Theo bảng dự báo về tình hình phát triển nội dung số (NDS) toàn cầu giai đoạn 2010 - 2014 của hãng tư vấn Price Water House Coopers, doanh số từ nội dung số toàn cầu sẽ đạt khoảng từ 1,3 nghìn tỉ USD tới 1,7 nghìn tỉ USD vào năm 2014. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ có doanh số tăng mạnh nhất.
Thị trường tiềm năng
Ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc Cty VNG cho biết, Năm 2010, doanh thu ngành NDS VN đạt 400 triệu USD, tăng trưởng trung bình hàng năm 50%. Với 30 triệu người dùng Internet và khoảng 50 triệu người dùng di động, VN là một thị trường rất lớn để phát triển NDS.
Công nghiệp NDS tại VN đã xuất hiện từ những năm 90 nhưng mới bùng nổ trong khoảng 3 năm trở lại đây với các loại hình dịch vụ như: giáo dục trực tuyến, tin tức, tìm kiếm, mạng xã hội, âm nhạc, xem phim, giải trí điện tử... Với mức tăng trưởng 50% mỗi năm thì VN đang là thị trường được cả thế giới quan tâm.
Điểm mạnh và yếu
Với tính chất mở của Internet, các DN quốc tế với tiềm lực kỹ thuật, tài chính và thương hiệu sẽ cạnh tranh trực tiếp với các DN nội địa. Chúng ta có lợi thế ở những mảng mang tính chất “địa phương” như tin tức và giải trí (hai mảng các DN nội địa đang chiếm lĩnh thị trường), và có thể trong tương lai là thương mại điện tử (đòi hỏi tính địa phương rất cao). Tuy nhiên, những mảng khác như thông tin (search), cộng đồng/giao tiếp (mạng xã hội, phần mềm chat) và các ứng dụng kinh doanh (business applications trên web) đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật và sản phẩm rất cao, điểm yếu của các DN VN, và hàm lượng địa phương thấp (điểm yếu của các DN nước ngoài).
Một nghịch lý đối với các DN trong nước hiện nay là các chính sách quản lý nội dung trên Internet vẫn rất thoáng với các Cty quốc tế do tính chất mở của Internet, và rất ngặt ngèo với các Cty trong nước. Ngoài ra, các Cty trong nước lại đang ở điểm yếu toàn diện về trình độ kỹ thuật, con người và tài chính và rất khó có khả năng cạnh tranh trực diện (head-to-head) với các Cty nước ngoài. Các DN viễn thông lớn trong nước và các DN cung ứng NDS còn khá nhiều bất đồng về việc hợp tác kinh doanh. Đặc biệt là trong vấn đề bất hợp lý trong tỉ lệ chia sẻ % doanh thu. Điều này khiến các DN cung ứng NDS không có khả năng phát triển và tái đầu tư, dẫn tới các sản phẩm nghèo nàn về số lượng cũng như không đạt chất lượng như mong đợi của người sử dụng. Ngành công nghiệp NDS sẽ tăng trưởng 50% mỗi năm nhưng với thực tế hiện nay, miếng bánh lớn rất có thể sẽ rơi vào các DN nước ngoài và các DN trong nước chỉ được miếng nhỏ.
Việc cạnh tranh với các DN nước ngoài là bắt buộc. Điều này là động lực phát triển cho các DN trong nước, nhưng cũng là nguy cơ lớn cho các DN VN. Đặc điểm của ngành NDS là phải đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) rất lớn, và nếu đã mất thị trường thì rất khó để có thể chiếm lại. Vì thế, để không hoàn toàn đánh mất thị trường, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích để xây dựng, phát triển các DN trong nước, tạo điều kiện cho các DN “đủ lớn”, đủ sức để cạnh tranh với DN nước ngoài.
(Theo Đặng Đức Hào // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com