Trong một bài viết đăng trên New York Times, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel - Paul Krugman - viết: “Tình hình kinh tế ảm đạm đã khiến không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới, các ngân hàng ngày càng trở nên khắt khe với các khoản cho vay còn doanh nghiệp và người tiêu dùng thì chi tiêu dè dặt hơn. Người ta thảng thốt, lo sợ một cuộc Đại suy thoái lần hai đang gần kề”.
Là những lãnh đạo, cũng là người đứng mũi chịu sào cho doanh nghiệp - bạn phải làm gì khi không khí u ám đó cứ luôn quẩn quanh. Hoặc giả bạn run sợ và ngay lập tức lui về thế phòng thủ: mau chóng cắt giảm chi phí, không mạo hiểm dấn thân và chỉ dám nuôi dưỡng những hoài bão bớt bay bổng. Hoặc giả bạn sẽ dũng cảm đối mắt với hoàn cảnh, không chút run sợ và coi đây là chất xúc tác để sáng tạo và đổi mới. Bạn chọn cách nào?
Đừng để giai đoạn khó khăn này làm mòn ý chí chiến đấu và sẵn sàng dấn thân của bạn. Tất cả chỉ đòi hỏi ở bạn một ý tưởng hay và một chút “bản năng sinh tồn”. Ảnh: Corbis |
Suy thoái kinh tế khiến người ta hoảng loạn khi GNP sụt giảm và mất niềm tin vào tương lai do nạn thất nghiệp tràn lan. Dù là lãnh đạo, bạn cũng chỉ là một cá nhân nhỏ nhoi, đâu có thể buộc ngân hàng phải cho doanh nghiệp mình vay tiền, càng không thể ép người tiêu dùng rút hầu bao cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.
Nhưng may sao, vẫn còn một thứ bạn có thể kiểm soát được, đó là chính kiến và “bản năng sinh tồn” trong bạn - cụm từ được cây bút kinh tế lừng danh John Maynard Keynes đề cập tới từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.
Keynes từng nói: “Thường thì chỉ khi suy nghĩ lạc quan, bạn mới đưa ra được đường lối hành động tích cực và không bị các kỳ vọng toán học khô cứng hăm doạ cho dù những kỳ vọng này có được trên cơ sở đạo đức, lạc quan chủ nghĩa hay lập luận kinh tế. Rất có thể, phần lớn chúng ta sẽ đưa ra được những quyết định sáng suốt và tích cực khi bản năng sinh tồn trỗi dậy – trạng thái tâm lý bột phát thôi thúc người ta hành động không chút chậm trễ. Tâm lý này không phải là kết quả sau hồi lâu tính toán cân nhắc kỹ lưỡng giữa tổng lợi ích thu được và toàn bộ khả năng có thể xảy ra.
Nghĩa là: nếu bạn để cho những khoản lỗ và các dự báo ảm đạm xâm chiếm tâm trí, bạn sẽ càng lún sâu trong sợ hãi. Nhưng, nếu bạn phát huy được bản lĩnh của người lãnh đạo và để “bản năng sinh tồn” - như Keynes mô tả ở trên - trỗi dậy mạnh mẽ trong bạn thì cuộc khủng hoảng kinh tế biết đâu lại là cơ hội ngàn vàng để bạn bứt phá khỏi đám đông và tạo dựng lợi thế cạnh tranh trong tương lai.
Khẳng định này của Keynes một phần xuất phát từ đức tin vào “sự thôi thúc hành động”, nhưng nó không phải không có cơ sở. Lịch sử đã chứng minh Đại suy thoái những năm 1930 là bệ phóng cho sự bùng nổ của hàng loạt sản phẩm lâu bền và các sáng kiến kinh doanh. Những ý tưởng táo bạo đã đem lại phần thưởng xứng đáng cho những ai đủ can đảm dấn thân.
Trong bài viết gần đây có tựa đề “Khủng hoảng - nhựa sống của ngành thiết kế” – Michael Cannell đã giải thích tại sao thập niên 1930 lại là thập niên vàng của ngành thiết kế. Bằng chứng sinh động chính là nhà thiết kế Russel Wright. Ông đã tạo ra nhiều đồ gỗ kiểu dáng đẹp, giá cả phải chăng và đáp ứng được nhu cầu của từng khách hàng.
Cannell cũng không quên nhắc tới thành công của cặp vợ chồng Charles và Ray Eames. Trong sự thiếu thốn của thập niên 1940, họ đã sản xuất các loại đồ gỗ và vật dụng bền đẹp từ những vật liệu chi phí thấp như nhựa công nghiệp, nhựa cây và gỗ dán. Thư viện quốc gia Hoa Kỳ đã dành những lời sau để ca tụng thành tựu của gia đình nhà Eames: “Họ đã góp phần định hình nước Mỹ trong thế kỷ XX”.
Cannell kết luận: “Sự sáng tạo dường như lại vụt sáng trong những thời điểm cam go nhất”.
Sự sáng tạo còn vượt khuôn khổ của ngành thiết kế. Bradley Johnson - giám đốc phụ trách phân tích số liệu của tờ Advertising Age - đưa ra sợi dây liên kết vô hình giữa thời kỳ đen tối và cơ hội toả sáng cho các ý tưởng trong vô số lĩnh vực khác.
Johnson đã có những phân tích sắc sảo về 3 giai đoạn đen tối nhất của nước Mỹ trong thế kỷ XX - Đại suy thoái (8/1929 – 3/1933), Suy thoái (1973-1975) và Khủng hoảng kinh tế (1980-1982). Dù ở những cấp độ khác nhau nhưng cả 3 giai đoạn trên đều có một điểm chung: chính viễn cảnh mờ mịt của nền kinh tế đã thôi thúc người làm kinh doanh đẩy mạnh sáng tạo để định hình lại thị trường trong các thập niên sau đó.
Lấy General Motors làm ví dụ. Trong cuộc Đại suy thoái, giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, do buộc phải tìm cách duy trì dòng xe Buick trên quy mô lớn, GM đã thuyết phục khách hàng mua xe Buick đã qua sử dụng thay vì mua một chiếc xe mới của hãng khác có giá rẻ hơn.
Cách này lúc đó được coi như cách cứu vớt các nhà chuyên doanh xe Buick khỏi nguy cơ thua lỗ, cũng như giúp GM đứng vững trong cuộc cạnh tranh. Ý tưởng chưa từng có này đã giúp định hình lại toàn bộ nền công nghiệp ôtô và cả ngành chuyên doanh xe cho tới tận hôm nay.
Thập niên 1980 cũng chứng kiến sự đột biến trong ngành hàng không. Khi đó, chính thế ngàn cân treo sợi tóc đến từ sự suy giảm kinh tế nói chung và sự nới lỏng các quy định trong ngành nói riêng đã thôi thúc American Airlines cho ra đời một dịch vụ chưa từng có tiền lệ - “Chương trình khách hàng thân thiết” - vào tháng 5/1981.
Xét trên phương diện đơn thuần một hãng hàng không, đây chỉ là chiêu thu hút khách hàng trước mắt. Nhưng trên quy mô rộng, nó đã góp phần thay đổi vĩnh viễn tư duy cạnh tranh trong ngành hàng không.
Một ví dụ nữa về sức mạnh của “bản năng sinh tồn” trong giai đoạn khó khăn. Tháng 2/1930, Henry Luce đã khiến cả ngành xuất bản “bị sốc” khi cho ra đời tạp chí Fortune – khi đó bị coi là “lãng phí và siêu xa xỉ” (10USD/năm) vào giữa thời điểm suy thoái. Nhưng động thái tưởng chừng đi ngược thời thế này lại mang tới cho Luce thành công tức thì. Hơn thế, ngày nay, Fortune vẫn là biểu tượng lớn của ngành xuất bản.
Nối tiếp thành công của Luce, Time Inc. cho ra đời tờ tạp chí People vào tháng 3/1974 đúng lúc ngành truyền thông đang tụt sâu vào cuộc suy thoái. People nhanh chóng trở thành cú huých lớn trên thị trường và đến tận bây giờ, vẫn là tạp chí hàng đầu ở Mỹ tính theo số lượng trang quảng cáo và doanh thu.
“Khủng hoảng có thể chính là thiên thời để bạn cho ra đời một công ty đầy tính sáng tạo, đưa nó vào bệ phóng và sẵn sàng bấm nút khởi động ngay khi kinh tế phục hồi. Frederick Smith đã sáng lập Federal Express năm 1973 bất chấp giá nhiên liệu máy bay lúc đó cao ngút trời. Ai cũng biết đến Re/Max như một trong những công ty chủ lực của thị trường bất động sản nhưng không mấy ai biết công ty này ra đời năm 1973 - đúng thời điểm thị trường nhà ở Mỹ sụt giảm trầm trọng. Bill Gates và Paul Allen thì sáng lập Microsoft Corp vào năm 1975”.
Tôi chỉ muốn nhắn nhủ các bạn một điều: Đừng để giai đoạn khó khăn này làm mòn ý chí chiến đấu và sẵn sàng dấn thân của bạn. Bạn còn chần chờ gì nữa mà không hành động ngay để khuấy động thị trường và xoay chuyển tình thế cho cả doanh nghiệp, đặc biệt khi đối thủ còn quá rụt rè để đưa ra bất kỳ quyết định nào? Tất cả chỉ đòi hỏi ở bạn một ý tưởng hay và một chút “bản năng sinh tồn”.
(Theo Như Nguyệt//Bill Taylor//Tuan VN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com