Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các công ty web và cuộc chiến bằng sáng chế

Các công ty web mới, như Facebook, có nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc chiến bằng sáng chế trong thời gian tới.

 Với sự hiện diện của các trung tâm dữ liệu mới, nhiều công ty web mới có thể sẽ bị lôi vào một cuộc chiến bằng sáng chế tương tự.

Microsoft từng kinh qua một giai đoạn phát triển nhanh chóng, mở rộng sự thống trị của mình và đe dọa các đại gia công nghệ lâu đời hơn bằng cách trả tiền để được tiếp cận với các tài sản trí tuệ quan trọng. Paul Maritz, từng là người lãnh đạo cao cấp của Microsoft, nói rằng Microsoft phải làm như vậy vì lúc đó vẫn là một công ty mới. Ông Paul Maritz nhớ lại những chuyến đi đến các công ty lớn như Hewlett-Packard, Digital Equipment Corp… để trả tiền cho những cuộc thỏa thuận cấp giấy phép, cho Microsoft tiếp cận những tài sản trí tuệ quan trọng và ngăn họ rơi vào những cuộc chiến pháp lý kéo dài về bản quyền.

“Chiến trường” trung tâm dữ liệu

Ông Maritz, hiện là giám đốc điều hành công ty VMware, đang chứng kiến những diễn biến tương tự trong ngành công nghiệp công nghệ cao. Cho đến giờ, các công ty truyền thông xã hội mới nổi tại Thung lũng Silicon – Facebook, Twitter, LinkedIn, Zynga… – vẫn chưa trở thành nạn nhân của cuộc chiến bằng sáng chế đang bùng nổ trong lĩnh vực thiết bị di động và đe dọa lan sang nhiều lĩnh vực công nghệ khác. Ông Timothy D. Casey, một cựu luật sư về bằng sáng chế của Apple, nhận định: “Các công ty web mới như Google, Facebook, LinkedIn rốt cuộc sẽ khó tránh được cuộc đối đầu với các công ty lâu đời hơn. Đó là một khuôn mẫu quen thuộc trong ngành công nghiệp công nghệ”.

Trung tâm dữ liệu có thể là một trong những chiến trường mới của cuộc chiến bằng sáng chế. Các đại gia công nghệ lâu đời hơn, như Oracle, IBM và Microsoft, đã dành nhiều thập kỷ đăng ký bằng sáng chế về những công nghệ thiết yếu đang được nhiều công ty web sử dụng, nhất là những ứng dụng cơ sở dữ liệu và quản lý tập tin. Thay vì trả tiền mua sản phẩm của những công ty này, các công ty web trẻ có xu hướng sử dụng phần mềm nguồn mở miễn phí có vay mượn ít nhiều từ những công nghệ mà các đại gia đang sở hữu, như cơ sở dữ liệu MySQL và Cassandra, hệ thống quản lý tập tin Hadoop… Bên cạnh đó, một số công ty web thậm chí còn phát triển ứng dụng nguồn mở mới và cung cấp miễn phí, gây ảnh hưởng đến doanh số một số sản phẩm sinh lợi nhất của những đại gia nói trên .

Cho đến nay, các chủ sở hữu bằng sáng chế về cơ sở dữ liệu, như Oracle và IBM, chưa có nhiều động lực trong việc kiện sản phẩm nguồn mở. Hầu hết khách hàng lớn nhất của họ, trong đó có các công ty tại Phố Wall và các nhà bán lẻ, cũng sử dụng phần mềm mã nguồn mở. Một cuộc chiến về bằng sáng chế có thể khiến các đối tác này cảm thấy không thoải mái. Dù vậy, có nhiều khả năng họ sẽ không có thái độ nhân nhượng đối với các công ty web mới nổi. Ông Jonathan Schwartz, cựu giám đốc điều hành hãng Sun Microsystems, được Oracle mua lại vào năm 2009, cho rằng thế hệ công ty mới này tự hào vì không mua công nghệ từ những công ty tên tuổi ở Thung lũng Silicon nên họ dễ trở thành những mục tiêu rất hấp dẫn. Một bằng chứng sinh động đến từ hệ điều hành di động Android của Google. Cái “mác” nguồn mở không ngăn được Android trở thành mục tiêu trong các vụ kiện của Apple, Microsoft và Oracle.

Điểm yếu bằng sáng chế

Một phần của mối đe dọa mà thế hệ công ty web mới đối mặt xuất phát từ số lượng bằng sáng chế ít ỏi của họ. Theo Văn phòng bằng sáng chế và thương hiệu Mỹ, Twitter, Zynga, LinkedIn và Groupon chỉ có từ 0 đến hai bằng sáng chế. Khá hơn một chút, Facebook sở hữu 12 bằng sáng chế. Ngay cả gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến Google cũng có ít bằng sáng chế liên quan đến điện thoại di động hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Theo nghiên cứu của ngân hàng đầu tư MDB Capital Group, Google đã nộp đơn đăng ký hoặc được cấp tổng cộng 307 bằng sáng chế liên quan đến điện thoại di động tính đến đầu tháng 8, ít hơn nhiều so với con số 3.134 của công ty Research In Motion, 2.655 của Nokia và 2.594 của Microsoft. Nhận thấy điểm yếu này, Google vào giữa tháng 8 đã đồng ý bỏ ra đến 12,5 tỉ đô la để mua lại hãng Motorola Mobility để có được 17.000 bằng sáng chế của công ty này. Ông Maritz cho rằng các công ty web trẻ có thể tiến hành những bước đi tương tự để tăng cường khả năng phòng vệ trước nguy cơ bị kiện tụng xâm phạm bản quyền sau này.

Ông Casey cho biết công ty Apple chỉ có một bằng sáng chế khi ông làm việc ở đó vào cuối những năm 1980. Theo thời gian, Apple đã không ngừng gia tăng số lượng bằng sáng chế của mình, đồng thời ký thỏa thuận với các công ty khác về việc sử dụng công nghệ của nhau. Theo ông Casey, các công ty web có thể sẽ làm điều tương tự một khi họ xem bằng sáng chế là “chính sách bảo hiểm” hoặc “nguồn doanh thu” như cách gọi của các đại gia công nghệ. Tóm lại, nhiều chuyên gia dự báo rằng các công ty web đang nổi nên chuẩn bị cho nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc chiến bằng sáng chế liên quan đến trung tâm dữ liệu trong thời gian tới.

(thesaigontimes // Bloomberg BusinessWeek)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • IBM vượt Microsoft về giá trị vốn hóa sau 15 năm
  • Giải pháp phát triển thành phố thông minh
  • Phương thức thanh toán di động Facebook tệ nhất
  • 10 dấu ấn công nghệ của Steve Jobs
  • Yevgeny Kaspersky – Hiệp sĩ trong cuộc chiến tranh mạng
  • Smartphone sẽ mạnh hơn cả PlayStation 3?
  • Văn phòng ảo – giải pháp thời khó khăn
  • Thanh toán trực tuyến: vẫn chờ một định hướng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com