Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

GS. Trần Văn Thọ: Bẫy thu nhập trung bình nhìn từ các nước ASEAN

Bẫy thu nhập trung bình nhìn từ các nước ASEAN

Vấn đề đáng quan tâm nhất của nhiều nước ASEAN hiện nay là làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình để tiến lên hàng các nước có thu nhập cao. Điều kiện để tránh bẫy thu nhập trung bình là gì? Để trả lời câu hỏi này, bài viết nầy sẽ thử đua ra một khung phân tích về các yếu tố quy định sự phát triển của mỗi giai đoạn và so sánh tình trạng hiện nay của các nước ASEAN với kinh nghiệm của Hàn Quốc, một nước đã thành công trong việc vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước có thu nhập cao vào cuối thập niên 1990.

Bài viết kết luận là đối với 4 nước ASEAN (Malaysia, Thailand, Philippines và Indonesia), tăng năng lực nghiên cứu và triển khai (R&D), nhấn mạnh chất lượng và sự tương thích của nguồn nhân lực, và tạo cơ chế để hình thành một khu vực tư nhân năng động là điều kiện cần thiết để tránh bẫy thu nhập trung bình. Đối với Việt Nam, một nước còn ở giai đoạn thu nhập trung bình thấp, cải cách thể chế và chính sách để tăng năng suất các yếu tố sản xuất như lao động, tư bản và đất đai là tối cần để tránh sự xuất hiện sớm của bẫy thu nhập trung bình.

Xin giới thiệu nghiên cứu của Giáo sư Trần Văn Thọ (đại học Waseda, Tokyo) đã được đăng trên Thời đại mới số 24.

I. MỞ ĐẦU:

Nhìn từ trình độ phát triển, thế giới hiện nay có thể chia thành 4 nhóm: Nhóm 1 gồm những nước thu nhập thấp, đang trực diện với cái bẫy nghèo. Nhóm 2 gồm những nước đã đạt được trình độ phát triển trung bình từ rất lâu nhưng sau đó trì trệ cho đến ngày hôm nay. Nhiều nước ở châu Mỹ La tinh thuộc nhóm nầy. Nhóm thứ ba gồm những nước mới phát triển vài mươi năm nay và hiện nay đã đạt mức thu nhập trung bình. Ở Á châu, Trung Quốc và một số nước ASEAN thuộc nhóm nầy. Nhóm thứ tư gồm những nước tiên tiến, có thu nhập cao như Mỹ, Nhật, các nước Tây Âu, v,v...

Đáng chú ý là nhóm nước thứ hai đã chuyển sang giai đoạn trì trệ lâu dài sau khi đạt được mức thu nhập trung bình. Hiện tượng nầy gần đây được gọi là "Bẫy thu nhập trung bình" (Gill and Kharas 2007, Spence 2011,...). Từ kinh nghiệm nầy, điều quan tâm của nhiều người hiện nay là liệu các nước mới nổi như ASEAN có thể tránh bẫy thu nhập trung bình và bước vào quỹ đạo phát triển bền vững để trở thành những nước có thu nhập cao hay không. Đâu là những điều kiện để ASEAN tránh được bẫy thu nhập trung bình? Mục đích của bài viết nầy là thử tìm câu trả lời cho câu hỏi nầy.

Trong phần dưới đây, Tiết II sẽ đưa ra một khung phân tích bao gồm các thuật ngữ như giai đoạn phát triển, điểm chuyển hoán trên thị trường lao động, tăng trưởng dựa trên đầu vào, tăng trưởng dựa trên năng suất toàn yếu tố, lợi thế so sánh động và yếu tố thể chế. Tiết III bàn về giai đoạn phát triển hiện nay của các nước ASEAN, có so sánh với các nước Đông Á khác.

Dựa trên khung phân tích ở Tiết II, Tiết IV sẽ đánh giá khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình của các nước ASEAN bằng cách thử so sánh tình trạng hiện nay của các nước đó với kinh nghiệm của Hàn Quốc, một nước đã thành công trong quá trình thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và phát triển thành nước tiên tiến. Tiết V sẽ bàn về trường hợp Việt Nam, một nước vừa đạt mức thu nhập trung bình thấp nhưng đang trực diện nhiều yếu tố bất ổn về cơ cấu. Nếu không cải cách triệt để, Việt Nam có thể rơi vào trường hợp mà tác giả gọi là sự xuất hiện sớm của bẫy thu nhập trung bình (an early appearance of a middle income trap). Cuối cùng, phần kết luận sẽ tóm tắt những vấn đề hiện nay của các nước ASEAN và đưa ra các đề án chính sách mà các nước ASEAN cần quan tâm để tránh được bẫy thu nhập trung bình.

II. KHUNG PHÂN TỪ LÝ LUẬN KINH TẾ PHÁT TRIỂN:

Khung khái niệm cơ bản của bài viết nầy bắt đầu bằng việc phân tích ba giai đoạn phát triển của một nền kinh tế (Hình 1). Điểm C trong hình chỉ giai đoạn đạt mức thu nhập trung bình. Một nước có thu nhập đầu người 500 USD nếu phát triển trung bình năm là 7% (không phải tốc độ GDP mà là tốc độ thu nhập đầu người) nghĩa là tăng gấp đôi thu nhập đầu người trong 10 năm, thì nước nầy cần bội tăng thu nhập 3 lần (cần 30 năm) để đạt mức 4.000 USD hoặc cần 40 năm để đạt 8.000 USD là những mức thuộc thu nhập trung bình cao (sẽ giải thích thêm ở Tiết III). Nếu thu nhập trung bình tăng mỗi năm 5% thì nước nầy cần từ 45 đến 60 năm mới đạt được mức thu nhập trung bình cao nói trên.

Như vậy chuyển từ một nước nghèo sang một nước có thu nhập trung bình là một quá trình phát triển kéo dài rất nhiều năm. Tuy nhiên, nếu quá trình phát triển bền vững tiếp tục thì từ mức thu nhập trung bình cao tiến lên mức thu nhập cao chỉ cần một khoảng thời gian ngắn. Quá trình nầy chỉ cần 15 năm nếu thu nhập đầu người tăng mỗi năm 5%. Đây là khoảng thời gian rất ngắn.Tuy nhiên, như nhiều người (Spence 2011:20 chẳng hạn) đã nhận định, quá trình đó ngắn nhưng rất khó khăn. Cái khó phải vượt qua chính là "bẫy thu nhập trung bình".

Để hiểu nội dung "bẫy thu nhập trung bình", ta phải phân tích tính chất của điểm chuyển hoán C trong Hình 1. Con đường chuyển dịch từ B sang C là một quá trình dài chuyển một nước từ nông sang công nghiệp, trong đó công nghiệp và dịch vụ ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong GDP và cơ cấu lao động có việc làm. Đó cũng là quá trình chuyển dịch cơ cấu lợi thế so sánh và nhiều mặt khác của nền kinh tế như thị trường lao động, thị trường vốn và trình độ công nghệ, kỹ thuật. Khi nền kinh tế đạt điểm C, điểm ghi mức thu nhập trung bình, chắc chắn sẽ gặp những vấn đề mới, những thách thức mới, vì nếu không thì sẽ không có vấn đề bẫy thu nhập trung bình. Vậy những vấn đề mới là gì? Từ những gợi ý của  kinh tế học phát triển ta có thể nêu một số giả thuyết như sau:

Thứ nhất, trong thị trường lao động, sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ dần dần thu hút hết lao động dư thừa ở nông thôn và trong nông nghiệp (điểm chuyển hoán lao động trong mô hình Lewis, 1954), tiền lương thực chất tăng theo. Trên đại thể điểm chuyển hoán Lewis trùng với (hoặc ở gần) điểm C trong Hình 1.[1]

Hình 1: Các giai đoạn phát triển của một nền kinh tế

AB: Xã hội truyền thống, chưa phát triển, trực diện với bẫy nghèo.

BC: Giai đoạn phát triển ban đầu, thoát khỏi bẫy nghèo, thị trường đang trên quá trình hình thành, C là mức thu nhập trung bình.

CD: Tiếp tục phát triển bền vững lên mức thu nhập cao (D).

CE: Trì trệ hoặc phát triển với tốc độ rất thấp, trực diện bẫy thu nhập trung bình.

Như vậy, từ điểm C, năng suất lao động phải cao hơn trươc để tương ứng với tiền lương thực chất bắt đầu tăng. Cũng từ điểm nầy, chất lượng lao động cũng phải cao hơn để kinh tế chuyển dịch từ cơ cấu có hàm lượng lao động giản đơn lên cơ cấu mà công nghiệp có hàm lượng lao động lành nghề, trình độ giáo dục cao. Nỗ lực về giáo dục, đào tạo phải lưu ý điểm nầy để cung cấp nguồn nhân lực thích đáng cho quá trình chuyển dịch lên nước có thu nhập cao.[2]

Thứ hai, giai đoạn đầu của quá trình phát triển (BC trong Hình 1) thường chủ yếu dựa vào đầu vào (input-driven), có đặc tính là dựa vào việc sử dụng nhiều lao động và vốn. Ở giai đoạn nầy phát triển với đặc tính đó là dễ hiểu, hợp logic và xem như không có vấn đề vì lao động đang dư thừa. Vốn thì khan hiếm nhưng cần đầu tư ban đầu nhiều cho việc xây dựng hạ tầng và các cơ sở sản xuất cho quá trình công nghiệp hóa, trong khi trình độ công nghệ, kỹ thuật còn thấp. Tuy nhiên từ điểm C để phát triển lên giai đoạn thu nhập cao, nền kinh tế cần các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật, năng lực kinh doanh hơn và việc sử dụng tư bản phải hiệu suất hơn. Nói cách khác, tăng trưởng trong giai đọan mới phải dựa trên năng suất tổng hợp toàn yếu tố (total factor productivity -TFP).[3] Như vậy, điểm chuyển hoán giữa hai giai đoạn phát triển dựa trên đầu vào và phát triển dựa trên TFP gần như trùng hợp với điểm C trong Hình 1.

Thứ ba, trên thị trường thế giới, các nước có thu nhập trung bình ngày càng bị các nước đi sau đuổi theo nên dần dần mất lợi thế so sánh trong những ngành có hàm lượng lao động cao, nhất là lao động giản đơn. Để tiếp tục phát triển, các nước có thu nhập trung bình phải ngày càng cạnh tranh được trong những ngành dùng nhiều lao động kỹ năng cao, dùng nhiều công nghệ cao.

Các nước có thu nhập trung bình bị ép, bị cạnh tranh giữa một bên là các nước thu nhập thấp, nhân công rẻ, cạnh tranh mạnh trong các mặt hàng công nghiệp có hàm lượng lao động cao, và một bên là những nước có thu nhập cao, đang cạnh tranh mạnh trong các ngành luôn cách tân công nghệ. Nói cách khác, những nước có thu nhập trung bình phải thành công trong việc leo lên các bậc thang phát triển để đuổi theo các nước tiên tiến. Điều nầy cũng có nghĩa là cơ cấu lợi thế so sánh của các nước có thu nhập trung bình phải luôn thay đổi theo hướng tăng hàm lượng kỹ năng, công nghệ cao. Lợi thế so sánh động nầy chỉ trở thành hiện thực khi có nguồn lực về lao động, kỹ thuật, công nghệ và kinh doanh thích ứng.

Ba vấn đề kể trên liên quan nhau: Điểm chuyển hoán trong thị trường lao động và mô hình tăng trưởng dựa trên TFP là những điều kiện cần để duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế vì khả năng cạnh tranh ở giai đoạn nầy phải ngày càng dựa trên chất lượng cao hơn của lao động và nỗ lực cải tiến công nghệ để tăng hiệu quả phát triển.

Trong một nền kinh tế mở, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa và khu vực hóa, không ngừng tăng năng lực cạnh tranh quốc tế là điều kiện tất yếu để phát triển bền vững. Điều nầy phản ảnh trong sự thay đổi năng động của cơ cấu xuất khẩu dần dần nghiêng về những mặt hàng có hàm lượng cao về kỹ năng và cách tân công nghệ. Điểm nầy có thể được minh họa bằng sự thay đổi trong chỉ số cạnh tranh quốc tế (international competitiveness index, ICI) của các ngành công nghiệp. Có nhiều cách tính toán ICI, cách tính đơn giản và dễ hiểu nhất là dùng thống kê xuất nhập khẩu của các hàng công nghiệp. Theo cách nầy, ICI (i) được định nghĩa như sau:

i  =  (X - M) / (X + M) trong đó X và M là giá trị xuất và nhập khẩu của một sản phẩm công nghiệp.

Quá trình phát triển của một ngành công nghiệp có thể được khảo sát qua sự thay đổi của chỉ số nầy. Khuynh hướng điển hình có thể được diễn tả bằng Hình 2. Ở giai đoạn đầu của qúa trình phát triển hầu như không có xuất khẩu và thị trường trong nước được cung cấp bởi nhập khẩu. Do đó lúc nầy ICI bằng trừ 1. Khi sản xuất trong nước tăng dần, chỉ số nầy sẽ tiến đến 0 (lúc nầy cả nhập và xuất khẩu đều bằng hoặc gần nhừ bằng 0, hoặc xuất và nhập khẩu gần như bằng nhau). Khi ngành công nghiệp nầy ngày càng tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, xuất khẩu tiếp tục tăng và nhập khẩu giảm, kết quả là ICI tiến đến số 1. Trong trường hợp có mậu dịch trong nội bộ ngành (intra-industry trade) dĩ nhiên ICI không tiến đến 1 mà duy trì ở mức gần 0 hoặc ở giữa 0 và 1. Trên thực tế, tùy theo ngành, tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi nước, quá trình phát triển của một ngành công nghiệp có nhiều hình thái khác nhau, nhưng Hình 2 có thể biểu hiện những trường hợp phổ quát, điển hình nhất.

Sự phát triển bền vững của một nền kinh tế mở đòi hỏi phải thành công trong việc dịch chuyển từ ngành đang hoặc sắp mất lợi thế so sánh (ngành 1) sang ngành có hàm lượng kỹ năng cao hơn (ngành 2) và chuẩn bị điều kiện để chuyển sang ngành mới hơn (ngành 3) và cứ thế quá trình chuyển dần sang ngành 4, ngành 5, v.v.., những ngành ngày càng đòi hởi hàm lượng cách tân công nghệ cao hơn. Một nước thu nhập trung bình nếu thất bại trong việc chuyển dịch lợi thế so sánh vừa nói, chẳng hạn ngành 2 mất lợi thế so sánh ở thời điểm sớm hơn dự tưởng (thể hiện bằng đường điểm chấm của ngành 2 trong Hình 2) vì sự thay đổi nhanh trên thị trường quốc tế (do sự tham gia thị trường của nhiều nước có lao động rẻ hơn) và vì nước có thu nhập trung bình nầy không có khả năng phát triển các ngành mới hơn (Ngành 3). Trong trường hợp đó, "bẫy thu nhập trung bình" xuất hiện khi nước có thu nhập trung bình không liên tục đưa ra những lợi thế so sánh mới.

Đâu là những điều kiện để có chuyển dịch năng động trong lợi thế so sánh và tránh được bẫy thu nhập trung bình? Hai lãnh vực sau đây có lẽ quan trọng. Một là thời điểm thay đổi mục tiêu và tiêu điểm trong chiến lược phát triển, chính sách đầu tư cho hạ tầng và cho nguồn nhân lực theo hướng tương thích với việc phát triển các ngành công nghiệp dùng nhiều tri thức và công nghệ cao. Lãnh vực thứ hai là xây dựng một thể chế chất lượng cao nhằm phát triển, duy trì một khu vực tư nhân năng động luôn cách tân và nhạy bén với những thay đổi trên thị trường thế giới. Sau đây ta sẽ bàn thêm và chi tiết hơn về hai lãnh vực này.

Trong sự chuyển hướng chíến lược, đẫy mạnh giáo dục, nghiên cứu ứng dụng và triên khai, xây dựng cơ cấu hạ tầng chất lượng cao cần được nhấn mạnh để kinh tế có thể chuyển dịch lên nước thu nhập cao là giai đoạn cần có kỹ năng, tri thức, và công nghệ tiên tiến. Về việc xây dựng cơ cấu hạ tầng chất lượng cao, một ví dụ điển hình là bưu chính viễn thông, một lãnh vực đặc biệt có ý nghĩa quan trọng cho nền kinh tế tri thức. Như World Bank (2008: 36) nhấn mạnh, "bưu chính viễn thông đóng nhiều vai trò quan trọng trong cả hai khu vực công và tư. Ngành nầy có thể hỗ trợ giáo dục, thực hiện các nỗ lực minh bạch hóa chính sách, và phân phối dịch vụ của chính phủ. ... Bưu chính viễn thông giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ về vốn, tiền tệ; giúp nhiều dịch vụ buôn bán được với thị trường thế giới, và nối kết công nghiệp trong nước với chuỗi cung ứng toàn cầu".

Liên quan đến việc chuyển hướng chiến lược, chính sách, trong những nước có thu nhập trung bình, có hai trường hợp đặc biệt cần được lưu ý. Một là trường hợp những nước giàu tài nguyên. Tại những nước nầy đã hình thành những nhóm lợi ích (vested interests) không có động cơ thay đổi hướng phát triển và thường ngăn cản sự chuyển hướng trong chiến lược phát triển. "Lời nguyền tài nguyên" (resource curse) là thuật ngữ để chỉ hiện tượng đó.[4] Để tránh "lời nguyền tài nguyên", các nước nầy cần có những người lãnh đạo mạnh, có đầu óc cấp tiến, có uy tín và bản lãnh chính trị đủ để chuẩn bị đưa nền kinh tế phát triển theo hướng mới.

Trường hợp thứ hai là những nước đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế theo thể chế xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường mà hiện nay tuy đã phát triển đến mức thu nhập trung bình nhưng vẫn còn bảo hộ các doanh nghiệp nhà nước và các nhóm lợi ích khác nên thị trường phát triển méo mó. Việc tiếp tục bảo hộ các nhóm lợi ích và không hoàn thiện cơ chế thị trường là những trở ngại trên đường phát triển bền vững, có hiệu suất. Trường hợp của Việt Nam sẽ được phân tích ở Tiết V.

Tiếp theo đây ta thử phân tích thế nào là thể chế chất lượng cao, một trong hai điều kiện để chuyển dịch lợi thế so sánh của một nước có thu nhập trung bình. Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển (BC trong Hình 1), hệ thống thể chế hoàn chỉnh, cao cấp nhưng phức tạp (sophisticated institutions) chưa cần thiết và năng lực để xây dựng một thể chế như vậy cũng chưa có. Với cấu tạo kinh tế lúc đó (tài nguyên nông nghiệp và nguồn lao động là chính), phương hướng phát triển khá rõ ràng nên việc hình thành chính sách, chiến lược phát triển tương đối dễ, đơn giản. Sự can thiệp mạnh của chính phủ vào thị trường, kể cả việc lập nhiều doanh nghiệp nhà nước nhiều khi cần thiết và chấp nhận được. Tính chất đơn giản, chất lượng thấp của một hệ thống thể chế như vậy cũng phù hợp với giai đoạn phát triển dựa trên đầu vào.

Tuy nhiên, để nền kinh tế phát triển bền vững và tiến lên nước có thu nhập cao, nước có thu nhập trung bình cần xây dựng một hệ thống thể chế khác, phức tạp hơn và có chất lượng cao hơn. Hệ thống thể chế chất lượng cao (high quality institutions), một thuật ngữ của Dani Rodrik (2007), có những nội dung chính sau: (1) tăng cường sự minh bạch (transparency), tăng khả năng dự đoán (predictability), và tăng năng lực quản lý nhà nước (governance) để vừa giảm sự bất xác định, giảm rủi ro đối với nhà đầu tư để họ mạnh dạn tiến vào những lãnh vực mới (do đó cơ cấu kinh tế mới chuyển dịch lên cao), vừa tránh tham nhũng và giảm chi phí giao dịch (transaction cost);

(2) có cơ chế thống quản doanh nghiệp (corporate governance) áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước. Cơ chế thống quản doanh nghiệp quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các thành viên liên quan (stakeholders), có cơ chế thưởng phạt những người lãnh đạo hoặc quản lý doanh nghiệp; (3) bảo đảm sự tham gia rộng rãi của nhiều tầng lớp dân chúng trong quá trình quyết định các chính sách; (4) có cơ chế hợp tác hữu hiệu giữa nhà nước, doanh nghiệp và giới nghiên cứu, trí thức trong việc hình thành chiến lược tăng năng lực cạnh tranh quốc tế, nhất là xác lập quan hệ minh bạch giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Để xây dựng thể chế chất lượng cao, như Rodrik (2007) nhấn mạnh, cần một đội ngũ quan chức có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao, một bộ máy hành chính hiệu suất. Thể chế chất lượng cao còn cần thiết để không ngừng cải thiện nguồn nhân lực nhằm chuyển dịch cơ cấu công nghiệp có kỹ năng cao, và liên tục tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của khu vực tư nhân.

Như World Bank (2008:83) nhấn mạnh, khi trình độ phát triển còn cách xa các nước tiên tiến, nước nào cũng dễ nhận thấy chính sách, chiến lược cần có để phát triển, nhưng khi đã rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến thì nhà nước khó thấy con đường nên theo để tiếp tục phát triển. Do đó vai trò của khu vực tư nhân quan trọng hơn vì họ biết rõ thị trường hơn.

Tuy nhiên, như phân tích có sức  thuyết phục của Ohno (2010), vai trò của nhà nước vẫn còn quan trọng trong việc đưa ra các chính sách công nghiệp chủ động bổ sung cho tính năng động của khu vực tư nhân qua việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và một cơ sở hạ tầng thích hợp. Vai trò của nhà nước còn quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và triển khai (R&D), một điều kiện để không ngừng cách tân công nghệ. Trong ý nghĩa đó, thể chế chất lượng cao vô cùng thiết yếu để đẩy mạnh tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) và giảm phí tổn kinh doanh cho khu vực tư nhân.

Chúng ta đã bàn về những điểm chuyển hoán chung quanh cái bẫy có thể xảy ra của một nước có thu nhập trung bình. Những điểm chuyển hoán nầy có thể được tổng hợp thành 3 yếu tố: (a) Nỗ lực của nước thu nhập trung bình trong việc tăng chất lượng nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu và triển khai (R&D). Yếu tố nầy quan trọng vì tạo điều kiện để chuyển nền kinh tế từ giai đoạn dư thừa lao động sang giai đoạn thiếu lao động, đồng thời chuyển từ nền kinh tế tăng trưởng dựa trên đầu vào sang nền kinh tế tăng trưởng dựa trên TFP, đồng thời chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cơ cấu xuất khẩu theo hướng dùng nhiều kỹ năng và công nghệ cao. (b) Nỗ lực của nước thu nhập trung bình trong việc xây dựng thể chế chất lượng cao. Yếu tố nầy quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh mới, kích thích khu vực tư nhân ngày càng hướng vào cách tân công nghệ. (c) Với hai yếu tố vừa kể, cơ cấu lợi thế so sánh sẽ thay đổi không ngừng và nhờ đó duy trì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
------------------------------------------

Tác giả: Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo // Nguồn: Tuần Việt Nam


[1]Điểm nầy có thể thấy từ kinh nghiệm của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Trong trường hợp của Nhật chẳng hạn, điểm chuyển hoán Lewis xảy ra vào khoảng năm 1960 (xem Minami 1973) và lúc đó Nhật là nước có thu nhập trung bình cao.

[2] Một trong những tiền đề quan trọng trong mô hình Lewis là sự hoàn hảo hoặc gần như hoàn hảo của thị trường lao động. Nếu thị trường lao động kém phát triển hoặc bị méo mó (distortion), sẽ có hiện tượng thiếu lao động ở đô thị hoặc trong khu vực công nghiệp trong khi vẫn còn lao động dư thừa ở nông thôn.

[3] Sau khi Ngân hàng thế giới phát biểu bản báo cáo nổi tiếng (World Bank 1993) xem sự phát triển của 8 nước Đông Á là thần kỳ, Krugman (1994) có bài viết không tán thành và cho rằng phát triển của Đông Á không thể gọi là thần kỳ vì chủ yếu dựa trên đầu vào (input-driven), không phải trên TFP. Trên ý nghĩa đó, theo Krugman, phát triển của Đông Á có cùng tính chất với Liên Xô cũ nên kinh tế sớm muộn sẽ suy sụp vì quy luật giảm dần hiệu quả của đầu vào (decreasing returns of inputs).

Ý kiến nầy làm bùng nổ nhiều tranh luận về các mặt lý luận, lịch sử và thực chứng. Trong các tranh luận nầy, theo người viết bài nầy, ý kiến của giáo sư Yujiro Hayami là có sức thuyết phục nhất. Hayami (2000) cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế ở giai đoạn đầu của quá trình phát triên thường dựa trên đầu vào nhưng dần dần chuyển qua TPF ở giai đoạn sau. Ý nầy rất hay, ít nhất về mặt lịch sử và lý luận, có thề dùng để hiểu ranh giới giữa hai giai đoạn phát triển thu nhập trung bình và thu nhập cao.

[4] Gần đây có nhiều nghiên cứu về hiện tượng nầy. Chẳng hạn, xem Coxhead (2007).

 

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • TS. Alan Phan: Năm nguyên lý cho một nền kinh tế khỏe
  • Trả lời câu hỏi: Trí thức là gì?
  • Quyền lực phải song hành hài hòa với tri thức
  • Từ lý thuyết trò chơi đến giải quyết khủng hoảng của 7 nhà kinh tế đoạt giải Nobel
  • Phong thủy kinh doanh năm Nhâm Thìn 2012
  • Lạm bàn về triết lý kinh doanh năm Rồng
  • Khái niệm thị trường giáo dục và vai trò các tác nhân
  • Đưa tri thức mới vào nền kinh tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com