Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Học thương mại điện tử trực tuyến

Kết quả cuộc khảo sát về tình hình đào tạo nhân lực cho ngành thương mại điện tử vừa được Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương công bố cho thấy có nhiều chuyển biến đáng kể so với cách đây hai năm. Ngành học Thương mại điện tử được giảng dạy tại một số trường như một môn học tự chọn hoặc môn học bổ trợ. Các chuyên gia trong ngành đánh giá rằng hoạt động đào tạo ngành này bắt đầu đi vào chiều sâu và hướng theo nhu cầu của thị trường.

Tại buổi hội thảo liên quan đến chủ đề nhân lực cho thương mại điện tử, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương, nói rằng cuộc khảo sát cũng đã ghi nhận việc một số trường đại học và cao đẳng chú trọng đầu tư cho việc xây dựng chương trình giảng dạy, phương pháp đào tạo.

Từ năm 2008 đến năm 2010, quy mô đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử đã tăng lên đáng kể, cụ thể, có thêm 15 trường đã đưa ngành học này vào nội dung đào tạo, tăng số lượng các trường giảng dạy về thương mại điện tử lên 62, chiếm khoảng một nửa trong 125 trường đại học và cao đẳng mà cục tiến hành khảo sát.

Chất lượng chưa theo kịp quy mô phát triển

Số lượng giảng viên ngành học tại các trường tính đến cuối năm 2010 (theo cuộc khảo sát) là 550 người, tăng 200 người so với cách đó hai năm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trường có giảng viên được đào tạo chuyên ngành, còn lại là giáo viên các ngành khác được bồi dưỡng thêm về thương mại điện tử hoặc tự nghiên cứu để phục vụ công tác giảng dạy.

Ông Hoàng Đình Phi, thành viên Ban cố vấn chiến lược cho Đại học Quốc gia Hà Nội kiêm Chủ nhiệm bộ môn Quản trị công nghệ - Đại học Kinh tế, tại buổi hội thảo đã giới thiệu kết quả một cuộc khảo sát về năng lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp của các sinh viên được đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử.Cuộc khảo sát thực hiện với 20 người đã tốt nghiệp loại khá chuyên ngành này trong năm 2009-2010 cho thấy đa số đều đánh giá mức độ hiểu biết các lý thuyết đã học ở trường thấp hơn số điểm thực tế mà họ đạt được. Những người trả lời còn cho biết họ ít có cơ hội sử dụng kiến thức các môn học vào công việc cụ thể ở doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng khoa Thương mại điện tử của trường Đại học Thương mại, cho biết chương trình đào tạo của trường có kết cấu tương tự các chương trình nước ngoài theo định hướng quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế sau gần sáu năm áp dụng đã đặt ra một số yêu cầu về việc nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể, trường cần tái cấu trúc một số học phần theo hướng tích hợp, giảm bớt nội dung trùng lặp hoặc tương tự nhau, đưa nội dung thực hành (thay cho thảo luận) vào một số môn học chuyên ngành. Trường cũng sẽ chuyển một số học phần có ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành tri thức và kỹ năng của sinh viên từ cơ chế tự chọn sang cơ chế bắt buộc. Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật (mạng, phần cứng và phần mềm) tại các phòng thực hành, trường sẽ xin phép thí điểm giảng dạy một số học phần chuyên ngành và thí điểm cho sinh viên viết luận văn, chuyên đề bằng tiếng Anh.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp về công tác đào tạo thương mại điện tử giai đoạn tới như: các trường chú trọng việc phối hợp, chuyển giao các chương trình tiên tiến về thương mại điện tử từ nước ngoài; tăng cường việc liên kết với các đối tác nước ngoài, mời giảng viên nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng đào tạo trực tuyến thương mại điện tử…

Hướng đi mới: Đào tạo trực tuyến

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 đã xác định một trong những công tác quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực cho ngành này. Trong năm năm tới các cấp quản lý sẽ tập trung vào công tác đào tạo chính quy chuyên ngành, đồng thời có chính sách hỗ trợ về vốn, về thuế nhằm khuyến khích các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Thoan, đại diện trường Đại học Ngoại Thương, cho rằng đào tạo trực tuyến là một giải pháp thích hợp, vừa góp phần nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin nơi người học, tính tự giác và khả năng giao tiếp qua các phương tiện điện tử và mạng viễn thông. Hệ thống dạy-học trực tuyến cũng là một hệ thống thông tin, do đó kinh nghiệm xây dựng, duy trì và phát triển cũng có những đặc điểm tương tự như các hệ thống giao dịch điện tử khác. Điều này sẽ giúp cho người học có những kinh nghiệm nhất định trong việc tổ chức thực hiện các giao dịch điện tử sau này.

Việc ứng dụng đào tạo trực tuyến còn tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng mạng tiếp cận, từ đó phổ cập nội dung thương mại điện tử dễ dàng hơn. Mặt khác, hình thức này còn cho phép thu hút đội ngũ giảng viên từ nhiều trường khác nhau, tận dụng được thế mạnh về chuyên môn của từng trường, từng cơ sở đào tạo về các mặt liên quan đến ngành thương mại trên mạng này.

Theo ông Thoan, việc xây dựng hệ thống dạy-học trực tuyến về thương mại điện tử tại các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn mang tính khả thi. Tuy nhiên, các trường cần đáp ứng những yêu cầu nhất định về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đội ngũ quản trị hệ thống và chi phí duy trì hệ thống hằng năm…

Đại diện các trường tại buổi hội thảo đã đề xuất Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin chủ trì việc phối hợp với các trường xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến về chuyên ngành này.

Ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một chương trình đào tạo trực tuyến đầy đủ về chuyên ngành thương mại điện tử bậc đại học. Tuy nhiên, có một số trường đã lồng ghép chương trình giảng dạy trực tuyến vào một số môn học ngành này.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Bùng nổ thị trường nội dung số
  • Hái ra vàng nhờ bảo mật di động
  • Facebook đang dần 'thất sủng'
  • Ứng phó trong môi trường di động
  • Điện toán đám mây cho thiết bị di động
  • Lược sử biến tướng của tin tặc
  • Từ “lớp học Facebook”
  • Dịch vụ đám mây giúp tăng doanh số dịch vụ CNTT
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com