Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cám dỗ và chiến tranh cá nhân trong nghề báo

Nghề báo là đam mê, nhưng nghề báo cũng là cám dỗ. Nghề báo là vinh quang nhưng nghề báo cũng là “chiến tranh” khốc liệt.

Có nhiều cách để bước chân vào nghề báo: Bạn chủ động chọn nghề hoặc nghề vô tình chọn bạn. Nhưng dù ở truờng hợp nào thì một nhà báo cũng không thể sống nổi với nghề nếu không có đam mê.

Với từng trang viết hoặc từng thước quay, nhà báo thể hiện từng quan điểm của mình về từng sự kiện trong đời sống. Được nói, được nghĩ, được viết, được thể hiện – đó phải chăng là một thứ vinh quang riêng có của những người làm báo? Và phải chăng thứ vinh quang ấy vừa là một động lực giúp họ tiến lên trong nghề, vừa là một sự thỏa mãn, giúp họ có thể tiêu tan rất nhiều những sự chất chứa, dằn vặt về tư duy?

Thế nhưng trong nghề báo: đam mê và cám dỗ, vinh quang và mất mát luôn luôn so kè nhau.

Một lần, nhóm nhà báo trẻ chúng tôi ngồi cùng nhau để cùng thảo luận một câu hỏi: Có bao nhiêu kiểu cám dỗ trong cái nghề rất đặc thù này?

Mắc bẫy danh vọng

Cám dỗ đầu tiên chính là cám dỗ về mặt danh tiếng. Người làm báo là những người được quyền phát ngôn, và nuôi cái “dạ dày” của mình bằng những phát ngôn chân chính. Nhưng chính bởi cái quyền được phát ngôn ấy mà không ít nhà báo ngộ nhận về giá trị của mình.

Viết được vài bài báo, thể hiện được vài quan điểm, đưa ra được vài góc nhìn, không ít nhà báo vênh váo cho rằng mình đã có một chỗ đứng trong xã hội. Và chính vì nghĩ như vậy, nên đây đó người ta vẫn bắt gặp những nhà báo mang tư tưởng… “ta đây”.

Đôi khi bạn vẫn thấy nhiều bài báo lên án ca sĩ này, cầu thủ nọ mắc bệnh sao, nhưng xin thưa, bệnh sao của một thiểu số những người làm báo không hề kém về cấp độ so với diễn viên hay cầu thủ.

Họ “sao” với tòa soạn của mình, với đồng nghiệp của mình, và ở một chừng mức nào đó là với chính bạn đọc của mình. Cái bệnh ấy càng lúc càng đẩy họ đến chỗ lố bịch, nhưng dường như họ đã quen nhìn người khác và phán xét người khác nên mất luôn cái khả năng tự phán xét chính mình.  

Báo chí Việt Nam hiện tại là một nền báo chí phát triển với hàng trăm mặt báo có thể nhìn thấy mỗi ngày. Một anh bạn tôi là phóng viên của tờ Bangkok Post (Thái Lan) đã trố mắt kinh ngạc khi biết rằng chỉ riêng trong địa hạt thể thao, Việt Nam đã có ngót nghét 10 tờ nhật báo.

Để có thể tồn tại trong một đời sống báo chí phong phú và giàu tính cạnh tranh như vậy, mỗi người làm báo phải len lỏi vào từng ngõ ngách thông tin. Và mỗi buổi sáng thức dậy, nếu thấy trong phạm vi thông tin mình phụ trách, báo mình hơn được báo đối thủ dù chỉ 1 cái tin vắn là nhà báo đã có thể hạnh phúc khôn cùng.

Nhưng cũng chính vì cuộc chay đua căng thẳng, với cái áp lực “báo mình phải có, và báo đối thủ không được có…” mà đã nảy sinh rất nhiều tiêu cực trong những cuộc chiến thông tin. Cái cuộc chiến mà ở đó, từng có chuyện các nhà báo tung tin “rởm” để “lừa” nhau, hoặc sẵn sàng làm mọi cách để chiếm đuợc một nguồn tin khi biết rằng nguồn tin ấy nằm ngoài khả năng tiếp cận của đối phương.

Rất nhiều nhà báo bị đẩy sâu vào những cuộc chiến tranh thông tin như thế. Và liệu có thể vì thế mà trong cuộc sống đời thường, nhà báo sẽ bị ích kỷ hóa, nhỏ nhen hóa và manh mún hóa? Trước câu hỏi này, nhiều đồng nghiệp của tôi đã trả lời là “hoàn toàn có thể!”

Nếu những cám dỗ về danh vọng có thể đẩy nhà báo vào trạng thái lố bịch, nếu những cám dỗ về nhân cách có thể làm nhà báo đánh mất đi những phẩm chất trong sáng vốn có thì cám dỗ về vật chất rất có thể sẽ làm nhà báo rơi vào vòng tội đồ, lao lý. Lâu lâu người ta vẫn nghe chuyện nhà báo bị tố ăn tiền của doanh nghiệp này, vòi vĩnh doanh nghiệp khác. Sự thật, có những nhà báo như thế, và có cả những bằng chứng xác thực về chuyện những nhà báo phải vào tù vì những chuyện như thế.

Pháp luật Việt Nam nghiêm minh không dung tha cho những ai lợi dụng nghề báo để trục lợi. Bất cứ người làm báo nào cũng biết, và cũng hiểu điều đó, nhưng khi mà cám dỗ vật chất là quá lớn thì người ta đôi khi vẫn tặc lưỡi.

Chọn nghề báo - chọn nung mình trong lò lửa

Làm sao có thể chống lại những cám dỗ ấy, từ cám dỗ về danh vọng cho đến những cám dỗ về nhân cách và vật chất? Câu trả lời có thể gói gọn trong 4 chữ: Chiến tranh cá nhân.

Nhà báo thường xuyên phải chiến đấu với những suy nghĩ tiêu cực trong mình, với cái tôi bệnh hoạn của mình, và với những ham muốn khi rất trần thế, rất con người mà mình mang theo. Cuộc chiến ấy không có súng đạn, không có quân binh hay giao thông hào, nhưng cuộc chiến ấy cũng ngàn lần cam go, khắc nghiệt.

Tự hào và hạnh phúc làm sao khi báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt quá trình phát triển của mình đã không ngừng sinh ra những nhà báo chân chính, những nguời bằng bản lĩnh và tầm vóc đã vượt qua cuộc chiến tranh cá nhân nói trên, để trở thành tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ hậu sinh.

Nghề báo là đam mê, nhưng nghề báo cũng là cám dỗ. Nghề báo là vinh quang những nghề báo cũng là “chiến tranh” khốc liệt. Bởi vậy, nghề báo, ở một góc độ nào đấy chẳng khác gì một cái lò lửa rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ con người. Sống trong lò lửa ấy và không bị lò lửa ấy thiêu cháy mình – đó là khát vọng mà bất cứ nhà báo chân chính nào cũng hướng tới, và cũng quyết thực hiện bằng mọi giá.

(Theo Tuanvietnam/dddn)

  • Nghiên cứu thị trường – Hoạt động không thể thiếu trong PR và Marketing
  • Vai trò của PR trong việc xây dựng - quảng bá thương hiệu
  • Phẩm giá con người trong truyền thông đại chúng
  • Cứu vãn uy tín công ty bằng tin nhắn
  • Kỹ thuật tuyên truyền trong PR
  • Làm thế nào để xử lý sự cố truyền thông?
  • PR hiệu quả với túi tiền eo hẹp!
  • Chuyện PR ở AIG
  • Quyền lực của các bà mẹ - blogger
  • PR thương hiệu: DN vẫn còn "lơ mơ"
  • PR : Trước lạ, sau quen
  • PR: Thị trường chờ khai phá
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com