Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm từ thiện thực lòng: Được tiếng được miếng

Không chỉ là làm từ thiện, các doanh nghiệp cần tham gia thực hiện các công việc xã hội một cách có trách nhiệm, qua đó thu lợi cho mình. Đó chính là chiến lược tạo lập giá trị chung cộng đồng mà các DN hiện đại hướng tới.

Nhiều doanh nhân, đại biểu tham dự buổi nói chuyện của giáo sư Mark Kramer, đến từ Đại học Harvard, đã thấm thía hơn học thuyết "Tạo lập giá trị chung cùng cộng đồng", do ông cùng giáo sư Michael Porter đồng sáng lập. Sự kiện diễn ra cuối tuần qua, tại Hà Nội

Hãy phá vỡ bong bóng và lâu đài cũ kỹ

"Nhìn chung, các DN lâu nay vẫn sống trong bong bóng, trong những lâu đài, tách bạch với môi trường xung quanh và những vấn đề xã hội mà họ góp phần gây ra hoặc góp phần giải quyết. Họ cũng tham gia vào các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội như nhân đạo, từ thiện,... nhưng với tư cách là các hoạt động ngoại vi. Ngay cả ở những tập đoàn cực lớn, cũng chỉ có 1-2 người làm việc này", GS. Mark Kramer mở đầu câu chuyện.

Thậm chí, còn rất nhiều DN coi việc thực hiện trách nhiệm xã hội làm gia tăng chi phí và cản trở sự phát triển.

Giờ đây, theo ông, những quan điểm kinh tế truyền thống đó đã dẫn dắt DN đi lạc đường khi coi các vấn đề xã hội như chuyện bên lề của giới kinh doanh. Mark Kramer cho rằng, một số DN đã đánh mất khái niệm, khả năng đổi mới do bị khóa chặt trong mô hình công ty truyến thống. Và họ bảo thủ với cách đi đường tắt để kiếm lời, không có cái nhìn dài hạn và thiếu quan tâm tới tương lai.

GS Mark Kramer và các diễn giả cùng thảo luận về chủ đề tao lập giá trị chung cộng đồng (ảnh Lê Anh Dũng).

Song, thực tế đã khác. Những vấn đề được coi là bên ngoài này lại tạo ra chi phí cũng như tác động đến nội tại phát triển của doanh nghiệp. Các DN trên thế giới bắt đầu thực hiện kinh doanh khác biệt đi.

Chẳng hạn, 5 năm trước, General Electric (GE) đầu tư hàng chục tỷ USD vào công tác nghiên cứu và phát triển, tập trung vào 2 lĩnh vực vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, vừa giúp tập đoàn tăng doanh số. Đó là bảo tồn nguồn tài nguyên môi trường và đưa dịch vụ y tế rẻ và dễ tiếp cận đến với những người nghèo khó.

Walmart - tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, trước đây lờ tịt đi các vấn đề về ô nhiễm môi trường thì 3 năm lại đây bỗng thay đổi mạnh. Họ làm cuộc cách mạng trong công việc giao nhận (giảm lượng đi lại của các xe tải trên hàng trăm nghìn dặm đường) tiết kiệm 2 triệu USD/năm và triển khai tái chế các hộp cartoon đựng hàng.

Johnson&Johnson thì đã thuyết phục nhân viên không hút thuốc lá - giúp hãng giữ lại được khoản tiền 250 triệu USD lẽ ra phải chi cho y tế.

Các tập đoàn liên quan đến nông nghiệp, như FrieslandCampina, thì xây dựng các mối quan hệ khác đi với nông dân. Ông Mark Boot, Tổng giám đốc điều hành FrieslandCampina tại Việt Nam, cho hay, vài năm lại đây, công ty bắt đầu đầu tư về kiến thức, công cụ, kinh nghiệm và kể cả cấp vốn cho những người nông dân để tăng năng suất, tăng chất lượng sữa. Tại Việt Nam, công ty sản xuất tới 1,5 tỷ sản phẩm/năm nên cố gắng giảm tiêu hao năng lượng, tiếng ồn, xử lý rác thải bằng hệ thống hầm biogas... Hoạt động trên vừa tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, vừa giúp công ty có nguồn sữa sạch, chất lượng đảm bảo và nông dân thu nhập ổn định.

"Cách kiến tạo chung như vậy tạo ra một vai trò mới cho DN trong xã hội. Nó cũng cho ta thấy doanh nghiệp cần nắm lấy các cơ hội - là các vấn đề xã hội - giải quyết nó và từ đó đem lại lợi nhuận cho mình", giáo sư Mark Kramer kết luận.

Muốn lớn mạnh, đừng trông đợi hỗ trợ

Tại Việt Nam, vị GS đến từ Đại học Harvard nhận xét, sẽ không thể xây dựng một nền kinh tế tỏa sáng, thịnh vượng nếu chỉ dựa vào hỗ trợ ODA của các nước hoặc các hoạt động nhân đạo từ bên ngoài hay từ sự bao tiêu, hỗ trợ của Chính phủ. Việt Nam chỉ lớn mạnh khi xây dựng được các nhóm doanh nghiệp hỗ trợ nhau, hỗ trợ cộng đồng và cùng nhau phát triển.

Đó không chỉ là thể hiện trách nhiệm xã hội - tức các doanh nghiệp chỉ cố gắng giảm thiểu tác động xấu lên xã hội, môi trường xung quanh hay làm từ thiện, nhân đạo - mà cần phải làm hơn thế. Họ cần tham gia giải quyết các vấn đề xã hội mà họ gây ra, nhưng công việc đó cần đem lại lợi nhuận, có khi là nguồn lãi khổng lồ, để tiếp tục phát triển.

GS. Mark Kramer: "Còn rất nhiều DN coi việc thực hiện trách nhiệm xã hội làm gia tăng chi phí và cản trở sự phát triển" (ảnh Lê Anh Dũng).

Có một điều mà nhiều người băn khoăn là ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang là lực lượng chiếm ưu thế. Vậy, các doanh này làm thế nào để thể hiện được trách nhiệm xã hội hay tạo lập giá trị chung cộng đồng khi họ là những doanh nghiệp của Nhà nước?

Mark Kramer giải thích, DNNN chiếm ưu thế nhưng không có nghĩa họ không cần hoạt động một cách hiệu quả, có khả năng cạnh tranh và bền vững. "Sự thành công của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiêu vào việc liệu các bạn có thể xuất khẩu và giao dịch với nhiều nền kinh tế khác hay không? Vì thế, tôi nghĩ rằng các công ty quốc doanh cũng phải hoạt động một cách sáng tạo, đổi mới, và tạo giá trị chung cho cộng động cũng là chiến lược thiết thân như đối với các DN tư nhân. Họ phải đồng thời nỗ lực đạt mục tiêu Nhà nước đề ra đồng thời phải thu được lợi nhuận cho mình", giáo sư nói.

Mặc dù học thuyết tạo lập giá trị chung cộng đồng được Mark Kramer và Michael Porter tập trung nghiên cứu chủ yếu từ các công ty và tập đoàn lớn, nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - thành phần chiếm tới 90% số DN ở Việt Nam, ông cũng đưa ra nhiều dẫn chứng thực tế thuyết phục về sự thành công. Trên thế giới, rất nhiều DN vừa và nhỏ đã tạo ra lợi nhuận và phát triển bền vững, có thị trường chuyên biệt dựa trên các ngách nhỏ mà DN lớn không lách vào được.

Chẳng hạn, các DN nhỏ và vừa, thậm chí là những tiểu thương, đã chen vào được mối quan hệ làm ăn với các tập đoàn lớn. Ví như tại châu Phi, vấn nạn thuốc giả là rất ghê gớm. Mỗi năm, 700.000 người dân nơi đây bị chết vì thuốc giả. Một DN xã hội rất nhỏ đã nghĩ ra ý tưởng in một mã số lên vỏ thuốc, khi nạp mã này vào điện thoại di động, nó sẽ báo kết quả là thuốc giả hay thật. Cuối cùng, DN này đã cơ hội hợp tác với tập đoàn Hewlett Packard nổi tiếng để cùng làm việc này.

Hay công ty dược Novartis dám bỏ ra một khoản đầu tư lớn, đắt đỏ khi trong vòng 30 tháng cung cấp thuốc miễn phí cho 50 trạm y tế làng xã ở một tỉnh thuộc châu Phi. Nhưng, bù lại, họ đã kết nối được 40 triệu khách hàng. Quan trọng hơn, Novartis đã gia nhập được một thị trường mà trước đó họ không thể chen chân vào nổi. Đây là cách tiếp cận mang tính bền vững, mang lại kết quả bền vững.

Tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững (VCCI) cho hay, qua khảo sát cũng phát hiện thấy nhiều mô hình DN đã triển khai tạo lập giá trị chung cộng đồng thành công. Ví dụ như công ty chè Hùng Cường (Hà Giang) đã hỗ trợ các nông dân, tiểu thương nhỏ kỹ thuật trồng chè, nơi tiêu thụ, tạo thu nhập cao. Sắp tới, văn phòng sẽ làm việc với các đối tác, các nhà tài trợ để lập quỹ hỗ trợ các DN có tinh thần như vậy. Quỹ dự kiến sẽ ra đời vào giữa năm tới. Cùng với đó sẽ nâng cao nhận thức cho các DN.

"DN không thể thành công trong một xã hội thất bại. Khi có môi trường tốt, giáo dục tốt, xã hội tốt thì các DN mới có cơ hội tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Do vậy, các DN cần chung tay, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức phi Chính phủ và Chính phủ, để tạo lập giá trị chung cộng đồng, chung tay thực hiện công việc xã hội một cách có trách nhiệm - đó là mô hình của DN tiến bộ hiện đại mà nhân loại đang hướng tới" - GS Mark Kramer nhắn gửi.

(VEF)

  • Những ý tưởng kinh doanh khôi hài ở châu Á
  • Có “cửa” nào cho Tràng Tiền Plaza?
  • Sẵn sàng khởi nghiệp và sẵn sàng thất bại
  • Tan ý định khởi nghiệp vì khủng hoảng
  • Bí quyết thành công của tỷ phú đứng sau thương hiệu Zara
  • Làm gì để trở thành triệu phú?
  • Can đảm: Nền tảng trở thành người chủ giỏi
  • Bí quyết thành công của chuỗi sản phẩm Apple
  • Đầu tư vào thị trường mới nổi: Đừng tưởng bở!
  • Các thị trường mới nổi chật vật cuối năm
  • 100 triệu đồng có làm nên nghiệp lớn?
  • 5 kỹ năng thiết yếu để thành công trong kinh doanh
  • Lộ mặt đối thủ của Youtube
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com