Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đôi nét về nhà kinh tế học Paul Samuelson

Ông Samuelson trong văn phòng tại MIT năm 2004. - tinkinhte.com
Ông Samuelson trong văn phòng tại MIT năm 2004. Ảnh: New York Times.

Paul Samuelson, người Mỹ đầu tiên nhận giải Nobel Kinh tế và là nhà kinh tế học lỗi lạc nhất thế kỷ 20, đã qua đời hôm Chủ nhật, thọ 94 tuổi.

Khi nhận giải Nobel năm 1970, ông Samuelson được biểu dương vì đã biến đổi kinh tế học từ một ngành nghiên cứu thành một ngành giải quyết những vấn đề kinh tế, trả lời các câu hỏi về nguyên nhân và hậu quả với tính sinh động và rõ ràng của toán học. Ông Samuelson “đã làm nhiều hơn mọi nhà kinh tế học hiện đại để nâng cao trình độ phân tích khoa học trong lý thuyết kinh tế”, Ủy ban Nobel nhận định vào lúc ấy.

Là nhà giáo dục, ông Samuelson đã góp phần xây dựng Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ thành một trong những trung tâm nổi tiếng nhất thế giới trong lĩnh vực đào tạo sau đại học các ngành kinh tế. Ông đã quy tụ về MIT nhiều nhà khoa học kinh tế lừng danh, để tham gia giảng dạy hoặc nghiên cứu, trong đó nhiều người sau này được tặng giải Nobel Kinh tế như Robert M. Solow, George A. Akerlof, Robert F. Engle III, Lawrence R. Klein, Paul Krugman, Franco Modigliani, Robert C. Merton và Joseph E. Stiglitz.

Ông là tác giả cuốn sách giáo khoa đại học được sử dụng rộng rãi nhất trong lịch sử giáo dục Mỹ. Cuốn sách “Kinh tế học” của ông, xuất bản lần đầu năm 1948, là cuốn sách bán chạy nhất (best-seller) ở Mỹ trong 30 năm, đến nay đã có hơn 4 triệu bản được bán, được dịch ra 40 thứ tiếng và mỗi năm có 50.000 bản tiếng Anh được bán khắp các trường đại học.

Cuốn sách này dạy cho sinh viên cách suy nghĩ về kinh tế học. Một cuốn sách khác, thiên về kỹ thuật, của ông “Các nền tảng của phân tích kinh tế” lại dạy cho các nhà kinh tế chuyên nghiệp phương thức làm việc.Để phổ cập kiến thức kinh tế cho người bình thường, từ năm 1966-1981, ông làm thêm chân bình luận gia (columnist) cho tuần báo Newsweek. Thời gian này, cũng làm bình luận kinh tế ở Newsweek có một nhà kinh tế lỗi lạc khác theo xu hướng bảo thủ, dù đối lập về tư tưởng nhưng là bạn của Samuelson, ông Milton Friedman, người nhận giải Nobel Kinh tế năm 1976.

Ông Samuelson là người theo xu hướng cấp tiến (liberal), và cũng như nhiều người cùng thế hệ, ông đi theo John Maynard Keynes, nhà kinh tế học lừng danh người Anh thập niên 1930, từng đề xuất rằng mỗi quốc gia cần một chính phủ hành động để duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp bằng cách điều chỉnh các chính sách tiền tệ và thuế khóa, cho dù có phải bị thâm hụt ngân sách trong những thời điểm nào đó.

Các sách giáo khoa của Samuelson phát triển thêm lý thuyết của Keynes theo hướng các nền kinh tế thị trường hiện đại vẫn có thể bị sa lầy trong suy thoái và để khôi phục kinh tế cần có những nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ từ các khoản chi tiêu của chính phủ hoặc giảm thuế, cùng với chính sách tiền tệ phóng khoáng hơn.

Ông bảo các sinh viên kinh tế đừng bao giờ tự mãn với quan điểm của thế kỷ 19 rằng thị trường tư nhân có thể chữa được bệnh thất nghiệp mà không cần đến sự can thiệp của chính phủ.

Quan điểm về chính phủ hành động (activist government) được ông Samuelson trình bày với nhiều tổng thống Mỹ, lãnh đạo thế giới, nghị sĩ quốc hội, thống đốc ngân hàng trung ương và nhiều nhà kinh tế đồng nghiệp. Một trong những “học trò” có ảnh hưởng nhất của ông là cố Tổng thống John F. Kennedy. Sau khi Kennedy lên làm tổng thống năm 1961, ông Samuelson nhận định kinh tế Mỹ sắp rơi vào suy thoái và đề nghị tổng thống đưa ra chương trình giảm thuế. “Một cuộc giảm thuế tạm thời đối với thu nhập của cá nhân có thể là vũ khí hùng mạnh để chống lại suy thoái”, ông viết cho Kennedy đầu năm 1961. Dù bị sốc trước đề nghị này, Tổng thống Kennedy vẫn nghe theo và luật về giảm thuế được ban hành chỉ ba tháng trước khi Kennedy bị ám sát. Luật này được Tổng thống Lyndon B. Johnson thực thi sau đó, không chỉ tránh cho nước Mỹ một vụ khủng hoảng mà còn kích hoạt cuộc bùng nổ kinh tế thập niên 1960 ở Mỹ.

Ông Samuelson đã từ chối lời mời của Tổng thống Kennedy vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế, vì về nguyên tắc, ông không nhận bất kỳ chức vụ nào trong chính quyền vì không muốn ngồi vào vị trí khiến ông không thể nói và viết ra những điều ông tin tưởng.

Là nhà khoa học linh hoạt, Samuelson đã định hình lại tư duy học thuật của hầu hết mọi chủ đề kinh tế, từ ý nghĩa học thuyết lao động của giá trị của Karl Marx cho đến bản chất bấp bênh của giá cổ phiếu. Ông là người vận dụng rộng rãi và thành công tri thức toán học vào dòng chính của tư duy kinh tế học, chỉ ra cách xây dựng những dự báo lý thuyết vững chắc trên nền tảng những giả thuyết toán học đơn giản. Công trình ứng dụng phân tích toán học của ông đã khơi mào cho sự ra đời hàng loạt “định lý” (theorem) có tính chất đột phá, giải quyết những vấn đề mà các nhà kinh tế học tranh luận trong nhiều thập niên qua.

Một số định lý này có thể là cơ sở tri thức cho một số người vận dụng để chống lại thương mại tự do, chẳng hạn như định lý Stolper-Samuelson chứng tỏ rằng, việc nhập khẩu hàng dệt may giá rẻ và hàng tiêu dùng từ các nước đang phát triển - nơi nhà sản xuất dựa vào lao động phổ thông giá rẻ - có thể kéo mức lương của giới công nhân ở các nước công nghiệp xuống thấp.

Tuy vậy, cũng như nhiều nhà kinh tế cùng thời, ông Samuelson là người ủng hộ thương mại tự do và công bằng vì tin rằng nó góp phần nâng cao đời sống của mọi người. Theo ông, chủ nghĩa bảo hộ không giúp được gì, chỉ có tăng năng suất mới giúp nâng cao đời sống.

Ông cũng là người đề xuất phương thức “Tổng hợp tân cổ điển” (Neoclassical Synthesis), kết hợp tư tưởng của Keynes với kinh tế học thông dụng. Các nhà kinh tế học cổ điển thế kỷ 19 chứng minh rằng các lực cung-cầu tạo ra sự cân bằng của thị trường và quy định giá cả các loại hàng hóa-dịch vụ. Xa hơn nữa, sự phân tích tiêu chuẩn khẳng định rằng kinh tế thị trường có xu hướng thiên về tạo việc làm cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, tỷ lệ thất nghiệp vọt lên 25% như thời Đại Khủng hoảng 1930 thì những lý thuyết này không còn đúng nữa. Sự tổng hợp của ông Samuelson hàm ý rằng, các nhà kinh tế học nên dùng lý thuyết tân cổ điển để phân tích kinh tế trong thời “thái bình” nhưng khi kinh tế lao dốc thì nên chuyển sang sự phân tích theo tư tưởng Keynes.

Nhiều tư tưởng của ông Samuelson vẫn có giá trị thời sự. Vào cuối đời, ông đã đặt nền tảng toán học cho sự phân tích biến động của giá chứng khoán - công cụ phân tích đã tạo căn bản cho hai học trò của ông, Robert C. Merton và Myron S. Scholes giành giải Nobel Kinh tế.

Những tư tưởng của Samuelson lại trở nên “nóng” vào năm 2008, khi thế giới bước vào cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng nhất kể từ thập niên 1930. Thời ấy, các chính phủ đã cãi nhau hoặc làm cho tình hình thêm tồi tệ bằng cách thắt chặt chi tiêu để cân bằng ngân sách, dựng hàng rào thương mại để bảo hộ sản xuất và công việc làm trong nước. Nhưng 80 năm sau, nhờ những tư tưởng của Keynes, Samuelson và những người kế tục, nhiều nước công nghiệp đã có cách hành xử đúng đắn hơn, chẳng hạn như tiến hành các biện pháp kích cầu, cắt giảm thuế, giữ cho dòng chảy xuất-nhập khẩu được liên tục và giảm lãi suất tín dụng ngắn hạn xuống mức gần 0%. Những giải pháp này, góp phần tạo ra sự phục hồi ban đầu của nền kinh tế thế giới mà chúng ta chứng kiến trong năm 2009, có phần ảnh hưởng từ những tư tưởng của Samuelson.

(Theo Thái Bình // Thời báo kinh tế Sài Gòn // New York Times và Reuters)

  • Từ Fukuzawa Yukichi nhìn về Nguyễn Trường Tộ
  • George Box và hành trình đến khoa học thống kê
  • John Mackey: nhà quản lí vĩ đại?
  • Học hỏi từ mọi người
  • Sử gia kinh tế hàng đầu Đặng Phong qua đời
  • Giải Nobel Kinh tế 2009
  • Giáo sư Stiglitz đề cao vai trò của Liên hợp quốc
  • Nhà kinh tế Joseph Stiglitz: Cần có hệ thống dự trữ và tín dụng toàn cầu mới
  • Cựu Chủ tịch FED: “Khủng hoảng sẽ lại xảy ra”
  • Sự thất bại của thị trường tự do kiểu Mỹ
  • Các nhà kinh tế Anh xin lỗi Nữ hoàng vì dự đoán sai
  • Nhà kinh tế Edwin Truman: Bài học từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu
  • John Maynard Keynes thực tiễn đi trước lý luận
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com