Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lạm bàn về triết lý kinh doanh năm Rồng

Con Rồng là một biểu tượng văn hóa nhiều ý nghĩa. Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn, xin được lạm bàn đôi điều về triết lý kinh doanh từ góc nhìn của biểu tượng văn hóa.

 

 

Ở góc nhìn chính thống, rồng là biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng của tạo hóa: hình dáng kỳ vỹ, sức mạnh vô biên, có thể hô mưa, gọi gió, bay lượn biến hóa, vừa sống được dưới nước, vừa bay lượn trên không trung. Vì vậy, trong thời kỳ phong kiến, rồng trở thành biểu tượng cho quyền lực và địa vị tối thượng của Hoàng đế.

Trong văn hóa nhiều nước phương Đông, rồng trở thành hình ảnh của những thành tựu, giá trị lý tưởng, những đỉnh cao tuyệt đối. “Cá chép hóa rồng” là mơ ước của mọi sỹ tử ngày xưa và ngày nay, các quốc gia đều muốn “hóa rồng”, nghĩa là trở nên hùng cường vượt trội về mọi mặt, vươn lên một đỉnh cao mới, có tính đột phá.

Lâu nay, khi nói về rồng, người ta thường nói về hình dáng, sức mạnh bề ngoài của rồng mà ít nói về phẩm chất rồng, nghĩa là những giá trị nội tại làm nên đẳng cấp, sức hấp dẫn của rồng. Theo chúng tôi, những “phẩm chất rồng”, “giá trị rồng” chính là chí khí lớn lao, khát vọng ôm trùm cả trời xanh, là tấm lòng quảng đại khoan dung, là trí tuệ siêu việt, tầm nhìn xa rộng, quyết đoán, quả cảm vô song.

Rồng vì vậy thường được ví với các bậc anh hùng hào kiệt, những bậc đại nhân, đại trí, đại dũng mà khí chất, tài năng, sự nghiệp đều xuất chúng. Sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” kể lại một giai thoại khá thú vị về quãng đời Hồ Chí Minh bị giam giữ trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, một bạn tù đã sớm nhận ra tầm vóc của Người khi nhận xét: “Anh (Hồ Chí Minh-TG) là một con rồng mắc cạn”…và khẳng định: “Rồng một ngày kia sẽ bay lên trời và làm chúa tể gió mây”.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, những lời nói kia đã thành sự thật. Quả là “Khen cho con mắt tinh đời”.

Rồng cao quý, đẹp là vậy, thiết nghĩ mọi doanh nhân đều muốn doanh nghiệp của mình “hóa rồng”, xây dựng thành công thương hiệu có sức mạnh, sức hấp dẫn, có đẳng cấp của rồng.

Muốn “cưỡi rồng”, trước hết doanh nhân phải có khát vọng, bản lĩnh, tầm nhìn của rồng, nghĩa là không bị vướng bận/cản trở bởi những lợi ích tầm thường, cục bộ trước mắt, mà luôn hướng đến những mục tiêu lớn lao của cộng đồng, của quốc gia hay rộng lớn hơn là của nhân loại. Còn nhớ tâm sự của tiến sỹ, doanh nhân Trương Gia Bình, sở dĩ ông cùng đồng sự sáng lập nên tập đoàn FPT như ngày hôm nay xuất phát từ khát vọng đưa đất nước thoát khỏi nghèo hèn, tủi nhục.

Thành công của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, cái tên đã trở nên quá nổi tiếng gắn liền với thương hiệu cà phê Trung Nguyên, có nguồn gốc từ ý tưởng: “Trăn trở của tôi là đất nước này làm sao có vị thế, để hình ảnh của người Việt, giá trị của người Việt được thừa nhận”.

Quả là những khát vọng, ý tưởng có đẳng cấp “rồng”. Luôn luôn vươn tới những mục tiêu lý tưởng, không bao giờ tự bằng lòng với những cái đã có, đó là bí quyết thành công của các doanh nhân lớn.

Muốn hóa rồng, doanh nghiệp, doanh nhân cần hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời địa lợi là hoàn cảnh, điều kiện khách quan, có tính chất hỗ trợ; nhân hòa là trí tuệ, bản lĩnh của doanh nhân, là nhân tố chủ quan, đóng vai trò quyết định.

Rồng chỉ thực sự là rồng khi bay lượn, tung hoành trên chín tầng mây. Muốn hóa rồng, doanh nhân phải biết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những lực cản tất yếu trong thương trường để vươn tới đỉnh cao của sự thành công. Nếu không sẽ lâm vào tình cảnh “rồng mắc cạn” loanh quanh luẩn quẩn, bế tắc và vô dụng.

Dĩ nhiên, với đẳng cấp rồng, dù khó khăn đến mấy, doanh nghiệp có tầm cỡ cũng không thể chấp nhận kiểu làm ăn chụp giật, thủ đoạn, thiếu minh bạch, làm phương hại đến cộng đồng. Doanh nhân, doanh nghiệp chân chính luôn biết cân bằng, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng, thực sự đóng góp cho sự phát triển tiến bộ của cộng đồng.

Những hành vi kiểu như ăn chặn công sức người lao động, sản xuất kém chất lượng, ăn cắp thương hiệu, gây ô nhiễm môi trường, “ăn lạm” vào tương lai…là hoàn toàn xa lạ với triết lý kinh doanh của những doanh nhân mang “đẳng cấp rồng”.

Lợi ích của doanh nghiệp từ cộng đồng mà có, và cuối cùng sẽ quay trở về phục vụ cộng đồng, vì cộng đồng. Đó là triết lý kinh doanh của rồng, mang tính nhân văn sâu sắc. Nhân loại sẽ mãi mãi tôn vinh những doanh nhân như Bill Gates, sau khi thành đạt trong kinh doanh, trở thành một trong những người giàu nhất thế giới, đã nguyện dành phần lớn tài sản và thời gian còn lại của cuộc đời để làm từ thiện.

Cách đây 1.000 năm, Hoàng đế Lý Công Uẩn khi dời đô về Đại La đã thấy hình ảnh rồng vàng bay lên. Nhà vua đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long, gửi gắm khát vọng ngàn đời về một tương lai rạng rỡ cho dân tộc.  

Đất nước hóa Rồng là khát vọng của mọi người dân Việt. Để khát vọng đó trở thành hiện thực, mỗi phương diện, lĩnh vực của đất nước đều phải hóa Rồng. Trong thời đại hiện nay, kinh tế có vai trò quan trọng để tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, đất nước sẽ hóa Rồng nhanh hơn nếu chúng ta có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân hóa rồng, đạt đến tầm vóc và đẳng cấp của Rồng.

 
Trần Quang Đại // Tầm Nhìn

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Khái niệm thị trường giáo dục và vai trò các tác nhân
  • Đưa tri thức mới vào nền kinh tế
  • Thể chế với sự thịnh vượng của quốc gia
  • GS. Tương Lai: Suy ngẫm về chữ “Trí”
  • Những phẩm chất đáng quí của nền kinh tế tự do
  • Tương lai của nhà nước: Quyền lực Internet
  • Báo cáo đặc biệt về tương lai của nhà nước trong nền kinh tế thị trường
  • Tương lai của nhà nước: “Bí kíp” chưa thiêng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com