Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bí mật kiếm tiền của 'sát thủ' kinh tế Mỹ

"Trong vòng quay định mệnh thú vị đã đẩy rất nhiều nhà hoạch định chính sách của chính phủ Mỹ vào những vị trí hấp dẫn trong công ty. Và tôi đã được chọn vào vị trí chủ tịch một trong những công ty hùng mạnh nhất Bolivia", John Perkins - một sát thủ kinh tế Mỹ nhớ lại.

"Bolivia là biểu tượng của vùng đất bị đế quốc bóc lột”. Lời nói của một giáo viên trong khu đào tạo của Tổ chức Hòa bình Mỹ tại Escondido, California, năm 1968 vẫn mãi đeo đuổi tôi. Người giáo viên này từng sống ở Bolivia và ông liên tiếp tạo ấn tượng sâu sắc với chúng tôi về những tổn thất do sự áp bức hàng thế kỷ mang lại.

Sau khi kết thúc khóa đào tạo và trở thành tình nguyện viên tại Ecuador, tôi vẫn thường nghĩ về Bolivia. Tôi bị hớp hồn bởi mảnh đất nằm trọn vẹn trong đất liền này. Trên bản đồ, nó giống như một chỗ trũng trên chiếc bánh cam vòng được bao quanh bởi các nước Peru, Chile, Argentina, Paraguay và Brazil. Trong suốt thời gian làm việc cho Tổ chức Hòa bình Mỹ, tôi đã đến thăm tất cả các nước này trừ một nước. Tôi tránh Paraguay như một cá nhân phản đối kẻ cầm quyền Tướng Gen. Alfredo Stroessner cùng chính sách che đỡ sĩ quan Nazi SS của ông ta. Tôi cố ý nói vòng vo về Bolivia bởi vì những người Bắc Mỹ trẻ tuổi mà chúng ta thường gọi là “người đi theo đường mòn” đôi khi miêu tả Bolivia là đất nước còn tàn bạo với người Anhđiêng hơn cả Ecuador.

Lần cuối cùng trước khi đến Bolivia với tư cách một sát thủ kinh tế giữa những năm 1970, tôi đã tiến hành một nghiên cứu. Tôi khám phá ra rằng sự đàn áp ở nơi đây vượt xa những gì tôi tưởng tượng, những điều mà người giáo viên của Tổ chức Hòa bình Mỹ và những người hành hương Mỹ đã giải thích phần nào cho tôi. Kể từ buổi sơ khai trong lịch sử, đất nước này đã bị bạo lực giày xéo, trở thành nạn nhân của biết bao đế quốc và những kẻ chuyên quyền độc ác.

Thế kỷ XIII, nền văn hóa bản địa Bolivia bị những người Incas đánh bại. Trong những năm 1530, quân xâm lược Tây Ban Nha đã đến đây, đánh đuổi người Incas, gây ra hàng nghìn cuộc tàn sát đẫm máu và cai trị đất nước bằng chính sách cú đấm thép đến tận năm 1825. Trong những cuộc chiến tranh từ 1879 đến 1935, Bolivia đã mất: bờ biển Thái Bình Dương cho Chile, vùng Chaco với các mỏ dầu khổng lồ rơi vào tay Paraguay và rừng nhiệt đới trồng cao su thuộc về Brazil. Những năm 1950, chính phủ cải tổ dưới thời Victor Paz Estenssoro đã khởi xướng các chương trình nhằm nâng cao đời sống cho đông đảo người dân Anhđiêng và đồng thời tiến hành quốc hữu hóa các mỏ thiếc. Cộng đồng doanh nghiệp quốc tế rất phẫn nộ trước sự việc này. Năm 1964, chính quyền của Estenssoro bị một nhóm sĩ quan đảo chính lật đổ. Chẳng có gì lạ khi CIA có nhúng tay vào vụ này. Đến những năm 1970, các cuộc đảo chính và chống đảo chính đã đẩy đất nước này vào thời kỳ bi thương.

Vấn đề địa lý ngày càng trở nên căng thẳng. Đất nước bị hai dãy núi Andean lởm chởm dựng đứng chia thành ba vùng riêng biệt: vùng cao nguyên khô cằn không có sự sống được biết đến với cái tên Altiplano, thung lũng cận nhiệt đới ở phía Tây, vùng đất thấp và các khu rừng nhiệt đới ở phía Đông.

Trong chín triệu người dân Bolivia, đa số đều là người Anhđiêng, những người từ bao đời nay kiếm sống nhờ vào những trang trại tự cung tự cấp bên sườn núi Andean lộng gió. Là một đất nước đa dạng về dân tộc, ở Bolivia có ba ngôn ngữ chính thống: Quechua, Aymara và Tây Ban Nha. Mặc dù được thiên nhiên phú cho nguồn tài nguyên phong phú - bạc, thiếc, kẽm, dầu mỏ, thủy điện và trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai Nam Mỹ (chỉ sau Venezuela) - nhưng Bolivia lại có tên trong danh sách một trong những nước nghèo nhất bán cầu.

Đây cũng là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình điều chỉnh cơ cấu (Structural Adjustment Programs - SAPs) của IMF. Tôi cũng là người phải chịu trách nhiệm phần nào về chương trình này.

Khi tôi đến Bolivia vào giữa những năm 1970, mối lo sợ từ cuộc nổi dậy của Che Guevara đã thúc đẩy việc thành lập một liên minh giữa quân đội và những người có thế lực về kinh tế. Liên minh trở nên vô cùng tàn bạo với cộng đồng những người bản địa. Nhiệm vụ của chúng tôi khi đó là tìm ra cách thuyết phục liên minh này hợp nhất với tập đoàn trị.

Trong suốt các cuộc họp với sự tham gia đông đảo những người Bolivia, tôi nảy ra một sáng kiến mà sau này đã góp phần phổ biến SAP rộng rãi ra rất nhiều quốc gia trong hai thập niên 1980 và 1990. Giống như Suharto ở Indonesia, những kẻ cầm quyền Bolivia cũng bị giật dây, buộc phải tuân theo chương trình bán tài nguyên cho nước ngoài. Những kẻ này từ lâu đã làm tay sai cho các công ty khai khoáng nước ngoài và phất lên nhờ đó. Họ bị lún sâu trong những khoản nợ nần, trở nên yếu thế trước các nước láng giềng, những kẻ thù cũ cũng như người dân bản địa. Họ mong muốn Washington cam kết bảo hộ và có thể phát triển nhanh chóng. Họ làm theo mô hình của Suharto, đầu tư tài sản vào Mỹ và châu Âu. Nhờ vậy, họ không phải chịu ảnh hưởng của những cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai ở Bolivia.

Tại các cuộc họp sơ bộ trong những năm 1970, tôi đưa ra kết luận Bolivia đã chín muồi để bắt đầu tiến hành tư nhân hóa. Các doanh nhân, chính trị gia ở La Paz hồ hởi mở rộng mô hình do các công ty khai thác mỏ khởi xướng. Mặc dù, đây là hành động phản bội chủ quyền quốc gia nhưng lại có thể giúp họ thoát khỏi gánh nặng phải tăng thu ngân sách từ thuế, thị trường vốn và cả những tài khoản ngân hàng của chính họ để phát triển hệ thống điện, nước, xử lý rác thải, mạng lưới giao thông, liên lạc, thậm chí cả hệ thống giáo dục và an ninh.

Với sự giúp đỡ của tôi, họ hiểu rằng họ sẽ có lợi từ các hợp đồng phụ béo bở, con cái họ sẽ được hưởng chính sách giáo dục chi trả toàn phần tại Mỹ, được thực tập tại các công ty xây dựng và lắp ráp có uy tín nhất. Họ nhiệt tình tán thành chính sách giảm thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài và chấp thuận bãi bỏ hàng rào thương mại đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Đồng thời, họ chấp nhận việc chúng tôi đánh thuế sản phẩm của đất nước họ. Về cơ bản, liên minh quân đội và những kẻ có thế lực kinh tế tại Bolivia sẵn sàng hưởng ứng những tư tưởng hình thành nên mô hình chủ nghĩa thực dân kiểu mới miễn là nó được diễn đạt dưới những thuật ngữ mỹ miều của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chẳng hạn như “quản lý hiệu quả”, “kinh tế học lành mạnh” hay “điều chỉnh cơ cấu”.

Sau khi chính phủ thông qua điều luật cho phép các doanh nghiệp liên doanh thu hút vốn nước ngoài và bãi bỏ những hạn chế về trao đổi hối đoái, chỉ trong một thời gian ngắn, năm công ty quốc doanh lớn nhất Bolivia đều được tiến hành tư nhân hóa. Thêm vào đó, chính phủ cũng đề ra kế hoạch trong năm 1990. Đó là bán 150 công ty quốc doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài. Và trong vòng quay định mệnh thú vị - một biểu tượng của cánh cửa quay đẩy rất nhiều nhà hoạch định chính sách của chính phủ Mỹ vào các vị trí hấp dẫn của công ty - tôi đã được đẩy vào vị trí chủ tịch của một trong những công ty hùng mạnh nhất Bolivia.

Năm 1990, Leucadia National Corporation, một công ty Mỹ, đã liên lạc và đề nghị tôi làm chủ tịch một chi nhánh sở hữu toàn phần của họ - Công ty năng lượng Bolivia (viết tắt là COBEE theo tiếng Tây Ban Nha). Leucadia trước đó đã rất nổi tiếng vì là công ty thu mua các công ty gặp rắc rối về tài chính và biến chúng thành những trung tâm lợi nhuận khổng lồ. (Năm 2004, Leucadia càng thêm nổi tiếng hơn khi kiếm được một giấy phép không minh bạch mua vào hơn 50% cổ phiếu của MCI - nhà vận chuyển đường dài lớn thứ hai của Mỹ). Những người đại diện công ty này cho tôi hay tôi là người duy nhất đủ năng lực để điều hành COBEE. Không chỉ có công trong quá trình triển khai SAP tại Bolivia, tôi còn:

1. Là Giám đốc điều hành (CEO) của công ty năng lượng hoạt động độc lập, rất thành công tại Mỹ (công ty do tôi lập ra khi rời khỏi hàng ngũ những sát thủ kinh tế, nơi đã mang lại cho tôi danh tiếng và tiền bạc).

2. Tôi nói được tiếng Tây Ban Nha và hiểu rõ các nền văn hóa Mỹ Latinh.

3. Tôi từng là một sát thủ kinh tế, một yếu tố lý tưởng có thể đảm bảo những khoản vay cần thiết từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Mỹ để mở rộng và nâng cấp hệ thống COBEE.

Sau cuộc phỏng vấn tại bờ Biển Đông, Leucadia đưa tôi cùng vợ tôi, Winifred, và con gái 7 tuổi của tôi, Jessica, tới lâu đài ở Salt Lake City nơi Ian Cumming, Tổng giám đốc điều hành công ty và vợ ông đang sinh sống. Sau cuộc họp ban đầu với một số ủy viên ban quản trị, chúng tôi dùng bữa trang trọng cùng gia đình ông. Đó là một bữa tiệc năm món do đầu bếp và những người làm trong gia đình phục vụ. Sau đó, Ian Cumming và tôi đến văn phòng của ông nói chuyện riêng. Đúng lúc ấy, một người phụ tá bước vào xen ngang chúng tôi. Anh ta giải thích rằng anh ta vừa nhận được một bản fax từ La Paz nhưng người phiên dịch tiếng Tây Ban Nha vắng mặt vì phải đi khám bác sĩ nên anh ta hy vọng tôi có thể giúp họ. Khi tôi dịch lá thư ra tiếng Anh, tôi tin chắc người ta đang cố tình kiểm tra khả năng ngoại ngữ của tôi.

Hiển nhiên là tôi đã qua được cuộc kiểm tra này và cả những cuộc kiểm tra khác nữa. Sau chuyến thăm Salt Lake City, Leucadia sắp xếp cho gia đình chúng tôi đến Bolivia.

Chúng tôi đáp xuống El Alto, một trong những sân bay thương mại lớn nhất thế giới, nằm trên một cao nguyên cao hơn mực nước biển khoảng 4.000m. Sau khi hoàn tất các thủ tục hải quan, chúng tôi được chủ tịch đương nhiệm của COBEE cùng vợ ông đón tiếp. Trong thời gian chúng tôi ở đây, họ và các ủy viên trong ban quản trị đối xử với chúng tôi như hoàng thân. Họ hộ tống chúng tôi đến những khu chợ nhộn nhịp, bảo tàng, nhà thờ thuộc địa và trường học dành riêng cho người Mỹ nơi Jessica sắp tới sẽ theo học. Thậm chí, cả câu lạc bộ những người giàu có cũng đón tiếp chúng tôi như thành viên trong gia đình họ. Họ đưa chúng tôi đi thăm các thắng cảnh tự nhiên trên những ngọn núi quanh La Paz, và cả những khối sa thạch bị ăn mòn hết sức kỳ dị ở thung lũng Mặt trăng. Họ dẫn chúng tôi đến các nhà máy năng lượng, trạm chuyển tiếp và đi thăm các dây chuyền sản xuất.

Một buổi chiều mưa lạnh lẽo, một ủy viên ban quản trị công ty thông báo anh ta sẽ cho chúng tôi xem “trái tim và linh hồn của công ty”. Tôi chờ đợi điều kỳ diệu của một công trình mang tính nghệ thuật. Nhưng thay vì điều đó, tài xế của anh ta lại đưa chúng tôi đến một ngân hàng thương mại ở trung tâm La Paz trong làn mưa lạnh lẽo.

Một hàng dài người Anhđiêng rách rưới ngồi trước cửa ngân hàng và xung quanh tòa nhà đang túm tụm vào nhau để ngăn những giọt mưa lạnh lẽo. Một vài người khác lấy những tờ báo che đầu. Họ mặc quần áo truyền thống, quần len, áo dài và áo poncho. Tôi hạ cửa kính xe xuống. Một luồng khí lạnh mang theo mùi áo len ẩm ướt và mùi của những cơ thể lâu ngày không tắm phả vào mặt tôi. Hình ảnh trên giống như những gì còn sót lại của thời kỳ quân xâm lược Tây Ban Nha bắt họ phải xếp hàng làm việc trong các mỏ thiếc. Họ lặng im, chỉ đơn giản đứng đó, nhìn chằm chằm và thỉnh thoảng bước qua bước lại trước những cánh cửa đồ sộ của ngân hàng, nơi một nhóm lính gác có vũ khí luôn đứng canh chừng. Có rất nhiều trẻ em cũng đứng trong hàng dài đó, nhiều phụ nữ mang theo con nhỏ quấn trong chiếc khăn choàng bất chấp nước mưa đang nhỏ xuống từ vai họ. “Họ đến để thanh toán hóa đơn tiền điện đấy”, người ủy viên ban quản trị nói.

“Tàn nhẫn làm sao!” Winifred thì thầm. “Ngược lại mới đúng”, người ủy viên sửa lại, “Họ là những người may mắn. Không giống như người dân sống ở vùng nông thôn, họ được hưởng đặc quyền, được tiếp cận với mạng lưới điện. Họ có điện”.

Khi chúng tôi trở về văn phòng, vị ủy viên ban quản trị chuyển lên ngồi ghế trên, cạnh người lái xe. Anh ta giải thích qua đại sứ quán Mỹ, COBEE đã gửi những túi tiền khổng lồ cho công ty mẹ. Đó là số tiền mà những người Aymara và Quechua phải xếp hàng dài để nộp phí. “Công ty là một con bò mà Leucadia có thể vắt sữa tới già”, anh ta nói đầy vui sướng.

Sau đó, tôi được biết thêm là mặc dù việc sử dụng điện của người dân chỉ giới hạn ở một bóng đèn nhưng mỗi tháng một lần họ lại phải lặn lội tới ngân hàng. Không có những thủ tục kiểm tra tài khoản hay thẻ tín dụng, họ kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ đợi và thanh toán bằng tiền mặt.

Đêm đó, trở về phòng, Winifred hỏi tôi tại sao đại sứ quán lại đóng vai trò chuyển tiền cho các công ty tư nhân. Tôi không có câu trả lời ngoại trừ một sự thật hiển nhiên: về bản chất, sứ mệnh ngoại giao của Hoa Kỳ trên toàn thế giới chỉ là nhằm phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn trị. Chúng tôi cũng tự hỏi tại sao vị ủy viên quản trị lại vượt quyền chỉ cho chúng tôi thấy những chuyện này. “Anh ta dường như quá hãnh diện về nó”, vợ tôi nói, “Thật là một quan niệm lệch lạc về tài chính”.

Sáng hôm sau, chúng tôi được nghe tóm tắt sơ lược dự án Zongo River. Với tôi, nó có ý nghĩa thực sự như trái tim và linh hồn của COBEE. Rất nổi tiếng trong giới lãnh đạo ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ Latinh, dự án này bao gồm nhiều nhà máy thủy điện nằm trải dài từ dãy núi Andes xuống các hẻm núi sâu. Đây là mô hình của những nhà máy làm việc hiệu quả và thân thiện với môi trường. Một vài kỹ sư cam đoan, để nhìn thấy tận mắt nhà máy thủy điện đáng để chúng tôi đi một chuyến gian nan như thế. Một người lắc đầu buồn bã “Điều đó sẽ chẳng bao giờ diễn ra mất”. Anh ta than thở “Tất cả chúng tôi đều rất thích dự án này vì nó là hình mẫu lý tưởng nơi mọi thứ đều có thể trở thành sự thật. Nhưng chẳng có nơi nào cho chúng tôi vay cả. Ngân hàng Thế giới sẽ không đầu tư vào những dự án xây dựng nhỏ như vậy. Nếu họ cho chúng tôi vay, họ sẽ buộc chúng tôi phải xây dựng một con đập lớn và toàn bộ thung lũng này sẽ chìm trong nước”.

Chủ tịch COBEE và vợ ông ta đề nghị đưa chúng tôi đến sông Zongo. Từ rạng sáng, họ đến khách sạn đón chúng tôi trên chiếc xe Station Wagon bốn bánh. Chúng tôi ra khỏi thành phố và thẳng hướng Altiplano. Một màn tuyết mỏng phủ lên cao nguyên cằn cỗi tựa như một lãnh nguyên Bắc cực thứ hai. Bỗng nhiên, trời sáng hẳn. Chúng tôi được chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc tráng lệ trên dãy Cordillera Real hùng vĩ. Dãy Andea được đặt tên là “dãy Himalaya của châu Mỹ”, bao gồm 22 đỉnh núi đá cao hơn 5.800 m.

Vài tiếng sau khi chúng tôi băng qua đường núi ở độ cao trên 5.200m, lần đầu tiên Jessica đã có cơ hội ngắm nhìn dòng sông băng trong đời mình. Alpacas chạy xuyên qua những cánh đồng cỏ ngăn cách với phiến đá voi mamut. Chúng tôi từ từ đỗ lại. Khi Jessica chạy qua đường để nhìn cảnh vật rõ hơn, môi con bé chợt tím ngắt vì thiếu oxy. Nó quỵ xuống và nôn thốc nôn tháo. Winifred và tôi đẩy con bé vào xe và chúng tôi khẩn trương đi xuống vùng thấp hơn. Vào giữa buổi chiều chúng tôi đến điểm đầu tiên của công trình thủy điện.

Một con đập nhỏ bắc qua sông Zongo đang mùa tan băng tạo thành một hồ ngăn tuyệt đẹp. Từ đây, nước chảy theo những con kênh cắt sâu vào sườn núi, qua đường hầm, tới tuốcbin và cuối cùng đến một trạm phát điện. Quá trình này lặp đi lặp lại vài lần. Đây là một hệ thống được thiết kế độc đáo để tối đa hóa khả năng sản xuất và tận dụng tối đa năng lượng của dòng sông trong khi vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của cảnh quan thiên nhiên. Khi chúng tôi lách qua hẻm núi bao quanh là những phiến đá dựng đứng, Jessica đã tươi tỉnh trở lại. Con bé phát biểu một câu mà dường như đó chính là những cảm xúc của tôi “Con thấy mừng vì họ đã không xây con đập lớn và làm ngập thung lũng. Nơi đây thật đẹp ba nhỉ”.

Cuối cùng chúng tôi dừng lại ở một biệt thự cổ kính. Họ cho chúng tôi biết nếu tôi trở thành chủ tịch công ty, thì nơi này sẽ là nơi chúng tôi lưu lại trong các kỳ nghỉ.

Sau khi chuyển hành lý vào phòng, Winifred, Jessisca và tôi đi bộ đến thác nước gần đó. Ở độ cao trên 2.400 m, chúng tôi cảm thấy vô cùng sảng khoái trong làn không khí mỏng của La Paz và con đường qua khe núi. Chúng tôi leo lên phiến đá cạnh thác nước, ngắm nhìn mặt trời mọc sau dãy núi của thung lũng nhỏ bé qua những tán lá sum suê. Sau đó chúng tôi trèo xuống và cùng mọi người trở lại biệt thự. Người giúp việc mang đến món lasagna nướng có mùi vị như vừa được những sứ giả từ Rome mang tới.

Chiều hôm đó, khi Jessisca đang ngủ say, bốn người chúng tôi ngồi tán gẫu bên ly cocktail. Rõ ràng, ngài chủ tịch và vợ ông đều rất thích chuyến đi tới Bolivia và họ đang nóng lòng muốn giao vị trí chủ tịch cho tôi để họ có thể trở về quê nhà. Họ bắt đầu đưa ra những lời lẽ thuyết phục mà chúng tôi từng được nghe trước đây: nào là chúng tôi sẽ sống trong lâu đài, có lái xe riêng đưa đón, được lính gác có vũ khí bảo vệ, có người hầu, đầu bếp, người làm vườn và được hưởng một khoản chi tiêu kếch xù chỉ dành để tiếp đãi giới quý tộc Bolivia. Họ cho tôi biết tôi sẽ trở thành người có quyền lực thứ hai tại Bolivia chỉ sau tổng thống. Bất cứ nơi đâu có đảo chính, ở đó, tôi sẽ là bá chủ bởi vì tôi nắm quyền kiểm soát dòng điện của cả dinh tổng thống lẫn trụ sở quân đội. CIA sẽ phải nhờ cậy tôi giúp đỡ đảng mà họ ủng hộ.

Khi chúng tôi nằm trên giường, vợ tôi ca ngợi dự án thủy điện này “Em chưa bao giờ nhìn thấy gì tuyệt vời hơn thế”. Rồi, cô ấy nói tiếp “Liệu anh có thể biến nó thành điểm khởi đầu cho một kiểu cách mạng thiết thực ở Mỹ Latinh không? Sẽ không còn những dòng người Anhđiêng khốn khổ phải xếp hàng để thanh toán hóa đơn nữa. Điện sẽ có ở mọi nơi, khắp nông thôn và thành thị với giá thấp. Sẽ cần phát triển nhiều dự án như dự án chúng ta thấy hôm nay. Thay vì những khoản vay của Ngân hàng Thế giới để xây dựng các nhà máy năng lượng khổng lồ, chúng ta sẽ tiến tới cam kết đưa công ty trở thành người phục vụ tận tuỵ cho môi trường”.

Tôi lắng nghe chăm chú những điều Winifred nói. Ngày hôm sau khi chúng tôi trở lại La Paz và trong suốt những ngày còn lại ở nơi đây, tôi luôn ngẫm nghĩ về điều này. Có một vài lần, tôi đem nó ra thảo luận với uỷ viên ban quản trị và các kỹ sư của COBEE. Nhiều người trong số họ đến từ Argentina, Chile và Paraguay – những quốc gia có lịch sử lâu đời với chế độ độc tài quân sự và luôn phục vụ hết mình cho hệ thống tập đoàn trị. Lẽ ra tôi không nên bất ngờ trước chủ nghĩa hoài nghi của họ. Những ý kiến của họ làm tôi nhớ tới lời một kỹ sư người Peru đã làm việc ở COBEE hơn chục năm “Leucadia đang chờ đợi những bao tải tiền”. Anh ta quả quyết.

Càng suy nghĩ kỹ về vấn đề này, tôi càng cảm thấy tức giận. Mỹ Latinh trở thành biểu tượng thống trị của nước Mỹ. Guatemala dưới thời Arbenz, Brazil dưới Goulart, Bolivia dưới thời Estenssoro, Chile dưới thời Allende, Ecuador dưới Roldos, Panama dưới thời Torrijos và cả những đất nước khác trên bán cầu này đều được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên mà bất kỳ công ty nào của chúng tôi đều phải thèm muốn. Điều này khiến các nhà lãnh đạo của những quốc gia này rất phấn khởi. Họ quyết định sẽ sử dụng tất cả tài nguyên quốc gia để phục vụ lợi ích cho nhân dân của họ.

Chúng tôi và họ đều đang đi trên cùng một lộ trình. Người dân đã chứng kiến rất nhiều nhà lãnh đạo của họ bị lật đổ trong các cuộc đảo chính, bị ám sát và thay thế bằng chính phủ bù nhìn do Washington lập ra. Tôi đã ở trong cuộc chơi này 10 năm với tư cách một sát thủ kinh tế. Và cũng đã 10 năm trôi qua kể từ khi tôi rời hàng ngũ này. Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh về những tội lỗi mình gây ra và sự phẫn uất luôn giằng xé trong tôi. Tôi do dự để rồi lại đi xa những nguyên tắc đạo đức mà tôi đã nuôi dưỡng bằng tất cả sự kính trọng, lại lấy tất cả nhiệt huyết trong tôi để phục vụ cho chế độ tập đoàn trị và tự bằng lòng với ham muốn của chính mình. Việc bán đi cái tôi đó đã khiến tôi phẫn uất. Dường như tôi đang hoài nghi rằng tất cả những cố gắng của tôi để thay đổi một công ty như COBEE sẽ bị đạp đổ. Mặc dù vậy, tôi vẫn cam kết làm hết sức mình.

Khi trở lại Mỹ, tôi gọi cho người uỷ viên ban quản trị chịu trách nhiệm tuyển dụng tôi. Tôi thông báo rằng tôi sẽ nhận chức vụ này nhưng với điều kiện họ phải cho phép tôi biến COBEE thành một mô hình theo cách riêng của tôi – một mô hình có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Tôi giải thích với anh ta rằng tôi bị ấn tượng mạnh bởi dự án thủy điện trên sông Zongo, và rằng công ty COBEE là một tác nhân quan trọng có thể làm nên sự thay đổi. Tôi đã chứng minh được rằng COBEE có khả năng cung cấp điện cho một số lượng lớn những người dân nghèo nhất trên bán cầu.

Có một khoảng lặng rất lâu, sau đó anh ta thông báo với tôi anh ta sẽ xem xét đề nghị này với Ian Cumming. “Tuy nhiên, đừng trông chờ nhiều. Những uỷ viên ban quản trị của chúng tôi phải chịu trách nhiệm với các cổ đông. Chúng tôi hy vọng chủ tịch COBEE là người có thể tối đa hóa lợi nhuận cho công ty”. Ngập ngừng anh ta hỏi “Anh có muốn xem xét lại không?”

Những lời anh ta nói càng củng cố quyết định của tôi: “Tuyệt đối không”.

Và tôi không bao giờ nghe tin gì từ họ nữa.

(Theo Vn Express)

  • Từ Fukuzawa Yukichi nhìn về Nguyễn Trường Tộ
  • George Box và hành trình đến khoa học thống kê
  • John Mackey: nhà quản lí vĩ đại?
  • Học hỏi từ mọi người
  • Sử gia kinh tế hàng đầu Đặng Phong qua đời
  • Người đánh cược với quỹ đầu tư mạo hiểm
  • 40 Gương Thành Công 01: Somerset Maugham
  • Mexico có tỉ phú giàu nhất thế giới
  • 8 tỷ phú thời trang giàu nhất thế giới
  • Warren Buffett vẫn xứng danh nhà đầu tư kiệt xuất nhất
  • Tự tạo cơ hội trở thành lãnh đạo
  • Đôi nét về nhà kinh tế học Paul Samuelson
  • Giải Nobel Kinh tế 2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com