Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế lực của những ông chủ Việt dư tiền

"Không chỉ có tổ chức nước ngoài, người mua thuộc khối tư nhân Việt Nam đã và đang trỗi dậy trên thị trường M&A".
 
Nhiều dự án được chào bán giá thấp, nhiều công ty đói vốn hoạt động đang là cơ hội vàng để các ông chủ dư tiền thể hiện đẳng cấp và ưu thế trong đàm phán mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Tuy nhiên, phần lớn thương vụ diễn ra trong bí mật và chỉ đến khi thành công thì thông tin mới được hé lộ.

Thương vụ mua lại phần vốn góp của đối tác Australia và Việt Nam trong liên doanh Slyte Stone của CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (Vicostone) diễn ra khá thầm lặng.

Ở thời điểm khó khăn về vốn và lãi suất như hiện nay, Vicostone đã bỏ ra 300 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu lên 100% vốn tại liên doanh này.

Ông Hồ Xuân Năng, Tổng giám đốc Vicostone cho biết, mục đích của hoạt động M&A này nhằm thống nhất hoạt động của Công ty, tránh chuyện cạnh tranh lẫn nhau giữa 2 công ty trong cùng một lĩnh vực hoạt động. Hơn nữa, từ năm 2010, liên doanh này đã bắt đầu có lãi.

Phân tích kỹ, thương vụ sẽ đem lại cho Vicostone nhiều lợi thế, ngoài chuyện tránh cạnh tranh với Vicostone, liên doanh trên đang được hưởng khoản vay đầu tư dài hạn không điều chỉnh lãi suất 8,4%/năm, được ưu đãi thuế thu nhập DN (chính sách áp dụng với DN đầu tư vào khu công nghệ cao, 3 năm đầu được miễn thuế, 20 năm sau chỉ nộp thuế 15%).

Slyte Stone có quỹ đất rộng, cho phép Vicostone mở rộng dây chuyền sản xuất. Ông Năng cho biết, trong bối cảnh này, mua lại cổ phiếu của các đối tác khác khá thuận lợi, hơn nữa thương vụ thành công nhờ năng lực tài chính dồi dào của Vicostone.

Mua bán dự án trong nhiều trường hợp khác đem lại lợi nhuận rất lớn cho các ông chủ dư tiền nhiều khi cao hơn so với hoạt động kinh doanh chính của họ.

Một DN niêm yết trên HOSE năm 2010 đã bán thành công một phần vốn tại dự án bất động sản ở phố tài chính Láng Hạ, thu hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận. Trong khi trước đó, số tiền họ bỏ ra mua toàn bộ dự án này chưa tới 300 tỷ đồng. Khó khăn hồi năm 2008 cũng giúp đơn vị này thâu tóm khu đất trên 6.000 m2 của một DNNN tại Hà Nội với giá khoảng 6 triệu đồng/m2.

Ngoài mối quan hệ, khả năng đàm phán và nhiều yếu tố khác, năng lực tài chính là yếu tố quyết định trong các thương vụ M&A. Để được cấp phép triển khai dự án khách sạn cao cấp tại Hà Nội của một đối tác khác do khó khăn "bỏ của chạy lấy người", sau khi hoàn tất các thủ tục, DN nọ được chính quyền Thành phố thông báo, ngay sáng hôm sau phải nộp chứng thư bảo lãnh 100 tỷ đồng của ngân hàng. Chiều cùng ngày, ông chủ DN đã bỏ ra 100 tỷ đồng tiền cá nhân để nộp vào ngân hàng, lấy chứng thư bảo lãnh công ty cho kịp thời gian quy định.

Thế lực từ mối quan hệ mẹ - con

CTCP Dịch vụ cao cấp dầu khí (PVR) sẽ mua lại toàn bộ số cổ phần mà Công ty Đại Dương (OGC) hiện đang nắm giữ tại CTCP Đầu tư Phát triển Bình An và được quyền sở hữu 94% vốn điều lệ tại công ty này với chi phí dự kiến là 480 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng dự án tại khu đất số 9 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc PVR cho biết, việc đàm phán thuận lợi bởi OGC là cổ đông nắm 25% cổ phần của PVR. Nhìn vào báo cáo tài chính của OGC có thể thấy, DN này thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư là hợp lý, bởi nợ vay và dòng tiền là một điểm yếu của họ.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư dự án hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó chi phí nhận chuyển nhượng 480 tỷ đồng, chi phí tiền đất hơn 400 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng hơn 803 tỷ đồng... Tuy nhiên, thương vụ chưa thể coi là hoàn tất vì bên mua ra điều kiện dự án phải được phê duyệt 1/500 mới nhận chuyển nhượng cổ phần. Theo ông Tuấn Anh, để có thể đưa ra thỏa thuận trên, Công ty có ngân hàng cam kết hỗ trợ.

PVR là công ty con của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX), một đơn vị được chỉ định đầu mối duy nhất về đầu tư bất động sản của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Năm qua, trong nội bộ của tổng công ty này diễn ra các hoạt động M&A rất quyết liệt. Bằng quyền chi phối của mình, PVX yêu cầu một số đơn vị thành viên góp vốn, mua lại cổ phần, gánh thêm dự án của đơn vị khó khăn hơn, lợi nhuận không phải là tiêu chí hàng đầu trong những thương vụ đó.

Lãnh đạo một DN thành viên của Tổng công ty cho hay, nguồn vốn đang phải được tính toán để tối ưu hóa hiệu quả, dẫu vậy, công ty ông cũng phải bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng để mua lại phần vốn góp của một số đơn vị thành viên theo yêu cầu của công ty mẹ.

Tương tự, quá trình M&A diễn ra suôn sẻ giữa các đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khi có sự chỉ định từ phía Tập đoàn. Đơn cử, PVFC phải chuyển nhượng phần vốn góp tại một loạt công ty bất động sản với giá bằng mệnh giá sang Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, phần vốn góp tại các dự án điện sang Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam. Trong nhiều thương vụ, DN bị thiệt thòi, song lý do chuyển nhượng là "thế và lực" của Tập đoàn chi phối.

Tại các tổng công ty khác như Vinaconex, mô hình mẹ - con cũng khiến nhiều hoạt động M&A "xuôi chèo, mát mái". Hiện tổng công ty này đang có vốn đầu tư vào 67 đơn vị, theo định hướng sẽ giảm xuống còn 22 đơn vị.

Bên cạnh đàm phán thoái vốn cho các đối tác bên ngoài, Vinconex chủ trương tạo điều kiện để các công ty con nhận chuyển giao phần vốn góp của công ty mẹ ở các đơn vị khác cùng ngành nghề.

Năm 2010, Vinaconex đã thành công trong quá trình đàm phán với đối tác nước ngoài Acuatico (Singapore) để thực hiện bán một phần vốn tại CTCP Nước sạch Vinaconex, mang về 327 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Năm 2011, DN này sẽ quyết liệt bán vốn tại khoản đầu tư lớn nhất, CTCP Xi măng Cẩm Phả.

Theo ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, dù Xi măng Cẩm Phả lỗ, việc bán vốn phải có lợi nhuận, tức là trên mệnh giá, thì mới thực hiện.

"Không chỉ có tổ chức nước ngoài, người mua thuộc khối tư nhân Việt Nam đã và đang trỗi dậy trên thị trường M&A"

Ông Đặng Xuân Minh, AVM Vietnam

Các thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam đang ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của chúng tôi, trong năm 2010 vừa qua, giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, tăng 65% so với năm 2009. Đây cũng là mức giao dịch M&A có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường Việt Nam tính theo năm. Đặc biệt, trong hơn 300 thương vụ năm 2010, có nhiều thương vụ rất đáng chú ý, có ý nghĩa và tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Một xu hướng đáng được quan tâm trong những năm qua là các công ty Việt Nam chủ động đóng vai trò là người đi mua. Trước đây, khi nói đến M&A hay nói đến đối tác chiến lược, người ta thường nghĩ ngay đến yếu tố nước ngoài, là những tổ chức tài chính có uy tín và kinh nghiệm hơn các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, những đặc trưng này gần đây đã không còn nữa khi "người mua" thuộc khối tư nhân Việt Nam đã và đang trỗi dậy trong những năm qua.

Với việc tận dụng được các cơ hội trên TTCK và tập trung được các nguồn lực tài chính, một loạt tập đoàn tư nhân mạnh đã và đang có những động thái tìm kiếm để mua lại hoặc thực hiện sáp nhập những DN đối tác hoặc cùng ngành, nhằm gia tăng sức mạnh và mở rộng hoạt động. Những điển hình của các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện chiến lược này có thể kể đến như Vinamilk, Masan, TH Milk, Thiên Minh...

Theo thống kê, số lượng các giao dịch doanh nghiệp Việt Nam mua lại doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 40% tổng số giao dịch toàn thị trường. Với xu hướng trên, tôi tin rằng, hoạt động M&A năm 2011 tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

(Theo ĐTCK)

  • Những ý tưởng kinh doanh khôi hài ở châu Á
  • Có “cửa” nào cho Tràng Tiền Plaza?
  • Sẵn sàng khởi nghiệp và sẵn sàng thất bại
  • Tan ý định khởi nghiệp vì khủng hoảng
  • Bí quyết thành công của tỷ phú đứng sau thương hiệu Zara
  • Kinh nghiệm đưa sản phẩm mới ra thị trường
  • Cơ hội khai phá một thị trường mới
  • Khai thác trí tuệ đám đông
  • “Có nhiều cách để vượt qua thời kỳ suy thoái”
  • Vì sao phụ nữ kinh doanh giỏi?
  • Để thành công - Những điều phụ nữ nên biết
  • 4 thói quen để trở thành triệu phú
  • Tỷ phú Buffett: “Đây là lúc mua cổ phiếu Nhật giá rẻ”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com