Chế biến hạt điều tại một doanh nghiệp . Hiện nay nông sản chế biến của Việt Nam đang được một số thị trường trong khu vực ưa chuộng. Ảnh: Lê Minh Khuê. |
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, việc khai phá thêm những thị trường mới nhằm tìm đầu ra cho doanh nghiệp được xem là một hướng đi phù hợp.
Về vấn đề này, TBKTSG ghi lại ý kiến của ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), đơn vị đã tiến hành nhiều đoàn khảo sát tìm hiểu thị trường cho các doanh nghiệp trong nước.
Đầu tư để thâm nhập sâu
Hai thị trường đã được nhiều doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng vào bán nhưng cần thâm nhập sâu hơn nữa là Campuchia và Lào.
Với Campuchia, một số mặt hàng công nghiệp tiêu dùng của Việt Nam như sách vở, bút, quạt máy, đồ nhựa, đồ gia dụng, thực phẩm chế biến... đã chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, nhu cầu ở đây về các mặt hàng khác vẫn còn khá lớn, đặc biệt là hàng công nghiệp phục vụ nông nghiệp (sản xuất, chế biến nông sản). Sản phẩm động cơ đa năng vừa dùng để cày kéo, vừa có thể phát điện của Công ty Máy nông nghiệp miền Nam (Vikyno) hiện tràn ngập ở biên giới Campuchia - Thái Lan. Điều này cho thấy hàng công nghiệp phục vụ nông nghiệp của ta hoàn toàn có thể cạnh tranh được với sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc.
Ngoài xuất khẩu thì đầu tư tại chỗ cũng là một cách để thâm nhập hàng hóa sâu hơn nữa vào thị trường Campuchia. Chuyến khảo sát bảy tỉnh biên giới Campuchia cho thấy giá nông sản ở đây như rau củ quả, lúa gạo... rất rẻ so với Việt Nam, nhưng máy móc chế biến họ lại không có. Như vậy, nếu đặt các nhà máy tại chỗ ở đây thì trước hết các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế về chi phí nguồn nguyên liệu.
Ở Lào, hàng hóa tiêu dùng thâm nhập vào đây chủ yếu xuất phát từ các doanh nghiệp nhỏ của miền Trung. Ở thị trường này, một số mặt hàng có chất lượng thấp hơn nhưng giá có thể ngang ngửa so với Việt Nam. Nói chung, đây là thị trường dễ tính, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng đều có thể tiêu thụ được.
Doanh nghiệp của TPHCM tuy có đầu tư vào khu vực Nam Lào, Hạ Lào nhưng chưa nhiều. Có thể kể như Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn trồng cao su ở tỉnh Champasack, bây giờ cây đã bạt ngàn. Sản phẩm của Công ty Thuốc bảo vệ thực vật Sài Gòn cũng đã có mặt và rất được nông dân Lào ưa chuộng.
Theo tôi, cũng như Campuchia, đầu tư tại chỗ ở Lào, từ đó đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường này cũng là một hướng tốt. Theo cách này, ta có thể giải quyết được bài toán chi phí vận chuyển - một trong những khó khăn khi đầu tư ở Lào. Hai nơi có thể đầu tư trực tiếp là khu công nghiệp Densavan và khu công nghiệp liên hoàn Savan-Xeno đều thuộc tỉnh Savanakhet của Lào.
Chế độ ưu đãi đầu tư ở hai khu công nghiệp này khá thông thoáng và cơ sở hạ tầng cũng khá tốt. Điện, nước đã đầy đủ. Từ đây về thủ đô Vientiane khoảng 400-500 ki lô mét. Đặc biệt khu công nghiệp Densavan nằm sát Quảng Trị, gần với khu kinh tế Lao Bảo. Từ Việt Nam qua Lào, ta có thể đi theo các hướng như đường 9 Nam Lào (qua cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị), quốc lộ 14, hành lang Đông-Tây (qua cửa khẩu Bờ-Y, Kontum); qua cửa khẩu Phong Lan (Bình Phước)...
Mở thị trường mới
Myanmar được xem là một trong số thị trường mới, giàu tiềm năng. Nước này đang trong quá trình mở cửa, chuyển đổi nền kinh tế, giống như Việt Nam cách đây 15-20 năm. Mặc dù Myanmar hiện vẫn đang bị cấm vận nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không nên vì điều đó mà chần chừ, ngược lại càng nên vào sớm để tạo tiền đề chiếm lĩnh thị trường.
Nhìn chung, đây là thị trường dễ tính. Hàng của các doanh nghiệp Việt Nam chất lượng cao đưa sang dự hội chợ đều bán rất chạy. Tôi nhớ là Kinh Đô lúc đầu chỉ xuất thử mỗi tháng một container bánh nhưng chỉ một thời gian ngắn sau doanh số xuất khẩu đã tăng gấp ba lần. Một doanh nghiệp mang que hàn sang chào hàng trong dịp đi khảo sát, vừa đưa sản phẩm ra là gặp ngay đối tác, thế là các bên ký luôn hợp đồng tiêu thụ.
Cũng như ở Lào, sản phẩm của Công ty Thuốc bảo vệ thực vật Sài Gòn rất được nông dân Myanmar ưu ái. Họ nghe có chữ Sài Gòn là mua, còn hàng của Trung Quốc thì dường như khó bán hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý có một số mặt hàng hiện đang có sự cạnh tranh mạnh từ Trung Quốc như đồ chơi trẻ em, may mặc, kim khí điện máy; hàng Thái Lan là lương thực thực phẩm, công nghiệp chế biến; Singapore thì có mặt hàng trang trí nội thất, mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp khác... Theo tôi, chúng ta không nên cạnh tranh giá rẻ với hàng Trung Quốc, mà nên chọn phân khúc ở các mặt hàng có chất lượng và giá cao hơn.
So với Myanmar, Lào và Campuchia, hai thị trường lớn hơn nhiều nhưng chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm là Philippines và Indonesia. Đây thực sự là những thị trường quan trọng của chúng ta trong tương lai.
Philippines có dân số gần 120 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.000 đô la Mỹ. Qua khảo sát sơ bộ, chúng tôi thấy Philippines có nhu cầu một số mặt hàng như thủy hải sản sơ chế và tươi sống, đồ thủ công mỹ nghệ, trong đó thủy hải sản có giá bán cao hơn nhiều so với Việt Nam.
Thị trường Indonesia có tới 240 triệu dân. Hàng hóa tiêu dùng khá đa dạng, từ thấp đến cao. Indonesia hiện vẫn phải nhập gạo; nông sản chế biến (trái cây đóng hộp, chế biến...); thủy hải sản sơ chế (không cho nhập tươi sống); máy móc phục vụ nông nghiệp, đánh bắt hải sản... Máy nông nghiệp của Vikyno cũng đã xuất hiện và trở thành sản phẩm có uy tín ở đây. Đây là tín hiệu cho thấy hàng hóa của Việt Nam đủ sức đáp ứng thị trường Indonesia về chất lượng và đây chính là cơ sở để chúng ta tự tin chinh phục thị trường hết sức rộng lớn này.
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi còn phát hiện thêm một chuyện “kỳ bí” nữa. Đó là chuyện Việt Nam lâu nay mua hạt điều nguyên liệu từ Ấn Độ. Hóa ra, một lượng điều khá lớn đã được Ấn Độ mua của Indoniesia và sau đó bán lại cho Việt Nam. Tại sao chúng ta lại phải qua trung gian mà không trực tiếp mua bán với người có sản phẩm?
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com