Trong thế giới đầu cơ có một nhà đầu cơ làm công ăn lương cho chủ, rất thành đạt và có quyền uy nhưng lại chỉ như một cái bóng, làm nên chuyện kinh thiên động địa mà lại không thích ồn ào. Phương cách đầu cơ của nàh đầu cơ này bí hiểm ngay cả khi ông giải nghệ rồi. Nhà đầu cơ trứ danh này là Holger Haerter.
Trong lĩnh vực xe ôtô thể thao, nghĩa là xe đua chuyên dụng hay với dáng vẻ rất thể thao, thì Porsche là thương hiệu nổi tiếng nhất và sáng giá nhất thế giới. Nhưng ở nước Đức, nói đến hãng Porsche thì lại không thể không đề cập đến hãng chế tạo ôtô Volkswagen, viết tắt là VW, cũng của Đức (Volkswagen trong tiếng Đức có nghĩa là “xe của dân”, hàm ý xe sản xuất cho số đông). Liên hệ chằng chịt về nhân sự lãnh đạo ở hai hãng xe này khiến cho mối quan hệ giữa Porsche và VW rất đặc biệt, phụ thuộc lẫn nhau mà cạnh tranh lẫn nhau, phải nuôi lẫn nhau mà luôn muốn thâu tóm nhau. Sự nghiệp đầu cơ của Haerter chỉ liên quan đến hai tập đoàn chế tạo ôtô này.
Đầu cơ để tránh rủi ro
Lý lịch của Holger Haerter rất đơn giản. Haerter là người Đức, sinh năm 1956, sau khi tốt nghiệp đại học đã đi làm cho một số công ty trước khi bắt đầu làm việc cho Tập đoàn Porsche năm 1996 và tại đây, ông đã leo lên tới cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị phụ trách tài chính cho Tập đoàn. Đầu cơ không phải là đam mê của Haerter. Con người này làm cái gì cũng chắc chắn và chắc thắng, cái gì cũng theo nguyên tắc và có bài bản cụ thể, có chiến lược khả thi và định hướng rõ ràng. Đầu cơ chỉ là phương cách được Haerter sử dụng để kiếm tiền và nâng cao vị thế cho tập đoàn. Đáng kể nhất trong sự nghiệp đầu cơ của Haerter là hai chiến dịch. Chiến dịch đầu tiên là đầu cơ vào bảo hiểm tỷ giá hối đoái để tránh thiệt hại mà sự biến động của tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng DM có thể hay ra cho tập đoàn. Chiến dịch thứ hai là bày binh bố trận và tấn công để giành quyền kiểm soát Hãng VW.
Bắc Mỹ là thị trường lớn nhất của Porsche. Xe ôtô của Porsche thường rất đắt, thậm chí đắt đến nỗi chỉ một bộ phận rất nhỏ người Đức mới có thể mua được. Bởi lẽ đó, Porsche phụ thuộc rất đáng kể vào thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài. Nhưng ở Bắc Mỹ, thập kỷ 90 là thời kỳ đồng USD yếu, không ổn định. Không ít hãng chế tạo ôtô ở châu Âu sống dở chết dở vì sự biến động tỷ giá hối đoái của đồng USD. Vậy mà Porsche không những không bị thiệt hại mà thậm chí còn thu về lợi nhuận rất cao nhờ Haerter đã chủ động bảo hiểm tỷ giá hối đoái. Thực chất biện pháp này là một kiểu đầu cơ tiền tệ có hệ thống, theo một chiến lược che chắn rủi ro. Thế giới đầu cơ không được biết cụ thể Haerter đã đầu cơ tiền tệ như thế nào mà chỉ biết rằng Porsche không những không hề hấn gì bởi sóng gió trên thị trường tiền tệ và tài chính. Có người lý giải thành công của Haerter ở thời kỳ này là đã nhận ra từ rất sớm rằng tỷ giá hối đoái của đồng USD vừa có thể trở thành một rủi ro cho kinh doanh, nhưng cũng lại vừa có thể đưa đến cơ hội kiếm bộn tiền. Hoạt động đầu cơ của Haerter trước hết nhằm tiêu thụ sản phẩm của hãng Porsche trên những thị trường sử dụng đồng USD, nhưng cũng đồng thời nhằm kiếm tiền từ sự biến động của tỷ giá hối đoái. Thật là nhất cử lưỡng tiện, bắn một mũi tên trúng đồng thời cả hai đích.
Đầu cơ để nâng vị thế
Xét về phương diện hiệu quả sử dụng vốn thì Porsche là hãng chế tạo ôtô có hệ số lợi nhuận cao nhất thế giới. Nó lại thuộc sở hữu của một dòng họ nên việc kiểm soát và quy trình ra quyết định rất rõ ràng, ngắn gọn. Có lẽ chính nhờ những ưu điểm đó mà Hãng này “dám” âm mưu thâu tóm quyền kiểm soát Tập đoàn VW vốn lớn hơn nó rất nhiều, hơn thế nữa lại có một chủ sở hữu đặc biệt: chính quyền bang Lower Sazony (Đức). Cuộc tấn công vào hãng VW lại một lần nữa chứng tỏ tài năng đầu cơ xuất chúng của Haerter.
Cuối năm 2005, giá trị cổ phiếu của VW là 35 Euro/1 cổ phiếu. Khi đó, Porsche mua về và sở hữu được khoảng 20% cổ phiếu của VW. Chiến lược đầu cơ lần này của Haerter nhằm 2 mục tiêu: chiếm đa số áp đảo cổ phiếu của VW và đẩy tỷ giá cổ phiếu của VW lên cao để kiếm lời. Để tăng tỷ giá cổ phiếu của VW, Haerter chủ trương vừa bỏ tiền mặt ra mua về cổ phiếu và vừa tạo sự khan hiếm giả. Đối tượng mà Haerter nhằm vào là chính những nhà đầu cơ chuyên sử dụng phương cách “vay chứng khoán” để bán ra với giá hiện tại và đầu cơ vào xu thế tỷ giá chứng khoán giảm, khi đó mua về chứng khoán với giá thấp để trả lại. Một khi thấy tỷ giá cổ phiếu của VW tăng, họ sẽ hốt hoảng bỏ tiền ra mua về và như vậy góp phần đẩy tỷ giá cổ phiếu tiếp tục tăng. Ở mức độ giá cổ phiếu cao, Haerter chỉ cần bán ra một phần cổ phiếu đã mua về là đã thu được lợi nhuận lớn.
Không trở thành tỷ phú nhờ đầu cơ, nhưng chiến lược và bài bản đầu cơ của Holger Haerter đáng được đưa vào sách giáo khoa về kinh tế. |
Ngày 15/11/2006, Porsche tuyên bố đã sở hữu gần 30% cổ phiếu của VW và ngay sau đó bỏ ra 1 tỷ Euro để nâng tỷ lệ này lên 31%. Với tỷ lệ này, Porsche được quyền đưa ra cho các cổ đông của VW một lời chào mua lại cổ phần của họ. Tuy nhiên, Haerter chủ ý đưa ra đề nghị mà các cổ đông của VW không thể chấp nhận được. Trong trường hợp ấy, pháp luật Đức và EU cho phép Porsche tiếp tục tăng cổ phần của Porsche ở VW. Tòa án châu Âu cũng đã không cho phép chính phủ Đức bảo vệ VW trước các cuộc tấn công thâu tóm của đối thủ. Ngày 16/9/2008, với 35,14% số cổ phiếu của VW, Porsche đã giành được quyền quản lý VW trên thực tế. Ngày 26/10/2008, Porsche tuyên bố sẽ tăng tỷ lệ cổ phần ở VW lên tới 74%. Giá cổ phiếu của VW cứ thế mà leo thang vùn vụt. Ngày 28/10/2008, giá này vượt quá mốc 1.000 Euro/1 cổ phiếu. Ngày 29/10/2008, Porsche tuyên bố bán ra cổ phiếu của VW khiến giá cổ phiếu này bắt đầu giảm, nhưng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với mức giá mà Porsche đã trả để mua cổ phiếu của VW. Chiến lược đầu cơ này của Haerter đã giúp Porsche thâu tóm được hãng VW lớn gấp 15 lần chính Porsche.
Có lẽ mọi việc sẽ diễn ra theo kịch bản của Haerter nếu như không có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế thế giới và khủng hoảng trầm trọng trong ngành chế tạo ôtô kể từ cuối năm 2008. Đầu năm 2009, Porsche nợ khoảng 16,1 tỷ Euro và không có sự lựa chọn nào khác, đành phải bán mình cho chính hãng VW và nhà nước Qatar. Những thành viên chủ chốt của Hội đồng quản trị, trong đó có Haerter, bị buộc phải rời khỏi Hãng. Haerter được đền bù khoảng 12 triệu Euro. So với đóng góp của Haerter cho hãng thì khoản tiền đó không đáng bao nhiêu. Nó cũng không tương xứng với những tuyệt chiêu đầu cơ mà Haerter để lại cho hậu thế. Đến lúc này, cư dân của thế giới đầu cơ mới ngộ ra rằng, nước lặng có thể sâu đến như thế nào.
(Theo Bắc Hà // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com