Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đại học ‘top’ thế giới loay hoay trong khủng hoảng

Harvard là một trong những trường đại học giàu có nhất thế giới với khối tài sản khổng lồ từ các nguồn tài trợ, hiến tặng. Thế nhưng, trong những năm gần đây, khi mà nền kinh tế thế giới chao đảo vì khủng hoảng và suy thoái thì Harvard và các trường đại học danh giá khác cũng phải vất vả vật lộn với không ít khó khăn về tài chính.

Suy thoái, nhà tài trợ bớt hào phóng

Năm 2009, khi tài sản tài trợ và hiến tặng giảm gần 30%, trường Đại học Harvard đã phải ngừng xây dựng trung tâm khoa học trị giá 1,2 tỷ USD. Harvard cho biết, họ sẽ tiếp tục triển khai dự án nhưng không thể tiến hành trước năm 2014 dù quy mô dự án giảm một nửa so với kế hoạch ban đầu. Điều đó cho thấy đang có không ít những khó khăn về tình hình tài chính tại trường đại học hàng đầu thế giới này. “Thực trạng kinh tế đã buộc chúng tôi phải đi tới quyết định này”, ông Kevin Casey, người phát ngôn của trường Đại học Harvard cho biết trong một cuộc họp hồi tháng 6 vừa qua.

Nhiều trường đại học đang phải đối mặt với sức khỏe tài chính yếu ớt do tài trợ nhà nước cũng như nguồn tiền từ hoạt động hiến tặng giảm mạnh. Tại đại học Harvard và một số đồng nghiệp khác trong nhóm các đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ, suy thoái đã đeo bám họ bởi sự phụ thuộc quá lớn vào các khoản tài trợ trong việc tạo nguồn thu.

Tổng giá trị tài sản của Đại học Harvard hiện là 32 tỷ USD, tăng so với mức 26 tỷ USD vào năm 2009 nhưng vẫn còn thấp hơn hồi trước khủng hoảng 2008 với 36,9 tỷ USD.

Harvard, Yale và Princeton nằm trong số những trường đại học danh giá nhận được nhiều khoản trợ cấp và hiến tặng nhất nước Mỹ cũng như trên thế giới. 1/3 ngân sách hoạt động có được từ nguồn này, lớn hơn nhiều so với mức dưới 15% của hầu hết các trường đại học phi lợi nhuận, ông John Griswold, Giám đốc Điều hành Viện Commonfund cũng là nhà phân tích tại Connecticut khu vực phi lợi nhuận cho biết.

Trong khủng hoảng, Harvard và các trường đại học danh giá khác cũng phải vất vả vật lộn với không ít khó khăn về tài chính.

Không giống như các trường phụ thuộc vào nguồn thu học phí, mô hình đó cho phép các trường này có thể duy trì được đội ngũ nhân viên tương đối ổn định. Tuy nhiên việc chi dùng ngân sách lại phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài trợ và hiến tặng. Hơn nữa, vào những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, các trường không thể tùy ý tiêu xài các khoản tài trợ có phần eo hẹp này bởi phần lớn số tiền đó được giới hạn bởi những dự định của các nhà tài trợ.

Năm 2011, tổng nguồn thu của Harvard là 3,8 tỷ USD trong đó 1,2 tỷ đến từ các khoản tài trợ, hiến tặng.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đủ bền vững để mang lại cho các trường vị trí trước kia, ông Griswold nói.

Được hỏi là liệu Harvardcó thảo luận về việc họ dựa quá nhiều vào các khoản tài trợ, hiến tặng trong việc tạo nguồn thu hay không, bà Katie Lapp, Phó chủ tịch điều hành Đại học Harvard cho biết, không có một giải pháp dễ dàng nào cho họ. “Rõ ràng là các nguồn thu của chúng tôi bị đặt dưới nhiều sức ép, hoặc là các khoản hiến tặng, học phí hay quỹ liên bang tài trợ cho hoạt động nghiên cứu”.

Tổng tài sản đại học Yale đã tăng lên mức 19,4 tỷ USD vào năm 2011 nhưng vẫn giảm so với 22,9 tỷ USD vào năm 2008. Năm 2013 sẽ là một năm thử thách khi mà nguồn thu mờ mịt, hiệu trưởng Richard C. Levin cho biết. Ông cho rằng, Yale vẫn rất cần tìm các nguồn để khởi động những dự án vốn đã bị đóng băng trong cuộc suy thoái.

Thắt lưng buộc bụng

Harvard vẫn đang bỏ tiền để chi cho một số lĩnh vực và khoản hỗ trợ tài chính cho sinh viên đã tăng đều đặn từ năm 2008 nhưng rõ ràng là không còn “hào phóng” như trước kia. Ông Alan Garber, hiệu trưởng trường Đại học Harvard cho rằng: hạn chế các khoản chi đã trở thành yêu cầu thực tế và cần thiết hơn bao giờ hết.  

Nhà trường cũng đang tiến hành tái cấu trúc và củng cố hoạt động của hệ thống thư viện. Bên cạnh đó là giảm chi cho các tạp chí học thuật của Harvard bằng phương pháp tiếp cận kỹ thuật số.

Vì muốn tiết kiệm, Harvard đã phải để mắt nhiều hơn đến khoản chi 160 triệu USD mỗi năm cho hệ thống thư viện 375 năm tuổi của mình. Thư viện khủng này sở hữu 17 triệu đầu sách 73 thư viện riêng.

Mặc dù hệ thống thư viện đã trở thành tài sản vô cùng quý giá đối với nhà trường trong rất nhiều năm qua, nhưng có lẽ Harvard đã chi dùng nhiều hơn mức cần thiết để hoàn thành các mục tiêu, ông Garber nhận định.

Để khắc phục thực trạng này, Harvard đã cắt giảm 20% số lượng nhân viên thư viện toàn thời gian kể từ cuối năm 2008. Tại thời điểm trước đó, số lượng nhân viên thư viện đã lên tới con số hơn 1000.

Bên cạnh đó, Harvard cũng đang thay đổi quan điểm của mình về việc sở hữu kho tàng sách với mục tiêu là tiếp cận hơn là sưu tập từng cuốn bởi việc này có thể dẫn đế những khoản chi phí lớn cho hoạt động lưu kho và bảo quản.

Thư viện cũng sẽ mở rộng các mối quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức thư viện khác để mượn sách. Bên cạnh đó họ cũng tăng cường số hóa các bộ sưu tập của mình để có thể chia sẻ dễ dàng hơn.

Harvard quyết định hủy chương trình miễn học phí năm ba cho các sinh viên luật đáp ứng được những yêu cầu về lao động công ích và cam kết sẽ làm việc trong khu vực dịch vụ công chúng. Thay vào đó, bắt đầu từ mùa thu năm nay, họ sẽ trao phần thưởng cho một số sinh viên đào tạo sau đại học. Và theo người phát ngôn của nhà trường thì việc này có thể giúp họ dự đoán và kiểm soát tốt hơn tình hình ngân sách.

Đào tạo trực tuyến

Không phải lúc nào Harvard cũng thắt lưng buộc bụng. Từ năm 2007, đầu tư của họ trong hỗ trợ tài chính cho sinh viên đã tăng hơn 78% mà theo Harvard thì đó là sự tăng đáng kể trong các khoản học phí. Tuy nhiên, học phí đại học, và các chi phí khác trong năm học 2012-2013 tăng 3,5% lên 54.496 USD.

Trường cũng đang phải đau đầu trong việc quản lý các khoản chi phí cho khu vực tạp chí học thuật Harvard. Mỗi năm việc duy trì hoạt động của các tạp chí này có thể tiêu tốn đến 3,75 triệu USD, ông Garber cho biết. Giờ đây, họ quyết định cắt giảm chi phí tới mức thấp nhất có thể để giảm gánh nặng lên ngân sách của nhà trường.

Vào tháng Tư vừa qua, đại học Harvard kêu gọi các thành viên của bộ phận phát hành các tạp chí theo hướng tiếp cận mở như là một giải pháp để tiết kiệm chi tiêu.

Một trong số những thay đổi hiện nay là tiếp cận thông tin theo công nghệ số hóa nhưng trong thời kỳ suy thoái thì sự thay đổi đó diễn ra một cách mạnh mẽ hơn nhiều.

Một trong những nỗ lực tạo doanh thu mà không phải chi quá nhiều tiền cho việc xây dựng thêm hệ thống trường lớp được Harvard tính đến là đào tạo trực tuyến. Vào tháng Năm vừa qua, Harvard cam kết thực hiện dự án edX trị giá 30 triệu USD. Đây là một dự án hợp tác với Viện công nghệ Massachusetts cung cấp các lớp học trực tuyến cho những học viên trên toàn thế giới. Xu hướng này đang được nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới theo đuổi.

Harvard, Yale hay Princeton vẫn đang phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua cửa ải khó khăn về tài chính. Nguồn thu từ hoạt động tài trợ chắc chắn là sẽ hạn chế trong thời buổi kinh tế suy thoái. Họ cần tính đến những giải pháp khác thiết thực hơn. Tăng học phí được xem là một sự lựa chọn. Tuy nhiên phải làm thế nào để cân bằng giữa nguồn thu ngân sách, sức hấp dẫn của thương hiệu và lợi ích của người học và là một câu hỏi không dễ trả lời đối với bất cứ một trường đại học danh tiếng nào.

(Theo VEF // WSJ)

  • Những ý tưởng kinh doanh khôi hài ở châu Á
  • Có “cửa” nào cho Tràng Tiền Plaza?
  • Sẵn sàng khởi nghiệp và sẵn sàng thất bại
  • Tan ý định khởi nghiệp vì khủng hoảng
  • Bí quyết thành công của tỷ phú đứng sau thương hiệu Zara
  • 'Để có vốn, doanh nhân phải biết bán mình'
  • Resort cao cấp 'hot' hơn hàng hiệu
  • Bí quyết kinh doanh của “vua chuối”
  • Những thương vụ 'chiếu trên' phá thế chân kiềng thị trường cà phê
  • Tỉ phú Mỹ làm giàu bằng cách nào?
  • Những 'con cá mập' và cuộc chiến bán lẻ ở Việt Nam
  • 7 cách khởi nghiệp kinh doanh dưới 10 triệu đồng
  • Những thất bại chết người của Kodak
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com