Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thiết kế trò chơi “thực tế tăng cường”

Kênh PBS Kids đang phát triển trò chơi điện tử thực tế tăng cường mang tính giáo dục cho trẻ em.

Trò chơi điện tử kết hợp giữa nội dung do máy tính tạo ra và hình ảnh từ thế giới thực đang trở thành tâm điểm chú ý của các nhà sản xuất trò chơi điện tử cho trẻ em.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những trò chơi điện tử kết hợp công nghệ và thực tế có thể mang lại một số lợi ích cho trẻ, như giúp các em trở nên năng động, tích cực hơn, đồng thời khơi dậy trí tưởng tượng của chúng. Thiết kế các trò chơi này được dự đoán sẽ là xu hướng của nhiều năm tới.

Xu hướng lớn kế tiếp trong lĩnh vực trò chơi điện tử cho trẻ em là đưa nó ra bên ngoài khuôn khổ chiếc máy tính. Điều này thể hiện rõ qua việc các công ty truyền thông lớn và nhỏ ở Mỹ đang thử nghiệm những công cụ mới kết hợp công nghệ và thực tế trong nỗ lực giúp các em học được nhiều thứ hơn. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu cũng bắt tay tìm hiểu xem liệu những công cụ mới này có giúp trẻ học tốt hơn so với trò chơi điện tử máy tính thông thường hay không.

Kết hợp công nghệ và thực tế

Vào tháng Giêng, kênh truyền hình thiếu nhi PBS Kids bắt đầu thử nghiệm những trò chơi sử dụng công nghệ “thực tế tăng cường” – sự kết hợp giữa nội dung được tạo bởi máy tính và hình ảnh từ thế giới thực.

Sử dụng công nghệ này, một máy tính hoặc điện thoại thông minh có thể nhận biết các đồ vật và cung cấp thông tin về chúng. Trẻ em cũng có thể di chuyển đồ vật thật để khiến một điều gì đó xảy ra trong trò chơi điện tử máy tính. Những trò chơi điện tử khác thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và ảo bằng cách yêu cầu các em ghi lại hoạt động của mình bằng cách chụp hình, quay video hoặc lưu lại vị trí thông qua thiết bị tích hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Trẻ em thường chơi những trò chơi điện tử này với sự giúp đỡ của cha mẹ.

Những kỹ thuật gắn kết công nghệ với thế giới thực đang thu hút nhiều sự chú ý trong vài năm qua, nhất là khi các thiết bị di động trở nên mạnh mẽ hơn. Các nhà quảng cáo thuộc số công ty đầu tiên sử dụng những công cụ này. Giờ đây, đến lượt các “đại gia” sản xuất đồ chơi và trò chơi điện tử bắt đầu quan tâm đến chúng. Hãng đồ chơi Mattel đang hợp tác với Qualcomm để phát triển những trò chơi điện tử sử dụng công nghệ thực tế tăng cường. Trong khi đó, máy chơi trò chơi điện tử mới 3DS của Nintendo cũng có các tính năng thực tế tăng cường.

Những nỗ lực nói trên của PBS Kids khác biệt ở chỗ chúng tập trung vào mục đích giáo dục và hướng vào những em chỉ mới 4 hoặc 5 tuổi.

Sara DeWitt, Phó chủ tịch tương tác của PBS Kids, cho biết: “Chắc chắn sẽ có không ít người thắc mắc về việc đưa các yếu tố 3D hoặc đời thật vào trong trò chơi điện tử cho trẻ em. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng một khi trẻ em bị thu hút bởi những trò chơi điện tử thực tế tăng cường, chúng có thể học hỏi được nhiều điều hơn”.

Vào năm ngoái, PBS Kids tung ra thị trường một trò chơi điện tử dựa theo một bộ phim hoạt hình nói về khủng long của mình. Trò chơi này cho phép trẻ em in bức ảnh một quả trứng khủng long, giơ nó ra trước một chiếc webcam để làm cho quả trứng này nở thành khủng long con trên màn hình máy tính. Ngoài ra, PBS Kids còn thử nghiệm một số trò chơi điện tử thực tế tăng cường chơi trên thiết bị di động. Một trong số các trò chơi này cho phép trẻ em tìm kiếm, phân loại và đo đạc xương khủng long ảo. Một trò chơi điện tử khác cho phép trẻ em và cha mẹ sử dụng thiết bị tích hợp GPS để tìm kiếm những hộp chứa những vật liệu liên quan đến chủ đề khủng long được giấu tại một tọa độ nhất định.

Tiềm năng giáo dục

PBS Kids đang sử dụng một phần của khoản trợ cấp 72 triệu đô-la Mỹ từ Bộ Giáo dục Mỹ để nghiên cứu xem liệu trò chơi điện tử thực tế tăng cường có thể giúp ích cho những kỹ năng của trẻ, như phân loại, đo lường…

Một khó khăn mà các nhà nghiên cứu gặp phải trong các cuộc thử nghiệm ban đầu của họ: nhiều công nghệ thực tế tăng cường hiện tại được thiết kế cho người lớn sử dụng. Chẳng hạn như một số công nghệ đòi hỏi người sử dụng giữ camera của điện thoại ở một khoảng cách nhất định so với một đồ vật đặt trên bàn. Tuy nhiên, trẻ em có xu hướng đứng gần đồ vật hơn vì chúng thấp hơn người lớn. Thêm vào đó, nhiều trẻ có thể không hiểu những gì chúng chứng kiến khi chúng nhìn vào công nghệ thực tế tăng cường hoặc khi tìm cách chạm nhiều lần vào những đồ vật không tồn tại thực sự.

Tuy nhiên, ông Blair MacIntyre, một giáo sư tại Viện công nghệ Georgia (Mỹ), nhận định rằng một khi những vấn đề nói trên được giải quyết, trò chơi điện tử thực tế tăng cường có nhiều tiềm năng giáo dục, như có thể giúp cải thiện những hoạt động ngoài đời thực của trẻ em. Trong khi đó, công ty trò chơi điện tử Awkward Hug cho rằng trò chơi điện tử thực tế tăng cường mang lại những kiến thức về truyền thông và công nghệ vốn là những nội dung ngày càng cần thiết đối với trẻ em.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // Wall Street Journal)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Những điểm chung giữa ExxonMobil và... Microsoft
  • Cuộc chiến lẫn lộn thật giả ở Trung Quốc
  • Phil Geier - người xây dựng kỹ nghệ truyền thông
  • Cuộc đua trên thị trường Internet tốc độ cao
  • Bài toán chi phí cho việc tái cấu trúc trung tâm dữ liệu
  • Bong bóng dot-com đang trở lại?
  • Châu Á dẫn đầu thế giới về tin nhắn rác
  • Năng lượng mặt trời là giải pháp thay thế bền vững
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com