủng hoảng
  • Bí quyết thành công của tỷ phú đứng sau thương hiệu Zara
  • Vì sao phụ nữ kinh doanh giỏi?
  • Để thành công - Những điều phụ nữ nên biết
  • 4 thói quen để trở thành triệu phú
  • Tỷ phú Buffett: “Đây là lúc mua cổ phiếu Nhật giá rẻ”
  • Warren Buffet sẽ mua gì tiếp?
  • Cách thức giúp DN thu hút khách dùng hàng Việt
  • Học 'chiêu' thu hút người tài của doanh nghiệp Mỹ
  • Độc nhất hay tốt nhất?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com