![]() |
Một số doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ thông tin - viễn thông (ICT) nước ngoài đánh giá rằng ngành y tế Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, tạo ra nhiều cơ hội cho họ trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Cũng xuất phát từ lý do này, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tích cực tiếp thị các giải pháp ICT cho ngành y tế ở thị trường này.
Theo nhận xét của giới chuyên gia, so với mặt bằng ứng dụng ICT trong ngành y tế của thế giới, Việt Nam mới ở mức sơ khai. Song, với mục tiêu hướng tới việc cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc của đội ngũ bác sĩ và cán bộ y tế, tăng cường khả năng trao đổi thông tin một cách kịp thời và chính xác… thì việc đẩy mạnh ứng dụng ICT trong ngành y tế được đánh giá sẽ là một trong những nhiệm vụ chủ chốt trong thời gian tới. Do đó các doanh nghiệp cung cấp giải pháp ICT chuyên ngành, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài, đang kỳ vọng sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội trong việc tham gia vào lĩnh vực dịch vụ sức khỏe này.
Sân chơi của nhà cung cấp nước ngoài
Cisco được xem là một trong những nhà cung cấp giải pháp ICT đầu tiên cho ngành y tế ở Việt Nam, gồm giải pháp hạ tầng kết nối và giải pháp cộng tác, ứng dụng công nghệ truyền thông hợp nhất. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng cung cấp một số giải pháp y tế điện tử (eHealth) tổng thể. Cisco giới thiệu rằng các giải pháp của họ ứng dụng các công nghệ mang tính đột phá như Telepresence, Unified Communication, Digital Media System, DC/Virtualization… dựa trên nền tảng kiến trúc Collaboration, Data Center và Borderless Network… cho phép các bệnh viện, đơn vị trong ngành y nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân và hiệu quả hoạt động, tăng cường sự tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong ngành.
Cũng như Cisco, IBM đang cung cấp nhiều giải pháp khác nhau cho ngành y tế. Cụ thể, giải pháp chăm sóc bệnh nhân tại nhà cho phép theo dõi tình trạng sức khỏe của những người mắc bệnh kinh niên, người già tại gia đình thông qua các thiết bị y tế dạng cảm biến được bố trí trong nhà tự động truyền dữ liệu tới phòng dịch vụ theo dõi sức khỏe giúp các bác sĩ, nhân viên y tế có thể can thiệp khi cần thiết. Còn giải pháp quản lý dữ liệu cho công tác y tế giúp cán bộ, nhân viên trong ngành tích hợp dữ liệu để chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tốt hơn.
Bên cạnh đó, IBM còn cung cấp công cụ phân tích giúp các tổ chức y tế có được thông tin sâu rộng nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao tính minh bạch và chất lượng báo cáo. Với công cụ này, việc dự báo và phòng dịch bệnh sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn, việc ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu cũng sẽ sát thực tế hơn. Ngoài các giải pháp kể trên, IBM còn cộng tác với các cơ quan điều tra dịch vụ y tế để phát triển giải pháp quản lý những trường hợp vi phạm, giúp phát hiện nhanh chóng các hóa đơn thanh toán không đúng và từ đó giảm những khoản chi trả sai. Hãng cũng cung cấp phần mềm phân tích kinh doanh hỗ trợ các tổ chức, đơn vị biến dữ liệu thành những thông tin hữu ích, từ đó đưa ra quyết định cho hoạt động kinh doanh.
Một doanh nghiệp lớn khác là Ericsson vừa giới thiệu cho thị trường Việt Nam hệ thống kết nối thông tin trong y tế (HNIS) đã được công ty này triển khai tại một số nước trên thế giới. Hệ thống này gồm các thành phần có thể hoạt động độc lập và phối hợp lại thành từng gói giải pháp tùy theo các cấp độ đầu tư và quy mô hoạt động của đơn vị, tổ chức. Các thành phần gồm: cơ sở dữ liệu về bệnh án y tế, dữ liệu về bệnh nhân và các cơ sở y tế, các dịch vụ tích hợp cơ bản, dịch vụ cung cấp đơn thuốc điện tử, hệ thống chỉ định tư vấn, bác sĩ điện tử, hệ thống đặt chỗ khám điện tử, hệ thống báo cáo và phân tích.
Hệ thống HNIS là giải pháp tích hợp các chu trình trong quá trình chăm sóc y tế và sức khỏe, tối ưu hóa phương thức truy cập trực tuyến để đảm bảo tính cơ động, quản lý thông tin và quá trình vận hành của các tổ chức y tế, doanh nghiệp và hệ thống cung cấp dịch vụ. Nó được xây dựng theo dạng mô-đun, nền tảng mở nhằm tích hợp dịch vụ doanh nghiệp với các thành tố ứng dụng cụ thể trong lĩnh vực y tế. HNIS giúp cho các tổ chức cung cấp dịch vụ y tế tối ưu hóa hiệu quả quản lý tài chính, việc lập kế hoạch và chất lượng dịch vụ cung cấp.
Hiện nay, đa số các giải pháp ICT của các doanh nghiệp nước ngoài cho phép ngành y tế thay đổi phương thức kết nối, truy xuất thông tin và cộng tác, mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng như bệnh nhân, bác sĩ, bệnh viện...
Một thị trường hứa hẹn
Ông Hồ Hữu Thắng, Giám đốc kỹ thuật Khối doanh nghiệp và thương mại của Cisco Việt Nam, nói rằng công ty rất chú trọng việc phát triển các giải pháp dành cho lĩnh vực y tế. Và ở thị trường có hơn 80 triệu dân này, việc cung cấp giải pháp ICT cho ngành y tế là mục tiêu mà Cisco luôn hướng đến.
Đánh giá về tiềm năng và cơ hội của thị trường, ông Thắng cho rằng, hiện việc ứng dụng các giải pháp ICT trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam ngày càng tăng lên theo xu hướng chung trên thế giới. Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra đối với ngành này là ngày càng phải áp dụng nhiều giải pháp y tế điện tử nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu suất làm việc, nâng cao tỷ lệ người bệnh được điều trị thành công. Những yêu cầu nói trên đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp ICT trong việc cung cấp giải pháp y tế điện tử.
Còn ông Denis Brunetti, Phó tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, lại dẫn chứng rằng trường hợp Việt Nam cũng tương tự như trường hợp Ấn Độ (Ấn Độ có 70% dân sống ở vùng nông thôn và chỉ 10% trong số này có điều kiện tiếp cận được với dịch vụ y tế). Người dân ở vùng sâu phải đi xa có khi vài chục cây số mới đến được nơi có bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất. Nếu thông qua giải pháp Ericsson Mobile Home cùng với sự phối hợp của Bộ Y tế và các mạng điện thoại di động, họ có thể dễ dàng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, người bệnh có thể nhận được những chẩn đoán bệnh từ xa sau khi gửi thông tin về tình trạng bệnh lý qua đường truyền Internet băng thông rộng với thiết bị là điện thoại di động. Bác sĩ sẽ xem xét thông tin bệnh nhân gửi tới để qua đó đưa ra lời khuyên hoặc đề nghị cách điều trị tốt nhất.
Ericsson đã phát triển dịch vụ y tế điện tử này ở Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức... với kết quả là giảm 50% trường hợp đến bệnh viện, thay vào đó là điều trị từ xa. Giải pháp này cũng giúp các bệnh viện tiết kiệm chi phí vận hành, các nhà bảo hiểm cũng không phải trả nhiều chi phí trong khi các mạng điện thoại di động được lợi thông qua dịch vụ truyền tải dữ liệu.
“Ericsson chọn thời điểm này mới đưa giải pháp vào Việt Nam vì đây là lúc mạng điện thoại di động băng thông rộng như 3G đã sẵn sàng. Chúng tôi muốn triển khai chương trình y tế điện tử tại Việt Nam vì dịch vụ sức khỏe sẽ luôn là dịch vụ được mọi người quan tâm hàng đầu”, ông Brunetti nói. Ông cho biết thêm, một dự án về kết nối thông tin trong y tế đã được Ericsson áp dụng ở Croatia. Hiện tại hệ thống đã phục vụ cho 10.000 người, trong đó có 4.500 bệnh nhân được hưởng lợi qua các dịch vụ như: quản lý các thông tin về bệnh nhân (đăng ký và dữ liệu cá nhân); quản lý các thông tin liên quan đến việc chữa bệnh (toa thuốc, kết quả xét nghiệm, hóa đơn); hồ sơ bệnh án; quản lý nhân sự (thông tin về bác sĩ, y tá, dược sĩ).
Dự án này đã được bình chọn trong báo cáo SMART 2020 là một trong 25 dự án tiêu biểu trong lĩnh vực ICT có đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững. Chỉ tính riêng việc ứng dụng đơn thuốc và chỉ định của bác sĩ bằng phương pháp điện tử này đã giúp giảm 15.000 tấn khí CO2 và tiết kiệm 77 tấn giấy mỗi năm (nếu thay thế 50% toa thuốc bằng giấy hiện tại bằng đơn thuốc điện tử).
Cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước
Cisco và IBM cung cấp giải pháp y tế điện tử ở Việt Nam thông qua các đối tác, các nhà tích hợp hệ thống. Trong khi đó, Ericsson đóng vai trò vừa là nhà cung cấp giải pháp vừa là nhà tư vấn nhằm gắn kết các bên để tạo nên một tổng thể vận hành có hiệu quả.
Ông Denis Brunetti của Ericsson cho rằng, việc các mạng điện thoại di động như Viettel, MobiFone, VinaPhone, EVN Telecom, Vietnamobile đầu tư vào mạng 3G không khác gì những “nhà xây dựng đường sá” và họ có thể hợp tác với Ericsson để đưa các “phương tiện” là các dịch vụ giá trị gia tăng như y tế điện tử vào “lưu thông” trên đường.
Ericsson đã đàm phán với Bộ Y tế cùng một số mạng di động, đối tác liên quan và họ rất hứng thú với giải pháp hệ thống kết nối thông tin trong y tế của hãng. Các bên đều nhìn thấy những lợi ích đa chiều trong việc cung cấp dịch vụ y tế điện tử này.
Ngành y tế ứng dụng CNTT ở mức trung bình Theo kết quả cuộc điều tra về trang (cổng) thông tin điện tử của các bộ ngành mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố tuần qua, dựa trên tiêu chí mức độ cung cấp thông tin thì Bộ Y tế đứng thứ 13, tăng bốn bậc so với năm ngoái. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng CNTT tại bộ này chỉ được đánh giá ở mức trung bình trong số 20 bộ ngành tham gia cuộc điều tra. Ở khía cạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Y tế được xếp hạng thứ 12, còn xét về số lượng dịch vụ công trực tuyến thì ngành này đứng thứ năm với gần 250 dịch vụ công được cung cấp (chỉ sau Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội). Tuy nhiên, toàn bộ các dịch vụ công được bộ cung cấp mới chỉ là dịch vụ cấp 1 và cấp 2, hai cấp đầu tiên trong bốn cấp độ. Còn theo bảng chỉ số sẵn sàng cho việc ứng dụng và phát triển CNTT năm 2010 của Việt Nam (Vietnam ICT Index 2010) do Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Hội Tin học Việt Nam (VAIP) công bố hồi cuối năm ngoái, những nỗ lực của ngành y tế đã được đánh giá khá cao. Theo đó, ICT Index 2010 được công bố với kết quả báo cáo của 23 bộ và cơ quan ngang bộ, 63 tỉnh, thành phố, 25 ngân hàng thương mại và 21 tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn. Tại bảng xếp hạng của các cơ quan bộ, Bộ Y tế được đánh giá đã có bước chuyển biến khi tăng chín bậc, đứng ở vị trí thứ 10. Trước đó, hồi tháng Bảy năm ngoái, Bộ Y tế đã tổ chức một cuộc hội nghị đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện và kê toa thuốc điện tử. Phát biểu tại cuộc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, đã có đầy đủ văn bản pháp quy tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ứng dụng CNTT trong ngành y tế. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT của các bệnh viện trực thuộc bộ trong việc kê toa thuốc điện tử, bệnh án điện tử và quản lý bệnh viện nhằm hướng đến mục tiêu công khai, minh bạch về chi phí dược, khám chữa bệnh, đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người khám bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh. Nhờ ứng dụng CNTT, công tác quản lý điều hành, theo dõi, kiểm soát của giám đốc bệnh viện và của cơ quan quản lý nhà nước cũng gặp thuận lợi, giảm tải cho các bệnh viện ở tuyến trung ương. Theo Bộ Y tế, qua đợt kiểm tra bệnh viện năm 2009, đã có 84% các bệnh viện thực hiện phần mềm thống kê báo cáo và quản lý hồ sơ bệnh án do bộ ban hành ở mức độ báo cáo thống kê và còn 16% các bệnh viện chưa thực hiện phần mềm này. 80% các bệnh viện đã có ứng dụng CNTT, tuy nhiên chỉ có khoảng 30% trong số này ứng dụng tương đối đầy đủ theo tiêu chí của bộ. Một số bệnh viện đã ứng dụng CNTT trong việc kê toa thuốc ngoại trú bảo hiểm y tế bằng máy tính, nhưng đa số các bệnh viện vẫn kê toa viết tay. (V. Oanh - N. Vũ) |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com