Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xâu xé miếng bánh web

Người sử dụng điện thoại di động và máy tính trên môi trường internet đang tạo ra một nền tảng dữ liệu quan trọng cho các nhu cầu kinh doanh số. Từ đây, một dòng chảy ngầm diễn ra trên thị trường nội dung web mà hầu hết các tập đoàn lớn đang vào cuộc cạnh tranh.

Tạo ra một kênh để thu hút cộng đồng rồi từ đó mở rộng các dịch vụ nội dung theo mô hình khép kín để kéo dần các khách hàng từ đơn lẻ chuyển sang kết nối hệ thống là mô hình đầu tư mà hầu hết những nhà kinh doanh web đang theo đuổi.

Phong toả các nẻo đường web

Công ty truyền thông Việt Nam (VC Corp.) là điển hình của mô hình đầu tư "phong toả" các dịch vụ web. Ngoài trang tin tức dantri.com.vn, VCCorp nhanh chóng vươn lên top 5 nhà cung cấp dịch vụ trên nền internet hiện nay nhờ sở hữu năm website thương mại điện tử có lượng truy cập lớn (rongbay.com, enbac.com, muare.vn, muachung.vn, pay.soha.vn); sáu kênh thông tin trong các mảng thị trường "hot" như chứng khoán (cafef.vn), ôtô (autopro.com.vn), trò chơi tương tác (socnhi.com), thông tin cho giới trẻ (kenh14.vn), gia đình (afamily.vn)... Công ty này còn có cổng tra cứu ngữ nghĩa chuyên ngành baamboo.com, dịch thuật và chia sẻ kiến thức tratu.com, chia sẻ cộng đồng với linkhay.com và sannhac.com.

Việc đầu tư như vậy là mô hình phổ biến của các doanh nghiệp lớn, mạnh về tài chính và các nguồn lực nhắm vào các mục tiêu dài hạn. Tạo ra nhiều dịch vụ ngách để thâu tóm cộng đồng và trên nền tảng đó đưa ra nhiều dịch vụ khác nhau. Trong hệ thống của "ông lớn" FPT với chiến lược FPT 2.0, bên cạnh báo điện tử VnExpress còn có sohoa.net, ngoisao.net. FPT cũng "phong toả" với loạt dịch vụ trực tuyến họ "vi" từ bản đồ số vimap.vn, thư viện trực tuyến violet.vn, bán hàng trực tuyến vimua.net, chat qua điện thoại Vitalk... Trang nhacso.net sau thời gian bị "thất sủng" cũng được thiết kế lại theo mô hình mạng xã hội âm nhạc bên cạnh mạng xã hội khác là http://banbe.net.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, phó tổng giám đốc FPT Online, cho biết hơn 30% số dân đang sử dụng internet là một thị trường khổng lồ về nhu cầu của người dùng. FPT luôn quan tâm đến việc tìm kiếm những đối tác đang phát triển các mảng dịch vụ nội dung có thể khai thác được cộng đồng này. "Chúng tôi đưa ra một chiến lược mạnh mẽ để hỗ trợ và hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh thành công trên môi trường internet, các công ty khởi nghiệp hay các bạn trẻ có ý tưởng tốt".

Các mạng viễn thông vốn đi sau về dịch vụ web, gần đây cũng bắt đầu tận dụng các lợi thế của mình. Viettel cũng mở mạng xã hội, kho nội dung số, cổng âm nhạc... VNPT đã đầu tư khá sớm nhưng không mấy thành công do xoay trở chậm trong khi các doanh nghiệp trong mảng này phản ứng khá nhanh với thị trường. Những thành viên của VNPT cũng sở hữu nhiều dịch vụ như công ty công nghệ và truyền thông, công ty phần mềm và truyền thông VASC, cổng giải trí VDC-net2e, du lịch vnptetravel, thanh toán vnptepay... Đáng chú ý là tập đoàn truyền thông VTC mới "bừng tỉnh" vài năm nay nhưng đã nhanh chóng tung ra nhiều dịch vụ để trở thành nhà cung cấp có vị trí thứ sáu trên thị trường hiện nay.

Có thể nói VNG là điển hình của sự trỗi dậy từ một mảng game trực tuyến, nhanh chóng thu hút cộng đồng, mở rộng dịch vụ và vươn lên vị trí dẫn đầu về cộng đồng, vượt qua cả các đối thủ khá mạnh từ Yahoo, Facebook và cả các tập đoàn vốn có nhiều lợi thế hơn về hạ tầng mạng lẫn nguồn lực tài chính. Cổng tích hợp thông tin zing.vn với hàng loạt dịch vụ tên Zing từ mạng xã hội, tin tức, bán hàng qua mạng cho đến âm nhạc, mua sắm cộng đồng... Nhiều doanh nghiệp khác cũng đi từ mô hình nhỏ và mở rộng như Vega, Naiscorp, Vật Giá...

Thử nhìn vào top 100 website có lượng truy cập hàng đầu hiện nay, rất nhiều dịch vụ ở thị trường ngách khá thành công và trụ vững lâu nay như diễn đàn về tin học ddth.com, trang âm nhạc nhaccuatui.com, thư viện sách tailieu.vn, kiến thức gia đình webtretho.com, kiến thức phần mềm máy tính vn-zoom.com, cổng rao vặt muaban.net... Những công ty đi vào thị trường ngách vẫn phát triển tốt và có tính năng động cao. Vốn phát triển bằng ý tưởng, việc sở hữu cộng đồng của họ dễ thu hút được nguồn tài chính để phát triển với quy mô lớn hơn.

Ai thắng ai?

Theo bà Trương Tố Linh, giám đốc kinh doanh công ty Mekongcom, các loại hình kinh doanh trên mạng internet ngày càng đa dạng và nhiều doanh nghiệp tham gia. Có hai nhóm chính rõ rệt: nhóm có hệ thống kinh doanh chuyên nghiệp khai thác hầu hết các mảng và nhóm nhỏ lẻ tập trung vào thị trường hẹp. Các mô hình nhỏ đang vận hành độc lập, đa phần là tự phát triển. Khi có được quy mô cộng đồng nhất định, họ kêu gọi đầu tư mở rộng.

Dịch vụ cũng hình thành hai phân khúc: các hình thức trực tuyến như mạng xã hội, cổng thông tin, diễn đàn... và kinh doanh thương mại điện tử. Nhóm thương mại điện tử muốn bứt phá cần tạo được khác biệt và lợi thế riêng so với các dịch vụ khác. Theo bà Linh, không chỉ năng lực vận hành và dịch vụ sản phẩm mà kinh doanh trên mạng gặp thách thức lớn về sự sáng tạo trong marketing vì các dịch vụ trên nền internet thay đổi rất nhanh, nếu nhận diện tốt mới có thể vượt trội. Nếu không được đầu tư đúng mức về kho vận, giao nhận, quy trình quản lý thì khó đáp ứng được số lượng giao dịch lớn. Vì thế về lâu dài những doanh nghiệp có khả năng tài chính vẫn nắm lợi thế.

Các nhà đầu tư nhận định doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ lặp lại chiến lược cơ bản này: đầu tư bài bản về công nghệ, dịch vụ và theo kịp các trào lưu tương tác mới. Chưa biết ai sẽ thắng nhưng internet đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào cuộc chạy đua tìm kiếm cộng đồng, nơi có đến 86 triệu dân và hơn 50% là đối tượng tiêu dùng trực tiếp. Theo các nhà đầu tư, hạ tầng đang hoàn thiện, khi nền kinh tế có dấu hiệu vụt sáng thì các cuộc mua bán sáp nhập ở khu vực này chắc chắn sẽ diễn ra sôi động hơn. Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, nhu cầu và xu hướng phát triển tất yếu là bất cứ dịch vụ nào trên internet hiện muốn phát triển tốt phải phối hợp nhịp nhàng được trên các thiết bị di động.

(Theo SGTT)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Giải pháp lưu trữ dữ liệu lớn
  • Chín kỹ năng CNTT cần thiết trong năm 2012
  • Các công ty web và cuộc chiến bằng sáng chế
  • IBM vượt Microsoft về giá trị vốn hóa sau 15 năm
  • Giải pháp phát triển thành phố thông minh
  • Phương thức thanh toán di động Facebook tệ nhất
  • 10 dấu ấn công nghệ của Steve Jobs
  • Yevgeny Kaspersky – Hiệp sĩ trong cuộc chiến tranh mạng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com