Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyên gia: Thị trường M&A còn thiếu yếu tố niềm tin

Quang cảnhmột cuộc hội thảo quốc tế về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: T.L

Các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A) đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam nhưng cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn thiếu niềm tin với thị trường này và đây là một trong những lý do khiến số thương vụ M&A trong năm nay sẽ không đạt như kỳ vọng.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, các luật sư của công ty luật Rajah & Tann (Singapore) nói rằng trong nhiều thương vụ gần đây, không phải tất cả công ty Việt Nam đều thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động M&A và thành lập liên doanh.

Ông Brian Ng nói nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn thiếu niềm tin trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam vì các công ty trong nước còn sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng và các công cụ tài chính khác nhau, khiến các báo cáo tài chính và giao dịch kinh doanh của họ không thống nhất.

Ông Brian Ng và ông Christopher A. Muessel - vốn có kinh nghiệm tư vấn cho các công ty nước ngoài trong các thương vụ M&A và liên doanh với các công ty Việt Nam, cùng chia sẻ họ từng phát hiện trường hợp doanh nghiệp trong nước sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau khi thực hiện giao dịch với khách hàng, nhà đầu tư.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp trong nước lại không cung cấp được cho nhà đầu tư nước ngoài thông tin rõ ràng về kết quả kinh doanh và hiệu quả hoạt động, dòng tiền, các hợp đồng với các doanh nghiệp đối tác được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, ông Brian Ng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị thông tin minh bạch về hoạt động và giao dịch kinh doanh trước khi muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Muessel cho biết hiện lĩnh vực nhập khẩu và phân phối, phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, tài chính-ngân hàng ở Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cơ hội đang chờ đợi các nhà đầu tư nước ngoài trong việc xây dựng cảng biển, cầu đường, đường sắt, phát triển nguồn năng lượng và hạ tầng viễn thông.

Cụ thể, chỉ trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam cần phát triển hạ tầng cho ngành này với mức độ đầu tư tăng 15-20%/năm nhưng Chính phủ lại không có đủ nguồn vốn. Tuy nhiên, theo ông Muessel, mặc dù nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến các dự án quy mô lớn nhưng họ phải mất quá nhiều thời gian để hoàn tất các thủ tục cần thiết, bao gồm cả việc chờ đợi để có đủ quyết định đồng ý của các ngành chức năng đối với dự án họ tham gia đầu tư. Ông dẫn chứng một dự án điện tại Việt Nam có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã phải chờ đến 4 năm cho các thủ tục.

Một lý do khác khiến các thương vụ liên doanh và M&A tại Việt Nam không tăng mạnh như dự báo là các công ty từ nước ngoài không tìm được nhiều doanh nghiệp trong nước đủ lớn và đủ sự minh bạch về thông tin để quyết định rót vốn. Theo kinh nghiệm của ông Muessel, các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm các thương vụ mà họ có thể đầu tư khoảng 5-10 triệu đô la Mỹ.

Đề cập về những tác động do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ông Brian Ng nói rằng chính những khó khăn của thị trường cũng thúc đẩy các cuộc thương thảo về M&A và thành lập liên doanh ở Việt Nam thêm nhộn nhịp. Chia sẻ quan điểm này, ông Theng Bee Han, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Malaysia ở Việt Nam, cho biết trong giai đoạn khó khăn hiện nay các doanh nghiệp Malaysia vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường này nhưng họ đã cẩn trọng hơn khi đánh giá thị trường và quan tâm nhiều hơn đến các quy định hành chính.

Trước đó, giới chuyên gia trong nước dự báo các hoạt động M&A sẽ bùng nổ trong năm nay do các nhà đầu tư nước ngoài xem đây là thời điểm mua lại các công ty Việt Nam với giá rẻ và để thâm nhập thị trường Việt Nam được dễ dàng. Dự báo này được đưa ra dựa vào số lượng 345 thương vụ M&A được công bố trong năm 2010 với tổng giá trị giao dịch lên đến 1,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 65% về giá trị so với năm 2009. Các chuyên gia cũng cho rằng kinh tế khó khăn, kinh doanh đi xuống cũng khiến nhiều công ty phải bán cổ phần, liên doanh với đối tác nước ngoài để thực hiện các dự án.

 

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Chiến lược truyền thông xã hội của công ty bạn là gì?
  • Điều gì cản trở phụ nữ làm kinh doanh?
  • Nhãn hàng riêng: Xu hướng tất yếu
  • Quản lý tài chính đối với DNNN: Giám sát nhưng khó... sát
  • 7 rào cản "giết chết" các phi vụ M&A tại Việt Nam
  • Nhìn lại các doanh nghiệp tư nhân: Những điểm yếu cố hữu
  • M&A thời kinh tế khó khăn
  • Quản trị công ty tại Việt Nam: Bao giờ theo chuẩn quốc tế?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com