Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ba phương pháp thay đổi thói quen hiệu quả

Tại sao chúng ta lại cương quyết chống trả lại ngay cả những điều mà bản thân chúng ta cũng biết rằng chúng có lợi cho mình?

LTS:Bill Taylors là đồng sáng lập tạp chí Fast Company (Công ty phát triển nhanh). Ông cũng là đồng tác giả của cuốn sách Mavericks at Work (Những kẻ nổi loạn nơi công sở).

Trong bài viết sau, ông chia sẻ một số nguyên tắc đơn giản để thay đổi các thói quen cố hữu có ảnh hưởng tai hại tới chúng ta. Mời bạn đọc tham khảo và đóng góp ý kiến về hotline@vietnamnet.vn.

Tôi biết chứ, không có gì chán hơn việc các tay blogger cứ thi nhau lên mạng kể lể về các trải nghiệm cá nhân rồi tung ra đủ thứ triết lý mới về cuộc sống, công việc, hay xã hội. Tuy vậy, tôi vẫn mong rằng bạn đọc sẽ châm chước cho tôi lần này, vì tôi sẽ nhân một chuyện nhỏ là sự trau dồi bản thân để đề cập tới một khía cạnh lớn hơn, là tạo ra những thay đổi trong các tổ chức.

Ngày Lao Động đã qua rồi, tôi xin thông báo về kết quả một dự án riêng tôi đã theo đuổi suốt cả mùa xuân và mùa hè vừa qua - đó là dự án giảm cân. Sau 22 tuần qua, tôi đã giảm tới 14kg. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cá nhân tôi, bởi lẽ cuối cùng tôi cũng thực hiện được cái ước mơ đeo đẳng mình bấy lâu - giảm trọng lượng cơ thể xuống bằng mức thời còn là sinh viên, tức cách đây hơn 25 năm.

Khi ngồi nghĩ lại những bài học đã rút ra trong 22 tuần qua, tôi không khỏi nhớ về một bài báo từng là đề tài bàn luận sôi nổi mà chúng tôi đã đăng tải trên tạp chí Fast Company cách đây 5 năm.

Bài báo có tựa đề "Thay đổi hay là chết" với nội dung nói về vô vàn những khó khăn khi cố gắng thực hiện những thay đổi bản chất đối với những thói quen đã ăn sâu bén rễ trong con người, cho dù ngay cả khi họ biết rằng cái giá của thất bại có thể là cái chết (do bị nhồi máu cơ tim chẳng hạn).

Bài báo có đoạn viết: "Người ta thường nói khủng hoảng sẽ tạo đà cho thay đổi. Nhưng đến bệnh tim nặng vốn cũng là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà con người phải đối mặt cũng chẳng thể khiến người ta "nhúc nhích" - hoặc có nhưng chưa đủ lực. Tương tự, việc đưa ra những phân tích chính xác cùng những thông tin thực tế về tình trạng của người bệnh cũng chẳng có chút tác động nào tới bản thân họ.

Vậy thì phải làm thế nào? Tại sao việc thay đổi lại gian nan đến vậy? Não bộ của chúng ta được lập trình ra sao mà nó lại có sức phản kháng với thay đổi mạnh mẽ nhường ấy? Tại sao chúng ta lại cương quyết chống trả lại ngay cả những điều mà bản thân chúng ta cũng biết rằng chúng có lợi cho mình?"



Thay đổi bản thân khó hơn đổi thay... thế giới?

Đó là những câu hỏi lớn, cho dù vấn đề đang bàn liên quan đến sự sống còn của cá nhân hay của một tổ chức. Và chúng cũng là những câu hỏi mà tôi băn khoăn bấy lâu. Sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường, và tôi chỉ muốn giảm đi vài kg thôi. Song trong suốt 25 năm có lẻ, tôi vẫn chưa từng có lần nào đạt được cái mục tiêu đó, cho dù gần như ngày nào tôi cũng chăm chỉ luyện tập thể thao.

Vậy tại sao lần này, sau bao nhiêu thất bại trước đây, tôi lại thành công? Sau đây tôi xin nêu lên ba lý do giải thích cho thành tích giảm cân của mình, kèm theo đó là đôi điều suy nghĩ của tôi về vai trò của chúng trong các thay đổi có tính thách thức cao hơn.

1. Ngôn từ rất quan trọng, và ngôn từ của hy vọng sẽ đánh bại ngôn từ của nỗi sợ.

Tôi không bao giờ tự nhủ (hoặc nói với người khác) rằng mình đang "ăn kiêng". Lúc nào tôi cũng nói rằng tôi đang theo đuổi một "chế độ dinh dưỡng" để nâng cao sức khỏe. Điều đó đã tạo ra một khác biệt thật sự.

Thứ ngôn ngữ liên quan tới chủ đề "ăn kiêng" hàm chứa ý nghĩa về sự hy sinh, từ chối, và cuối cùng là thất bại. Nó gợi đến những thói quen tệ hại mà bạn đang cố gắng từ bỏ, những gì bạn phải bỏ lại, chứ không phải là những điều tốt đẹp mà bạn sẽ bắt tay vào làm và những gì bạn sẽ xây dựng nên từ nay về sau.

Chính cái ý thức về việc "thực hiện một chương trình nâng cao sức khỏe" (chứ không phải "theo đuổi một chế độ ăn kiêng") đã giúp tôi biết tập trung vào những biến chuyển tích cực, vào những gì sẽ xảy đến trong tương lai thay vì chìm đắm trong những nuối tiếc về những sai lầm trước đây.

Vậy là, ngôn ngữ có một vai trò rất lớn trong các kế hoạch thay đổi. Cũng trong bài báo trên, bác sĩ Dean Ornish đã giải thích tại sao ông không dùng "nỗi sợ chết" làm yếu tố khích lệ người khác thay đổi nữa; thay vào đó, ông hướng họ tới những "niềm vui trong cuộc sống". Theo ông, niềm vui "là động lực mạnh mẽ hơn nỗi sợ".

Dĩ nhiên, điều mà ông không nói đến là rất nhiều vị quản lý lại đi ngược lại với điều đó, họ tìm cách tạo sự thay đổi dựa trên nỗi sợ - nào là nếu không cắt giảm chi phí, hay tăng lợi nhuận, hay loại bỏ thời gian chết giữa các chu kỳ kinh doanh, chúng ta sẽ phá sản mất. Vì thế, tôi xin đưa ra một thách thức cho giới lãnh đạo: Các vị làm thế nào để giải thích về mục tiêu mà các vị đang hướng nhân viên tới so với những thói quen mà các vị muốn họ từ bỏ? Các vị làm thế nào để hướng họ tập trung vào những niềm vui của sự tiến bộ thay vì nỗi sợ thất bại?

2. Càng đơn giản càng tốt.

Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ giảm cân thành công nếu không nhờ những lời khuyên chí tình của Joan Buchbinder, một nhà dinh dưỡng học kỳ lạ làm việc tại Boston Celtics.

Joan không có những lý thuyết điên cuồng, không có các quan điểm cực đoan, và cũng không đặc biệt mê mẩn thứ gì. Bà chỉ đưa ra những nguyên tắc vàng vui vẻ và đơn giản về dinh dưỡng, kèm theo đó là các thông tin dễ hiểu về việc nên ăn những thực phẩm nào, nên mua sắm ra sao, và quan trọng hơn cả là, nên mua gì (theo từng hạng mục thực phẩm, từng nhãn hiệu, và từng bữa ăn).

Nói cách khác, sự thay đổi triệt để là kết quả của tất cả những bước đi thực tế. Không phải nhờ sự lãnh đạo tài tình hay tầm nhìn rộng lớn, các thói quen mới được hình thành và củng cố dựa vào sự đơn giản và đều đặn. Nhưng như thế không có nghĩa là phải thực hiện thay đổi một cách từ tốn, chậm rãi. Ngược lại thì đúng hơn.

Để những thay đổi lớn diễn ra được nhanh chóng, chúng ta phải áp dụng các cách làm việc, hợp tác, hay ăn uống mới - song cần phải xác định rõ ràng các thói quen mới.

Dean Ornish cũng đã đề cập tới điểm này trong bài báo "Thay đổi hay là chết". Ông phát hiện ra rằng "những thay đổi triệt để, rộng lớn, và toàn diện thường dễ thực hiện hơn so với những thay đổi nhỏ, không mấy quan trọng.

Chẳng hạn, ông nói rằng những người chỉ thay đổi thói quen ăn uống ở mức vừa phải sẽ chịu tác động tiêu cực từ cả hai phía: một mặt họ cảm thấy đói và thèm ăn vì không được ăn những gì mình thích, mặt khác họ lại không tạo ra được những thay đổi đủ lớn để giúp họ nhận ra những cải thiện trong tâm lý". Chương trình của Ornish rất mới lạ - song ông diễn đạt nó thông qua những gợi ý hết sức chi tiết và dễ thực hiện.

3. Thành công nuôi dưỡng thành công.

Có lẽ đây là kết luận ít tính bất ngờ nhất, nhưng đó cũng là điều mà tôi được trải nghiệm rất thường xuyên. Thật tuyệt vời khi thấy việc giảm đi một vài kg lại tạo thêm cho bạn lòng nhiệt tình để tiếp tục giảm thêm vài kg nữa. Một phần đó là do các chiến thắng nhỏ giúp làm tăng lòng tự tin trong bạn, một phần đó là do người ngoài bắt đầu nhận ra sự thay đổi ở bạn và đưa ra những phản hồi tích cực, khiến bạn càng thêm quyết tâm theo đuổi mục tiêu.

Nói về thay đổi, thì các chiến thắng lớn thường là kết quả của một chuỗi những thành tựu nhỏ.

Đó cũng là quan điểm mà John Kotter, chuyên gia hàng đầu về thay đổi ở Trường Kinh doanh Harvard, liên tục nêu lên trong nhiều năm; ông còn đề cập tới điểm này trong bài báo "Thay đổi hay là chết".

Bài báo có đoạn: "Cần phải liên tục xác định, hoàn thành, và tán thưởng những kết quả khiêm tốn nhưng tích cực vì chúng sẽ giúp nâng cảm xúc lên một tầm cao mới. Kotter tin rằng "các thành tựu ngắn ngủi" có vai trò quan trọng đối với các công ty, tức là 'các chiến thắng giúp nuôi dưỡng niềm tin vào nỗ lực thay đổi, nâng cao tinh thần của những người cố gắng hết mình, tránh xa những lời chỉ trích phê phán, và xây dựng động lực.

Nếu thiếu những chiến thắng rõ ràng, kịp thời, và có ý nghĩa, chắc chắn các nỗ lực thay đổi sẽ gặp vô vàn những rắc rối nghiêm trọng'".

Tôi hy vọng rằng các nỗ lực thay đổi của bạn đọc - dù là thay đổi về đời tư hay công việc - sẽ không gặp phải những rắc rối nghiêm trọng nào. Và tôi cũng mong rằng các bạn sẽ không cảm thấy lãng phí thời gian vì đã đọc những chia sẻ của cá nhân tôi về lĩnh vực này.

( Theo Thủy Nguyệt (dịch từ Blog Harvard) // vnr500 online )

  • 3 cuộc cách mạng nhờ IT trong doanh nghiệp
  • Khám phá giá trị tiềm ẩn của công ty bạn?
  • Những cạm bẫy trong công ty mới
  • Khi nào doanh nghiệp cần thay 'bộ cánh' mới?
  • Vượt qua những thách thức quản lý
  • Tại sao các nhân viên lại ngại đưa ra ý kiến?
  • Các tổ chức theo kiểu “thuận cả đôi đường”
  • Tránh cái nhìn thiển cận trong quản lý doanh nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com