Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

CNTT và triển vọng đổi mới việc dạy và học

Sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM đang truy cập Internet tại trường. Ảnh: Lê Toàn.

Nếu như 10 năm trước đây, công nghệ thông tin (CNTT) còn khá xa lạ với ngành giáo dục-đào tạo trong nước thì nay nó đã là nhu cầu và là xu hướng phát triển tất yếu. Từ bậc tiểu học tới đại học, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy đang được xem là cách làm mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, trong thực tế không dễ để triển khai việc ứng dụng này…

CNTT mở ra triển vọng to lớn trong việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học. Mục tiêu cuối cùng của việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy là nâng cao chất lượng học tập của học sinh, tạo ra một môi trường giáo dục mang tính tương tác cao chứ không đơn thuần chỉ là “thầy đọc, trò chép” như kiểu truyền thống; học sinh được khuyến khích và tạo điều kiện để chủ động tìm kiếm tri thức, sắp xếp hợp lý quá trình tự học tập, tự rèn luyện.

Không dễ số hóa dữ liệu

Ông Bùi Khánh Thế, Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM, cho biết hiện nhà trường đang sử dụng phần mềm quản lý đào tạo theo tín chỉ của một công ty phần mềm trong nước nhưng trong quá trình sử dụng phần mềm này đã bộc lộ nhiều bất cập như không thể triển khai học trực tuyến, không nắm được tiến độ học tập của từng sinh viên qua từng tín chỉ và không cho phép quản lý cơ sở dữ liệu từ nhiều nguồn tài nguyên khác nhau.

Theo ông Thế thì phương pháp dạy và học hiện nay đang thay đổi theo xu hướng tương tác và dựa vào nền tảng Internet nhiều hơn. “Vì vậy, việc lựa chọn giải pháp CNTT nào cũng phải đáp ứng được yêu cầu tương tác giữa học viên và giảng viên, đồng thời phải tạo điều kiện cho nhà trường và sinh viên tận dụng được tài nguyên học liệu và quản lý cơ sở vật chất và nhân sự tốt hơn. Bên cạnh đó, giải pháp cần được xây dựng trên một nền tảng mở nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển và mở rộng hoạt động của trường trong tương lai”, ông Thế nói.

Trao đổi với TBVTSG, ông Trần Vũ Bình, Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ của trường Đại học Hoa Sen, cho rằng để ứng dụng được CNTT, các thông tin dữ liệu và quy trình hoạt động phải được chuẩn hóa tốt, trên cơ sở đó mới có thể số hóa được dữ liệu và mô tả lại các quá trình hoạt động trên máy tính. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều trường đại học vẫn chưa chuẩn hóa được thông tin dữ liệu và quy trình tạo nên việc ứng dụng CNTT.

Theo ông Bình, việc số hóa dữ liệu trong các trường đại học thường chỉ dừng ở mức lưu trữ hồ sơ, điểm thi và bài kiểm tra của sinh viên. Về mặt quy trình nghiệp vụ quản lý đào tạo, có thể sử dụng CNTT để hỗ trợ tổng kết kết quả học, thi, kiểm tra, đăng ký môn học, thu học phí và xét tốt nghiệp. “Đây chỉ là những ứng dụng CNTT ở mức tối thiểu của một hệ thống đào tạo mà thiếu tính ‘động’ của một hệ thống”, ông Bình nói.

Tính động này nằm ở khả năng vận động theo những biến chuyển của mỗi thành phần trong hệ thống: nhu cầu xã hội, phát triển công nghệ, phương pháp học, sức tiếp thu của sinh viên. “Việc ứng dụng CNTT sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi cần nắm bắt được tính động của hệ thống và phản ứng nhanh, hợp lý với mọi biến chuyển. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo trong các trường đại học Việt Nam thiếu hẳn tính động này. Các trường đại học Việt Nam hiện cũng thiếu hẳn các quy trình nắm bắt sự biến chuyển của xã hội và ngay cả tiến độ học tập của sinh viên”, ông Bình nhận xét.

Theo ông Bình, việc thiếu tính động trong hệ thống CNTT hiện nay bộc lộ rõ nét trong các trường đại học có đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Đào tạo theo hệ thống tín chỉ là phải đánh giá liên tục để giúp người học thấy được tiến độ học của mình trong một môn học, đồng thời giảng viên có thể điều chỉnh ngay phương pháp giảng dạy cho phù hợp với học lực của sinh viên.

“Khi chưa thấy được nhu cầu thực tế để nắm bắt tính động của hệ thống, việc ứng dụng CNTT tại các trường vẫn bị xem nhẹ và đầu tư thiếu hiệu quả. Và một trong những rào cản chính của việc ứng dụng CNTT là con người chưa sẵn sàng đón nhận một hệ thống động”, ông Bình nói.

Đi tìm giải pháp ERP cho trường học

Đứng trước nhu cầu phát triển và nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, một số trường đại học đã bắt đầu tìm hiểu những giải pháp CNTT ứng dụng trong quản trị nhà trường.

Trường Hoa Sen, từ năm 1993 đã tự xây dựng nhiều hệ thống quản lý để đáp ứng nhu cầu phát triển của trường. Tuy nhiên, từ khi chuyển thành đại học (năm 2006), cùng với hệ thống đào tạo tín chỉ, những hệ thống CNTT trường tự xây dựng đã không đủ sức đáp ứng yêu cầu nắm bắt tính động của hệ thống đào tạo. Trường đã tìm đến các giải pháp khác nhau trong nước để tìm hiểu, mua và sử dụng nhưng vẫn không đáp ứng được.

Tháng Sáu vừa qua, Đại học Hoa Sen đã mạnh dạn đầu tư ban đầu 500.000 đô-la Mỹ (10 tỷ đồng) cho việc ứng dụng giải pháp Oracle PeopleSoft Enterprise Campus Solutions 9.0. Đây được xem như là giải pháp quản trị nguồn lực (ERP) trong nhà trường nhằm cải thiện việc quản lý hệ thống thông tin của sinh viên, quản lý tốt hơn các hoạt động và theo dõi suốt quá trình học của từng sinh viên, sắp xếp hợp lý hóa các nguồn thông tin nhằm tăng cường khả năng truy cập, nhờ đó thông tin phục vụ cho hơn 6.500 sinh viên, 400 giáo viên và nhân viên được thông suốt và truy cập từ một trình duyệt web bất kỳ.

Theo ông Bình, giải pháp này được xây dựng trên nhiều tình huống khác nhau và nó có thể được cấu hình lại để phù hợp với một môi trường khác. Dù trường đại học có đào tạo theo tín chỉ hay không theo tín chỉ thì khi triển khai giải pháp chỉ cần điều chỉnh các tham số trong hệ thống. Một trong những điểm mạnh của giải pháp này là loại bỏ các quy trình vốn tiêu tốn nhiều thời gian do phải chuyển đổi và lưu điểm bằng giấy, giảm thời gian dành cho việc theo dõi, quản lý tài sản của trường, cung cấp các báo cáo tổng quát về sinh viên và việc điều hành quản trị. Ngoài ra, giải pháp này cũng cho phép nâng hiệu suất sử dụng phòng học, đồng nghĩa với việc nâng hiệu suất giảng dạy…

Cùng với Đại học Hoa Sen, một số trường đại học khác như Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng cũng đang nỗ lực xây dựng một hệ thống thư viện số và cổng thông tin điện tử nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Mới đây, các trường này đã áp dụng thành công giải pháp cổng thông tin giáo dục và thư viện số được phát triển bởi Công ty cổ phần Tin học Lạc Việt và Tập đoàn IBM. Những giải pháp này xuất phát từ nhu cầu về tin học hóa công tác quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý đào tạo, tin học hóa quá trình dạy và học, điện tử hóa môi trường giao tiếp…

Giải pháp cổng thông tin điện tử dành cho giáo dục được phát triển với các phân hệ ứng dụng như quản lý hành chính BIO, quản lý thông tin đào tạo, quản lý tài chính, cơ sở vật chất AccNet BA, thư viện điện tử, mạng thông tin nhân viên, đào tạo trực tuyến, quản trị nhân sự-tiền lương… Giải pháp này cho phép hợp nhất với hệ thống ứng dụng như môn học, lịch học, điểm thi, bảng điểm, đăng ký môn học, bài giảng, đăng ký lịch giảng, bảng lương, báo cáo, e-mail…

Các tính năng của cổng thông tin điện tử giúp sinh viên làm chủ mọi thông tin liên quan đến quá trình học tập, giao tiếp với giảng viên và bộ phận quản lý; giảng viên linh hoạt trong giao tiếp với sinh viên và các nhà quản lý và chủ động trong công tác giảng dạy; các cán bộ quản lý nắm bắt toàn bộ hoạt động của trường thông qua các công cụ báo cáo, thống kê, phân tích “thông minh”; các nhân viên có thể đơn giản hóa quy trình thủ tục, tăng năng suất trong công việc.

Cùng với giải pháp cổng thông tin giáo dục, Lạc Việt và IBM cũng đang cung cấp phần mềm thư viện điện tử Vebrary, là một giải pháp thư viện điện tử tích hợp đáp ứng mọi nghiệp vụ quản lý thư viện hiện đại có khả năng tùy biến cao, linh hoạt, có khả năng kế thừa dữ liệu của các chương trình cũ (như CDS/ISIS). Phần mềm này hỗ trợ tiếng Việt và đa ngôn ngữ trong giao diện và sử dụng, cho phép chuyển ngôn ngữ tức thời, thực hiện tốt tính năng nhập nhiều ngôn ngữ vào cùng một trường và xử lý triệt để giải thuật tìm kiếm đa ngôn ngữ mà ít phần mềm quan tâm giải quyết; tìm kiếm toàn văn trên ấn phẩm điện tử.

Hiện các trung tâm thông tin - học liệu Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, các thư viện Đại học Hoa Sen, trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai và các thư viện tỉnh Trà Vinh và tỉnh Đồng Nai đang sử dụng giải pháp này.

(Theo Thu Hiền // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Internet sẽ làm marketing truyền thống biến mất?
  • Sử dụng phần mềm trong kinh doanh: Không đơn giản là vấn đề tuân thủ bản quyền
  • Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường ảo
  • Tính nhân văn của công nghệ
  • Công nghệ thông tin - những vấn đề đang tranh luận? (Phần 1)
  • Công nghệ thông tin - Những vấn đề đang tranh luận (Phần 2)
  • Sử dụng công nghệ một cách khôn ngoan
  • Ngăn đường hay chỉ lối?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com