Phil Geier, cựu Tổng giám đốc Interpublic. |
Philip H. Geier Jr được xem là một trong những người đi đầu trong kỹ nghệ truyền thông (communications industry), được biết đến nhiều trong vai trò tổ chức và điều hành loại hình công ty mẹ giữ cổ phần quyết định (holding-company), biến Interpublic từ một công ty bình thường thành nhà quảng cáo hàng đầu thế giới cho hơn 4.000 thương hiệu lớn trên toàn cầu. Nhưng trọng tâm của Geier là phát triển mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm (client-centric business model) tạo nên giai đoạn bắc cầu ấn tượng từ nền kinh tế truyền thống sang giai đoạn toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức.
Thực ra mô hình kinh doanh của Geier đã nhanh chóng trở thành mẫu mực cho các hệ thống toàn cầu khác. Từ mục tiêu không thay đổi nhắm vào các mối quan tâm của khách hàng trong thời gian 20 năm liên tục đảm nhận vai trò Chủ tịch và Tổng giám đốc, Geier đã giữ cho cổ phiếu của Interpublic đạt mức tăng trưởng chung 22% mỗi năm. Những kinh nghiệm quý báu của ông cùng các nhà doanh nghiệp nổi tiếng khác khi phải vượt qua các cơn suy thoái cùng những phân tích các chu kỳ kinh tế nay được biên soạn thành cuốn Survive to Thrive (tạm dịch là “Sống còn để bùng phát”), trở thành sách gối đầu cho các doanh gia và sinh viên chuyên ngành.
Con người của sự linh hoạt
Lớn lên trong thời kỳ đại suy thoái kinh tế và là anh cả trong một gia đình có sáu cậu con trai, Phil được bạn bè gán cho cái tên Deals Geier nhờ tính cách xoay xở và nhạy bén trong việc kinh doanh. Thực ra Phil chỉ bắt đầu sự nghiệp vào năm 1958 khi đến làm việc ở McCann-Erickson tại Cleveland quê nhà. Ông tiếp nhận được tâm huyết và tầm nhìn liên kết công ty của vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc lúc bấy giờ là Marion Harper và nhờ đó thăng tiến rất nhanh. Phil chuyển về văn phòng chính ở New York rồi sang London đảm nhận vị trí Giám đốc khu vực của MacCann-Europe.
Sự thành công ấn tượng đã đưa Phil Geier lên làm Phó chủ tịch công ty mẹ của McCann là Interpublic năm 1975. Sang năm 1980, người đàn ông 45 tuổi đầy khôn ngoan và năng lực này được bầu làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Interpublic cho đến khi về hưu cuối năm 2000. Hơn 20 năm dưới sự dẫn dắt của Geier, Interpublic phát triển từ mức doanh thu 500 triệu đô la Mỹ với 8.000 nhân viên lên 5,6 tỉ đô la và hơn 50.000 nhân sự làm việc tại 650 văn phòng ở 127 quốc gia. Với việc sáp nhập một loạt các hãng quảng cáo và công ty công nghệ truyền thông như Campbell-Ewald, SSC&B and Lintas, The Lowe Group, Draft, Deutsch, Shandwick, Interpublic ngày nay trở thành tập đoàn quảng cáo hàng đầu thế giới.
Thực ra việc hình thành tập đoàn kinh tế chuyên ngành theo kiểu công ty mẹ nắm quyền điều khiển như The Interpublic Group of Companies, Inc. là cả một quá trình sáng tạo. Năm 1956, Marion Harper đã khởi đầu với việc mua hãng quảng cáo Marshalk Company ở New York nhưng lại cho McCann và Marshalk hoạt động độc lập và cạnh tranh khách hàng lẫn nhau. Một hãng sản xuất camera có thể thuê McCann quảng cáo mà không e ngại đối thủ khác được Marshalk hỗ trợ. Lúc đầu người ta nghi ngờ, nhưng rồi tầm nhìn này của Harper tỏ ra sắc sảo. Cả hai công ty phát triển rất mạnh và mang về nhiều lợi nhuận. Từ những kinh nghiệm đó, tháng 1-1961 Interpublic ra đời tạo nên loại hình công ty mẹ nắm giữ cổ phiếu quyết định, và rồi tiếp theo sáu năm mở rộng và mua lại nhiều hãng quảng cáo ở các nước khác nhau, biến Interpublic trở thành tập đoàn quảng cáo toàn cầu.
Nguyên tắc “sáng tạo vượt qua suy thoái”
Survive to Thrive thành sách gối đầu. |
Trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Người lãnh đạo (Leader Magazine) về nhu cầu cắt bỏ truyền thông và quảng cáo nhằm dồn sức vượt qua khủng hoảng kinh tế, Phil Geier trả lời thẳng thắn: Đó là một sai lầm lớn. Nhiều công ty lớn nhỏ đã giảm bớt hoặc cắt bỏ kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và truyền thông quảng cáo, vô hình trung loại bỏ luôn các sáng tạo nảy nở từ đó. Nhưng ngược lại cũng có công ty vẫn duy trì tầm nhìn về tương lai như Apple Inc. dẫn đến việc họ tiếp tục thành công và rồi cất cánh trước khi tình trạng suy thoái thực sự chấm dứt. Ông phát biểu: “Tôi đã cố gắng cho mọi người thấy rằng sáng tạo là rất quan trọng để vượt qua cơn suy thoái – đó chính là lúc để bạn đặt các khoản đầu tư và duy trì tầm nhìn đem công ty vượt qua”.
Đây không chỉ là những lời khuyên lý thuyết bởi chính Geier đã nhiều lần đối diện với những khủng hoảng từ công ty mẹ đến các công ty thành viên, kể cả các công ty trên bờ phá sản mà lời khuyên của ông là cùng tham gia tập đoàn để tạo nên thế liên kết mà thăng tiến. Cần nhắc lại rằng các công ty con của Tập đoàn Interpublic hoạt động độc lập, phát huy những sáng kiến riêng và luôn cạnh tranh với nhau để trở nên mạnh mẽ hơn. Kinh tế luôn là sự vận động và chỉ các chủ doanh nghiệp biết cầm chắc tay lái khi đang tụt dốc thì mới lấy đủ đà để leo nhanh lên phía bờ dốc. Đây chính là nguyên tắc khi Geier dẫn dắt tập đoàn truyền thông quảng cáo Interpublic trước thử thách của sự xuất hiện và phát triển cực nhanh hình thức tiếp thị trực tuyến.
Sau một thập niên hoàn thiện sáng kiến quản lý mới dựa trên mối liên kết giữa công ty mẹ và các công ty con, đầu những năm 1990 Geier nhận ra một đối thủ đáng gờm của công nghệ thông tin là Internet. Người ta biết rằng có thể tiếp thị hữu hiệu bằng kỹ thuật trực tuyến nhưng Internet không thể dán nhãn Coca-Cola lên trên sản phẩm. Interpublic vẫn là tập đoàn quảng cáo truyền thống hàng đầu và có giá cổ phiếu hằng năm tăng cao nhất. Sự kiện gần như là huyền thoại khi chỉ trong ba ngày đầu tháng 12-1993 giữa thời kỳ suy thoái, Interpublic nhận luôn ba hợp đồng trị giá 1 tỉ đô la, một của Johnson & Johnson và hai của General Motors, trong đó 500 triệu đô la dành cho Lintas quảng cáo trên truyền hình. Phil vẫn luôn giữ vững quan điểm cạnh tranh bằng sáng tạo: “Khách hàng có thể chọn cái gì họ muốn bởi đơn giản là nó được sử dụng như thế nào”.
Phương châm “sống còn để bùng phát”
Rời vị trí lãnh đạo tập đoàn vốn thu hút hết công sức, Phil Geier đã có thể dành nhiều thời gian cho công tác từ thiện đối với những người ông hằng yêu mến là các trẻ em mắc chứng tự kỷ và bệnh nhân ung thư; lấy kinh nghiệm xương máu của mình viết nên cuốn Survive to Thrive giúp các doanh nghiệp xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển. Ông lập nên một tập đoàn nhỏ gọi là The Geier Group LLC thực hiện các dịch vụ cố vấn và tư vấn như một môi trường thực nghiệm các sáng kiến mới nhằm cập nhật hóa khả năng ứng phó cho các doanh nghiệp trước tốc độ toàn cầu hóa nhanh chóng, các thay đổi của nền kinh tế song song với biến đổi khí hậu, và nhất là trước các chu kỳ kinh tế sắp tới.
Với The Geier Group LLC, Phil cung cấp các ý kiến tư vấn sáng tạo trong nghệ thuật tiếp thị giúp các công ty khách hàng cải thiện hiệu quả kinh doanh và làm tăng mức định giá cổ phiếu doanh nghiệp bằng nghệ thuật xác định vị trí nhãn hiệu, lập kế hoạch khai thác phương tiện truyền thông, triển khai việc quảng cáo và quy trình chấp nhận, và phương pháp cách ly các đối thủ cạnh tranh. Nhưng trong Survive to Thrive, vị cựu Tổng giám đốc Interpubic giải thích các nguyên tắc mấu chốt để doanh nghiệp có thể vượt qua các giai đoạn khủng hoảng của chính mình hay thời kỳ kinh tế suy thoái bằng việc: duy trì tầm nhìn dài hạn trong khi thích ứng với thực tại, sử dụng óc sáng tạo chiến lược để tạo nên thương hiệu và phát triển thị phần, truyền đạt hiệu quả chiến lược kinh doanh cho các nhân viên và giúp họ thực hiện, thúc đẩy nhân viên và qua họ truyền cảm hứng đến các khách hàng và đánh giá đúng các cơ hội đến trong cuộc sống và trong việc kinh doanh.
_________________________________
Tài liệu tham khảo:
- Geier Group CEO Phil Geier: http://chiefexecutive.net/
- The Geier Group: http://www.geiergroup.com/aboutus.html
- Survive to Thrive: Sustaining Yourself, Your Brand and Your Business from Recession to Recovery: http://survivetothrivethebook.com/geier-bio.htm
- The Interpublic Group of Companies, Inc.: http://www.fundinguniverse.com/company-histories/The-Interpublic-Group-of-Companies-Inc-Company-History.html
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com