Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải Nobel Kinh tế 2009

Hai giáo sư được giải Nobel Kinh tế 2009, ông Williamson và bà Ostrom.

Giải tưởng niệm Nobel về khoa học kinh tế đã được trao cho hai giáo sư Mỹ vì công trình nghiên cứu nhiều mối quan hệ bên trong một công ty hoặc giữa các công ty với cá nhân định hình nên hành vi thị trường.

Giải được chia sẻ giữa bà Elinor Ostrom, 76 tuổi, Đại học Indiana và ông Olivier E. Williamson, 77 tuổi, Đại học California ở Berkeley. Bà Ostrom cũng là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel Kinh tế trong lịch sử 41 năm của giải này.

Giáo sư Robert Shiller, nhà kinh tế của Đại học Yale, nhận định: “Đây là một phần sự kết hợp các ngành khoa học xã hội. Kinh tế học đã bị biệt lập quá đáng và quá gắn bó với quan niệm rằng thị trường tự điều hành, có hiệu quả. Nó làm chệch hướng suy nghĩ của chúng ta”.

Tuần báo Economist cho rằng, công trình được giải năm nay nằm trên ranh giới giữa kinh tế học, luật học và khoa học chính trị, xử lý những vấn đề khác với vấn đề mà các nhà kinh tế học nghiên cứu từ trước tới nay. “Giải Nobel năm nay thưởng cho việc sử dụng kinh tế học để trả lời những câu hỏi rộng lớn”, báo Economist viết.

Còn đối với Giáo sư Paul Krugman, giải Nobel Kinh tế năm ngoái, giải thưởng năm nay đánh dấu sự quay lại của kinh tế học thể chế, sau khi kinh tế học tân cổ điển và kinh tế học theo trường phái Keynes đã tỏ ra bất lực trong việc lý giải những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, nhất là trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

“Công trình nghiên cứu của Olivier Williamson là nền tảng cho tư duy kinh tế hiện đại; tôi biết điều đó nhờ những nỗ lực mô hình hóa các tập đoàn đa quốc gia, hầu như tất cả những mô hình này đều ít nhiều dựa vào những ý tưởng của ông ấy”, Giáo sư Krugman bình luận trên blog của mình.

Cả hai giáo sư Ostrom và Williamson đều không phản đối sự điều hành kinh tế. Mà ngược lại, công trình nghiên cứu của họ cho thấy, trong hoạt động kinh doanh con người tự thích nghi với nhiều hình thức điều hành và luật lệ chi phối hành vi - mà thuật ngữ kinh tế học gọi là “sự cai quản” (governance) - họ làm như vậy một cách độc lập với chính quyền hoặc không bị mệnh lệnh của các ông chủ công ty chi phối.

Miêu tả thành quả của ông Williamson và bà Ostrom, Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển nói rằng, khoa học kinh tế cần phải mở rộng ra khỏi lý thuyết thị trường, tiến vào hành vi thực thụ và hai nhà khoa học được giải đã đạt tới điều này. “Những luật lệ được áp đặt từ bên ngoài, hoặc đơn phương quyết định bởi người trong cuộc có quyền lực thì ít có tính chính đáng và thường bị vi phạm. Tương tự như vậy, việc giám sát và thực thi luật lệ sẽ tốt hơn nếu được thực hiện bởi người trong cuộc hơn là người ngoài cuộc. Những nguyên tắc này tương phản sâu sắc với quan niệm chung rằng giám sát là trách nhiệm của nhà nước, phải do công chức thực hiện”, Ủy ban Nobel tóm tắt thành quả nghiên cứu của hai nhà khoa học.

Công trình của nữ Giáo sư Ostrom liên quan tới quan niệm về “của chung” (commons) được chia sẻ bởi một số người cùng hưởng lợi từ một nguồn tài nguyên chung và do đó đều có phần trách nhiệm trong việc bảo tồn nó. Bà Ostrom cho rằng, tài nguyên chung có thể được quản lý thành công bởi những người sử dụng nó hơn là chính phủ hoặc công ty tư nhân. Nghiên cứu gần đây nhất của bà tập trung vào những cánh rừng tương đối nhỏ ở các nước kém phát triển. Các nhóm dân cư chia sẻ quyền khai thác gỗ ở một cánh rừng nào đó và như vậy họ có phần trách nhiệm làm cho cánh rừng tồn tại được. “Khi cư dân địa phương sử dụng khu rừng với một tầm nhìn dài hạn, họ sẽ giám sát lẫn nhau trong việc sử dụng đất đai, phát triển những luật lệ về hành vi. Đây là lĩnh vực mà lý thuyết thị trường tiêu chuẩn không đụng chạm tới”, bà Ostrom nói.

Bà kết luận trong công trình nghiên cứu của mình rằng, “bi kịch cha chung không ai khóc” là một quan niệm sai lầm; quan niệm này khuyến khích việc chuyển hóa tài sản chung thành tài sản tư, vì cho rằng những ông chủ tự lo cho quyền lợi của mình sẽ bảo vệ tài sản đó.

“Những người bảo thủ dùng “bi kịch của chung” để biện hộ cho quyền tư hữu, và tính hiệu quả đạt được khi người dân bị ném ra khỏi tài sản chung. Nhưng hệ quả của việc ném nhiều người ra khỏi phương tiện sinh sống của họ là hết sức to lớn. Điều bà Ostrom chứng minh được là có sự tồn tại của một cơ chế kiểm soát xã hội điều hành việc sử dụng tài sản chung mà không cần nhờ tới quyền tư hữu”, Giáo sư Joseph E. Stiglitz của Đại học Columbia, giải Nobel Kinh tế 2001, nhận định về nghiên cứu của bà Ostrom.

Còn đối với Giáo sư Williamson, giải Nobel Kinh tế công nhận những nghiên cứu của ông về tổ chức doanh nghiệp. Ông tập trung vào việc doanh nghiệp được cơ cấu như thế nào và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến chi phí kinh doanh. Và ông phát hiện ra rằng, các doanh nghiệp lớn tồn tại bởi vì, dưới những điều kiện đúng đắn, chúng là phương thức kinh doanh có hiệu quả. “Tất nhiên các doanh nghiệp lớn có thể lạm dụng quyền lực. Chẳng hạn, chúng có thể tham gia việc vận động chính trị hành lang không mong muốn và bộc lộ những hành vi phản cạnh tranh”. Nhưng theo ông Williamson, xử lý trực tiếp những hành vi đó thì tốt hơn là đưa ra những chính sách hạn chế quy mô của doanh nghiệp.

“Mỗi loại hình tổ chức có một vị trí riêng và điều đó vẫn chưa được tìm hiểu kỹ trong kinh tế học”, ông nói.

Các giải Nobel 2009 khác

- Gải Nobel Hòa bình thuộc về Tổng thống Mỹ Barack Obama “vì những nỗ lực phi thường để củng cố ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc”.

- Giải Nobel Văn chương thuộc về nữ văn sĩ Đức gốc Rumania Herta Mueller, “với tính súc tích của thi ca và sự thẳng thắn của văn xuôi đã mô tả cảnh sống của những người tay trắng”.

- Giải Nobel Hóa học thuộc về hai nhà khoa học Mỹ Venkatraman Ramakrishnan, Thomas Steitz và nhà khoa học nữ Israel Ada Yonath vì đã tìm ra bản đồ chi tiết của ribosome - bộ máy sản sinh protein trong tế bào - dùng để phát triển các loại thuốc kháng sinh mới.

- Giải Nobel Vật lý học thuộc về ba nhà khoa học Mỹ Charles Kao, Williard S. Boyle và George Smith. Ông Kao được vinh danh vì khám phá cách truyền tín hiệu ánh sáng qua khoảng cách lớn dùng cáp quang mảnh như sợi tóc. Ông Boyle và ông Smith được vinh danh nhờ phát minh ra bộ cảm ứng biến ánh sáng thành tín hiệu điện.

- Giảii Nobel Y/Sinh học thuộc về ba nhà khoa học Mỹ Elizabeth Blackburn, Carol Greider và Jack Szostak cho khám phá cách thức mà nhiễm sắc thể tự bảo vệ trong quá trình phân chia tế bào - cơ sở của việc nghiên cứu về lão hóa và chữa trị bệnh ung thư.

 

(Theo Huỳnh Hoa // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Từ Fukuzawa Yukichi nhìn về Nguyễn Trường Tộ
  • George Box và hành trình đến khoa học thống kê
  • John Mackey: nhà quản lí vĩ đại?
  • Học hỏi từ mọi người
  • Sử gia kinh tế hàng đầu Đặng Phong qua đời
  • Giáo sư Stiglitz đề cao vai trò của Liên hợp quốc
  • Nhà kinh tế Joseph Stiglitz: Cần có hệ thống dự trữ và tín dụng toàn cầu mới
  • Cựu Chủ tịch FED: “Khủng hoảng sẽ lại xảy ra”
  • Sự thất bại của thị trường tự do kiểu Mỹ
  • Các nhà kinh tế Anh xin lỗi Nữ hoàng vì dự đoán sai
  • Nhà kinh tế Edwin Truman: Bài học từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu
  • John Maynard Keynes thực tiễn đi trước lý luận
  • Paul Krugman: Khủng hoảng có thể đã chạm đáy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com